Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TẾT TRÈM QUÊ, RỦ NHAU RA ĐÌNH XIN LỘC





TẾT TRÈM QUÊ,

                            RỦ NHAU RA ĐÌNH XIN LỘC

                                                                 (Tản văn)
ĐƯỜNG VĂN

Thực ra, phong tục tập quán văn hóa và ẩm thực Tết truyền thống  xưa ở mỗi vùng miền nước Việt Nam ta có nhiều nét tương đồng, gần gũi giống nhau. Tuy nhiên, ở một số làng quê hay thị thành vẫn hình thành và hiện tồn một vài nét riêng khác biệt ít nhiều. Chính sự khác biệt đó, dù chỉ là đại đồng tiểu dị, nhưng vẫn đủ mang lại sự đa thanh, đa sắc, đa dạng, sự thú vị và niềm tự hào riêng về đặc sắc văn hóa dân gian của mỗi làng quê, mỗi vùng miền nói riêng, của đất nước và các dân tộc Việt Nam nói chung. Phong tục Tết Nguyên đán và mừng xuân mới ở làng Trèm quê hương tôi (nay là phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), về đại thể, cũng na ná như tập quán đón Tết vui xuân tại các làng xã dọc dải Hữu Hồng từ Đan Phượng, Thượng Cát xuôi Vẽ, Sù, Gạ, Nhật Tân, Tứ Liên, Quảng Bá, vòng sang  Bưởi, Nghiã  Đô, Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế , về Tây Tựu, Minh Khai, Phú Diễn...


                                                     Đường Văn
 
Tiễn đông Mậu Tuất đang qua, chào xuân Kỷ Hợi sắp về, tôi lại bồi hồi nhớ tới hai phong tục mang đậm dấu ấn riêng của quê Trèm tôi. Đó là tục giao thừa rủ nhau ra Đình làng  xin lộc Thánh và tục nấu cháo se chiều  mồng 1 hoặc mồng 2. Tôi nghĩ tục hái (xin) lộc giao thừa hoặc đầu xuân thì nơi nào trên khắp nước Việt ta mà chẳng có từ lâu, nhưng khác nhau có lẽ là ở chỗ xin (hái) lộc ở nơi nào, thời điểm nào và cách hái (xin) ra sao mà thôi.
Tết Nguyên đán xưa ở làng Trèm quê tôi, một trong những phong tục được dân làng thực hiện rất nghiêm cẩn và đầy hào hứng là từng nhà, từng nhóm bạn, từng cặp vợ chồng hoặc đôi bạn đang yêu nhau, hoặc anh em, chú bác... náo nức chuẩn bị và rủ nhau ra Đình (Đền) Trèm lễ Thánh, xin Đức Thánh Lý Ông Trọng tối linh ban chút lộc vào thời khắc giao thừa thiêng liêng. Sau khi vào cung thắp hương, thành kính lễ bái, cầu xin, từng người, từng đôi, từng nhóm lần lượt ra bên Gảnh Đình (bờ sông Cái (Hồng), chọn hái một nhành đa vừa ý trên cây đa đang trở thành cổ thụ được trồng cạnh Tứ trụ oai nghiêm. Giữa đêm sâu mờ ảo, tay nâng niu cành đa vừa ngắt, thong thả trở về nhà với niềm vui lâng lâng, một ước vọng mơ hồ nhen nhóm về năm mới an lành và những dự định thầm kín cho tương lai, cho gia đình, mẹ cha, vợ con sẽ có thể thành hiện thực. Trong niềm bâng khuâng hoài cựu, bỗng nhớ mấy câu thơ tình tứ, trẻ trung của Chế Lan Viên viết từ giữa những năm  60 thế kỉ trước: “Đợi đến giao thừa/Ta đi hái lộc/Nhựa cành đang tơ/Biên giới thời gian/Tiếp giáp hai mùa/Giọt sương năm cũ/Mùi hương năm mới/ Cùng nằm bên hoa”.
Lại bùi ngùi nhớ bài thơ buồn khắc khoải Tết Trèm xưa của chính mình:Chồng giã chả, giò, vợ kho cá chép,/Cha lau ban thờ, mẹ cán cháo se,/Chiều 30 chạp, bộn bề/Giao thừa, cả nhà ra Đình xin lộc:/Cành đa đầu năm xanh mộng /Tết Trèm xưa, /mỗi nhớ, mỗi bồi hồi”!
Trang trọng cắm nhành đa có đủ cả lá non, lá bánh tẻ, lá già (tình cờ ngắt trong bóng đêm mờ mà sao khéo thế?) lên chiếc lọ lục bình cổ đặt trên ban thờ, cung kính khấn cầu Tổ tiên phù hộ cháu con năm mới phúc lộc thọ khang ninh. Vợ chồng cùng nhau uống chung một chén hạt mít rượu mùi (hoặc vang), sau khi hạ lễ cũng giao thừa, rồi mới tắt ti vi, đi nghỉ... Trước khi buông màn, vợ vẫn khéo nhắc chồng mai mồng một vẫn phải dậy sớm để lấy may ngày đầu năm và kịp sửa lễ cúng ông bà, Tổ tiên.
Có năm, vừa bước xuống chân đê, tôi chợt thấy chú Ba Kiện láng giềng đang vác trên vai một cành đa to, dài thườn thượt, rung rinh lá sum sê, xòa kín cả đầu. Ngạc nhiên, tôi hỏi: - Sao chú bẻ cành lớn thế? Không sợ lãng phí, phạm quy à? – Em biết! Nhưng mà em đã cố xin Thánh và Ngài đã rộng lòng chuẩn cho rồi. Vì Ngài thương em vừa mới sắm được cái độc bình Giang Tây cao những mét rưỡi, bác ạ. Tôi chỉ còn biết cười gượng, lắc đầu vì cái sự chơi Tết làm sang thời @ , 4.0 của gã nông dân làng Trèm (mới lên phường được vài ba năm nay) vừa thu gọn được món tiền cho thuê hơn 20 phòng trọ. Nhưng không phải ai cũng có dịp may mắn được xin lộc lúc giao thừa, thì trong ngày mồng 1, mồng 2... cho đến ngày mồng 7 – khai hạ, người dân Trèm vẫn lựa dịp để rủ nhau ra Đình lễ Thánh, xin lộc cành đa như một nghi lễ quan trọng không thể thiếu.
Làng Trèm tôi có mấy món ẩm thực nổi tiếng khắp vùng: giò lụa, cháo se, chè kho, chè lam... đặc biệt được sử dụng làm lễ vật, đồ dâng cúng trong các dịp lễ, tết, hội Đình. Ca dao Hà Nội có câu: “Giò Trèm ai gói xinh xinh/Nắm nem làng Vẽ đậm tình quê hương”. Tục ngữ nói ngắn gọn hơn: “Giò Trèm, nem Vẽ”. Trên mâm cỗ cúng Tổ tiên sáng mồng 1, mồng 2 Tết của mỗi gia đình không thể thiếu đĩa giò lụa (nạc), đĩa giò hoa (mỡ) bên cạnh đĩa thịt gà luộc vàng rộm, bát canh mọc, bóng, chiếc bánh chưng xanh mướt... đặt bên cạnh đĩa nhỏ dưa hành trắng nõn. Cả nhà vui vẻ thụ lộc xong, cùng đi chúc tết họ hàng, láng giềng trong làng, ngoài xóm, qua trưa có khi kéo luôn đến tận cuối chiều. Bữa chiều, mẹ bảo đổi món cho nhẹ bụng. - Ông và các con muốn ăn gì nào? Bố và bốn anh em chúng tôi cùng ồ lên: - Cháo se!- Mẹ ơi! Cháo cái ạ! - Tôi biết ngay mà! Mẹ cười. Tôi đã dặn con dâu, con gái đã chuẩn bị sẵn đâu đấy mọi thứ cả rồi. Chỉ còn việc nấu lên, ăn cho nóng sốt... Và chỉ khoảng 10 phút sau, cả nhà chúng tôi đã ngồi quanh mâm cháo se bốc khói ngùn ngụt, hương gạo tẻ quyện mùi tôm he tỏa lên thơm ngát. Húp bát cháo nóng hôi hổi, nước dùng sánh, ngọt lừ vị xương lợn hầm lâu, ngắm những con “cái cháo” mềm, thanh, dẻo nổi trong lòng bát, ăn một lại muốn ăn hai mà không thấy chán. Cháo se (cái) là một trong những món ăn dân dã, ngon lành, giản dị mà người Trèm chúng tôi vô cùng ưa thích không biết từ đời nào. Hầu như trong mấy ngày Tết, nhà nào cũng nấu một hai nồi để ăn cho nhẹ bụng. Bố tôi vừa kịp cầm cái tăm thì đã nghe tiếng chào rộn rã ngoài sân. Nhìn ra, đã thấy các chú cô trong họ nội tộc đến chúc Tết ông bà Trưởng họ.
Trên bàn nước tiếp khách, ngoài bình rượu vang, lọ chè Thái, hộp bánh kẹo, bao thuốc lá vẫn thấy, như thường lệ,  bày đĩa chè kho, đĩa chè lam, hai món chè này cũng có thể xem là đặc sản ẩm thực của xứ Trèm. Chè kho tơi xốp, ngọt dịu, chè lam dẻo quánh, ngọt đậm. Nhấp ngụm nước chè thơm ngát, thưởng một khẩu chè kho hay chè lam, tùy thích, khách vui vẻ nói đôi lời chúc ông anh, bà chị và các cháu một năm mới an khang thịnh vượng mà thấy tình thân ruột thịt trọng họ ngoài làng càng thêm ấm áp, gắn bó. Chú tôi nhìn cành đa lộc trên ban thờ, nói với bố tôi:
- Cành lộc của nhà bác năm nay đẹp quá! Đêm qua giao thừa, em bị cảm mạo, chưa ra lễ Đình, xin lộc được. Sớm mai, em nhất định phải ra lễ tạ và xin Đức Thánh một cành đa cho năm mới Kỷ Hợi, xin Đức Ngài phù hộ cho cả nhà ta, họ ta, làng ta... được mạnh khỏe, cát tường.
- Phải! phải! Cứ như ý tôi thì mỗi giao thừa, dân Trèm ta rủ nhau ra Đình lễ Thánh, xin lộc cành đa và ăn cháo se ngày Tết có lẽ không chỉ là những việc tốt lành nên làm mà còn là những phong tục văn hóa quý đẹp, nhân văn cần lưu giữ, bảo tồn và phát huy trong hiện tại và tương lai./.

Trèm - Thụy Phương, ngày tận, tháng cùng, năm 2018.
ĐV


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét