Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018

NHỮNG KỶ NIỆM TIẾNG NGA ( Giải 3 cuộc thi viết kỉ niệm sâu sắc về nước Nga và tình hữu nghị Việt Nga)

NHỮNG KỶ NIỆM TIẾNG NGA

Bất cứ ai học ngoại ngữ ít hay nhiều đều có một vài kỷ niệm về thứ tiếng mình học. Với tôi cũng vậy, tiếng Nga để lại không ít chuyện “nhớ mãi như in”.

Tôi làm quen với tiếng Nga  lần đầu là tháng 11 năm 1966. Ba năm học cấp 3, tôi học tiếng Hán (thường gọi là Trung văn). Lúc bấy giờ nói được mấy tiếng “Lảo shư hảo”, “Ủa shư Jue nản rẩn” (Chào thầy, Tôi là người Việt Nam), chúng tôi được coi như “nhà thông thái” của làng. Khi bước chân vào khoa Toán trường Đại học Sư phạm Việt Bắc mới mở, hơn một trăm chàng trai, cô gái, tay thì học tiếng Hán, tay thì học tiếng Nga. Ngoại ngữ ở khoa Toán là tiếng Nga. Bởi vậy, những tay nào học Nga ở cấp 3 tha hồ mà líu lo như chim “Zđrátxtơvuiche! Xibaxibo! Đoviđanhia!” (Xinchào! Cám ơn! Tạm biệt!). Còn chúng tôi, những tay học Trung văn thì “điếc đặc”! Chúng tôi bắt đầu lần mò làm quen với Đa (vâng), Đôm (ngôi nhà), Xlon (Con voi)…Thật chẳng khác nào những tay nửa câm, nửa điếc,  ngọng nghịu với một thứ tiếng khác xa tiếng mẹ đẻ.
  Có một ông thầy giảng bài 4 tiết liền mà cả trăm đứa sinh viên  giỏi lẫn không giỏi, không một đứa nào hiểu thầy nói về cái gì. Tôi không bao giờ gặp chuyện này trong đời đi học. Mặt khác, tôi tiếc cái công học Trung văn kha khá của mình, lại thích đọc truyện nữa, nên cuối cùng, tôi đã quyết định bỏ khoa Toán để vào khoa Văn. Tiếng Nga với tôi chỉ là “Đa” (có), “Nhét” (không). Ở khoa Văn, suốt ngày lại tụng niệm tiếng Hán. Trong khi những tay ở phổ thông học tiếng Nga bò lăn ra đánh vật với tiếng Hán thì tôi ung dung cùng với Phạm Đức Thông làm “đầu lĩnh” ngoại ngữ  này. Thông đã từng viết thư bằng tiếng Hán cho các bạn Trung Quốc. Chúng tôi tiếp tục thư từ và Vương Mĩ Vân, cô bạn Trung Hoa viết thư, gửi cả ảnh cho tôi  và Thông nữa. Khi máy bay Mỹ bị bắn rơi ở gần chỗ chúng tôi sơ tán, bộ đội Trung Quốc kéo đến đầy khu vực. Tôi cùng Phạm Đức Thông và những tay khá tiếng Hán tiếp xúc với họ. Hóa ra các anh lính Tàu này không nói được tiếng Bắc Kinh. Nhưng chúng tôi “bút đàm” với nhau. Lúc đó mấy chàng Tàu văn của khoa vô cùng thích thú và cả kiêu hãnh nữa.
                                                                           Vũ Nho  tác giả bài viết

  Khi  học ở khoa Văn, tôi cũng  biết đến tiếng Nga do Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn dạy ngôn ngữ học đem ra làm ví dụ. Thật ngạc nhiên và ấn tượng vì GS Cẩn đọc cái ví dụ “Tôi đọc sách”. Ông đọc nhấn mạnh “ I-a Tri tai u Knigu”. Các tay biết tiếng Nga giải thích là phải đọc “mềm”  thành  Knhigu, nhưng không hiểu sao thầy Tài Cẩn lại đọc thế! Tôi còn “tiếp xúc” với tiếng Nga khi anh Trần Quang Vinh, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp về Khoa Văn dạy Văn học Nga. Anh ôm cuốn từ điển Nga-Nga của Ozhegov dày cộp với một lô sách tiếng Nga làm cho anh chàng chỉ biết “Đa”, “Đôm” là tôi vô cùng ngưỡng mộ. Tôi còn được nghe truyện tiếu lâm về chia động từ tiếng Nga. Ví như thì “tương lai” của động từ  “liubitch” (yêu) là “đi lấy chồng (lấy vợ)” ???; Thầy giáo gọi anh chàng lớ ngớ bắt chia động từ “Ku đa” (thật ra là trạng từ)  theo cách chia đặc biệt như động từ “idchi” (đi).  Anh chàng rụt rè chia: Ngôi thứ nhất Ku đu, ngôi thứ hai Ku đit, ngôi thứ ba số ít Ku đâu, ngôi thứ ba số nhiều Ku đút… Nghe các vị biết tiếng Nga nói và cười ngặt nghẽo,  chàng mít đặc tiếng Nga là tôi khi ấy cũng chỉ biết nhếch miệng cười theo…

458d468b.jpg

  Rồi các cán bộ trẻ của Khoa Văn cũng phải học tiếng Nga nếu muốn mở rộng chân trời hiểu biết. Các bạn Lộc Phương Thủy, Nguyễn Minh Thuyết, Bàn Tiến Tân đã theo một lớp chuyên tu tại chức học 9 tháng do giáo viên của phòng Khoa học nhà trường dạy. Tôi  chính thức học tiếng Nga khóa sau đó vào năm 1975. Khổ cho thân tôi là các bạn đều được nghỉ mọi công việc để tập trung học. Còn tôi, không được nghỉ vì không có người dạy thay, phải “vừa học vừa dạy”. Hai người dạy tiếng Nga cho lớp tôi khi đó là thầy Hùng -  một người thầy nghiêm túc có phần khắt khe, và cô Đoàn Bảo, một cô giáo tài hoa,  xinh đẹp, thông minh.  Học viên là  cán bộ của các khoa trong trường và một số anh chị ở trường Đại học Nông lâm sang học nhờ.
Do quyết tâm và say mê, cộng với có năng khiếu nên chỉ sau một học kì, các anh chị đã học Nga văn 3 năm ở phổ thông, nhiều năm ở Đại học, đều bị tôi bỏ lại sau. Nghĩa là tôi trở thành “thủ lĩnh” của lớp. Tôi vô cùng biết ơn sự nghiêm khắc của thầy Hùng và sự tài hoa của cô Bảo. Các thầy cô đã giúp tôi nắm vững ngữ pháp, tích lũy từ vựng và bắt đầu tập dịch những truyện ngắn Nga được đưa vào giáo trình. Tôi kết thúc lớp tiếng Nga với điểm  cao nhất lớp. Và có một niềm tin mạnh mẽ vào khả năng của mình. Không lâu sau khi kết thúc lớp học, tôi tự dịch truyện ngắn Nhật Bản “ Những chiếc lá anh đào và cây sáo” gửi báo Phụ nữ Việt Nam. Được báo đăng, tôi vô cùng phấn chấn, càng say mê tiếng Nga hơn nữa. Tôi mua những cuốn sách mỏng ở cửa hàng ngoại văn Hải Phòng, Hà Nội (khi đi công tác) và coi mình là “mèo nhỏ” chỉ bắt “chuột con”. Tôi dịch say mê. Chỗ nào vướng thì “thỉnh giáo” cô Đoàn Bảo. Kết quả là bản dịch  cuốn  sách  mỏng  “Luống cày Vitca” của tôi được nhà xuất bản Kim Đồng chấp nhận in năm 1979.

271015_urok-rus

Lúc đó Khoa Văn Việt Bắc  có “phong trào” đi thi nghiên cứu sinh. Các bạn tôi là Nguyễn Minh Thuyết, Lộc Phương Thủy và Bàn Tiến Tân đều đã thi và đỗ. Tôi đi thi  năm sau cùng với thầy Cao Xuân Thử, và chúng tôi cũng đỗ.
Về học tiếng Nga ở trường  Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân, tôi học rất “nhàn nhã”. Thầy Bảo, cô Oanh và cô Đầm Vân dạy chúng tôi. Buổi sáng lên nghe giảng và làm xong bài tập. Buổi chiều đem truyện ngắn của M. Gorki ra dịch sang tiếng Việt. Cả một tập truyện ngắn của M. Gorki tôi dịch ngon lành. Tôi còn tham gia “thi nói giỏi” với sinh viên và nghiên cứu sinh năm đó (1978 -1979). Kết quả là tôi được giải Ba. Tuy vậy, hầu như chúng tôi không được tiếp xúc với giáo viên người Nga. Cả khóa học một năm chỉ có một buổi tiếp xúc, nói chuyện với một nam giáo viên trẻ từ Đại sứ quán Liên Xô.
Kết thúc lớp học, chúng tôi chưa sang Nga ngay mà còn về nhà chờ đợi. Trong khoảng thời gian đó, tôi dịch  tiểu thuyết “Chú bé tóc sáng” của một nhà văn nước cộng hòa trong liên bang xô-viết, ông được coi là M. Gorki của dân tộc mình.
Khỏi phải nói về niềm vui của tôi khi được sang Nga để học nghiên cứu sinh. Trên tàu hỏa từ Mát (Mátxcơva)  về Len (Leningrat) tôi đã mang tiếng Nga ra thực hành với những người Nga cùng khoang tàu. Thông thường, những nghiên cứu sinh mới sang thường nhờ một người cũ dẫn đến giới thiệu với GS hướng dẫn cho chắc ăn. Tôi thì  làm quen với Valeri  nghiên cứu sinh cùng tổ, rồi tự đến gặp GS và trao đổi công việc. Việc nắm vững tiếng Nga cho tôi sự tự tin. GS hướng dẫn cũng tin và “nể” anh học trò. Bởi khi ấy, tại thành phố có hiệu sách tiếng Việt. Tôi đã mua cuốn sách mỏng “Misa Laxkin” do tôi dịch, gửi nhà xuất bản Kim Đồng, in 1982, có bày bán ở hiệu sách để tặng GS hướng dẫn. Nhờ thạo tiếng Nga, tôi viết xong luận án khá sớm và đi lao động kiếm tiền. Tôi dịch bài báo giới thiệu tiểu thuyết “Đảo hoang” của Tô Hoài gửi cho nhà văn. Ông đem in báo Văn Nghệ. Tôi cũng dịch 2 truyện cổ tích của Dgianhi Rôdary (Italia) có 3 kết thúc, đăng trọn 2 trang báo Văn Nghệ số Tết năm 1982. Đồng thời tôi còn dịch những cuốn sách mà tôi thấy hay. Cuốn “Giữa trời chiếc bánh ga-to” của nhà văn Italia đã nhắc trên, cuốn “Truyện cổ tích kể qua điện thoại”, “ Gip trong vô tuyến truyền hình”  cũng của ông và một phần cuốn “Truyện cổ tích” của  M. Xantycov-Shedrin được dịch trong thời gian này.

img1

Về nước tôi  tiếp tục tình yêu tiếng Nga của mình bằng việc dịch.  Nhiều bài tiếng Nga được dịch in trên các báo và tạp chí (Phụ Nữ Việt Nam, Tiền Phong, Thiếu Niên tiền phong, Người Hà Nội…). Tôi đã công bố 8 cuốn sách dịch từ tiếng Nga là: Luống cày Vitca (1979), Misa Laxkin (1982), Truyện cổ tích kể qua điện thoại (1987) của nhà xuất bản Kim Đồng, Truyện cười dân gian Tác Ta  dịch  chung với  Bàn Tiến Tân (1988) của nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, Cha mẹ và con cái (1989) của nhà xuất bản Giáo dục,  Có một chiếc đĩa bay  - Giữa  trời  chiếc  bánh  ga-tô (1990, 2011, 2016) của nhà xuất bản Kim Đồng,  Truyện cổ tích dành cho người lớn (2004, 2008) của nhà xuất bản Kim Đồng, Chào các em! (2001, 2006) của nhà xuất bản Đại học quốc gia và  lần sau của nhà xuất bản Giáo dục.   Cuốn truyện “Hành vi”, tập hợp các truyện ngắn viết về hành vi, kèm theo lời bình dành cho học sinh, tôi dịch (bác Nguyễn Ngọc Nhị biên tập) đã được nhà xuất bản Giáo dục cho vẽ tranh minh họa, nhưng sau lại không in. Cuốn “Tất cả trông cậy vào đằng ấy” tôi dịch (anh Trần Đình Nam biên tập, nhà xuất bản Kim Đồng) đã đánh máy thành 3 bản, nhưng sau vì khan hiếm giấy cũng không được in. Các cuốn khác như Mối quan hệ các phương pháp dạy Văn (dịch chung với Cao Đức Tiến, Trần Thế Phiệt), Tiếu lâm Gabrovo,  Truyện ngắn  của M. Gorki   tôi công bố  toàn bộ hoặc một phần trên trang  Blog cá nhân…
Nhờ dịch tiếng Nga, khi về Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, tôi thân với Trần Hậu và quen biết PGS, dịch giả Lê Sơn. Chúng tôi hay tụ tập ở quán Bà Tình uống rượu vodka và thưởng thức món lòng lợn tiết canh nổi tiếng. Khi anh Lê Sơn công bố cuốn sách “Một nền văn hóa biết xấu hổ”, tôi đã viết bài giới thiệu trên báo Văn Nghệ. Tiếng Nga đã cho tôi quen biết với  các anh  chị Thúy Toàn, Đoàn Tử Huyến,  Đăng Bẩy, Vũ Thế Khôi, Đức Mẫn, Lê Nhân, Trần Định, Nguyệt Vũ, Vân Chi, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Thị Kim Hiền…
Các sự kiện quan trọng  như giới thiệu Văn học Việt Nam ra nước ngoài, giao lưu với các nhà văn Nga thăm Việt Nam, công bố bản dịch “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” ra tiếng Nga, ra mắt bản dịch sách “Gia tộc tổng thống V. Putin”, Công bố bản dịch “ Truyện Kiều” ra tiếng Nga , ra mắt các bản dịch sách của F. Đoxtoevxki và các nhà văn Nga khác… tôi đều tham dự nhiệt thành.
Năm 2010, tôi quay lại nước Nga trong đoàn nhà văn Việt Nam. Tôi đã về đúng tổ bộ môn, gặp và trao qùa cho GS, TS Chủ nhiệm khoa kiêm Chủ nhiệm bộ môn, chụp ảnh lưu niệm. Bà GS khen tôi xa Nga lâu năm mà vẫn nói trôi chảy. Tôi gặp nhà báo  Nadejda Paina ở chân tượng A. Pushkin trong thành phố Mátxcơva,  và mua cuốn sách tự phát hành của bà. Rồi tôi dịch một phần của cuốn sách đó về người chắt trai của Đại thi hào Nga A. Pushkin (đã in báo Văn Nghệ của Hội nhà văn Việt Nam). Tôi viết những kỉ niệm của mình về A. Pushkin (đã in báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn VN). Một kỷ niệm vui vui trong chuyến đi. Nhà văn Lê Văn Thảo rất khoái món “phô mai” để nhắm rượu. Tôi thì lâu lắm không nói tiếng Nga và không thể nào nhớ nổi tên cái món đó, tiếng Nga gọi là gì. Tôi liền nảy ra một “mẹo” là mô tả với cô bán hàng trên tàu hỏa. Tôi nói với cô rằng tôi quên, không biết tên  món đó là gì, nhưng nó làm từ sữa, cũng giống “macxlo” (bơ) song cứng hơn. Cô bán hàng reo lên: “xưr” đúng không? Tôi cũng reo lên “Đúng rồi, chính nó” (pravino, ímenno!). Thế là tôi khoái chí  mang món “phô mai” về cho anh Thảo.
Gần đây nhất, tháng 10 năm 2017, đi Vũng Tàu để viết về ngành Dầu Khí, tôi lại dùng vốn tiếng Nga của mình để trao đổi với cha con Phó Chánh kỹ sư  E. Krupenco và X. Krupenco, các bạn Nga làm ở Vietsovpetro; hát các bài hát Nga trong buổi giao lưu. Thật là một kỷ niệm đẹp trong nhiều kỷ niệm đẹp về tiếng Nga, thứ tiếng của các nhà văn hóa, khoa học nổi tiếng thế giới, thứ tiếng của một dân tộc thân thiện, hào phóng  bậc nhất trên Trái đất này.
                       VŨ NHO
      (Bài tham gia cuộc thi viết “Kỷ niệm sâu sắc về nước Nga và tình hữu nghị Việt-Nga”)
Tin liên quan Chép lại từ tạp chí BẠCH DƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét