Thứ Năm, 8 tháng 12, 2016

Ngẩn ngơ với lời bình



                   
                                                             Nhà văn Nguyễn Hiếu
NGẨN NGƠ...  

                       

                      (Nguyên bản)                                                                                 

                                                                                      Nguyễn Hiếu



Ngẩn ngơ tôi chợt nhớ mình

Vì đâu chim sáo biến thành chim di

Gỉ gì gi chẳng là gì

Dọc ngang ai biết cái chi là tình

Sự đời chán hoét buồn tênh

Mênh mông rồi lại cứ mênh mông hoài…!

Thương đời hay lại thương ai

Rõ là đang một hoá hai bóng hình

Đau là ở chốn giá băng

                                Có người đem cả cuộc tình lừa nhau                                      



12/12/1998; Nguyễn Hiếu


                                                                  TS Đường Văn
* Bản đề nghị chỉnh sửa của ĐƯỜNG VĂN

  

CHỮ “TÌNH”  … CÁI CHI CHI!...



NGUYỄN HIẾU



Ngẩn ngơ, ta chợt nhớ mình,

Vì đâu chim sáo thình lình thành… di?

Gỉ gì gi?!..., chẳng là gì?!...

Xưa nay, ai biết cái chi là… tình?!



Sự đời: chán hoét, buồn tênh!

Mênh mông rồi lại cứ… mông mênh… hoài!...

Thương đời, hay trót thương ai?!

Rành rành, đang một hoá hai… bóng hình!



Đau này, gánh xuống u minh,

Có người đem cả cuộc tình… lừa nhau!



12/12/1998. NH

                                      

ĐẢO ĐIÊN,



RIÊNG MỘT CHỮ “ TÌNH”!



ĐƯỜNG VĂN



Dưới cảm quan của kẻ đọc muộn màng trong một chiều đông trở rét cuối năm, vẫn thấy đây là bài thơ hay: Hay không chỉ vì bị điệu lục bát như hát như ru ngọt ngào, ma mị cuốn lôi mà bởi thi cảm đắng đót, lắng sâu ý vị triết lý sự đời, khởi xuất bằng những hình tượng rất thơ và bắt nguồn trong sâu thẳm tục ngữ dân gian, được thức nhận và rung cảm từ khoảnh khắc ngẫu hứng, ngẫu nhiên tuồng như rất vu vơ nào đó!... Tất cả tụ lại thành trạng huống tâm lý – cảm hứng được định danh là ngẩn ngơ và tiêu lên nơi nhan đề mượn từ ca dao trữ tình giao duyên nổi tiếng của người Việt: Chữ “Tình” là cái chi chi?!...




Ta nhớ mình là anh nhớ em, em nhớ anh, chúng mình nhớ nhau, ta nhớ chính mình, mình nhớ chính mình trong ta, trong mình… Hai mà một, một mà hai, hợp ly, ly hợp… Đại từ mình là một trong những đại từ hàm chứa nhiều ngôi, số bậc nhất trong các từ loại tiếng Việt. Tình yêu, tình người, tình đời… muôn đời là thế, cổ lai là thế! Giản đơn mà phức tạp, tự nhiên, tất nhiên mà vô thường… nên nhiều lúc mới bị/được trải nghiệm cái tâm thế lý thú mà buồn cười:… ngơ ngẩn - ngẩn ngơ!

Chim sáo làm sao có thể biến thành chim di (sẻ? sâu? hay là loài chim di cư (Diễm xưa - Trịnh Công Sơn) được? Hóa ra đây là cách nói ẩn dụ, phúng dụ của ngôn ngữ thơ, rằng trong ma trận tình yêu vẫn có thể xảy ra những chuyện lạ đời, tréo ngoe, vô lý như thế! Ai đang yêu, trót yêu, ai đã nên vợ nên chồng... chỉ có thể chấp nhận, nếu không nhất định trước sau sẽ phải chịu thảm cảnh đổ vỡ, chia lìa, thậm chí gia đình xẻ đàn tan nghé!... Khi ấy, kẻ yêu chân thành, da diết, thủy chung sẽ bị rơi vào trạng thái hẫng hụt bởi thất tình, hoặc có tội... sẽ phải tự vấn mình, cật vấn người, tra vấn đời, rồi tuông ra những câu hỏi dồn nén, bức xúc, thốt lên bằng những lời thở than, oán trách mang giọng điệu nhuốm màu khôi hài mà cực kỳ nghiêm túc trong tư duy giác ngộ, lại ngả sang tâm lý bất cần, phủ nhận (chẳng là gì!)… Rốt cuộc, chẳng qua vẫn là những câu hỏi không lời đáp, như ngọn gió siêu hình ngàn năm hoang hoải, thách đố trí tuệ con người…, xưa và nay….!

Hai câu: Sự đời…mông mênh hoài!… phả ra ý vị chán chường cao độ, cô đơn, trọi trơ vò võ vì bị bỏ rơi, vì ngu lâu, vì nát tan, chia lìa, lạ lùng, khó hiểu?!… như làn sóng bể mặn mòi vồ vập bỗng hóa nhạt nhèo, vô duyên, uể oải rỡn đùa bờ cát trắng mịn màng... Nhưng dù sao, đó vẫn chỉ là lối miêu tả cụ thể, theo kiểu cổ điển, truyền thống: vẽ mây nẩy trăng, lấy cái mênh mông của không gian, vô định của thời gian ngõ hầu thể hiện tâm thức hoang vắng, cô liêu của tâm hồn mình.

Đến câu:

Thương đời hay trót thương ai?!

Rành rành, đang một hóa hai… bóng hình!

đã trở lại với tâm lý, tình huống hiện thực đời thường lằng nhằng, rắc rối phức tạp, khó nói, thậm chí bất khả giải… nhưng không hiếm gặp! Đó là tình cảnh trớ trêu mang tên: đồng sàng dị mộng, hay là ngoại tình trong mơ, hoặc Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao (Truyện Kiều). Ở đây, hiện tượng, sự vụ, ca này đã xảy ra không chỉ một lần (từ trót, lại), với mặc cảm mình luôn là người có lỗi, yếu đuối và... rất đáng thương, đáng được cảm thông, chia sẻ và... cho qua!

Hai câu cuối vừa mang tính cảnh báo, đúc rút từ hiện trạng, tình cảnh, gia cảnh đã có, đang có vừa như tiếng thở dài đành phải chấp nhận, thúc thủ, cam phận… chứ còn biết làm sao?!... Bởi: “Tình” là cái chi chi?!... Là cái mà ngay cả không ít những bậc anh hùng hào kiệt như Hạng Vũ, Từ Hải... cũng còn không vượt qua nổi…nữa là! Là khối hồng đau đáu, khối tình Trương Chi mang xuống tuyền đài, chưa tan! (Ca dao)… Nhưng chính tiếng thở dài não nuột, đành chấp nhận sự lừa nhau và được/bị lừa rất đỗi đời thường ấy lại tạo thành ma lực ảo huyền hấp dẫn, quyến rũ mãnh liệt mà lại có thực, nhỡn tiền của tình yêu lứa đôi, tình cảm vợ chồng trong đời thường mỗi chúng ta, mỗi gia đình, từ buổi hoa niên cho đến… suốt đời!…

                                                    ***

 vị nghĩ ngợi - triết lý thâm trầm của 5 cặp lục bát ngẫu cảm mà Nguyễn Hiếu viết cách đây gần 20 năm (12/1998 --> 12/2016), cho đến nay, theo tôi, cơ hồ vẫn tìm thấy và cuốn hút được người đọc hôm nay, phải chăng là ở đó?... Điều này, khi đặt bút ngẩn ngơ, cũng như bây giờ vừa post lên Fb, hẳn người viết cũng không thể hình dung ra được cơ sự! Cái lý thú của loại thơ tùy hứng (vụt hiện (Hoàng Hưng) này nhiều khi lại ngầm găm bên trong những liên tưởng, gợi ý bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng ấy./.

Trèm, 3/12/2016. ĐV



* NGUYỄN HIẾU mail:



Sửa khéo, bình hay, tán giỏi (mở rộng chủ đề), nhấn mạnh và đúng ý vị triết lý thâm trầm, kín đáo của bài thơ. Tự thấy bài thơ buồn quá! Lời bình thì bình tĩnh hơn!

Cảm ơn bạn già quê nhà tri kỷ, tri âm!

(NH - QM, 3/12/2016)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét