Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

5. SO SÁNH ĐOẠN “TRAO DUYÊN” TRONG “KIM VÂN KIỀU” VỚI “TRUYỆN KIỀU”





5. SO SÁNH ĐOẠN “TRAO DUYÊN” TRONG “KIM VÂN KIỀU” VỚI “TRUYỆN KIỀU”
“Trao duyên” là một đoạn rất hay được các nhà làm sách đưa vào chương trình THPT những năm gần đây. Đoạn thơ thể hiện tài năng phân tích tâm lí và miêu tả nội tâm tuyệt vời của Nguyễn Du. Đã có nhiều người viết về đoạn thơ này của Nguyễn Du. Nhưng so sánh hai văn bản, đặng chứng minh Nguyễn Du đã thay đổi, đã sáng tạo nhiều so với Thanh Tâm Tài Tử thì hầu như chưa ai làm. Dưới đây chúng tôi sẽ thực hiện việc so sánh trên cơ sở đối chiếu hai đoạn của hai tác phẩm KVK và TK.
Đoạn này trong sách KVK nằm trong hồi thứ tư (Chữ hiếu nặng, thân này đành bỏ, nỡ để nhà tan/ Tơ duyên đứt, tình ấy khó quên, còn nhờ em nối), được bắt đầu như sau:
Tới đây thì nàng không cần giấu giếm chi nữa, nên cũng nói thẳng cho Thúy Vân: Chị cùng Kim Trọng từng thề thốt: cùng nhau giai lão bách niên. Chẳng ngờ ngày nay gặp cảnh gia biến, muốn trọn chữ hiếu tất nhiên khôn trọn chữ tình, rồi đây, tấm thân của chị biết rằng trôi dạt vào đâu. Phỏng sử lúc ấy mà chàng quay lại, thì tấm thân tình này ai tỏ cho ta? Thôi thì giờ đây, em hãy ngồi lên nhận lấy của chị một lạy.
Thúy Vân sửng sốt hỏi: Ô này lạ! Cớ sao chị lại lạy em, lạy để làm gì, xin chị cho em được rõ?
Kiều đáp: Em ơi, cái lạy của chị không bởi một việc gì khác, chỉ bởi một sợi tơ tình giữa chàng và chị hãy còn dang dở, mong rằng em hãy vì chị trang trải cho xong, nếu được như vậy, chị dù thịt nát xương mòn cũng được ngậm cười ở nơi chín suối.
Nói tới đây, nàng quá cảm động, khóc chẳng ra tiếng, rồi bị ngất xỉu, đến khi hồi tỉnh, Thúy Vân kiếm lời khuyên giải:
Chị ơi, những lời chị vừa dặn bảo, em xin hết thảy vâng theo, mong rằng chị hãy gìn vàng giữ ngọc.

Thúy Kiều thấy Vân đã chịu nhận lời, thì lại nói tiếp: Than ôi, chàng Kim vừa mới trở lại Liêu Dương mà việc cứu cha, cứu em lại cần gấp rút, vì thế nên chị phải cậy đến em, này đây, giữa chàng với chị còn một bản văn thề và một đôi xuyến, chị trao cả lại cho em, sau này em sẽ ăn ở với chàng cho được tốt đẹp. Cứ như ý chị, thì kiếm được người tài tình như thế thật cũng khó khăn, mong rằng bao nhiêu đính ước với chàng, em hãy trả giúp cho chị, rồi sau nên chồng nên vợ, nghĩ đến người mệnh bạc, chắc rằng em cũng chẳng quên hiện giờ chị cũng chẳng dám nói nhiều, vì sợ mụ mối sắp đến, nói ra có phần bất tiện, âu là để chị viết mấy chữ để lại cho chàng. Nhớ lại cái giờ cùng nhau thề thốt ở dưới bóng trăng, biến thành những lời nói không hết thảy.
Lại còn điều này, chị cũng nói để em biết: Trước kia có lần chị mơ thấy Lưu Đạm Tiên, nàng bảo chị đề thơ vào tập Đoạn Trường, và lại cho biết chị cũng là người trong Hội. Như vậy, cái đời của chị, dù sao cũng không chạy thoát ra ngoài cái hội Đoạn Trường, trước kia chị và chàng Kim phải giữ tấm thân trong sạch, đó là lẽ thường, nay gặp phải biến cố, thì tấm thân này sự buồn, sự vui tùy theo ở người. Chứ mình đâu có quyền tự chủ! Âu cũng là phó mặc tạo hóa xoay vần, ví phỏng sau này chàng Kim và em còn nhớ tình xưa nghĩa cũ, tìm kiếm chị đây, thì cứ đến sông Tiền Đường, sẽ thấy tin tức. Vì cái điềm đó chị đã biết trong giấc mộng, ngẫm xem dĩ vãng, đã thấy phù hợp, chắc việc sau này cũng đúng đó thôi. Nói xong nàng lại dậm chân than khóc: Ơi Kim Lang hỡi Kim Lang, thôi thôi thiếp đã phụ chàng rồi đó. Than xong thì nàng ngừng thở, hai tay lạnh ngắt như đồng.
Thúy Vân thấy chị ngất đi, còn đương luống cuống, bỗng đâu nàng lại hồi tỉnh lên tiếng gọi Vân: Em ơi, chị không khóc nữa, vì mẹ sắp trở về rồi, mẹ về, tất nhiên mụ mối cũng đến, chị thấy việc này có liên can đến án đạo tặc, những người thân cận, hỏi ai còn dám dính líu với mình. Vậy người lấy chị tất nhiên là người phương xa, sau khi xong việc, họ sẽ giục giã lên đường, bấy giờ ruột tằm bối rối, muốn viết một chữ cũng chẳng được nào. Vậy hãy đem bút giấy để chị viết trước mấy lời.
 Thúy Vân vội vàng đi lấy các thứ, thoạt cầm lấy bút nàng lại thở dài, hai hàng nước mắt bỗng lại tuôn ra như suối, rồi nức nở than:
Chàng Kim hỡi hỡi, trước kia mà thiếp phải giữ tấm thân, chẳng để cho chàng tùy theo ý muốn, chỉ vì thiếp sợ sau này cái đêm hợp cẩn biết lấy vật chi đối chất với chàng. Ví chăng lúc ấy mà thiếp sớm có ngày nay, thì thiếp có giữ làm chi. Tội nghiệp! Than xong, nàng vội gạt lệ viết một bức thư.
THƯ RẰNG:
Thiếp tôi Thúy Kiều là kẻ mệnh bạc, tai vạ xảy tự chân tường, dâng thư đã chẳng học đặng nàng Oanh, bán mình há nhẽ chịu thua Ả Lý? Vẫn biết bán mình là thiếp làm một việc tủi nhục cho chàng, thực là đáng hổ, đáng giận. Nhưng mà nghĩ lại: Cái đêm dưới đèn cự tuyệt, thiếp cam chịu tội cùng chàng, chàng mà nhớ lại, sao khỏi oán hận thiếp đây. Than ôi! Số phận mỏng manh, mối tình chẳng cho chị chắp, thôi thì lược khăn hầu hạ, tơ duyên phải cậy em xe. Ví chẳng nề hà, vui lòng hạ cố, thì ân tình trước họa chăng thiếp đây báo đáp được một phần nào. Mai đây chân trời góc bể, li biệt đến kì, nhớ khi dưới nguyệt chén thề, thành câu chuyện hão. Còn lại cây cầm khúc oán, một gói hương thừa, ngày khác em nó cùng chàng so tơ lựa phím, trông ra cành cây ngọn cỏ, thấy gió hiu hiu là lúc hồn thiếp bay về, lúc ấy chàng nên vì thiếp rưới một chén rượu, rửa nỗi oan khiên, thì thiếp ơn chàng vạn bội! Trong lúc tử sinh li biệt, có thế mà thôi, giấy ngắn tình dài, kể sao xiết nỗi, mong chàng nên gìn vàng giữ ngọc, đừng nghĩ đến thiếp làm chi.
Thư đệ trước án Kim Thiên Lý
Đứa em xấu số là Vương Thúy Kiều kính lạy”
Viết xong bức thư bỏ vào trong một chiếc phong bì, mặt ngoài đề hai dòng chữ: “Kim Thiên Lý minh huynh mở coi, và giao lại cho Thúy Vân thu nhận”.
Nàng vừa trao thư cho Vân xong, thì phía ngoài có tiếng gọi ngõ, vội vàng ra mở thấy mẹ đã về, theo sau là một mụ mối." (Phạm Đan Quế - Truyện Kiều đối chiếu, trang 115 - 119).
Cả đoạn gồm 4 trang in.
Đoạn thơ của Nguyễn Du từ câu số 723 Cậy em em có chịu lời, đến câu số 758 Một hơi lặng ngắt đôi tay giá đồng, gồm 36 câu thơ lục bát, một trang in.
Trước khi đối sánh hai đoạn, cần nói thêm về sự thay đổi lớn của Nguyễn Du khi viết đoạn thơ này.
Nguyễn Du đã bỏ hồi thứ 5 và hồi thứ 6. Nhà thơ chỉ giữ lại chi tiết Vương ông lao đầu vào cột định tự tử và lời khuyên can của Thúy Kiều. Hai chi tiết này được đưa lên hồi 4, lại đặt vào trước khi Thúy Kiều trao duyên cho Thúy Vân.
Nguyễn Du cũng đưa chi tiết đoạn đầu của hồi thứ 7 nói về việc Kiều thao thức, Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân ghé đến hỏi han, xuống hồi 4 nói về việc trao duyên. Ở hồi 4, sau khi Kiều quyết định bán mình, mẹ nàng đi theo bọn công sai để nhận đường lối sau này đưa cơm cho tiện, ở nhà còn hai chị em, hai người nói chuyện và Kiều lạy Vân, trao duyên cho em, không có chuyện "Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân” (trang 115-116).
Bây giờ chúng ta sẽ xem xét việc Nguyễn Du đã cấu trúc lại nội dung bốn hồi 4, 5, 6, 7 như thế nào về thứ tự các sự việc.
Trong KVK, trật tự các sự việc theo thứ tự như sau:
1) Kim Trọng nghe tin dữ phải về hộ tang, Kim Trọng báo tin và từ biệt Kiều. 2) Kiều về nhà, bố mẹ về báo tin sợ bị hai thằng bán tơ khai. 3) Sai nha ập đến tra khảo Vương ông và Vương Quan. 4) Kiều quyết định bán mình cứu gia đình. 5) Kiều trao duyên cho Vân. 6) Mụ mối đưa Mã Giám Sinh đến bắt đầu cuộc mua bán. 7) Giấc mơ Kiều gặp Kim Trọng. 8) Kiều làm 8 bài thơ.
Trong TK, Nguyễn Du sắp xếp lại:
1) Kim Trọng nghe tin dữ phải về hộ tang, Kim Trọng báo tin và từ biệt Kiều. 2) Sai nha ập đến tra khảo Vương ông và Vương Quan. 3) Kiều quyết định bán mình cứu gia đình. 4) Mụ mối đưa Mã Giám Sinh đến bắt đầu cuộc mua bán. 5) Vương ông định tự tử, Kiều khuyên can. 6) Mã Giám Sinh trao tiền. 7) Kiều trao duyên cho Vân.
Qua so sánh trên, chúng ta thấy Nguyễn Du đã làm một cuộc thay đổi lớn lao như thế nào khi dồn nội dung có trong 4 hồi vào một đoạn thơ liền mạch, trong đó đưa phần “trao duyên” vốn ở giữa hồi thứ 4 xuống phần cuối của đoạn thơ dài từ câu số 529 đến câu số 758. Có thể thấy thêm rằng trong KVK, nàng Kiều vừa quyết định bán mình thì đã “trao duyên” ngay cho Thúy Vân. Như vậy là vẫn nghĩ cho tình riêng của mình khá sớm. Trong khi ở TK, Nguyễn Du để cho các sự việc mua bán xong xuôi, Vương ông được tha về nhà; rồi Mã Giám Sinh đã trao tiền bạc. Lúc đó Kiều mới nghĩ đến mối tình riêng, mới “trao duyên” cho Thúy Vân. Như thế tính cách của nàng coi trọng chữ Hiếu hơn chữ Tình, hi sinh tình riêng để làm trọn nghĩa vụ cứu gia đình càng được khắc họa nổi bật.
 Đoạn trao duyên trong TK cụ thể như sau:
723. Cậy em em có chịu lời?
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa
“Giữa đường đứt gánh tương tư
       Keo loan chắp mối tơ thừa, mặc em
Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề
Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai
Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ, thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây
Chiếc thoa với bức tờ mây
Duyên này thì giữ, vật này của chung
Dầu em nên vợ, nên chồng,
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên…
Mất người, còn chút của tin
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa
Mai sau, dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai
Dạ đài cách mặt khuất lời
Tưới xin giọt lệ cho người thác oan
Bây giờ trâm gãy gương tan
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi
Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng
Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”
Cạn lời, hồn dứt máu say
758. Một hơi lặng ngắt, đôi tay giá đồng.
Bây giờ sẽ xem xét chi tiết phần trao duyên Nguyễn Du đã làm những gì khác.
- Thứ nhất, Nguyễn Du bỏ chi tiết sau khi Kiều lạy Vân, Vân hỏi cớ sao lạy. Kiều trả lời, rồi xúc động quá, ngất xỉu. (trang 116).
- Thứ hai, Nguyễn Du để cho Kiều nói một mạch với Vân. Không để cho Thúy Vân nói lại. Khi nói xong thì Kiều ngất.
- Thứ ba, Nguyễn Du bỏ đoạn Kiều kể về giấc mơ gặp Lưu Đạm Tiên.
- Thứ tư, Nguyễn Du bỏ chi tiết: "Nói xong nàng lại dậm chân than khóc”.
- Thứ năm, Nguyễn Du bỏ chi tiết Vân luống cuống thấy chị ngất, “bỗng đâu nàng lại hồi tỉnh, lên tiếng gọi Vân”.
- Thứ sáu, Nguyễn Du bỏ chi tiết Kiều đòi giấy bút để viết thư cho Kim Trọng.
- Thứ bảy, Nguyễn Du lấy nội dung thư viết cho Kim Trọng, biến thành lời dặn dò của Kiều với Thúy Vân.
Mai sau, dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
- Thứ tám, Nguyễn Du thêm đoạn Kiều than cho mối tình không thành và phận bạc của mình.
Bây giờ trâm gãy gương tan
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi
Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
- Thứ chín, Nguyễn Du đưa lời than “Ơi Kim Lang hỡi Kim Lang, thôi thôi thiếp đã phụ chàng rồi đó. Than xong thì nàng ngừng thở, hai tay lạnh ngắt như đồng” xuống để kết thúc đoạn trao duyên. Đồng thời cũng kết thúc luôn cả nội dung của hồi thứ tư (kết hợp với hồi 5, hồi 6 và một phần đầu hồi 7).
Chín điều thay đổi của Nguyễn Du, nhưng mạch thơ không thay đổi mà vẫn đảm bảo sự mạch lạc, hợp lí. Đó chẳng phải là sự sáng tạo của người có bản lĩnh cao cường hay sao!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét