Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

5 CÂY GẠO LÀNG TRÈM XƯA




5 CÂY GẠO LÀNG TRÈM XƯA
 
Tản văn
                                   Đường Văn

- Thần cây đa, ma cây gạo!...
- Bao giờ cho đến tháng ba,
Hoa gạo rụng xuống, thì tra hạt vừng
(Tục ngữ)

          Trước những cây gạo Làng Trèm, từ khi có hiểu biết cho tới bây giờ, tôi chưa từng một lần thấy ma, gặp ma, bị (được) ma trêu, ma dẫn lối đưa đường!… Có lẽ câu tục ngữ trên chỉ hù dọa được lũ trẻ nít và số ít người yếu bóng vía thôi chăng?! Và quả thật đáng tiếc, trong số 5 cây gạo ấy, không có cây nào cổ thụ, hoành tráng, giàu ý nghĩa lịch sử trọng đại sánh được với cây gạo Sù (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ ngày nay); cây gạo khổng lồ sừng sững, một mình trơ trọi, gần bờ sông Cái. Đứng trên đầu dốc làng Nhật Tảo (phường Đông Ngạc) nhìn xuống phía đông, đã thấy mờ xanh hình những tầng tán lá vươn cao, xòe rộng. Cây gạo ấy từng trở thành một trong những hòm thư liên lạc bí mật thời kỳ Tiền khởi nghĩa. Cây gạo ấy đã vinh dự thay mặt quần chúng nhân dân các làng Xù – Gạ nghênh đón Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, vào mùa nước cường, hạ tuần tháng Tám năm Ất Dậu (1945)…
          Nhưng hỡi ôi! Cây gạo hùng vĩ, huyền thoại ấy, trong một mùa lũ bão dữ dội cách đây vài chục năm cũng đã bị gió trời, nước mưa và sóng sông Hồng hùa nhau quật đổ mất rồi! Mấy năm gần đây, chỗ cây gạo lịch sử xưa, giờ là khuôn viên của quán gió Tre Xanh nổi tiếng. Chủ quán đã cho rào quanh 1 vòng tròn đường kính khoảng dăm mét và trồng vào đó 1 cây gạo nhỏ, cành lá xanh rờn, nhưng sao rất chậm phát triển!? Ba năm nay, mỗi năm tôi đều có dịp ghé qua, ngắm kỹ, chẳng thấy nó lớn lên được bao lăm?! Lạ thế!...

                                                             ***
          Nhưng,… gắn bó nhiều hơn với tuổi thơ tôi là 5 cây gạo làng Trèm xưa, mà lần lượt trước sau, chúng đều đã từ lâu hóa thành ký ức mịt mờ, để không ít đêm đông, sáng xuân, trưa hè, chiều thu lộng gió, trong giấc ngủ mơ miên man, chập chờn mộng mị, tôi lại được thấy những tàn lá xanh non, mỡ màng reo vang lồng lộng, những bông hoa gạo đỏ gắt bay tung, rụng đầy… quanh giường tôi. Những thân, cành gai góc sù sì lại cào xát vào lưng, vào chân tay tôi vừa đau vừa ngứa, nhưng thú vị lạ lùng! Mà lúc bừng tỉnh giấc thì vẫn chỉ có giường không, chiếu không, với hai cánh cửa sổ mở toang. Gió trời tháng tư Âm lịch Bính Thân và gió quạt trần cũ mỏi hòa luồng nhau tung cánh màn hoa phần phật!...

          1. Gần nhà tôi nhất là cây gạo trồng mấp mé bờ ao Đấu, đối diện với cổng sau chùa Trèm (Hàm Long tự). Cây gạo này do cụ S., nhà ở gần đó, một buổi sáng mùa xuân mát mẻ, đem bầu cây non tới trồng lấy may, mong Trời thương tình, gia ơn ban cho một mụn con trai nối dõi tông đường. Cây gạo con ấy lớn nhanh lắm. Ngày nào lũ con nít chúng tôi chả hai, ba lượt dắt bò đi chăn qua đó, cũng chẳng để ý kỹ, vậy mà cứ ít lâu nhìn lại, đã thấy cây khác trước. Vài mùa qua, vài năm qua, cây gạo thiếu niên đã lớn bổng lên, cành lá xòe vươn, bóng mát trùm tới già nửa cái ao rộng. Nhiều buổi trưa hè nóng nực, thân cây thành chỗ buộc trâu bò rất tiện để mấy bác thợ cày vào nghỉ tạm hút điếu thuốc lào, uống bát nước vối vàng suộm thơm thơm, đắng ngọt trong quán lá cụ V. áp mái vào tường hồi cổng chùa. Còn không ít những đêm trăng sáng, trời trong, thì gốc gạo, cổng chuà là nơi chơi đùa, hóng mát của dân xóm Đồng, từ những cụ ông, cụ bà phe phẩy quạt nan, quạt giấy cho tới lũ trẻ ranh con ở chung quanh đó. Chúng thi nhau bày ra những trò chơi thú vị: bắn nhau, trận giả, nú tìm, chồng nụ, chồng hoa… ríu rít, rậm rịch, ầm ỹ mãi tới khuya…
          Ấy vậy mà, có ai ngờ, một sớm tinh mơ tháng bảy năm nào, sau một đêm mưa to bão lớn, mấy đứa tôi xách cặp đi học phụ đạo hè, qua; bỗng thốt nhiên hụt hẫng, trống vắng như bị mất một cái gì…?! Đến gần cổng Chùa, chợt giật mình thấy cây gạo cao lớn, cường tráng đang độ thanh niên là thế, đã bị bật bung gốc, rễ, đổ kềnh, cành lá xùm xòa, xã xượi tràn đầy mặt ao lẫn với những đám bèo tây, bèo cái. Tôi đứng lại hồi lâu nhìn trân trân vào cây gạo bây giờ chỉ còn là một đám thân gỗ, cành lá, rễ tả tơi, mà lo lắng rằng không biết ông bố mình và mấy ông bác, ông chú từ nay… sẽ cọc trâu, bò vào chỗ nào? Vài ba hôm sau, nơi cây gạo đổ, chỉ còn là một khoảng nước ao tiến lõm vào, bờ đất ăn sát mí đường đất nện, sóng nước lăn tăn nhè nhẹ…
          Một đời cây gạo quá ngắn ngủi gắn bó với làng tôi, tuổi thơ tôi… chỉ trong một đêm thiên tai, đã bay vèo theo mưa, theo gió, theo bão giông, năm tháng… nhọc nhằn!

          2. Cây gạo hùng tráng nhất làng Trèm có lẽ là cây gạo Cầu Sông. Ai trồng cây và trồng từ bao giờ, không rõ?!... Chỉ biết khi tôi còn là một chú bé gầy cọc, một thằng bòi Tạo ngô nghê, chiều chiều dắt bò đi chăn thả thì nó đã là một cổ thụ, đứng đĩnh đạc, oai phong và ngạo nghễ trên một góc bãi cỏ bên này phía hạ lưu bốt Cầu Sông Nhuệ, nơi có vị trí địa thế cao nhất làng Trèm. Mỗi lần vấn bò, thả bò gậm cỏ trên những cánh đồng mới gặt xứ Đồng Vườn, Đồng Thúy, thậm chí Kiếu, Đống hay Cửa Trẹm… chúng tôi vẫn nhìn thấy bóng xanh cây gạo xa mờ như một cao điểm định hướng về làng đầy tin cậy. Mùa xuân tháng ba, hoa gạo bay tung, phấp phới rụng đầy một vùng bốt Cầu Sông, tràn ra cả đường đê, đỏ ối. Mỗi chiểu sâm sẩm mặt người, dong chú bò bụng căng tròn, đủng đỉnh diễu qua cầu, hình như đâu đây có tiếng lá gạo reo bên tai, hoa gạo rơi ào qua vai… Lão Gạo hiền khô như cũng hài lòng trước đám trẻ làng ngoan ngoãn, chăm chỉ giúp đỡ cha mẹ mà mỉm cười đôn hậu. Nhớ cũng có lần, tôi chợt đỏ bừng mặt đến tận mang tai, không biết lẩn vào đâu cho đỡ ngượng, khi tình cờ chạm mặt cô bạn gái mình thầm thương trộm nhớ. Cô bé da trắng, môi hồng, mình thon óng ả, làn tóc đen mướt buông bay xòa theo chiều gió, thảnh thơi phóng xe đạp qua cầu. Chợt gặp ánh mắt ngạc nhiên đến sững sờ, lí nhí chào cậu bạn thân tồ tễnh!... Rồi xe lại vút qua cầu… như một giấc mơ!...
          … Năm tháng qua đi, chúng tôi lớn bồng lên, đứa rời làng, học xa, đứa thành cán bộ nhà nước, đứa làm công nhân mãi trên Thái Nguyên, Việt Trì, đứa nhập ngũ, vào các chiến trường B, C…biền biệt… Thi thoảng có dịp về thăm quê, thăm làng, chúng tôi đều thích qua lại Cầu Sông, sao chỉ thấy trống hoác một khoảng không lễnh loãng?! Cây gạo cổ thụ đã biến mất tự bao giờ y như trong cổ tích?!
          Nghe nói trong những năm chống chiến tranh phá hoại, người ta quyết định chặt hạ cây gạo đó để bảo vệ bí mật, an toàn cho cây cầu, một trọng điểm giao thông – thủy lợi của miền tây bắc huyện Từ Liêm, Hà Nội (!?). Dân quân - du kích và Ban Phòng không bảo vệ Cầu Trèm nêu cao tinh thần cảnh giác, đề phòng máy bay trinh sát USA phát hiện cây gạo cao, từ đó lần ra mục tiêu cầu cống quan trọng, báo cho máy bay cường kích, tiêm kích tới phóng tên lửa, cắt bom thì…Cầu Trèm sập mất!!!

          3. Cây gạo thứ ba già nhất, cổ thụ nhất, tọa lạc yên ả, vững chãi trên một khoảnh đất cao, cỏ mọc xanh rì, thuộc xứ đồng Cầu Đồ. Nhưng từ khi tôi còn nhỏ, đã chẳng thấy cái nhà cầu nào ở đó. Chỉ còn trơ chỏng mấy tảng đá xám, nhẵn lì, ngẫu nhiên biến thành mấy cái ghế tự nhiên cho lũ trẻ chăn bò chúng tôi ngồi trông bò, gẫu chuyện. Mấy bà, mấy chị đi cấy thông trưa ở các xứ Cầu Đồ, Cầu Đìa, Đồng Vườn, Ao Cá… cũng thích ăn cơm trưa và nghỉ ngơi ở đó. Thi vị nhất là vào những buổi chiều tà cao hứng, anh CD, hơn tôi độ dăm tuổi, cũng là dân mục đồng chính hiệu, rất yêu và có năng khiếu ca hát, âm nhạc, lại khéo tay. Anh ngồi thong dong bắt chân chữ ngũ vắt vẻo trên tảng đá lớn nhất, nhẹ nhàng, từ tốn nâng cây sáo trúc, ghé vào môi, thổi liền liền mấy bài dân ca quan họ. Khi thì Người ở đừng về, khi thì Cây trúc xinh… Mấy ngón tay anh thanh niên nông dân làng mới lớn thích làm dáng, để móng dài, chuốt nhọn. Những ngón tay to, thô sù sì mà đóng, mở, vuốt, chạy thoăn thoắt trên 6 lỗ sáo nứa tự khoét rất nhẵn bằng chiếc dùi sắt nhọn nung lửa già. Tiếng sáo mới đầu còn hơi lập bập, dần dần tròn tiếng, vào nhịp, trong trẻo bay cao, vút lên réo rắt, ngân nga, tỏa lan mênh mang trên cánh đồng tháng mười thơm thoảng mùi lúa vừa gặt. Có con trâu tơ nhà chú B, đang miệt mài gặm cỏ, chợt từ từ ngẩng lên, quay đầu về phía người thổi sáo, vẻ như muốn lắng nghe, thưởng thức chuỗi âm thanh dặt dìu từ cái ống gì xinh xinh kỳ lạ của chàng trai làng Trèm – chủ nó?!... Ai dám bảo: Làng Trèm sáo thổi tai trâu?!

          4. Cây gạo thứ tư còn lưu ấn tượng trong trí nhớ tôi là cây gạo bên giếng đồng Cầu Gạo. Cây gạo thiếu niên cành lá thưa thớt trùm bóng lên cái giếng đất cỏ gà lún phún leo quanh mép và ở dưới đáy nước chắc thể nào cũng ve vẩy vài nàng cá diếc lách le te! (thơ HXH) Cạnh giếng là một đống cây ngô khô của nhà ai vừa chất lù lù như trái đồi con. Cầu Gạo là ba gian nhà gạch, khung gỗ, mái lợp ngói móc hiệu Hưng Ký đỏ au. Những buổi chiều hè chăn bò, tôi thích nằm vắt chéo cẳng ngỗng trên nền gạch lát, vừa ư ử nghêu ngao mấy câu cải lương cũ rích vừa ngắm nghía mái cầu, đếm ngói cầu, mới thấy dòng chữ Hưng Ký được người thợ làm khuôn ngói trổ thật sắc nét.
          Cầu Gạo từ giữa những năm 60 thế kỷ trước đã thuộc khu vực trận địa của Tiểu đoàn tên lửa bảo vệ từ xa vùng trời của Thủ đô Hà Nội anh hùng. 
          Vì yêu cầu quân sự cấp bách, cây gạo bị chặt bỏ, giếng đất bị san lấp, nhà cầu phải dỡ để thay thế vào đó những ụ đất đồ sộ vây quanh những quả tên lửa to lớn sơn xanh, lầm lỳ, dài ngoẵng do CCCP (Liên Xô) viện trợ. Đó là điều tất nhiên và cần thiết, không thể khác! Nhưng trong tâm khảm của lũ nhóc mục đồng làng Trèm chúng tôi hồi ấy và mãi sau này, vẫn thấy tiếc nuối, nhung nhớ khôn nguôi… Nhớ sao cây gạo đã bắt đầu cổ thụ, một cái giếng đất già, nước trong veo, hai mái cầu đồng thân thương, một đống cây ngô khô lồng phồng, chập chồng tỏ mờ trong ký ức càng năm càng xa xăm, vời vợi…

          5. Cây gạo thứ năm, cây gạo cuối cùng của làng Trèm xưa còn dấu ấn đến hôm nay là cây gạo Đồng Tranh. Vị trí cuả nó cách cây gạo Cầu Gạo khoảng gần cây số đường chim bay. Điều đặc biệt rất đáng ghi nhận là sức sống dai bền của nó, trải qua bao biến thiên, tác động ghê gớm của trời đất, con người. Gần bảy mươi năm dằng dặc đã trôi qua, từ hòa bình vào chiến tranh, từ chiến tranh lại ra hòa bình, nửa thế kỷ trước đã qua, gần 20 năm thế kỷ mới cũng đã lùi lại phía sau,… Vì sao, nhằm mục đích gì và vào khi nào, từng có kẻ tàn nhẫn, táng tận lương tâm nào đó đã xuống tay chặt cây, cành, lại còn đốt bỏ thân cây gạo?! Ngọn lửa vô tình, vô cảm dữ ác, bạo tàn của con người độc địa đã thiêu đốt thân cành, từ gốc tới ngọn. Chỉ còn trơ lại một khúc thân cây xạm đen, tàn tro đen sì, dính láp nháp, thỉnh thoảng lại bay lồng lên trong gió xoáy. Nhìn xác cháy cây gạo mà thương, mà giận, mà buồn!... cho lòng dạ con người vô tri, vô trách!  Ngày qua, tháng qua, năm qua, cứ thế, cứ thế…! Khúc thân cháy của cây gạo đen xạm, vẫn nối liền với đất, trơ gan cùng tuế nguyệt, bên vệ đường cỏ mọc lam nham!... như một khúc bi ca ảo não không lời, chưa có hồi kết…
          Một chiều đầu xuân năm nay, tôi tình cờ dạo bộ - thể dục, đi qua, chợt ghé lại gần, bỗng thấy, hình như từ nơi gốc gạo, thân cây gạo cháy, lại nhấp nhú, lấp ló mấy chồi lá nhỏ tơ non …?! Chao ôi là mừng!
          Kỳ diệu thay sức sống dai dẳng, mãnh liệt của cây gạo làng Trèm! Cây gạo Đồng Tranh, cây gạo bên đường! Tự đáy lòng tôi bỗng dâng lên một nỗi niềm xôn xao, thiết tha kỳ vọng, rằng những mầm lá xanh non nhỏ nhoi cơ hồ mong manh, yếu ớt ấy sẽ theo thời gian, lớn dần lên, lớn dần lên… Chỉ dăm năm nữa thôi, cánh đồng làng tôi sẽ lại có một cây gạo mới, thanh niên sức lực tươi tốt, tràn trề… Và một mùa xuân hoa gạo thanh tân sẽ phấp phới giăng đỏ rực góc đồng Trèm, để những bô lão làng chúng tôi có cơ hội nhẩn nha, bồi hồi và vui mừng sống lại một thời ấu thơ chăn trâu cắt cỏ vất vả, êm đềm…
          Những cây gạo làng Trèm tôi…!
          Âu ca 5 cây gạo làng Trèm xưa…!

Trèm, chiều chớm hè
13/5/2016.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét