Thứ Ba, 16 tháng 2, 2021

GIẢI THIÊNG

 


GIẢI THIÊNG

                                   

                                          Truyện ngắn của Vũ Thiện Khái

 

                                   

     Nửa đêm về sáng. Đầu giường nổ dòn dã một hồi chuông điện thoại. Đúng lúc tôi đang chìm vào giấc mơ cụ muỗm cổ thụ đầu xóm đổ cái rầm. Không giông, không bão, mà cây dăm trăm tuổi lăn đùng ra chết, lạ thật. Ngồi bật dậy, cầm ống nghe, tôi nhận ra tiếng thằng cháu ngoài quê gọi vào. Giọng nó hoảng hốt gấp gáp như sợ có người cướp máy: Chú ơi, làng ta xẩy ra chuyện lớn rồi. Căn nhà ông Chuột Nhắt bạn chú, bị đào sâu hoắm. Vàng bạc, châu báu chúng nó cuỗm sạch bách. Chỉ còn một cái vỏ chum không với đống nhựa thông lổn nhổn. Tôi ngắt lời cháu: Lão ấy ba đời nghèo rớt mồng tơi, lấy đâu ra vàng bạc? Nó chả thèm giải thích, lại còn lên giọng coi thường tôi đã là lão già lẩn thẩn: Giời ạ… Đến bây giờ chú còn tư duy cũ kỹ vậy. Cái gì mà chẳng thể xẩy ra. Thì chú cứ về quê sẽ thấy. Nói qua điện thoại không hết câu chuyện ly kỳ này được đâu chú ơi! Rồi nó cúp máy.

Ngồi ngẩn người lìên hệ với giấc mơ vừa rồi, bất giác tôi kinh ngạc nhận ra có một sự thông linh đến lạnh sống lưng. Cây muỗm trước cửa miếu Bà Nàng gốc to mấy người dang tay nối  nhau mới khít một vòng, tự nhiên đổ kềnh trước mắt tôi. Chóp ngọn nó cao vút tưởng chạm mây xanh, nháy mắt đã nằm rạp, cách mép hè nhà Chuột Nhắt chỉ vài gang tay. Căn nhà ngói ba gian cũ kỹ của lão rung bần bật mà không đổ sập. Đã biết chỉ là chuyện trong mơ, tỉnh rồi, ngồi tần ngần giữa gian buồng kín đáo, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng. Bên trong hai lỗ tai còn lùng bùng tiếng dội kinh hoàng của cả cái thân cây đồ sộ nghêu ngoao những cành to bằng cột đình bổ nhào, cắm phập vào mặt ruộng nứt toác đang kỳ khô hạn.          

Hơn nửa thế kỷ trước, Tôi với Chuột Nhắt là bạn chăn trâu cắt cỏ. Nó kém tôi dăm tuổi. Vẫn bị tôi xếp vào loại chíp hôi. Bố Chuột Nhắt nuôi rẽ con bò cái, khi nào có bê con, chủ bò bán bê chia cho một nửa. Năm hai vụ, giống bò chỉ cày bừa được vài đám ruộng màu, đồng sâu lún thụt chịu chết không lội nổi, nên chả kiếm được mấy đồng. Từ cha chí con tứ thời đói rách như tổ đỉa. Tôi học lên cấp hai, Chuột Nhắt mới vào lớp một. Nhưng mà nó khôn lỏi nhí nhắt hơn chuột nhắt. Bọn chúng tôi chỉ được mẽ lêu đêu to xác, chẳng đứa nào ranh ma bằng nó. Nhớ một chiều mấy đứa nằm duỗi dài chụm đầu vào nhau trên mặt đê, úp nón che mặt thiu thiu ngủ. Bỏ mặc đàn trâu bò vẩy đuôi thung dung gặm cỏ ngoài bãi sông Nguồn. Bỗng nhiên thằng Chuột Nhắt ngồi bật dậy ré lên một tràng cười chói tai. Ngớt cơn cười, nó lật nón từng đứa thì thào hớt lẻo: Em biết chuyện này hay lắm cơ. Các anh muốn xem em chỉ chỗ cho. Tôi làu bàu: Thằng nhóc phá bĩnh, để cho chúng ông ngủ. Em nói thật đấy, trắng trắng là, ban đêm tối om mà nhìn tay chân mình mẩy cứ như củ cải ấy. Thằng lớn nhất bọn háo hức nghển cổ tò mò: Mày bảo cái gì trắng lôm lốp? Nhưng mà anh không được bảo em lẻo mép đấy nha. Em thấy họ hôn  nhau chùn chụt rồi lủi vào bên trong miếu Bà Nàng. Lát sau em nghe tiếng xột xoạt, tiếng rúc rích cười, tiếng thở phì phà đằng sau bệ thờ Bà. Em hết sợ ma, lén mò vào sát hậu cung, eo ơi, một người lưng như cánh phản đen kịt đè lên một người trắng như lợn cạo. Em vớ cục phân bò khô ném vào trong ấy rồi chạy biến. Chuyện ấy tôi chả quan tâm, lại úp nón ngủ tít. Chả biết hai thằng hẹn nhau thế nào, buổi chăn trâu hôm sau chúng nó cứ nhìn nhau cười tủm tỉm. Thằng kia dứ dứ nắm tay chỉ vào mặt Chuột nhắt: Bí mật, đừng rủ đứa nào, tối nay chờ tao nhá.

Chả biết chúng nó có bép xép với ai không. Dưng mà cả làng đã biết từ tám hoánh cái đôi lén lút tư tình ấy là ông trưởng xóm và vợ ông hàng mã. Đâu như vào năm ta tiến hành tiêu thổ kháng chiến chống Pháp, vợ chồng ông hàng mã ấy chạy tản cư đến làng tôi. Nhắm gần chợ, lại xa đồn bốt giặc, ông ta xin ở nhờ căn nhà nhỏ ông tôi cất ngoài cổng làng cho cô tôi làm chỗ bán hàng lặt vặt, bấy giờ loan lạc bỏ không. Lúc ấy tiếng rằng vẫn bì bọp tiếng súng chỗ này chỗ nọ, nhưng chợ Xanh vẫn đều đặn họp mỗi ngày. Làng vẫn có ma chay, giỗ chạp vẫn phải cần đến giấy tiền, giấy bạc cúng kiếng vong linh. Nên vẫn có việc cho ông hàng mã khéo tay ngày ngày gò lưng cặm cụi từ sáng sớm đến canh khuya làm những con ngựa, những hình nhân mỹ nữ cho cô vợ sáng sáng xếp vào đôi bồ quảy đi các chợ. Do phải ngồi riết trong nhà như cây cớm nắng, nên ông ta nước da xanh rớt, chân tay gầy ngẳng và ho sù sụ suốt. Vợ ông thì ngược lại, về đường nhan sắc, chị ta chỉ có mỗi nhược điểm hai con mắt nhỏ tí, nhưng được hai hàng lông mi dài muợt phủ bóng nhung huyền, lại hoá ra ưu diểm mơ màng quyến rũ đến chết người. Các bộ phận khác trên cơ thể chị ta đều hoàn hảo không chê vào đâu được. Từ đôi lông mày lá liễu, khuôn mặt nhẹ nhõm với đôi má hồng hồng, cho đến tứ chi, đoạn thì mây mẩy, đoạn thì tròn lẳn, trắng nõn như búp măng vừa bóc vỏ. Hình như chị ta cũng biết được ưu điểm vượt trội của mình ở chỗ nào, quyến rũ ở chỗ nào. Mỗi lúc nhà có đông những ông khách đến chơi, ngồi dai, uống nước vặt, chị ta hay kiếm cớ đong đưa đi lại ngầm khiêu khích. Trời không nóng lắm, cũng kêu nực đổ mồ hôi, rồi xắn hai ống tay áo lên cao, để lộ hai búp tay mịn màng tròn trịa. Khiến từng đôi mắt đàn ông không giấu được vẻ thèm thuồng, cứ như bị chị ta quệt hồ dán vào những chỗ da thịt cố tình để hở. Tới ngày chiến tranh chín năm kết thúc, vợ chồng ông hàng mã không hồi hương, nói rằng ở đây dễ làm ăn hơn. Mấy năm sau, làng xây dựng hợp tác xã, vận động xoá bỏ mê tín dị đoan, cấm ngặt đốt vàng, đốt mã. Chị hàng mã ấy chỉ dùng độc một chiêu xắn tay áo, xắn ống quần lên cao đúng lúc, đúng chỗ, thế là đôi bồ hàng như có phép thần cứ nhún nhảy lọt qua mấy anh quản lý thị trường, có mặt khắp chợ xa chợ gần, úp úp mở mở bán những xấp áo chúng sinh bằng giấy xanh xanh đỏ đỏ.

Vào khoảng đầu thế kỷ trước, một sớm có đôi vợ chồng trẻ chẳng rõ gốc tích, dắt nhau đến làng tôi xin ngụ cư. Anh chồng dáng vẻ thư sinh, mặt mũi sáng sủa nhưng đôi mắt toét nhoèn đỏ nhỡn. Chị vợ cục mịch kiểu người lam lũ. Ông lý trưởng ra điều kiện: Chịu làm chân rao mõ thì ưng thuận. Anh chồng xin vâng. Bên ngoài lũy tre đầu làng tự thượng cổ đã sẵn một cái gò rộng chừng hơn sào bắc bộ, mặt gò cao hơn mặt ruộng chừng vài thước ta. Trên ấy mọc chẳng ra hàng lối nào toàn một loại cây duối họp thành rừng cổ thụ. Ông lý bảo: Tạm giao cho anh khu gò duối. Để làng cắt dân phu làm cho một nếp nhà ở đấy. Nhớ đừng động chạm vào những cây duối ấy. Ma vật gẫy cổ đấy. Chợt nhớ đến phận sự, ông lý hỏi tiếp: À mà anh tên gì để làng ghi vào sổ? Dạ con tuổi Tý, xin cụ cho con tên Thử. Anh biết chữ Nho à? Dạ phận mõ khán con đâu dám ạ. Sau này, người ta nhận thấy nhà khán Thử có hai điều lạ. Thứ nhất, con cháu ông ta đều sinh năm Tí. Đời nào cũng được nhõn một thằng con. Khán Thử lấy tên Tí đặt cho con mình. Khán Thử về già, khán Tí nối nghiệp rao mõ, cũng chỉ được một thằng con, lại cũng sinh đúng vào năm Tí. Khán Thử lấy tên Chuột đặt cho cháu nội mình. Tức thằng Chuột bây giờ. Bọn trẻ chúng tôi thấy nó ranh mãnh, nhí nhắt nên gán cho cái biệt danh Chuột Nhắt. Cái lạ thứ hai, ba đời nhà thằng Chuột Nhắt đều mắt toét. Ông nội mắt toét. Bố nó mắt ba vành sơn son. Đến thằng Chuột Nhắt lại mắt cạp tây điều. Ngày ấy mấy bà hàng tấm chợ Xanh đưa về bán loại vải phin chiều ngang rộng một mét, mỗi đầu cây vải in hình ông Tây đội mũ phớt, vểnh râu dê, màu trắng gọi là vải Tây cống, màu đỏ gọi là vải Tây điều. Hễ ai mắt toét người làng ví von mắt cạp tây điều. Chúng tôi đã gọi nó Chuột Tây điều. Sau thấy đùa kiểu ấy tội nghiệp quá, mới đổi thành Chuột Nhắt.

Thời điểm chiến tranh chống Mỹ đi vào giai đoạn ác liệt, tôi học chuyên môn cầu đường, được điều vào chiến trường phụ trách kỹ thuật của đoàn dân công hỏa tuyến dặt ống xăng dầu dọc tuyến Trường Sơn. Thằng Chuột Nhắt mắt toét không đủ tiêu chuẩn đi bộ đội, phải biên chế vào đơn vị ấy. Tôi và nó trở thành đồng đội với nhau. Ngày ngày làm việc bên cạnh những quả bom nổ chậm. Không hiếm lần chúng tôi nằm che cho nhau dưới những chùm bom u ú trên đầu. Nhiều đêm phải vật lộn tới sáng hàn gắn những đoạn ống bị bom phá huỷ. Sự sống, cái chết cách nhau gang tấc. Hiếm hoi được đêm yên tĩnh, chúng tôi mắc võng song song bên nhau ôn chuyện quê nhà. Năm ấy Chuột Nhắt đã ngoài hai chục tuổi rồi. Một tối nó rủ rỉ: Có thể em sẽ chết mà không biết mùi gái gú anh ạ. Tôi mủi lòng: Thế mày đã có hẹn hò với em nào chưa? Nó tủi thân bộc bạch: Mắt cạp Tây điều như em, gái nào nó thèm lấy. Nghe vậy, tự nhiên tôi thấy thương nó vô cùng. Tôi im lặng giả vờ ngủ. Nhưng mà nó nhoài người ghé sát võng tôi hổn hển: Anh ạ, chẳng hiểu sao đêm nào em cũng mơ thấy chị vợ ông hàng mã trắng lôm lốp như cục bột nằm rên ư ử trong hậu cung miếu Bà Nàng ngày ấy. Được lấy chị ta làm vợ thì mới thoả đời em. Tôi gạt phắt: Tư tưởng bệnh hoạn. Chị ấy hơn mày gần hai chục tuổi đấy. Tỉnh lại đi. Đồ nhóc con dở hơi.

Sáng hôm sau máy bay B52 ném bom rải thảm chà đi chà lại. Tôi bị thương gẫy chân. Không có thằng Chuột Nhắt liều chết cõng tôi vượt qua hai quả đồi thì đã thành liệt sĩ rồi. Tôi chịu ơn nó từ những ngày gian lao máu lửa ấy.

Sau giải phóng Sài Gòn, tôi về học tiếp chương trình bỏ dở, rồi được phân công vào thành phố Hồ Chí Minh công tác. Ngày ấy thông tin cho nhau chỉ bằng thư từ. Mà cũng chệch choạc lắm, nên khoảng chục năm sau, tôi về thăm quê mới té ngửa chuyện vợ thằng Chuột Nhắt chính là chị vợ ông hàng mã năm xưa. Ông anh tôi kể: Đúng là cả mái hại sống. Ông hàng mã khò khè ấy bị chết vì chứng thượng mã phong đã mấy năm rồi. Chưa đoạn tang chồng, bụng chị vợ đã to lùm lùm. Chị ta khai cha đứa bé là thằng Chuột Nhắt. Thằng Chuột Nhắt hớn hở công nhận như vậy. Thấy nó lớn tuổi rồi vẫn lêu têu không vợ không con, chúng tao vun vào cho họ nên vợ nên chồng. Bây giờ nhà nó thêm đứa con gái nữa rồi. Đứa con đầu của nó trắng trẻo, bụ bẫm lắm. Nhưng mà sau gáy thằng bé có cái bớt bằng vảy ốc nhồi, đen đen như da chó. Giống y chang miếng bớt đóng dưới dái tai anh hàng thịt chó ngoài chợ Xanh. Ai cũng nghi nghi thằng nhỏ không phải con Chuột Nhắt.

Tôi đến chơi nhà Chuột Nhắt đúng lúc vợ nó đang cho con gái bú. Bỏ vú mẹ, đứa bé lón cón chạy xà vào lòng bố. Gặp tôi, Chuột Nhắt mừng rỡ, híp mắt cười hở cả hai hàm răng chuột. Chị hàng mã hình như có ý ngượng, núng nính cặp mông đi xuống bếp đun nước mời khách. Tôi nhìn theo chị, đang vào độ sắp mãn xuân thì, mình mẩy chỗ nào cần nảy nở thì da thịt cứ nây nây hết cỡ. Nhờ có nước da trắng nõn nên trông chị vẫn phơn phớn mỡ màng bất chấp tháng năm, tuổi tác. Quay sang thằng Chuột nhắt, hai vai nó mỏng dính, cái lưng xùm xụm gợi cho tôi thoáng nhớ tới ông hàng mã năm xưa, thầm xót xa lo lo cho nó. Nhưng bắt gặp ánh mắt nó lấp lánh mãn nguyện hạnh phúc, tôi lại có bụng mừng mừng. Chợt nhớ lời tâm sự nóng bỏng nó phả sang võng tôi đêm Trường Sơn ấy, tôi định nói: Bây giờ mày được thỏa đời rồi chứ? Nhưng im lặng.

Dăm năm sau, tôi về làm đám tang ông anh. Xong xuôi công việc, tôi ra thăm thằng Chuột Nhắt. Cảm thấy không khí nhà nó lạnh tanh, vắng vẻ. Chưa hỏi nó đã kể lể, giọng điệu chẳng vui, cũng chẳng buồn: Bỏ đi rồi. Vợ em nó bỏ đi rồi. Đi theo thằng bán thịt chó ngoài chợ Xanh rồi. Bây giờ em nuôi hai cháu. Bị vợ bỏ mà phúc tổ nhà em, anh ạ. Em hết chịu nổi. Em ho hen khò khè tưởng chết đến nơi. Bà ấy thì cứ như chiếc nùn rơm ngún lửa, đêm nào cũng nóng bỏng đòi hỏi. May mà thằng thịt chó bỏ con vợ già, quyến người tình cũ lặn mất tăm mất tích. Hai năm rồi. Bây giờ em chỉ còn lo làm ăn gây dựng tương lai cho hai đứa nhỏ thôi. Tôi nhìn thằng bạn, đôi mắt buốn buồn, chân tay, người ngợm đã có da có thịt, không cóm róm nhem nhếch như lần trước tôi gặp nó.

Năm ngoái tôi về quê ăn tết. Đến nhà Chuột Nhắt, tận mắt chứng kiến gia cảnh nó đổi mới đến ngỡ ngàng. Chỉ còn dỡ tung ba gian tre nứa ọp ẹp, đúc bê tông nữa là chẳng còn tí dấu vết cái nhà tranh rách nát kinh niên một thuở. Vừa gặp mặt, nó đã nở nụ cười rất tươi chỉ chỏ khoe đủ thứ. Ngồi chưa nóng chỗ, nó đem ra bình rượu to đùng màu vàng ánh, bên trong lơ lửng củ nhân sâm cỡ bông hoa chuối. Tí tởn khoe: Của mấy anh kỹ sư cho đấy. Nghe nói giá chục triệu. Rồi kể thêm: Thằng con lớn được bổ nhiệm trưởng trạm khuyến nông huyện. Lương lậu chẳng là bao, nhưng mấy tháng nay được ba chuyên gia nông nghiệp người nước ngoài về làng mình triển khai dự án thí điểm cánh đồng sản xuất các giống lúa chất lượng cao, cũng kiếm được khơ khớ. Họ trực tiếp đầu tư vốn liếng, dân mình chỉ biết góp ruộng, làm công cho họ. Tiền thuê ruộng họ tính cao giá lắm. Ký kết rồi, nhưng chưa hộ nào lĩnh được tiền. Họ bảo sẽ khai phá gò duối để xây toà nhà đồ sộ mấy tầng lầu làm viện nghiên cứu tổng hợp zen. Tạm thời họ ở tạm nhà em. Bàn ghế, giường tủ đời mới này họ mua sắm cả đấy. Lúc ấy thằng con trai Chuột Nhắt đang ở cơ quan. Nhà chỉ có đứa con gái đã hai mươi mấy tuổi vẫn chưa chồng con gì. Lúc con bé đỏ mặt hí hí cười một mình đi ra đi vào, lúc đứng vịn tay vào cành duối cạnh ngõ quay mặt ra đường, vẻ nôn nóng chờ ai đó. Con gái nhà nông mà nó diện quần zin áo thung bó sát người thế này, xem ra vận hội nhà Chuột Nhắt đang hồi phát đạt. Phải công nhận con bé giống mẹ như đúc. Nếu không bị đôi mắt toét ba vành thì nó còn đẹp hơn mẹ. Tôi hỏi Chuột Nhắt: Thời buổi thành tựu y học tiến vù vù, sao không cho con bé đi chữa mắt? Chuột Nhắt thở dài: Ngày nó còn nhỏ, lo ăn còn chẳng xong. Bây giờ cứng tuổi rồi. Đi mọi chỗ rồi. Họ bảo do zen di truyền, Hết cách. Tôi an ủi: Con bé xinh xắn thế, chắc mày kén chọn kỹ quá nên nó muộn chồng? Kén chọn gì đâu anh ơi, nó bị dở người đấy. Cả ngày không cười hi hí thì nhởn nhơ đuổi bướm, đuổi chim trong rừng duối. Tôi chẳng biết mở miệng an ủi nó thế nào nữa. Lúc ra về, vòng qua lối miếu Bà Nàng, tôi phải lách chân tránh chiếc xe mô tô kềnh càng, hai bánh to như bánh ô tô du lịch đậu chắn ngang đường. Cạnh chỗ cái xe, một người đàn ông cầm tờ giấy rộng bản vẽ những đường ngang dọc, vẻ mặt đăm chiêu. Hai người kia cùng nhướng hai đôi mắt một mí ngước lên ngọn muỗm, tay chỉ chỏ về phía nhà Chuột Nhắt. Rồi cả ba chụm đầu tranh luận với nhau bằng thứ tiếng tôi nghe giống giống ngày còn học phổ thông, chúng tôi thường đùa nhau: Lảo xư, lảo xư lưa tí xỉn, hảo xư cù. 

Cây muỗm trước cửa miếu Bà Nàng cách sân nhà Chuột Nhắt chừng vài trăm mét. Lúc ấy chiều đã muộn, nắng hoe hoe nhuộm màu vàng nhạt mấy tầng lá trên cao. Ruộng ngô nằm giữa nhà Chuột Nhắt với miếu Bà Nàng đang kỳ trổ cờ lắt lay trước gió. Tán cây Muỗm đổ một vùng đen xậm tới sát chân gò duối. Tự cổ, giữa gốc muỗm và ngôi miếu Bà Nàng đã có cái giếng rộng cỡ gian nhà. Thành giếng xây bằng đá ong. Miếu Bà Nàng có tự bao giờ, cây muỗm đã bao nhiêu tuổi, chả ai biết được. Cụ tôi bảo các cụ xưa truyền lại, ông tôi bảo cụ tôi kể lại, đến cha tôi lại bảo ông tôi kể rằng: Cụm quần thể gồm cây muỗm, ngôi miếu, cái giếng và khu rừng duối là chỗ ông quan thái thú chôn giấu vàng bạc chưa kịp đưa về nước. Chả ai biết chum châu báu ấy ở chỗ nào. Chỉ truyền tai nhau rằng chốn này thiêng lắm. Rằng ngày xưa bọn nó bắt một cô gái đồng trinh, cho ngậm nhân sâm rồi nhốt dưới hầm sâu cùng với một chum nước. Sau một trăm ngày, chum nước cạn, cô gái ấy chết, hoá thành nữ thần canh giữ kho vàng bạc cho chúng. Lúc còn nhỏ, nhiều đêm tôi đi qua gốc muỗm, qua khu gò duối um tùm, chưa bao giờ gặp chuyện gì rùng rợn. Vậy mà cứ hỏi mười người làng thì ba, bốn người xưng xưng tận mắt thấy ma hiện hình chỗ ấy, chỗ nọ. Người bảo nửa đêm gặp một bầy lợn con vàng óng ánh từ dưới lòng giếng ngoi lên, chạy lũn cũn trước mặt. Liều vồ một con, đuổi hụt hơi suốt đêm vẫn tay không. Hôm sau ốm liệt giường mấy tháng, phải biện lễ cúng miếu Bà mới khỏi. Người bảo giữa trưa đụng thằng bé lên ba mặc quần áo xanh giang tay đứng ngáng giữa đường. Người nói chính mắt thấy cô gái trẻ mặt trắng nhởn ngồi vắt vẻo trên cành muỗm cao ngất hát véo von, nghe ai oán lắm.  Tóm lại toàn những chuyện ma lảng vảng khu chôn cất vàng bạc đầy bí hiểm. Ai dại dột động vào, chỉ có nuớc chết.

Sau cuộc điện thoại lúc nửa đêm của thằng cháu, kết hợp với giấc mơ khác thường, linh tính bảo tôi nhà Chuột Nhắt xẩy ra sự biến rồi. Hai hôm sau tôi đã về đến đầu làng. Còn cách xóm chừng cây số, ngước nhìn thấy tán cây muỗm như dám mây xanh rì vươn khỏi những ngọn tre ven đường, tôi đỡ hồi hộp lo lắng phần nào. Tới chỗ ba tay kỹ sư đứng chỉ chỏ ngày nào, nhìn sang gò duối, một quang cảnh tan hoang hiện ra trước mắt tôi. Những gốc duối gốc to cả người ôm, từ thượng cổ dân làng tôi chả ai dám động vào dù chỉ một cành làm củi, giờ bị nhổ bật lên nằm la liệt bên những cái hố sâu hoắm. Tôi vào nhà Chuột Nhắt, nó đang ngồi bệt giữa sân, mái tóc xác xơ cúi gục giữa hai đầu gối lêu lếu, nhô cao quá gáy. Mở choàng đôi mắt trắng bợt màu khói, nhận ra tôi, nó khoát tay: Bọn kỹ sư lừa đảo ấy chuồn rồi. Nó đưa máy về nhổ hết khu rừng duối, khoan tứ tung bao nhiêu lỗ, bảo là khảo sát để tính toán độ chịu lực của móng nhà. Ai dè nó khoan tìm chum vàng ngày xưa tổ tiên bè bối nó chôn giấu. Châu báu ấy là xương máu của ông cha mình đấy. Thì ra xưa nay dân mình cứ u mê canh giữ đống của cho bọn nó. Gian buồng đầu hồi nhà em còn một lỗ sâu với cái vỏ chum chúng để lại. Anh vào mà xem. Đêm ấy, chúng cho hai bố con em uống thuốc mê, ngủ như chết. Ba thằng đào huyệt rồi vơ vét sạch sành sanh, chả biết những của cải gì. Nửa đêm nó lên xe chạy tuốt luốt. Tiếng máy xe nổ đùng đùng mà dân làng chẳng ai hay. Báo công an rồi. Nghe nói họ đang ráo riết truy đuổi chúng.  

 

 

Từ ngoài cổng, đứa con gái Chuột Nhắt cười hi hí đi vào, hai bàn tay xoa nhẹ vồng bụng nhô cao. Tinh ranh ai bằng thằng Chuột Nhắt giờ cũng bị bọn chúng lừa gạt. Thật khốn khổ thằng bạn bé nhỏ của tôi. Thật khốn khổ cho cái bụng mang dạ chửa của đứa con gái ngây ngô của nó. Mấy tháng nữa con bé sẽ sinh ra cái giống mắt ti hí, giọng nói lí lớ nghe đầy vẻ thâm tình mà chả biết lúc nào trở mặt.

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét