Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

Nguyễn Văn Siêu với bài thơ Nhị hà đối nguyệt




Nguyễn Văn Siêu ( 1796 -1872)

Tên tự là Tốn Ban, Hiệu Phương Đình, nguyên người làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, sau thiên cư đến thôn Dũng Thọ, huyện Thọ Xương ( nay ở về vùng các phố Lương Văn Can, Hàng Bạc, Mã Mây, Hàng Giầy trong thành phố Hà Nội), đỗ Phó bảng năm Minh Mệnh thứ chín ( 1828), làm quan đến chức Án sát, có sang sứ Trung Quốc, sau cáo quan về, dạy học trò nhiều người thành đạt. Ông là bạn học với Cao Bá Quát, hai người cùng là nhà văn lỗi lạc, nên thời ấy có câu : “ Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán” ( Văn như Siêu và Quát, thì đến văn đời Tiền Hán cũng không giá trị gì – có sách  chép Tiền Tấn)

          Tác phẩm của Nguyễn Văn Siêu gồm có : Phương Đình thi thoại, Phương Đình thi tập, Phương Đình văn loại, Phương Đình tùy bút lục, Phương Đình thi văn tập, Phương Đình địa chí, Phương Đình địa dư toàn biên…

Bài thơ Nhị hà đối nguyệt trích trong Phương Đình thi tập.



NHỊ HÀ ĐỐI NGUYỆT

Duyên lưu yên hỏa thiên thôn quýnh

Bạc phố châu phàm vạn lí thông

Lao lạc khách tình đương ngạn bắc

Bồi hồi phiến nguyệt tự giang đông

Vân đê viễn thụ tà khuy thủy

Thiên khoát cao lâu dị đáo không

Vũ trụ khan lai hữu chi lạc

Tiêu thâm ý vị hữu thùy đồng

Dịch nghĩa

Ngắm cảnh trăng trên sông Nhị Hà

Hàng nghìn thôn xóm xa xa, lập lòe khói lửa hai bên sông

Thuyền bè đậu trên bến, giao thông với ngoài muôn dặm

Tình khách chơi vơi trên bờ Bắc

Mảnh trăng lơ lửng phía đông dòng sông

Áng mây rà thấp, bóng cây xa dòm nghiêng xuống nước

Bầu trời rông lớn, ngồi lầu cao dễ chạm tới tầng xanh

Cảnh vũ trụ xem ra rất vui thú

Cái ý vị lúc đêm khuya có ai giống ta không?



Lời bình của Vũ Nho

Đây là một bài thơ ngắm cảnh trăng trên sông Nhị Hà ( Nhĩ Hà) tức sông Hồng. Chắc là trăng phải rất trong và sáng nên cảnh vật mới hiện ra lồng lộng, xa xa. Không gian trước mặt thi sĩ là một không gian rộng, có ánh lửa  khói lập lòe của hàng ngàn thôn xóm trù phú hai bên bờ sông. Còn trên các bến sông là thuyền bè neo đậu  sẽ tỏa đi muôn dặm.  Cảnh hùng vĩ đó làm cho tình cảm của thi sĩ như chơi vơi trên bờ Bắc. Trên không gian cao hơn là mảnh trăng lơ lửng phía Đông dòng sông.

                                  Vũ Nho Chủ trang




Điều độc đáo là vị trí ngắm cảnh của thi nhân. Không phải là trên thuyền, cũng không từ một góc sân, hay từ một căn nhà. Vị trí đó là một tầng lầu cao ngất có cảm giác như chạm vào bầu trời xanh:

          Thiên khoát cao lâu dị đáo không

          Bầu trời rộng lớn, ngồi lầu cao dễ chạm tới tầng xanh

Một hình ảnh thơ thật hoành tráng, lãng mạn.

Ở nơi cao đó nên mới thấy mây như thấp xuống, và có thể nhìn thấy bóng cây như  soi nghiêng xuống mặt nước sông. Câu thơ gợi nhớ hình ảnh đẹp cổ điển trong bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu : “Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ” mà thi sĩ Tản Đà sau này dịch  Hán Dương sông tạnh cây bày. Chỉ có khác chăng là đây là cảnh đêm trăng nên  “ bóng cây xa dòm nghiêng xuống nước” sẽ không thật nét.

          Hai câu kết bài thơ, người viết khẳng định vẻ đẹp rất thú vị của đêm trăng sông Hồng. Và tự hỏi, có người nào đồng cảm, cùng thấy sự ý vị của cảnh vật như mình hay không. Đây chính là loại câu hỏi để một lần nữa nhấn mạnh cảnh ngắm trăng trên sông Hồng lúc đêm khuya từ một lầu cao là hết sức thơ mộng, hết sức thi vị. Và đó cũng chính là tình cảm của một người yêu đời, yêu quê hương, yêu Hà Nội trong khoảnh khắc “ Nhị Hà đối nguyệt”.

                                                                      Hà Nội, 12/2018

         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét