Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

NGƯỜI Ở NGÕ THỊ CẦU



HỒ THUỶ GIANG
                                            
    
                              
                                 NGƯỜI Ở NGÕ THỊ CẦU

                                                             Truyện ngắn
     
                  Có lẽ chỉ ở thành thị mới có cái chuyện người chung sống cùng ngõ tới vài năm mà vẫn chưa biết tên biết tuổi chứ chưa nói gì đến chuyện hiểu tâm tính hoặc nghề nghiệp của nhau. Ở cái ngõ hẻm Thị Cầu này quả đúng như vậy. Căn nhà giữa ngõ, thấp bé nhất là nhà ông nhà thơ nổi tiếng cả nước mà tận đến ngày vĩnh biệt trần gian, dân trong ngõ mới ngã ngửa người ra là ở ngay cái ngõ nhỏ xoàng xĩnh của mình lại có một nhân vật tên tuổi đến như vậy. Có một sự kiện khá hài hước là vào ngày viếng ông nhà thơ, có chiếc xe con bóng nhoáng của chủ tịch tỉnh đi tới. Chú lái xe chạy đến hỏi bà hàng nước ở đầu ngõ rằng đây có phải là đám tang nhà thơ Lí Tâm không, liền được bà trả lời rất vô tư rằng :"Tôi không biết ông nhà thơ Lí Tâm, nhưng đây là đám ma ông Tâm hâm thì đúng rồi". Thì dân ngõ vẫn quen gọi ông bằng cái tên như thế chứ chẳng phải vì ghét bỏ gì. Họ gán cho ông chữ  "hâm" không do ác ý mà bởi ông cứ suốt ngày cặm cụi bên chiếc bàn đã long chân, trong khi đó bà vợ thì đã già mà vẫn phải ra ngoài đường bán vé số.  Nhà bé, vợ khổ, sống tằn tiện, xe đạp tàng nhưng ông thì vẫn suốt ngày đọc đọc, viết viết. Không hâm thì còn là cái gì nữa? Ấy vậy mà đùng một cái, đến lúc chết, ông Tâm hâm lại hoá thành ông nhà thơ Lí Tâm, lại còn được chủ tịch tỉnh đến viếng. Chẳng biết thơ phú cái nhà ông Lí Tâm ấy hay ho đến đâu nhưng cứ được đích thân chủ tịch tỉnh đến tận nhà (dù chỉ là khi đã chết) thì ắt không phải là người tầm thường rồi. Tầm thường thế nào được! Dân ngõ Thị Cầu rất tự hào mỗi khi nói với dân ngõ Phú Gia bên cạnh rằng: "Ông nhà thơ của ngõ tôi được cả giải thơ quốc tế đấy nhá".
       Chuyện là thế. Nhưng đó là cái chuyện cũng vô hại. Dân trong ngõ đang còn phải đầu tắt mặt tối làm ăn kiếm sống, họ biết hay không biết một ông nhà thơ ở ngay bên cạnh họ thì thực ra cũng chẳng có gì ảnh hưởng đến hoà bình thế giới.
       
Ngõ Thị Cầu này còn có một người danh tiếng nữa. Đó là ông giáo sư triết học. Người ta thường gọi là "giáo sư triết". Người trong ngõ Thị Cầu trình độ học vấn phần lớn hết cấp một, cấp hai nên cái từ "triết" đối với họ quả là quá xa lạ. Giá như cũng giáo sư nhưng là giáo sư toán, giáo sư văn thì dễ hiểu. Đằng này lại triết. Nghe xa lạ quá. Chẳng thế mà có lần một vị khách đến ngõ Thị Cầu hỏi thăm nhà ông giáo sư nọ bèn được một chị trong ngõ đon đả bảo rằng: "Vâng, nhà bác Triết ở cuối ngõ. Cái nhà sơn mầu xanh ấy". Dân ngõ Thị Cầu tuyệt vời thế đấy. Rất hồ hởi, nhiệt tình và thân thiện.
       Từ ngày ông nhà thơ Lí Tâm qui tiên cùng những bất ngờ mà cái ngõ Thị Cầu này được chứng kiến, người dân trong ngõ đâm ra có cái nhìn "tỉnh ngộ". Từ đó, dân Thị Cầu thấy cần phải lưu ý đến tất cả những người đeo kính trắng và đặc biệt là những người thường xuyên ngồi ở trong phòng kín, khi có việc ra ngoài thì mặt thường nghếch lên như tìm cái gì đó ở trên trời. Bởi những cái đó chính là dấu hiệu của những người nổi tiếng. Trước đây chỉ vì thiếu kinh nghiệm mà họ đã nhìn gà hoá cuốc, để sổng mất một người nổi tiếng là ông nhà thơ Lí Tâm, niềm tự hào của cả ngõ Thị Cầu suốt bao năm nay mà không hề hay biết. Xin nói vụng trong nhà, cái niềm tự hào ấy, ở cái ngõ Phú Gia bên cạnh kia, dù giầu nứt đố đổ vách, phấn đấu tới trăm năm cũng không có nổi.
       Trong cuộc sửa sai và truy tìm những người nổi tiếng hậu nhà thơ Lí Tâm thì ông giáo sư triết nọ chính là điểm ngắm số một của dân trong ngõ. Đích thị là vậy rồi! Thì đây, ông giáo sư triết ấy có đầy đủ các yếu tố của người nổi tiếng: mỗi lần ông xách chiếc cặp da đen bóng từ đầu ngõ đi về nhà, cặp mắt lơ mơ sau đôi kính trắng, mặt nghếch lên cao vọi. Ông còn có thói quen thường xuyên bấm nhầm chuông nhà hàng xóm, đã thế, khi người ta ra mở cửa lại còn hỏi: " Cô ở quê mới lên chơi đấy à?". 
        Người số hai được dân Thị Cầu để mắt tới là ông bác sĩ ở cuối ngõ. Khác xa với ông nhà thơ Lí Tâm và ông giáo sư triết, ông bác sĩ này hầu như cả ngõ đều biết tới. Đơn giản vì ông là vị thần hộ mệnh sức khoẻ của họ. Từ ông giáo cấp I bị ung thư dạ dày đến bà bán thịt lợn đang có nguy cơ tiểu đường, không ai không biết đến cái tên rất đơn giản mà họ vẫn thường nhờ cậy: bác sĩ Hùng. Là người có cái vinh dự được cả ngõ biết đến, nhưng ngược lại, ở ông bác sĩ Hùng cũng có những dấu hiệu của người nổi tiếng. Đó là việc mắt ông cũng đeo cặp kính trắng dày cộp và không nhớ tên tuổi cụ thể một ai trong ngõ. Mỗi khi gặp nhau ngoài đường, mặt ông cũng luôn nghếch lên và rất hay chào nhầm tên người nọ sang tên người kia. Đích thị là người nổi tiếng rồi! Chỉ những người nổi tiếng mắt mới mang kính trắng, mặt mới nghếch lên như vậy. Thì cứ nhìn thử  mà xem, như cái Hồng con bà Hoa người cùng ngõ đấy. Bố mất sớm, mẹ về hưu non lại quanh năm đau ốm, phải bỏ học ra ngồi chợ bán rau nuôi cả gia đình. Hai mẹ con đi ngoài đường, mặt lúc nào cũng cúi gằm xuống chẳng dám nhìn ai, thì hỏi rằng làm sao mà làm người nổi tiếng được.
       
                                                       * * *

       Thế rồi năm tháng cứ trôi đi. Những người dân ngõ Thị Cầu vẫn làm ăn kiếm sống. Những người nổi tiếng ở ngõ Thị Cầu mắt vẫn lơ ngơ sau cặp kính trắng, ra phố mặt vẫn nghếch lên. Ông giáo sư triết thỉnh thoảng lại bấm nhầm chuông nhà hàng xóm. Ông bác sĩ Hùng vẫn chào nhầm tên người nọ sang tên người kia.
       Tất cả dường như đã an bài nếu như không có một sự kiện khá bất ngờ xẩy ra. Đó là chuyện bỗng nhiên vào một buổi trưa, ông tổ trưởng dân phố hớt ha hớt hải bước đi gần như chạy đến từng nhà trong ngõ để loan cái tin quá giật gân: Con Hồng nhà bà Hoa vừa được giải nhất trong cuộc thi tiểu thuyết toàn tỉnh. Giải những ba mươi triệu. Sáng mai, đài truyền hình còn hẹn đến quay phỏng vấn. Trời ơi! Không phải một người mà có tới hàng chục người cùng thốt lên hai tiếng "Trời ơi!" như vậy. Chả phải vì họ ghen ghét đố kị gì mà do họ quá kinh ngạc. Kinh ngạc là phải. Nếu cái giải thưởng cao xa kia rơi vào ông giáo sư triết hoặc chí ít cũng là ông bác sĩ Hùng thì cũng không phải là chuyện quá động trời. Đằng này lại là của cái con Hồng suốt ngày bước đi cắm mặt xuống đất, ngược hẳn một trăm tám mươi độ với những hình ảnh trong quan niệm của dân ngõ Thị Cầu về những người nổi tiếng. Có lẽ nào người dân ngõ Thị Cầu lại một lần nữa "mất cảnh giác", lại nhầm lẫn mà để sổng ngay trong tầm tay một người nổi tiếng?
       Nhưng mà thôi! Dù có nhầm lẫn thì tất cả âu cũng chỉ là chuyện nhỏ như con thỏ. Người dân Thị Cầu quanh năm vất vả vì miếng cơm manh áo, đầu óc có "sai số" một chút cũng là lẽ đương nhiên, chẳng có gì ảnh hưởng đến quốc gia đại sự, cũng giống như ông bác sĩ Hùng chẳng nhớ nổi một tên ai trong xóm nhưng không bao giờ ghi nhầm đơn thuốc ung thư thành thuốc chữa ghẻ ruồi. Vậy là cứ vô tư đi!
       Có một điều lí thú là từ đấy dân quanh vùng thường xuyên nghe thấy người ngõ Thị Cầu nói với người ngõ Phú Gia rằng:" Này! Cái ngõ của tôi ấy mà. Những người đeo kính trắng và không đeo kính trắng, những người đi đường mặt nghếch lên và những người đi đường mặt cúi gằm xuống, tất cả đều là những người nổi tiếng đấy nhá!"./.

                                                                                        H.T.G

                                                                                   
Địa chỉ liên lạc:
HỒ THUỶ GIANG
HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
TỈNH THÁI NGUYÊN
DD: 0986044868. 
email: hothuygiang@gmail.com



4 nhận xét:

  1. Câu chuyện vui, thú vị. Ngôn ngữ rất bình dân, người đọc có cảm giác đang được nghe kể chuyện về ngõ nhỏ nơi nhà văn ở. Cám ơn nhà văn, cám ơn chủ trang

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã ghé trang và chia sẻ!
      Tác giả là một "cây truyện ngắn" đã xuất bản 12 tâp truyện ngắn, một tiểu thuyết, một tập thơ, một tập bình thơ...

      Xóa
  2. Chi tiết "Con Hồng nhà bà Hoa vừa được giải nhất trong cuộc thi tiểu thuyết toàn tỉnh" làm đảo lộn suy nghỉ cố hữu của dân chúng ở Ngõ Thị Cầu. Tác giả Viết truyện ngắn mà cứ như không định làm văn chương, lại thu hút người đọc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Bu đã ghé trang và bình luận.
      Tôi gửi thư cho tác giả do yêu cầu của bác sau khi đọc bài " Hồ Thủy Giang- cây truyện ngắn"

      Xóa