Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Tạm bợ của Chử Văn Long với lời bình

                                                             
                                                    Nhà văn nhà giáo Hòang Dân
Tạm bợ
                                                                           Chử Văn Long

Ngày chúng ta thương nhau về ở chung nhà
Có gian buồng không đủ mua cánh cửa
Anh nhặt nhạnh gỗ thùng, gỗ chợ
Miếng bằng gang tay, miếng khuyết tựa vành trăng
Để ghép nên cánh cửa
Với ý nghĩ một thời gian tạm bợ
Khi nào có sẽ thay cánh cửa vững bền…

Bây giờ em không còn, cái tạm bợ lại còn nguyên
Đau xót làm sao đời người nhiều khi ngắn hơn những gì tạm bợ
Đau đớn biết bao mỗi khi tay anh đụng vào cánh cửa
Tạm bợ còn đây mà em đã đâu rồi?
                                                       5.12.2002
Lời bình của Hoàng Dân
Từ một sự việc “thật hơn cả sự thật” trong đời, tác giả đã khái quát được cảnh ngộ và tâm tư của một thời, mà những ai ở lứa tuổi U50, U60 trở lên không thể nào quên.
Ngày chúng ta thương nhau về ở chung nhà
Có gian buồng không đủ mua cánh cửa
Anh nhặt nhạnh gỗ thùng, gỗ chợ
Miếng bằng gang tay, miếng khuyết tựa vành trăng
Để ghép nên cánh cửa
Nếu tách đoạn thơ trên ra khỏi bài thơ thì nhiều người sẽ cho rằng đây chỉ là một đoạn văn xuôi được ngắt xuống dòng cho… vui mắt mà thôi, còn con cháu của lứa U60 thì có thể cười ruồi mà rằng: Các cụ cứ hay cường điệu!

Đây là đoạn “văn xuôi” ôn nghèo nhớ khổ, đó là điều không phải bàn cãi. Nhưng đây cũng là một hình tượng thơ xúc động về cái “nghĩa tao khang” của một thời, mà ngày nay hình như hơi bị hiếm bởi cái “qui luật bất nhân bất nghĩa”: Giàu bỏ bạn, sang bỏ vợ!
Đây cũng là đoạn thơ tự sự kể việc để ngụ tình. Một căn phòng hạnh phúc thì chí ít là phải kín đáo chứ không thể thông thống như đồng không mông quạnh. Muốn kín đáo thì phải có cánh cửa. Không đủ tiền mua cánh cửa thì phải tự ghép lấy bằng bất cứ thứ vật liệu gì. Và dù cho nó chỉ là cánh cửa được ghép bằng những phế liệu nhặt nhạnh ở bãi rác, xó chợ… thì nó vẫn cứ là… cánh cửa, chứ sao? Chức năng của cánh cửa là “đóng kín”, còn đóng bằng cái gì, đóng như thế nào đâu có gì quan trọng?
Người chồng đã tự nguyện, say mê, tỉ mỉ làm cái công việc “ghép nên cánh cửa” để căn phòng dành cho hai kẻ “thương nhau” có một đêm tân hôn thiêng liêng, nồng nàn như nó vốn phải như vậy. Phải là người vô cùng trân trọng hạnh phúc của mình thì người chồng mới có thể kiên nhẫn “ghép nên” một cái cánh cửa mà các bạn trẻ hôm nay không thể nào hình dung nổi để mà tin. Trân trọng hạnh phúc của mình, của người bạn đời, của cả hai kẻ “chung nhà” là cái tình chân thực và sâu nặng ẩn chứa đằng sau những câu chữ tưởng như đơn giản kia.
Nhưng phải đến hai câu sau thì mới thực là của hiếm trong thơ:
Với ý nghĩ một thời gian tạm bợ
Khi nào có sẽ thay cánh cửa vững bền…
Từ kể việc, hai câu này vụt toả sáng như một triết lí nhân sinh khi nói về sự đối lập muôn thuở giữa cái TẠM BỢ và cái VỮNG BỀN. Cái tạm bợ là hiện tại, thực tại, thực tế… nhỡn tiền mà ta buộc phải chấp nhận nó. Cái tạm bợ dường như là cái bất khả kháng của nhiều thế hệ, nhiều nghìn năm lịch sử. Cái vững bền là cái ở thì tương lai có thể gần và cũng có thể xa, rất xa, thậm chí là ảo tưởng. Cái vững bền là ước mơ cháy bỏng của nhiều đời, nhiều kiếp trong dằng dặc thời gian của cõi người.
Bốn câu thơ cuối đã phát triển, nâng cao triết lí trên tới một tầm tư tưởng nhân sinh mang tính phổ quát:
Bây giờ em không còn, cái tạm bợ lại còn nguyên
Đau xót làm sao đời người nhiều khi ngắn hơn những gì tạm bợ
Đau đớn biết bao mỗi khi tay anh đụng vào cánh cửa
Tạm bợ còn đây mà em đã đâu rồi?
Cái tưởng là vững bền “trăm năm đầu bạc răng long” thì tan tành như cơn ác mộng, cái tạm bợ thì vẫn ngạo mạn trơ gan cùng tuế nguyệt như thách đố. Đời người ngắn ngủi thì chẳng có một phút bình yên bởi luôn bị bủa vây bởi vô vàn cái tạm bợ. Đau đớn biết bao khi ta buộc phải cộng sinh với cái tạm bợ cho đến phút lìa đời. Cái tạm bợ là bất hạnh vĩnh cửu. Cái vững bền chỉ là hạnh phúc vụt hiện như một tia chớp trong đêm đông, để rồi ngay sau đó sẽ mất hút vĩnh viễn trong màu đen mịt mùng.
Tạm bợ còn đây mà em đã đâu rồi? là câu thơ khóc vợ, nhớ vợ, thương vợ…; nhưng cũng là câu thơ khóc cho mọi chúng sinh trong cái bể khổ trầm luân “ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”…
                                                                 
                                      Thạch Bàn, thứ sáu, 21.3.2014


3 nhận xét:

  1. Bài thơ hay bởi một cái tứ khá lạ và những chi tiết được tác giả dụng công khéo léo. Cảm ơn bác Vũ Nho đã giới thiệu bài thơ với lời bình của Hoàng Dân.

    Trả lờiXóa
  2. Phú Cương C3 NQalúc 10:45 12 tháng 1, 2015

    Cảm ơn Vũ Nho đã up bài bình này,nhớ hồi cùng bạn lên Hòa Bình kỷ niệm 65 năm thành lập trung đoàn 52 Tây Tiến, Trên xe về Hà Nội Mỹ Lâm, Anh Tiến và bạn cùng bình luận về bải thơ này thật hân hoan quá.... kỳ tới có hoạt động của Tây Tiến mong được mời bạn tham gia nhé

    Trả lờiXóa