Thứ Tư, 4 tháng 7, 2018

CẢM TÁC TRƯỚC PHẦN MỘ NHÀ THƠ NGUYỄN BÍNH




CẢM TÁC TRƯỚC PHẦN MỘ NHÀ THƠ NGUYỄN BÍNH

                            Phạm Tâm Dung

Về  đây thăm lại chốn xưa

Bưởi xanh năm ấy đung đưa trước nhà

Thôn bên quạnh quẽ tiếng gà

Cây chanh đã hết mùa hoa lâu rồi

Tường xây nhớ dậu mùng tơi

Con bươm bướm trắng nhớ người quay tơ...

Đâu rồi ơi hỡi người thơ!

Để thương, để nhớ để ...mơ cho đời...!

Trăm năm một thoáng khóc, cười!

Rưng rưng  nhẩm  lại thơ người rưng rưng...!

Nào đâu mặn muối cay gừng

Rượu suông một chén, nửa chừng lại...suông !

Lòng thành thắp một tuần hương

Cầu cho hồn bướm chẳng vương bụi trần

Nhởn nhơ giữa chốn vườn xuân

Cố nhân lại gặp cố nhân hữu tình

Rượu tiên dốc cạn đáy bình

Tình say cho cả ...thiên đình cùng... Say...!

Kỷ niệm nhân dịp 100 năm ngày sinh cố nhà thơ Nguyễn Bính 25/6/2018

Lời bình của Vũ Nho

          Hầu như tất cả những người sáng tác, khi thăm mộ,  thăm nhà tưởng niệm, thăm bảo tàng các danh nhân văn hóa, nhất là danh nhân đó lại là nhà thơ thì đều “đồng thanh tương ứng” ghi lại những xúc động của mình cũng bằng thơ. Vì không gì đơn giản, phù hợp và thuận lợi hơn việc này.  Có biết bao các bài thơ đã ra đời như vậy.Tác giả Phạm Tâm Dung khi thăm phần mộ nhà thơ Nguyễn Bính ở quê hương ông là một trong những trường hợp đó.

 Như chúng ta biết năm 2018 là tròn một trăm năm ngày thi sĩ chân quê  Nguyễn Bính chào đời ở làng Thiện Vịnh xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, Nam Định. Cuộc đời bôn ba, phiêu bạt khắp Bắc Trung Nam của thi sĩ chân quê, thi sĩ tình yêu đã để lại bao nhiêu giai thoại, bao nhiêu  nhớ thương,  yêu mến  trong lòng bạn đọc.

                                     Tác giả Tâm Dung



Tác giả bài viết đã chọn thể thơ lục bát để viết về ông. Quả thực là một cách lựa chọn rất phù hợp. Nguyễn Bính nổi tiếng trong phong trào thơ mới khi ông tìm về với thể thơ cổ điển của dân tộc và làm cho nó có một giọng điệu mới, màu sắc mới. Đến nỗi người ta khi nói tới lục bát là phải nói tới lục bát của Đại thi hào Nguyễn Du, rồi lục bát của thi sĩ Tản Đà, và sau đó người được nhắc đến là Nguyễn Bính. Bài thơ dài nổi tiếng “ Lỡ bước sang ngang” mà hầu hết các cô thợ dệt Nghĩa Đô đều thuộc (theo lời kể của nhà văn Tô Hoài) và bao người phụ nữ nước Việt cũng thuộc  nằm lòng, được viết theo thể lục bát. Bài “Chân quê” cũng được viết bằng lục bát : “ Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u cùng với chúng mình chân quê”. Hoa bưởi, hoa chanh là thứ hoa vườn   thôn quê. Đó là cũng là thứ  cây, thứ hoa từng vào thơ  Nguyễn Bính. Đó cũng chính là lí do thăm mộ, thăm khu tưởng niệm nhà thơ Nguyễn Bính, tác giả nhắc đến những “biểu tượng” tiêu biểu trong thơ ông:

          Bưởi xanh năm ấy đung đưa trước nhà

          Thôn bên quạnh quẽ tiếng gà

          Cây chanh đã hết mùa hoa lâu rồi

          Tường xây nhớ dậu mồng tơi

          Con bươm bướm trắng nhớ người quay tơ

Hoa chanh  ( trong bài Chân quê) như đã nói ở trên giờ  không thấy. Còn dậu mồng tơi, con bướm trắng, tơ vàng  của người quay tơ là hình ảnh nổi bật trong bài thơ nổi tiếng “ Người hàng xóm” thì giờ cũng không còn. Duy nhất chỉ còn lại “con bươm bướm trắng” để gợi nhớ về những vật và người “muôn năm cũ”. Và con bươm bướm ấy cũng là biểu tượng của nhà thơ, hình ảnh của nhà thơ. “ Cành dâu cao lá dâu cao/ Bóng con bướm trắng trôi vào mắt em”. “ Bao giờ bến mới gặp đò/ Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau”…

          Xúc động trước cảnh cũ mà không thấy người xưa, tác giả đã có một ứng xử rất thi ca, ấy là “ Rưng rưng nhẩm lại thơ người rưng rưng”. Nhẩm lại thơ của nhà thơ, cũng chính là một cách để “gặp lại” nhà thơ. Cuộc gặp gỡ, giao tiếp lặng lẽ và âm thầm, cảm động và thiêng liêng ấy đã khiến người phụ nữ đa cảm thốt lên lời nguyện cầu chân thành cùng với tuần nhang vừa thắp:

           Cầu cho hồn bướm chẳng vương bụi trần

Nhởn nhơ giữa chốn vườn xuân

Cố nhân lại gặp cố nhân hữu tình

Như đã nói trên, “bướm trắng” là hình ảnh trong bài “ Người hàng xóm” và cũng là hình ảnh thường thấy trong thơ Nguyễn Bính. Nhà thơ còn viết cả bài thơ “ Truyện cổ tích” để nói rằng bản thân mình chính là một “điệp lang” ( chàng bướm). Hình ảnh “con bươm bướm trắng”  làm nhớ đến người hàng xóm, “ người quay tơ”, người “hong tơ vàng”. Đồng thời nó cũng  là dấu hiệu nhà thơ đang hiện hữu đâu đây. Đúng như hai câu  mà Nguyễn Bính đã “tập Kiều” làm trong số báo Tết năm xưa tưởng niệm Nguyễn Du:

          Lòng thơ lai làng bồi hồi

          Tưởng người nên lại thấy người về đây

 Hình ảnh bướm trắng, cũng là biểu tượng của nhà thơ, đang bay, đang gợi nhớ, được tác giả Tâm Dung nguyện cầu cho “không vương bụi trần”,  nguyện cầu cho được thanh thoát rong chơi chốn vườn xuân. Cố nhân gặp lại cổ nhân. Người cũ, người xưa ( cố nhân) ấy cũng chính là nhà thơ và những người bạn tình của ông.  

Rượu tiên dốc cạn đáy bình

Không phải là  “rượu suông” thứ rượu cay đắng nơi trần thế nhà thơ đã bao phen uống , đã từng một lần “ Uống say mà gọi thế nhân ơi” đầy bi phẫn ( Hành phương Nam). Đây là “rượu tiên”, thứ rượu quý giá, sang trọng ở chốn thần tiên nơi không vướng bụi trần, nơi không có khổ đau, uất hận. Thi nhân hỡi! Có phải hồn ông đang nhập vào bướm trắng hôm nay? Cầu chúc cho ông và những bạn tình của ông  ở thế giới bên kia, cùng chuốc rượu tiên, cùng say tình nồng “ cho cả  thiên đình cùng say”! Một lời cầu chúc thành kính của một tấm lòng thơ trước hồn thơ của nhà thơ tình, nhà thơ chân quê  làng Thiện Vịnh. Điểm hay đáng ghi nhận của bài thơ này chính là sự chân thành, sự “đồng  thanh đồng khí”, đồng  điệu với nhà thơ  lớn Nguyễn Bính, một đỉnh cao trong phong trào thơ mới nước nhà.

                                                                Hà Nội, 2 tháng 7 năm 2018



         


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét