Thứ Tư, 24 tháng 2, 2021

Khẩu khí trào lộng của "ĐỒ NGHỆ" VƯƠNG TRỌNG

 

Khẩu khí trào lộng của
"ĐỒ NGHỆ" VƯƠNG TRỌNG
                 Nguyễn Hòa
 

 
Trước hết xin nói rằng lời tự bạch của Vương Trọng:" Tôi yêu Đỗ Phủ hơn Lý Bạch, yêu Nguyễn Du hơn Hồ Xuân Hương, bởi Đỗ Phủ, Nguyễn Du ngoài tài thơ ra còn có trái tim lớn đau nỗi đau những cuộc đời bất hạnh. Thơ không phải là thứ sinh ra cho người đời chơi chữ, mà cốt để chuyển tải nỗi lòng. Bài thơ hay nhiều khi không còn thấy thơ đâu, mà chỉ thấy cuộc đời, tâm trạng và số phận" có thể coi là "hồn cốt" những bài thơ nổi tiếng của anh. Và cũng là sự lạ, bởi sau khi Vương Trọng viết Bên mộ cụ Nguyễn Du thì mộ Nguyễn Du nhanh chóng được trùng tu và trở thành một địa chỉ văn hoá, rồi chỉ ít lâu sau khi bài thơ Lời thỉnh cầu ở ngã ba Đồng Lộc của Vương Trọng được công bố thì hai cây bồ kết được trồng ngay ngắn cạnh tấm bia đá có khắc bài thơ ấy bên nơi an nghỉ vĩnh hằng của mười cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc… Vậy nhưng anh nhà thơ cử nhân toán học luôn luôn dùng thơ để "chuyển tải nỗi lòng " này lại thường hay phân thân và lộ diện qua một hình hài khác mà bè bạn thân thiết vẫn gọi anh là "Đồ Nghệ".
Một lần rỗi việc tụ bạ cùng mấy ông bạn nối khố, tào lao chuyện trên trời dưới biển chán chê, loanh quanh thế nào mấy thằng tôi chuyển sang đề tài nịnh vợ. Một tay trong bọn cao hứng ngâm nga:" Trong nhà gì đẹp bằng em/ Mắt xanh mỏ đỏ lại chen nanh vàng/ Nanh vàng mỏ đỏ mắt xanh/ Gần chồng mà chẳng hôi tanh mùi chồng". Rồi hắn tỏ ra rất đắc ý cứ như mình là tác giả bài thơ này vậy. Tôi cũng nể hắn nhưng mãi về sau mới phát hiện ra đây là bài "Nịnh vợ" của "Đồ Nghệ" Vương Trọng! Chẳng là trong một buổi giao lưu với văn nghệ sĩ tỉnh nọ, gặp mấy cây bút trẻ xinh tươi, "Đồ Nghệ" liền trổ tài "nịnh đầm" bằng hai câu lục bát: Từ Cà Mau đến Lạng Sơn/ Gặp ai cũng thấy xinh hơn vợ mình. Ai dè hai câu này lọt tới tai "bà Đồ". Để nhanh chóng ngăn chặn một hậu quả xấu có thể xẩy ra, "Đồ Nghệ" lanh trí "mông má" mấy câu ca dao vốn đã quen thuộc với mọi người thành một bài thơ vừa "có nanh" vừa "có mỏ"lại vừa như một bản tự kiểm điểm bản thân khá nghiêm khắc."Bà Đồ" chỉ còn biết cười và hẳn lại nghĩ đến chuyện hôm trước cơm đã bày ra mà thằng cu bé vẫn còn ư ử mè nheo đòi ăn mì tôm,"Đồ Nghệ" cáu sườn quát luôn một bài thơ mỗi câu một kiểu:"Có cơm, có cá, có canh cua/Mày muốn moi mỳ mẹ mới mua/Bố buồn bực bảo: bây bài bướng/ Đáng đánh đòn đau, đếch đánh đùa!". Nghe bố quát bằng thơ,anh cu vội im thin thít. Ấy cũng là cái thời còn khó khăn, tủ lạnh,TV(ti vi) còn là của hiếm ,nhà không có TV nên "Đồ Nghệ" buồn tình đặt luôn tên con chó mới nuôi trong nhà là Ti vi, và còn bảo nhà có ti vi màu hẳn hoi! Thi thoảng mấy bố con hắng giọng réo "Ti vi! Ti vi" là lập tức Ti vi tí tởn chạy ra, đuôi ngoáy tít."Đồ Nghệ" bèn chế tác bốn câu:"Nhà em nghèo chẳng có gì/ Đặt tên con chó Ti vi đỡ buồn/ Mai ngày em biết đi buôn/ Ti vi bán dẫn ở luôn trong nhà!"
Thế nhưng tiếng tăm ông "Đồ Nghệ" của Vương Trọng lại không chỉ ra đời từ nhưng câu thơ hài hước mà nhiều hơn là từ khả năng chơi chữ, nói lái, tài làm câu đối- những phẩm chất đã làm nên các giai thoại thú vị của không ít ông đồ xứ Nghệ xưa kia. Một lần thấy nhà văn Lương Sĩ Cầm đi bên một nhà văn có bà vợ không biết tại sao lại có thói quen hằng tháng luôn nhanh nhảu đến cơ quan chồng để lĩnh lương của chồng, Vương Trọng liền bảo:" Hai ông kia có họ với nhau". Mọi người thắc mắc không hiểu thế nào, Vương Trọng thủng thẳng giải thích:"Ông đi trước là Lương Sĩ Cầm , ông đi sau là Lương Vợ Cầm, không họ hàng, anh em là gì?".
Nếu ai đó quan tâm với các kiểu "chơi chữ "của người Việt trong truyền thống hẳn đều biết tuy cùng là trò chơi ngôn ngữ nhưng " nói lái" của người Việt miền Trung phức tạp hơn "nói lái" của người Việt ở miền Bắc. Khi nhà văn Hồ Phương được phong quân hàm thiếu tướng, sau đó được phân một ngôi nhà đẹp như biệt thự ở khu Nam Đồng. Thế là nhà văn Hồ Phương nhường lại ngôi nhà cũ của mình cho một đồng chí mang quân hàm cấp tá khác. Thế là "Đồ Nghệ" thốt lên: " Nhà cấp tướng nhường cấp tá". Không ngờ đó lại là một vế câu đối khá hóc búa, bởi ba chữ sau của câu là nói lái ba chữ đầu. "Đồ Nghệ" mời cả cơ quan Văn nghệ quân đội đối thử, vì trong cơ quan có khá nhiều người quê Nghệ thích chơi chữ ( chả thế mà thờ đó có người đã gọi Văn nghệ quân đội là Văn đội quân Nghệ!). Thế mà suốt cả một năm, không ai đối nổi, kể cả "Đồ Nghệ" cũng bó tay. Thế rồi đến giao thừa (thời đó thú chơi pháo còn thịnh hành),, "Đồ Nghệ" ta cũng trịnh trọng đốt một bánh pháo mừng xuân , nào ngờ pháo nổ hăng quá nên phá vỡ luôn cả cái bình cắm cành đào được hai vợ chông nâng niu cẩn thận từ chiều. "Đồ Nghệ" thốt lên : "Pháo Bình Đà phá bình đào", không ngờ đó lại là vế đối khá chỉnh của vế ra trên kia, cả cơ quan ai cũng khen tài! Tương tự như thế, một lần đến nhà văn Xuân Thiều- Tú Hói, thấy cuộc sống của ông có phần phong lưu hơn trước, "Đồ Nghệ " tặng Tú Hói mấy chữ :"Chả lo gì chỉ lo già" ý muốn nói từ nay anh không còn lo gì nữa, chỉ còn phải lo tuổi già nó sồng sộc đến mà thôi, đây cũng chỉ là một sản phẩm chơi chữ độc đáo: "Chả lo gì" với "chỉ lo già". Tú Hói- Xuân Thiều thấy hay hay, vui chuyện ông kể lại nhân viết một bài báo . Bạn đọc ngỡ là một vế đối được đưa ra liền tới tấp gửi tới Tú Hói vế thứ hai để đối lại.Tú Hói, "Đồ Nghệ"chọn từ hàng trăm vế đối đã nhận lấy một câu hay nhất của một bạn đọc ở Nghệ Tĩnh rằng:"Nỏ cần chi chỉ cần no". Ông tú, ông đồ khoái thì cũng khoái thật nhưng xem ra cũng có phần ưu tư vì trong khi các ông mừng cho nhau "chả lo gì chỉ lo già"thì vẫn có những người cùng quê với hai ông đang"nỏ cần chi chỉ cần no"!
Những câu đối, những câu thơ được viết theo lối chơi chữ của Vương Trọng được lưu truyền khá nhiều, có thể kể ra ở đây những câu độc đáo như: "Hối lộ, lộ rồi không kịp hối - Tham ô, ô hết có còn tham"; hoặc hai câu anh dành an ủi một chàng sĩ quan loắng khoắng thế nào lại "tòi " ra anh con trai thứ ba để nhỡ kỳ phong quân hàm đợt đó:"Tạm ứng đôi sao trên cổ bố - Biến thành hai hạt dưới chim con"; hoặc mấy câu thơ mang dáng vẻ thâm trầm : "Răng muốn trăng lại đen / Tóc cần đen lại bạc / Chức quyền chẳng chịu cao/ Chỉ toàn cao huyết áp!" đang được các nhà văn "tuổi nhiều, chức ít" tỏ ra khá đồng cảm. Riêng với bài thơ ngũ ngôn gồm bốn câu hàm chứa những triết lý khá sâu sắc về cuộc đời:"Cứ khoá quá khứ lại / Thời gian là than giời / Mơ hão chỉ hao mỡ/ Đỉnh cao đảo kinh người" thì quả cũng đáng ngại vì cứ xem cung cách Vương Trọng sử dụng thủ pháp nói lái giữa "cứ khoá " và "quá khứ" ,"thời gian" và "than giời","mơ hão" và "hao mỡ","đỉnh cao" và "đảo kinh"thì sẽ thấy bốn câu trên thật không dễ làm. Đây cũng là "kiểu lối" mà anh đã sử dụng để làm ra cặp câu đối bằng cách sắp xếp tên tác phẩm song cũng là "biểu đồ" sắp xếp quan hệ trên dưới của các nhà văn quân đội Dũng Hà, Hồ Phương, Xuân Thiều, Nguyễn Trọng Oánh, Hữu Mai, Nguyên Ngọc:"Dưới ánh Sao mai, Khúc sông nghe lời Biển gọi / Trên nền Đất trắng, Vùng trời ngán cảnh Rẻo cao".
Ở Văn nghệ quân đội, "Đồ Nghệ" Vương Trọng nổi tiếng là hóm hỉnh, thông minh và có trí nhớ tuyệt vời. Nếu anh không phải là người quá yêu thơ và thật có tài thơ thì quân đội đã có một chuyên gia mật mã vào hàng "cao thủ".Vương Trọng thuộc lòng Truyện Kiều từ câu đầu đến câu cuối, hỏi câu nào anh trả lời câu đó , hỏi đoạn nào anh đọc đoạn đó. Anh em cần sưu tầm sử liệu từ quãng đầu năm 70 đến nay chỉ cần hỏi Vương Trọng là ra. Anh có thể kể lại chính xác thời gian, địa điểm, số lượng , tên tuổi những người tham dự từng chuyến đi công tác, từng sự kiện đã diễn ra trong cơ quan cách đây hàng chục năm. Chẳng thế mà mới đây, trong số các chà văn của Văn nghệ quân đội vừa đi công tác ở Mường Lò trở về chỉ riêng Vương Trọng là nhớ chính xác giai điệu và lời bài hát mời rượu của các cô gái Thái (ngay với tôi - một kẻ khá tự tin là trí nhớ không đến nỗi nào mà cũng chỉ lõm bõm được mấy câu như: "Rượu thơm từ đầu bản đến cuối bản, thơm suốt ba năm…).Vương Trọng là chủ nhân của nhiều giai thoại về văn chương, nhân tình thế thái mà chỉ cần nhắc đến một giai thoại nào đó là mọi người đã không khỏi bật cười . Đến ngay một người hoạt khẩu, là "người của công chúng" như Chu Lai, đôi khi cũng phải dè chừng trước khẩu khí của "Đồ Nghệ".Một buổi sáng, trước khi vào cuộc họp của cơ quan thấy mọi người bàn tán chuyện tối hôm qua vô tuyến truyền hình phát cảnh Chu Lai đang ngồi thiền trong bộ phim chân dung nhà văn ,Vương Trọng chỉ cười không nói gì . Nhưng khi cuộc họp bắt đầu thì có một tờ giấy nhỏ được chuyền qua tay từng người đang ngồi quanh bàn tròn, ai đọc xong cũng cố nín cười và chuyển ngay cho người khác .Tổng biên tập Nguyễn Trí Huân không biết tại sao, buộc phải nhắc nhở anh em trật tự, nhưng mọi ngượi vẫn khúc khích cười, chỉ vì trong tờ giấy kia có chép một bài thơ bốn câu như sau: "Lòng muốn hướng thiện / Ta toan ngồi thiền / Nhưng vì chưa thiến / Nó toàn chỉ thiên!" với một lời đề được cố tình viết một cách rườm rà rằng: "Vương Trọng thân tặng nhà văn Chu Lai nhân tối hôm qua xem vô tuyến truyền hình thấy anh đang ngồi thiền!".
6-2003
Nguyễn Hoà
( Bài đăng báo An Ninh Thế giới cuối tháng, số 22 tháng 6 năm 2003). 
Chép lại từ FB của Vương Trọng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét