Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

HÌNH TƯỢNG NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG THƠ HẢI DƯƠNG ĐƯƠNG ĐẠI




HÌNH TƯỢNG NGƯỜI PHỤ NỮ
TRONG THƠ HẢI DƯƠNG ĐƯƠNG ĐẠI

Nguyễn Thị Lan

Hội Văn học Nghệ Thuật Hải Dương


1. Xưa nay, cùng với thiên nhiên, tình yêu thì phụ nữ - một nửa của nhân loại - luôn là đề tài vĩnh cửu cho mọi sáng tạo nghệ thuật. Điều này xuất phát từ vai trò của người phụ nữ trong tự nhiên, trong gia đình và ngoài xã hội.
Trong tự nhiên, người phụ nữ luôn giữ vai trò duy trì nòi giống theo quy luật tự nhiên, quyết định sự tồn vong của nhân sinh. Đúng như một triết gia phương Tây đã nói: “Không có phụ nữ, không có nhân loại”. Nhà văn M.Gorki cũng từng khẳng định
“Đời thiếu Mẹ hiền không phụ nữ
Anh hùng thi sĩ hỏi còn đâu ?”
Trong gia đình, người phụ nữ giữ vai trò làm vợ, làm mẹ, người nội trợ vĩ đại, người tạo nên tổ ấm tình yêu. Bởi thế, ở mỗi gia đình nếu thiếu vắng hình bóng người phụ nữ sẽ trở nên trống vắng, cô đơn.
Ngoài xã hội “Một nửa của nhân loại” ấy là nguồn lực to lớn, thúc đẩy xã hội phát triển.
Trong bảy loại hình nghệ thuật, nếu không có phụ nữ sẽ không có nguồn cảm hứng cho thi ca, nhạc họa, vũ đạo, sân khấu, nhiếp ảnh, điện ảnh thăng hoa. Có thể nói: không có “phái đẹp” không có nền văn hóa nhân loại. Họ vừa là chủ thể vừa là khách thể trong sáng tạo nghệ thuật.
Riêng trong lĩnh vực thi ca, mỗi tác giả có lẽ ít nhất một lần trong đời viết về phụ nữ. Có thể đó là bà, là mẹ, là chị em gái, là vợ, con gái, bạn gái của mình.
2. Các tác giả Hải Dương cũng vậy. Ở những góc nhìn khác nhau họ đều lấy cảm hứng và đề tài chủ đạo từ người phụ nữ. Người phụ nữ vừa là chủ thể vừa là khách thể, vừa là đối tượng của thi ca vừa là nguồn cảm hứng dồi dào nuôi dưỡng thơ của các thi sĩ.
Trong những “Tuyển tập thơ Hải Dương” ở các giai đoạn khác nhau từ năm 1945 đến nay, ta có thể dễ dàng tìm được những sáng tác tiêu biểu về người phụ nữ: Bà tôi (Văn Anh), Chị tôi (Hồng Cờ), Em sẽ đến (Lam Điền), Chiếc đòn gánh (Trần Nhuận Minh), Mẹ ốm (Trần Đăng Khoa), Tóc mẹ và thu (Thi Nguyên), Ru em (Nguyễn Đình Phương), Viết cho em (Nguyễn Ngọc San), Dì ơi (Văn Tâm), Thơ tình tặng vợ (Phương Thảo), Bóng mây chiều (Trịnh Dũng), Ở chiến trường nhớ mẹ (Nguyễn Xuân Bối), Con về với mẹ (Nguyễn Hữu Phách), Mẹ ngồi bên đống lá khô (Phùng Long Phi), Em sẽ đến (Bùi Hải Đăng)...
Và rải rác trong nhiều bài là những đoạn thơ, câu thơ viết về người phụ nữ.
Các nhà thơ tỉnh Đông phần lớn gốc gác từ nông thôn. Họ từ một miền quê ra đi, cho nên trong những bài thơ đó “nhân vật trữ tình” thường là những người phụ nữ nông thôn truyền thống: lam lũ, nghèo khổ, chịu thương chịu khó, nhẫn nại, tảo tần nắng mưa, một nắng hai sương, giàu đức hy sinh, một đời vì chồng vì con…Họ yếu đuối, dễ đổ vỡ nhưng bền gan dũng chí trong mọi hoàn cảnh, kiên cường trong gian khó như cây cỏ quê hương.
2.1. Trước hết là hình tượng những người mẹ.

                                                      Tác giả Nguyễn Thị Lan

Người mẹ, như nhà thơ Lưu Trọng Lư từng bày tỏ là người đàn bà thứ nhất đã chiếm giữ cả tâm hồn bừng sáng của tôi”. Người mẹ với đứa con thật quan trọng. Có thể nói Mẹ là người quan trọng nhất trong cuộc đời của con.
Đây là người mẹ của nhà thơ Nguyễn Ngọc San: chồng chết sớm, nuôi con một mình với bao vất vả;bà như con thuyền lênh đênh giữa nước xiết trong đêm tối:
“Con thuyền nước xiết giữa dòng
Phao dầu đốt cạn, đêm đông mẹ chèo”
Đây là người mẹ suốt đời lam lũ, vất vả trong thơ Trịnh Dũng:
“Mẹ già biết mấy nắng mưa
Sương chan gội mái tóc thưa dãi dầu”
Trong thơ Tiêu Hà Minh, người mẹ cũng trải qua bao vất vả, khổ đau để nuôi con khôn lớn, tình thương của mẹ thật bao la:
“Mẹ ngồi gom nắng sẩy sàng
Chắt trong đất sỏi tìm nàng Tấm ngoan
Khổ đau đâu dễ gọi tên
Một đời thương nhớ nhân lên tháng ngày
Một đời muối mặn gừng cay
Nuôi con khôn lớn đủ đầy con đi...”
Còn với nhà thơ Nguyễn Hữu Phách, về thăm quê ông như được gặp lại hình ảnh người mẹ nghèo năm xưa, gặp lại ký ức tuổi thơ:
“Con về quê cũ sớm nay
Rưng rưng gặp mẹ những ngày xa xưa
Áo nâu còn vắt dậu thưa
Hình như mụn vá mẹ vừa mới khâu
Còn đang đẽo vỏ têm trầu
Bếp hồng mẹ vội quay vào vần cơm”
Trong nỗi nhớ khôn nguôi, hình ảnh mẹ năm xưa hiện ra trước mắt con vẫn còn tươi nguyên.
Nhà thơ Quang Huy, người con của xứ Đông đã có một câu thơ mang tính khái quát: “Có phải muôn đời dáng mẹ ta”. Viết về mẹ, những người con ở những miền quê nghèo thường viết về cái “dáng” ấy: cái dáng tần tảo khuya sớm, vất vả lam lũ.
Này đây cái “dáng” mẹ trong thơ Hà Trọng Đạm:
“Khom khom dáng mẹ lưng còng
Chao nghiêng mê nón tuột vòng lơ thơ”
.....trong thơ Tạ Kim Khánh:
“Mẹ già gánh lúa liêu xiêu”
....trong thơ Phạm Trọng Tuấn:
“...dáng mẹ tháng Mười
Cõng cơn gió lạnh lui cui ngoài đồng”
Những câu thơ giản dị, hầu như chỉ “đặc tả” chẳng chút dụng công nhưng đọc lên sao thấy rưng rưng.
Những người mẹ trong thơ ấy thật thuần hậu, bình dị, quê kiểng mang vẻ đẹp trong tâm hồn, tính cách của người phụ nữ Việt Nam. Nhưng các mẹ cũng là những hình tượng cô đọng, giàu biểu tượng, vĩ đại, tỏa bóng lớn xuống không gian, thời gian. Mẹ như nữ thần Đất Gai a mênh mông.Chẳng thể mà “chú bé” Trần Đăng Khoa đã từng viết: Mẹ là đất nước tháng ngày của con.
Viết về mẹ, và như một lẽ tự nhiên, các tác giả còn viết về tình con với mẹ: nhớ thương, kính trọng mẹ, thấu hiểu mẹ…Hình ảnh mẹ đã chiếm cả tâm hồn con. Người làm thơ đã viết về mẹ bằng cả trái tim đầy trân trọng yêu thương. Điều đó khiến cho thơ của họ càng trở nên xúc động, ám ảnh.
Đó là tình cảm của chú bé Trần Đăng Khoa trong bài “Mẹ ốm”
“Mẹ vui con có quản gì
Ngâm thơ kể chuyện rồi thì hát ca
Rồi con diễn kịch giữa nhà
Một mình con đóng cả ba vai chèo”
Sự hiếu thảo của chú bé Khoa làm cho người đọc cảm động và chợt nhớ tới hình ảnh của Lão Lai trong điển tích văn học.
“Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, những người làm con luôn ghi lòng tạc dạ ơn nghĩa đó. Nhà thơ Văn Duy trong bài “Mái tranh” đã nói về lòng ơn nghĩa của mình với mái tranh nghèo, với mẹ:
“Mái tranh ơi - cả cuộc đời
Thiêng liêng tôi hát những lời rạ rơm”
“Chỉ là vách đất mái tranh
Mà nên tổ ấm mẹ dành cho tôi”
Ơn mẹ - đó là nghĩa và thương mẹ - đó là tình. Càng thương mẹ khi mẹ đã già, khi “quỹ thời gian” của mẹ còn ít ỏi. Nhà thơ Vũ Minh Tuấn đã có tâm trạng đó khi trở về “Vườn mẹ”
“Mẹ già nua sống dưới mái nhà xưa
Yếu ớt nắng chiều hắt lên cành khế
Cây ổi khẳng khiu, quả non chát thế
Vườn mẹ mùa này nhiều lá khô rơi”
Một buổi chiều như bao buổi chiều nhưng dưới cái nhìn của người con đi xa trở về từ thiên nhiên (vườn mẹ) đến con người (mẹ) tất cả đang bị cũ càng, lụi tàn; tất cả chịu sự tàn phá của thời gian và đang thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Đó là quy luật có “sinh”, có “trưởng”, có “diệt” của vũ trụ, của đời người. Và điều đáng buồn ở đây là người con đang chứng kiến cái “buổi chiều” của đời người, cái tuổi già xế bóng của người mẹ thương yêu.
Tương tự, ta lại gặp nỗi thảng thốt, giật mình khi thấy mẹ già như “bóng mây cuối chiều” đang trôi về phía trời xa để tan vào hoàng hôn mờ tím trong thơ Trịnh Dũng:
“Tay nâng thau nước hương cây
Rưng rưng soi thấy bóng mây cuối chiều”
Câu thơ như “chạm” vào nỗi lòng của những người con khi thấy mẹ già. Mẹ càng ngày càng “xa” ta để bước vào cõi vĩnh hằng mà có lúc vô tình ta chẳng nhận thấy.
Nỗi lo “mất mẹ” ấy ta lại gặp trong bài thơ “Mẹ ngồi bên đống lá khô” của “nhà thơ nông thôn” Phùng Long Phi:
“Vườn nhà xào xạc hanh heo
Mẹ như chiếc lá gió chiều lắt lay
Sao
Con phấp phỏng
Một ngày…
Vườn không bóng mẹ
Lá đầy….tiếng rơi”
Mẹ lớn lao, trước mẹ con luôn bé bỏng. Cảm nghĩ đó ta gặp trong bài thơ “Vườn mẹ” của Vũ Minh Tuấn. Sau những tìm kiếm va đập của cuộc đời, người con muốn trở về nương náu trong lòng mẹ để xoa dịu những vết thương đau, để tìm một chốn bình yên, Vũ Minh Tuấn ước ao:
“Con ước mong mẹ mãi là cổ thụ
Để con về nương bóng mẹ, mẹ ơi”
Câu thơ làm ta chợt nhớ đến câu nói của Florian: “Nơi ẩn náu yên ổn nhất là lòng mẹ” và câu thơ của Hen rích Hai nơ:

“Tìm không thấy tình yêu con trở về với mẹ
Tâm trí chán chê, thân thể rã rời
Con bỗng thấy một tình yêu chân thật
Trong đôi mắt dịu hiền của mẹ, mẹ ơi”
Đó là tiếng lòng của những người con trên khắp thế gian
Mẹ quan trọng như vậy, cho nên khi mất mẹ con như thấy “rỗng cả địa cầu”. Đây là tiếng khóc thống thiết, xót xa, đau đớn của Nguyễn Khắc Hiền khi mẹ anh mãi mãi đi xa:
“Lợp lên nhà mẹ đầy hoa
Con nghe khoảng trống vỡ òa bốn phương”
“Mẹ ơi, về với con thôi
Biết đâu có kiếp luân hồi mà đi?”
2.2. Với mỗi người đàn ông, người phụ nữ “quan trọng” thứ hai sau mẹ chắc là vợ. Đây cũng là nguồn cảm hứng dồi dào cho các thi sĩ. Thơ tình tặng vợ cũng là một “nhu cầu trái tim” của các cây bút Hải Dương. Tuy nhiên, viết thơ tặng vợ là một thách thức với các nhà thơ.
Xưa nay, các nhà thơ (nam) thường dành những vần thơ đẹp nhất cho Mẹ, cho Em (có thể là người yêu, người tình hay bóng dáng một Nàng Thơ nào đó lướt qua đời mình), cho bạn bè, đồng đội…mà thật ít viết về vợ - người phụ nữ đã chính vì “người thơ” kia mà dám yêu, dám sống, dám hy sinh vô điều kiện cả một đời trong lặng lẽ. Thơ tặng vợ cũng là một thứ thơ tình nhưng khác ở chỗ nó không bồng bột, sôi nổi đắm say với những nụ hôn, những giọt nước mắt, những nhớ nhung, hờn giận… Nó thiên về tình nghĩa, trách nhiệm, bổn phận trong cuộc sống thường nhật đầy chất “văn xuôi”. Nó khó có những cảm xúc mạnh, đột biến cho thi ca.
Lịch sử văn chương Việt Nam xưa nay chỉ có một số bài thơ hay tặng vợ: Thương vợ (Tú Xương), Khóc người vợ hiền (Tú Mỡ), Nhớ (Khương Hữu Dụng), Màu tím hoa sim (Hữu Loan), Nhớ vợ (Cầm Vĩnh Ui), Trời đã lạnh rồi (Chế Lan Viên), Thời hoa đỏ (Thanh Tùng), Bài thơ về hạnh phúc (Dương Hương Ly), Có một ngày (Nguyễn Khoa Điềm), Thơ viết cho Quỳnh trên máy bay (Lưu Quang Vũ), Vợ ơi (Nguyễn Duy)...
Nhưng dù rất ít thì những bài thơ viết về vợ vẫn luôn có sức sống từ sâu thẳm trong lòng người viết và người đọc. Có lẽ, bởi những vần thơ ấy như thứ rượu hiếm chưng cất bằng cả niềm yêu thương, lòng biết ơn, đôi khi là sự hối hận và cả một nỗi nợ nần không dễ gì đáp lại.
Ở Hải Dương, nhà thơ Phương Thảo là một trong những nhà thơ viết nhiều và xúc động về vợ. Trong hồn thơ của mình, người con của xứ Nghệ ấy đã dành một chỡ ngồi trang trọng cho vợ - người đàn bà thân thiết của đời ông. Đáng chú ý là hai bài thơ ông viết tặng vợ: “Thơ tình tặng vợ” và “Vị đời thường”
Cảm xúc bao trùm ở những bài này là tình yêu thương, lòng biết ơn vợ sâu sắc. Anh thương người vợ tao khang, đảm đang, tần tảo, suốt đời hy sinh cho chồng con trong gia cảnh nghèo:
“Mấy năm rồi áo rách vải nhường con
Em ít ra đường, bởi vì áo rách”
Viết về vợ, lời thơ của Phương Thảo xiết bao thương mến. Anh gọi là “Bà Tú” của anh (Cách gọi này làm người đọc liên tưởng đến “Bà Tú” vợ Tú Xương: Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng). Anh coi vợ như “là bến cho anh về ngơi nghỉ”. Anh trân trọng từng chút chắt chiu, dành dụm của chị cho chồng con như “Một hạt muối cũng mặn mòi lòng biển”.
Cảm động trước công lao của vợ với gia đình, có lúc nhà thơ day dứt tự hỏi:
“Ai qua đời thường một cách quá vô tâm
Bưng bát cơm ăn, không hay mùa gieo cấy
Đâu nắng hạn, đâu sâu keo, đâu ngang trời nước chảy?
Một bát canh cua đồng nắng cháy lưng em”
Hiểu nỗi vất vả của vợ, nhà thơ tự phán xét mình. Lời thơ rưng rưng chân thành, thấm thía.
Trong bài “Thơ tình tặng vợ” lại có chút tự trào của ông chồng thi sĩ:
“Em thương anh cái họa trời đày
Tứ chứng nan y, không bằng thơ phú”
“Anh một đời mê mải cùng thơ
Hì hục viết nhiều khi quên cả vợ”
Nhà thơ tự cười mình cũng là để thấy cái công của vợ
Kết thúc bài thơ là lời “khất nợ với vợ trong ngày mồng Tám tháng Ba:
“Không có dây chuyền - Thơ tình tặng vợ
Nhà mình nghèo, thôi thế cũng là vui”
Câu thơ ấm áp, giàu tình nghĩa biết bao.
Nhà thơ Nguyễn Đình Phương cũng có những câu thơ thật xúc động về vợ. Đây là tình thương của anh với người vợ đang đau ốm trong bài “Ru em”:
“Tháng năm nghèo khó chúng mình
Vất vả quá để em thành ốm đau
Ngủ đi em
                 Ngủ ngoan nào
Cơn đau đến hãy tựa vào vai anh”
Thương vợ, Nguyễn Đình Phương biết đến cái “công” của vợ với gia đình và biết ơn người bạn đời của mình:
“Anh mải công việc và thơ
Bởi trong cuộc sống từng giờ có em”
Cũng cùng cảm hứng “biết ơn vợ” ấy, nhà thơ Nguyễn Ngọc San cũng có những câu thơ thương vợ:
“Thơ không qua nổi áo cơm
Gồng xiêu, gánh mếch vai còm em tôi”
Anh cũng day dứt tự hỏi:
“Mai này chiều đổ bóng chiều
Thơ tôi biết có đỡ nghèo cho em”
Coi thơ phú là cái “nghiệp đời chót đã đa mang”, người chồng thi sĩ ấy cũng đã nguyện dâng cả hồn thơ của mình cho người vợ hiền và quê hương:
“Đắng cay tôi viết cho người tôi yêu”
“Em và ngọn lúa thành trang thơ này”
Có thể thấy, trong những bài thơ tặng vợ của các tác giả Hải Dương, các nhà thơ rất coi trọng chữ “tình” nhưng càng coi trọng chữ “nghĩa”. "Nghĩa" là phần cốt, “nghĩa” lâu bền hơn "tình". Đấy cũng là đạo lý làm người trong tâm hồn Việt. Và đó cũng là vẻ đẹp thơ tặng vợ của các nhà thơ Hải Dương.
2.3. Ngoài những bài thơ viết về Mẹ, về vợ, về em, các nhà thơ xứ Đông còn có những bài thơ viết về bạn bè, đồng đội. Đây cũng là những bài thơ rất mực cảm động.
Nguyễn Xuân Bối đã có những câu thơ đầy xót thương khi trở lại chiến trường xưa:
“Em ở đâu, em gái giao liên
Anh tìm mãi nơi em nằm không thấy
Bãi khách cũ năm nào còn đấy
Giữa cánh rừng bom dội đã lên xanh”
Một “nỗi buồn chiến tranh” thời hậu chiến làm day dứt người đọc.
Còn nhà thơ Phương Thảo trong bài “Nỗi buồn của em” lại cảm thông sâu sắc với những đau khổ của cô thanh niên xung phong năm xưa khi trở về với cuộc sống thường nhật:
“Bốn mươi tuổi vẫn chưa chồng
Hẩm hiu như một đóa hồng bỏ quên”
Anh cảm thông cảnh lẻ loi đơn chiếc và nỗi mong chờ hạnh phúc đến mòn mỏi của cô:
“Xoong cơm nấu ít vẫn thừa
Không người yêu vẫn hay chờ hay mong”
Hay nỗi đau cô quạnh:
“Gối nghiêng lệch nửa mái đầu
Nghe từng sợi tóc chuyển màu gió sương
Trở mình đau cả lệch giường
Tay gầy ấp ngực, mình thương lấy mình”
Những tình cảm “thương người” đậm chất nhân văn ấy thật đáng quý. Tình cảm ấy càng đáng quý hơn khi thơ ca ngày nay (nhất là thơ của giới trẻ) hầu hết chỉ nói “nỗi riêng ” của nhà thơ chứ mấy bài nói chuyện “nỗi người”, chuyện thế sự. Thơ họ thường quay lưng với đời sống cần lao, lấm láp, cay cực, với những giọt nước mắt mà người đời không nhìn thấy...

Hải Dương đầu Xuân 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét