Thứ Tư, 3 tháng 2, 2021

GIỚI THIỆU TIỂU THUYẾT "GÓC TĂM TỐI CUỐI CÙNG"

 


GÓC TĂM TỐI CUỐI CÙNG – TIỂU THUYẾT LẠ TRONG HÀNH TRÌNH VIẾT VỀ NGƯỜI LÍNH VÀ CHIẾN TRANH CỦA KHUẤT QUANG THỤY

                                                Vũ Nho

         Nhắc đến tên Khuất Quang Thụy, người ta nhớ đến một nhà văn trưởng thành từ người lính trong  chiến tranh, và hầu như văn nghiệp của anh là những tiểu thuyết viết về chiến tranh. Những cuốn sách làm nên tên tuổi nhà văn là những tiểu thuyết chiến tranh : “Trong cơn gió lốc”, “Trước ngưỡng cửa bình minh”, “Góc tăm tối cuối cùng”, “Không phải trò đùa” , “Những bức tường lửa”, “                                                                                                                                                                                                              Đỉnh cao hoang vắng”,…  Hai lần Giải thưởng của Bộ Quốc phòng, rồi Giải thưởng nhà nước trao cho anh là trao cho  cụm tiểu thuyết viết về chiến tranh.

“ Góc tăm tối cuối cùng” là một trong ba tiểu thuyết được trao Giải thưởng Nhà nước. Cuốn sách mỏng chỉ vỏn vẹn khoảng 150 trang in với 5 chương và một đoạn kết là một tiểu thuyết “lạ” trong hành trình viết về người lính và chiến tranh của nhà văn nói riêng và trong tiến trình đổi mới tiểu thuyết của Việt Nam nói chung.

Vì sao nó là tiểu thuyết lạ?

         Chúng ta đều biết Khuất Quang Thụy là một người lính chiến thật sự, trước khi là một nhà văn. Những tiểu thuyết chiến tranh của anh là những trang viết của người trong cuộc, trực tiếp tham gia và chứng kiến các sự kiện, chứ không phải người ngoài cuộc. Ở tiểu thuyết này, lạ ở chỗ tác giả không lấy bối cảnh là cuộc kháng chiến chống Mỹ mà anh  thông thuộc vì là một người ở trung tâm cơn gió lốc. Bối cảnh lại là cuộc kháng chiến chống Pháp mà khi đó nhà văn còn quá nhỏ. Hơn thế nữa, nhân vật chính, anh Dần có thời là bộ đội, nhưng đó không phải là điều nhà văn quan tâm nhất. Cuộc sống làm một “nhân  vật phụ”  của cái Bệnh viện  thị xã tỉnh lẻ, định cư trong một nơi hẻo lánh, xóm Đỉa, gồm toàn những thành phần bất hảo của xã hội (có tiền án tiền sự, trộm cắp chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp, nấu rượu lậu và làm hàng giả) -  anh (giờ là ông) Dần  và số phận của nhân vật mới là điều tác giả quan tâm. Mặt khác, nhân vật lại  được  xây dựng và hoàn thành  trong bối cảnh đất nước bắt đẩu đổi mới và mở cửa được một năm. Biết bao nhiêu điều mới manh nha và được dự cảm.

          Ông Dần là một nhân vật “bé mọn” chẳng có vai trò gì trong cái bệnh viện của thị xã tỉnh lẻ. Ông không phải là người trong biên chế nhà nước.  Ông là người vô danh, nghĩa là không có chức danh gì trong biên chế của bệnh viện, và không có chức danh gì trong cuộc đời”. Ông tự nguyện gánh lấy công việc trông coi nhà xác, dọn dẹp vệ sinh và đem chôn những thai nhi chưa được thành người. “Ông làm bất cứ việc gì mà người ta cần đến : như dọn vệ sinh buồng bệnh, quét sân, quét đường, dọn hố tiêu hố tiểu, lau rửa phòng mổ, phòng đẻ, giúp các cô hộ lí đổ bô cho bệnh nhân, hay đưa người đã yên nghỉ xuống nhà vĩnh biệt… Đó là những công việc chung, ngoài ra ông cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ các bác sĩ, y tá hay bệnh nhân những công việc riêng, ai nhờ gì ông cũng luôn sẵn sàng giúp và luôn tận tụy trung thành như người trong gia đình”. Vì sự nhiệt tâm và tận tụy và ở thang bậc thấp nhất trong Bệnh viện nên “họ tha hồ sai bảo ông, thậm chí còn sẵn sàng to tiếng, quát tháo mỗi khi ông tỏ ra chậm trễ một việc gì đó. Ông đã trở thành một “sở hữu tập thể” của tất cả cán bộ công nhân viên chức trong bệnh viện”.

          Nhưng con người hiền lành, tận tụy ấy, con người tự nguyện gánh lấy công việc nặng nhọc, vất vả ấy lại bị trẻ con coi là “Ông Dần rồ”, còn người lớn thì coi là “kẻ lẩn thẩn, tâm thần bất định”.  Con người tốt bụng ấy, cũng giống như bà Bác sĩ trưởng khoa sản bị xếp vào loại “lẩm cẩm” chỉ vì quá tốt, quá thánh thiện. Con người già nua  ấy đã từng là một người lính, là “anh bộ đội cụ Hồ”, từng đánh Tây “không đến nỗi tồi”, từng là “cốt cán” trong đại đội, được chú ý để bồi dưỡng làm “nguồn phát triển”. Nhưng sự cố của tay “đại đội trưởng Thước” với   cô Nụ - vợ chưa cưới đã làm cho Dần thất vọng. Nụ buộc tội Thước. “Dần im lặng trước những lời buộc tội gay gắt của Nụ. Anh bỗng thấy đau đớn gấp bội phần khi phải thừa nhận một thực tế đau xót, trong đội ngũ của anh, cái đội ngũ mà anh chưa một lần nghi ngờ sự trong sáng và cao đẹp của nó, cũng có những tên khốn nạn”. Định giết kẻ làm hại đời Nụ, nhưng Dần kịp nhận ra rằng “đó không phải là kẻ thù”. Anh đã tha chết cho  tên Thước với tinh thần cao cả : “Tao tha chết cho mày là vì lợi ích của Đảng, của kháng chiến. Mày hiểu chưa, thằng chó đểu!”. Nhưng rồi sau lại ân hận khi Thước leo từ Đại đội trưởng lên Tiểu đoàn trưởng, rồi khi vào chiến dịch Điện Biên đã là chính ủy Trung đoàn. Dần đã suy tư : “Thật không thể tưởng tượng được. Chẳng lẽ người ta không nhận ra bộ mặt xấu xa của hắn?...Nhưng làm sao Đảng có thể nhận ra được kẻ xấu nếu như những người như mình cứ mãi mãi im lặng?” ( tr.109).

          Hầu như không có một tiếng súng nào. Cũng không có một trận đánh nào được miêu tả. Anh bộ đội Dần khi hòa bình lập lại đã đi khắp nơi tìm Nụ, nhưng cô đã lấy chồng. Vô cùng thất vọng, anh trải qua một số công việc và  chăm sóc người mẹ của đồng đội ở xóm Đỉa. Ở nơi làm việc nào, anh  Dần cũng không chịu được sự giả dối,  anh “không thể sống được  như mọi người, có khả năng chấp nhận hoặc bỏ quá tất cả như mọi người”, “không bỏ qua được những điều chướng tai gai mắt và nhất là không chịu được thói đạo đức giả”. Cho nên  chính ông bỏ đi hoặc người ta tìm cách đẩy ông đi.  Ông đã chán ngấy cơ quan và công sở. Nhưng rồi số phận đẩy ông đến cái bệnh viện này. Và số phận đã biến một anh Dần thẳng thắn thành  một người “có khả năng im lặng, không dí mũi vào việc của người khác”.   Không dí mũi vào, nhưng ông Dần hiểu hết. Suy nghĩ của ông thật mạch lạc, thẳng băng:

          Các thói hư tật xấu nó cứ sờ sờ ra đấy, không che đậy giấu giếm, còn dễ chịu gấp vạn lần khi nó được ngụy trang, được che lấp dưới những cái áo khoác màu mè, mị dân, dưới những danh nghĩa to tát”.

          Tác giả để cho ông Dần so sánh một anh buôn lậu ở xóm Đỉa với “kẻ giả nhân giả nghĩa, giả cách mạng nói thao thao bất tuyệt những mục đích cao cả, về lý tưởng và sự hi sinh…” và kết luận “Cuối cùng, hắn cũng có hơn gì tên buôn lậu kia, nhưng hắn lên mặt dạy đời, ai mà chịu được?”

          Số phận của cô Nụ, “vợ chưa cưới” của anh  bộ đội Dần cũng thật ngang trái. Khi Dần đi bộ đội, cô cũng xung phong đi phục vụ kháng chiến, là công nhân của xưởng Trang dụng. Hai người gặp nhau sau chiến thắng biên giới và sự cố đã xảy ra với tên đại đội trưởng Thước. Nụ bị cưỡng hiếp. Cô lại có thai. Cô  phá thai, nhưng nghĩ mình đã thất tiết. Dù Dần vẫn thương cô, nhưng Nụ thấy không xứng đáng với anh. Cô quyết định tự rời xa anh, mặc dù vô cùng đau khổ. Cô đi lấy chồng  để “cho xong đời”. Nhưng  số phận lại cho Nụ gặp một người lính tốt, bạn của anh trai. Sau  chồng Nụ còn lên đến cấp tướng. Và thật tở trêu, chồng Nụ lại cũng là bạn với Thước,  lúc này y đã vào đến Trung ương và làm Bí thư Tỉnh ủy.

        Cuộc gặp Thước bất ngờ ở nhà Nụ đã làm Nụ choáng váng. Dẫu sao, tên Thước cũng đã ngỏ lời xin lỗi về hành vi của y khi xưa. Bà đã im lặng không kể cho chồng biết. Trong khi chồng bà vẫn hồ hởi và xởi lởi khi biết Thước và vợ mình “quen” nhau trong thời kháng chiến.  Ông mời mọc: “Thôi, từ nay anh cứ coi đây là nhà của anh, rỗi rãi, mời anh ghé lại chơi”. Chồng Nụ ngây thơ và cả tin. Ông vẫn “kính phục hắn, coi hắn là một cán bộ tài ba, đức  độ của Đảng”.  Bà Nụ đã cấm cửa, yêu cầu Thước không được tới nhà mình nữa.  Khi biết ông Dần vẫn làm việc chôn cất những thai nhi bị nạo từ khoa sản, bà đã nghĩ “Ông ấy làm công việc đó là vì mình, là để chuộc lại tội lỗi cho mình. Chính vì thế mà mình được sống yên ổn, con cái nên người”. Chồng mất,   sau khi bất ngờ gặp lại ông Dần, bà Nụ đã quyết định sẽ đến ở với ông, chăm sóc cho tuổi già của ông : “ - Ai đòi cưới với xin làm gì hả ông già? Tôi chỉ cần xách một cái tay nải tới đây sống với ông, trông nom ông vậy thôi. Thiên hạ, người ta có cười thì mặc người ta, tôi đâu còn ở cái tuổi lẳng lơ nữa mà sợ mang tiếng là theo trai”.

          Đoạn gặp lại của hai người tình cũ là một đoạn viết mộc mạc, chân thành và cảm động. Ai cũng tưởng một cái kết có hậu cho cả hai. Thế nhưng, đột ngột, ông Dần lại bỏ xóm  Đỉa ra đi. Ông không muốn bà Nụ phải khó xử nếu con cái không đồng ý, hoặc bà mang  tai mang tiếng vì đến ở với ông. Thế là ông Dần lặng lẽ rời xóm Đỉa cùng với con chó Mực trung thành.

          Có thể nói nghệ thuật tiểu thuyết của Khuất Quang Thụy đã đạt đến độ chín và thuần thục trong tiểu thuyết này. Nhân vật không nhiều. Hai nhận vật chính  Dần, Nụ  rất ấn tượng,  còn các nhân vật phụ, từ lão Thoảng cho đến ông Giám đốc bệnh viện mở miệng ra là “ Với tư cách…”, bà San bác sĩ trưởng khoa, cụ cử Nam Vân bố của Nụ,… chỉ miêu tả đôi nét nhưng đều để lại ấn tượng. Đặc biệt thủ pháp tương phản, đối lập được nhà văn thể hiện rất thành công. Sự tương phản giữa xóm Đỉa tăm tối,  nghèo nàn với thị xã sáng sủa. Tương phản giữa người tốt như Dần, Nụ, bà  San  đối với Thước, bác sĩ Hoàng,  tương phản giữa đám ma hai kẻ xấu số với đám cưới trước cổng Bệnh viện,…

          Thời điểm nhà văn hoàn thành tiểu thuyết được ghi là tháng 11 năm 1987. Lúc đó chúng ta mới thực hiện đổi mới và cải cách mở cửa được một năm. Hiện tượng  cán bộ coi nhà nước là cái mỏ để khai thác  bằng các cuộc họp đã xuất hiện qua lời ông Thoảng : “ Đến như đi họp là công việc của các ông cán bộ chứ gì? Thế mà mỗi buổi họp đều có chén thả ga, rồi đến khi về lại còn nào là quà, nào là tiền phong bao nữa là?Mà họp, thì có giời biết họ họp nhưng cái gì mà họp lắm thế không biết?”. Rồi cái việc vòi vình quà cáp của bệnh nhận như ông Hoàng cũng đã có. Để “được ông ta “đích thân” cứ gọi là phải trăm chiều ngàn gởi: phải quà cáp cho tử tế, mang đến tận nhà, nói khó với ông trước đã…”. Thời điểm 1987, khi đó kinh tế nước ta rất khó khăn vì chính sách cấm vận của Mỹ. Việc kế hoạch hóa gia đình được thực hiện triệt để. Thêm nữa, lối sống buông thả của lớp trẻ đã làm cho hiện tượng nạo phá thai khá phổ biến. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong truyện ngắn “Tướng về hưu” đã  nói đến chuyện cô Thủy làm ở bện viện mang thai nhi về nhà nấu cho lợn và cho chó Béc giê. Tướng Thuấn đã cầm phích đã ném vào đàn chó và chửi “Khốn nạn, tao không cần sự giàu có này”. Khuất Quang Thụy cũng đề cập hiện tượng này, nhưng nhà văn để cho ông Dần làm việc  mà mọi người kinh sợ. “Một mình ông làm cả một cuộc tang lễ long trọng, đưa chúng về với đất mẹ, với thiên nhiên, cội nguồn sâu xa của loài người”. Việc tăng biên chế trong cơ quan nhà nước cũng đã được dự báo qua đối đáp của ông Dần với ông Thoảng. Ông Thoảng khuyên ông Dần “Bác chỉ đứng ra làm lãnh đạo cái công việc này thôi”. Ông Dần trả lời : “Để rồi một thời gian sau, cái người thay tôi làm việc đó lại đòi tăng lương, đòi lên chức lãnh đạo. Và lại cần một người thứ ba, rồi thứ tư chứ gì? Thế rồi đẻ ra  cả một tầng lớp lãnh đạo cái công việc này phải không?”. Hiện tượng bán dâm sau này phát triển mạnh ở các khu du lịch, các nhà nghỉ cũng đã được dự báo sự manh nha ở quán mụ Tám,…

          Tuy vậy, thành công nổi trôi của tiểu thuyết “ Góc tăm tối cuối cùng”, chính là tiểu thuyết viết về chiến tranh mà không có tiếng súng. Điều đáng nói nhất chính là viết về chiến tranh, nhưng tác giả lại không hề tham gia trực tiếp cuộc chiến tranh đó. Nhà văn Khuất Quang Thụy  đánh giá  về văn học chiến tranh : “Văn học chiến tranh sau chiến tranh nó thường là có độ lùi, do có độ lùi nên cách nhìn về chiến tranh trầm tĩnh lại hơn, người ta nhìn thấy không chỉ là cái tốt đẹp, oai hùng của chiến tranh mà còn nhìn thấy cả cái bi, cái xấu của chiến tranh, người ta cũng mới nhìn thấy sự phân hóa của con người trong chiến tranh”. (Trả lời phỏng vấn phóng viên Cẩm Thúy 22/12/2019).  Đây chính là tiểu thuyết có độ lùi về thời gian, hơn nữa lại lùi quá xa về thời kì chiến tranh chống Pháp. Nó là minh chứng cho vấn đề người viết có trải nghiệm trực tiếp hay không có trải nghiệm trực tiếp về chiến tranh vẫn có thể thành công. Và đó cũng là lý do khiến cho nhà văn Khuất Quang Thụy và mọi người tin rằng  tác phẩm văn học chiến tranh chưa bao giờ cạn và không bao giờ cũ. Các nhà văn trẻ dù không trải qua chiến tranh vẫn có thể viết  sâu sắc và thành công  về đề tài này, miễn là nhà văn tâm huyết và có tài./.

                                                Hà Nội, 8 tháng 1 năm 2021

                   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét