Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2021

BỘ ẤM TRÀ mạnh thần


 

BỘ ẤM TRÀ

mạnh thần




                                             Truyện ngắn của Vũ Thiện Khái

    Gia phả họ Phan Kim làng Phùng chép: Cụ Tổ cách nay tám đời làm quan tại triều, được thăng đến hàm tam phẩm. Khi về hưu, bổng lộc gom góp cũng chỉ vừa đủ dựng được ba gian từ đường gỗ xoan, mái lợp ngói mũi hài. Con cháu mỗi đời kế tiếp đều nối nhau dự phần vào chốn quan trường, nhỏ nhất cũng hàng tri huyện. Gia tộc Phan Kim danh tiếng vậy, nhưng đến đời cử nhân Phan Kim Trúc phải chờ dài cổ mới được bổ nhiệm chân Huấn đạo ở một huyện miền biên viễn. Huấn Trúc nhậm chức chừng mươi năm thì nổ ra cuộc Cách Mạng Tháng Tám. Ông rời bỏ học đường, mang theo người vợ và thằng con ba tuổi về quê ở với mẹ già. Ông Huyện cha Huấn Trúc đã mất trước đấy mấy năm. Bà Huyện hơn sáu chục tuổi rồi. Vợ Huấn Trúc người dân tộc Mường, con cháu nhà lang Hoàng Công Phủ tỉnh Hòa Bình. Bà này đẹp người, đẹp nết, thạo việc trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Thằng con trai thông minh dĩnh ngộ, da trắng hồng, đôi môi đỏ tươi như môi con gái, Huấn Trúc cho nó cái tên Phan Kim Phương, ngầm mong mỏi con mình giữ được tiếng thơm gia tộc. Kim Phương giống mẹ từ đôi má lúm đồng tiền đến hai hàm răng đều tăm tắp như hạt bắp nếp. Sau này học lên cấp ba, các bạn gái thường thân mật trách yêu: Anh Phương lấy hết cái đẹp của chúng em rồi.

Năm quân Pháp nhảy dù tái chiếm một vùng, bao gồm cả tổng Bồng Hải, chúng ép Huấn Trúc đứng ra lập hội tề. Ông cáo bệnh chối từ, ngày ngày đóng cửa ngồi mọc rễ trên bộ tràng kỷ cổ. Mỗi sáng chưa bảnh mắt đã lôi bộ ấm Mạnh Thần cụ tổ mang về từ cố đô Huế, pha trà uống một mình. Nửa trưa, ông xổ búi tóc củ hành sau gáy, xòe mười đầu ngón tay quăm quắp mười móng dài chải chải, bới bới rồi búi lại, rồi xổ ra, búi lại, đợi bữa cơm trưa. Sợ con mình giam mình ủ dột trong ba gian từ đường âm u ngày này sang tháng khác thì phát bệnh tâm thần mất. Bà Huyện nhờ ông chủ thuyền buôn rủ Huấn Trúc đi theo các cuộc hành trình sông nước cho khuây khỏa. Huấn Trúc vui vẻ giúp ông lái ghi chép sổ sách và giao dịch với các mối thương buôn. Công việc thuận buồm xuôi gió được mấy chuyến, thì gặp đại họa. Lần ấy, thuyền ông chở đầy những bó chiếu cói lên mạn ngược. Đêm đậu bến Việt Trì, tầu bay Pháp oanh tạc dọc bờ sông Thao, con thuyền trúng bom vỡ làm đôi. Ông chủ thuyền thoát chết bơi được vào bờ. Hai ngày sau tìm thấy xác mấy anh chân sào, Huấn Trúc mất ti mất tích. Năm ấy Phan Kim Phương mới lên mười. Bà Huyện mẹ Huấn Trúc gần bẩy chục. Nhận được tin chồng chết mất xác, vợ Huấn Trúc, người phụ nữ Mường nết na chăm chỉ ấy suy sụp hẳn. Đêm đêm chị tha thẩn dọc bờ sông Cái, bật ra từng tràng tiếng Mường líu lo. Ngày ngày chị vẫn gắng gượng ra đồng làm lụng. Rồi một trưa tháng sáu nắng như đổ lửa, đội thúng thóc mua ở chợ Xanh về tới nhà, để phịch xuống đầu hè, chị kêu mệt, kêu khát nước rồi đi nằm. Ba hôm sau lặng lẽ qua đời. Từ đấy, dưới mái từ đường cổ kính dòng họ Phan Kim chỉ còn một Phan Kim Phương bé bỏng cút côi và bà Huyện gần đất xa trời.   

Giữa năm 1954, kháng chiến chống Pháp kết thúc. Tổng Bồng Hải được giải phóng hoàn toàn. Một số người làng tìm ra Hải phòng vận động con em bị địch bắt lính bỏ ngũ về quê. Ông lái lợn ở sát nhà bà Huyện dẫn được thằng em út về trình diện chính quyền, thì thào với mấy người làng: Huấn Trúc còn sống, chính mắt tôi trông thấy ông ta trong đoàn người xuống tầu há mồm di cư vào nam. Bà Huyện hỏi thì ông bảo trông giông giống Huấn Trúc, nhưng không chắc lắm. Chẳng tin miệng lưỡi lão lái lợn, bà Huyện  nghĩ: Vô lý, Huấn Trúc còn sống thì không thể bỏ mặc gia đình như vậy. Từ bữa Kim Phương mồ côi cả cha lẫn mẹ, ngày đêm bà thầm van vái trời Phật cho mình sống thêm mươi năm nữa để lo cho thằng cháu đích tôn ăn học nên người. Lượng sức mình già yếu, ba mẫu tư điền bà chia cho anh em mấy ngành thứ, chỉ giữ lại hai sào ven sông trồng dâu nuôi tằm. Nhờ ơn tiên tổ, thằng Kim Phương còn bé đã biết thân biết phận. Một ngày, nửa buổi cắp sách đến trường, nửa buổi chăm chỉ phụ giúp bà nội mọi việc. Thu nhập từ ruộng dâu, nong kén, từ con cá lá rau vườn ao nhà, không nhiều, nhưng hai bà cháu vẫn hằng ngày hằng đủ. Đến thời cải cách ruộng đất, đội công tác muốn đánh đổ uy tín  gia tộc Phan Kim, qui cho bà thành phần địa chủ, nhưng ruộng đất bà sở hữu chỉ còn vài sào, đành phải cho qua. Nhờ vậy bà Huyện thoát khỏi đấu tố. Nhưng mấy ông bà bần cố nông cốt cán dựa thế nhất đội nhì giời thường mượn gió bẻ măng, vô cớ đêm hôm vào ra hạch sách, tự nhiên khám xét. Một lần phát hiện trên án thư mất tiêu bộ ấm trà Mạnh thần quí giá, bà cũng chẳng dám kêu ca. Chừng nửa tháng sau, nửa đêm bà nghe tiếng đập khẽ vào cánh cổng. Rồi ông lái lợn hai tay bưng chiếc khay đựng thẻ nhang và bốn cái chén đất nung nhỏ xíu bước vào. Ông ta líu lưỡi xin cụ nhón tay làm phúc, thắp nhang kêu khấn các vị tổ tha cho cái tội dại dột thó cắp bộ đồ trà của quan Tam phẩm. Chiếc ấm ấy thằng nhỏ nhà con đã làm vỡ rồi. Nửa tháng nay nó bị phát cái nhọt to bằng chiếc ấm trà giữa bụng. Thày bói phán phải đến xin cụ kêu cầu các quan đại xá cho nó, bằng không sẽ chết. Chỉ còn bốn chiếc chén nhỏ này, xin cụ nhận về và cho con kính lễ để các ngài tha tội.   

Kim Phương học một lèo hết cấp ba, rồi thi đỗ đại học với số điểm cao tuyệt đối, được cấp học bổng toàn phần. Trước khi lên Hà Nội nhập học, Kim Phương dẫn cô bạn gái cùng làng, cùng học chung từ thời mẫu giáo về nhà, xin bà Huyện ưng thuận. Biết cô ta con nhà tử tế, bà Huyện rất vui, chỉ dặn bao giờ Kim Phương học xong mới làm lễ thành hôn. Không đợi được đến ngày cất nón dẫn cháu dâu vào phòng hoa trúc, nhưng bà Huyện gắng gượng được tới lúc thằng cháu côi cút của mình nhận bằng tốt nghiệp. Bữa ấy, bà Huyện tự mình tắm rửa sạch sẽ, tự mình mặc bộ quần áo gấm may từ ngày xưa, lên giường nằm duỗi chân tay thẳng thắn, vời Kim Phương đến bên, nắm tay cháu, ứa hai hàng nước mắt rồi tắt thở.

Cuối năm ấy, các bạn đồng môn đã có giấy gọi đi nhận công tác cả rồi. Kim Phương sốt ruột lên nhà trường hỏi han mới biết, lý lịch thẩm tra của anh bị người con cả ông lái lợn đương chức trưởng công an xã phê: Thành phần quan lại phong kiến. Bố xuống tầu di cư vào nam theo địch, không tuyển dụng. Nhân vụ này, người yêu của anh tuyên bố từ hôn. Tháng sau cô ta lấy anh bí thư huyện đoàn. Đang kỳ tang chế, lại nhận một lúc hai cú đòn chí tử, Kim Phương đổ bệnh, dây thần kinh số bẩy bị liệt. Hậu quả, một bên má anh kéo co lên, đôi môi vốn tươi hồng giờ xếch về phía tai trái, khiến cái mồm meo méo không thể nào ngậm được, nửa hàm răng trắng đẹp như men sứ cứ nhe ra trông vừa hài hài, vừa tồi tôi. Có kẻ đùa ác gọi anh là Cử Nhe. Rồi cả làng vô tình gọi theo. Cái tên Cử Nhe thay cho Kim Phương từ lúc nào chả ai để ý.           

Cho tới lúc này, cậu ấm Cử Nhe chưa bao giờ biết một nắng hai sương chân lấm tay bùn. Bây giờ phải sống đời nông dân thực thụ, mỗi ngày nghe tiếng kẻng ra đồng làm lụng cùng xã viên hợp tác xã. Cầm chóp cày chẳng nổi. Gánh phân thì xo vai rụt cổ. Đội sản xuất giao cho chăn trâu cắt cỏ, Cử Nhe cũng làm chẳng nên hồn. Đến con trâu mình chăn dắt, phải bôi vôi trắng lên cặp sừng mới nhận biết được. Sai việc gì chỉ nhe răng cười. Hỏi gì cũng cười rồi đứng đực như chưa hề nghe thấy. Cuối cùng đành phải điều Cử Nhe về đội chăn nuôi dọn phân chuồng lợn. Sức vóc chẳng bằng ai, bù lại, cử Nhe siêng năng làm đâu sạch đấy, chẳng nề hà hôi thối, nên được yên thân ở đấy. Đến mùa thu hoạch, số thóc được chia cũng tạm đủ cho một miệng ăn ngày hai bữa lưng lưng.

Một hôm Cử Nhe đang hùng hục làm phận sự hàng ngày, đúng lúc ông chủ nhiệm dẫn một đoàn cán bộ trung ương vào thăm trại. Vị trưởng đoàn tuổi đã cao, tóc bạc trắng nhưng đôi mắt và hàm răng đều đặn trắng muốt. Cử Nhe đứng ngây nhìn, trong lòng bồi hồi, tưởng như trước mặt mình phảng phất hình bóng mẹ. Ông trưởng đoàn thoáng bắt gặp ánh mắt Cử Nhe, chợt nhớ đến người chị họ năm xưa theo chồng về vùng này, bèn tiến đến hỏi: Cha cháu có phải tên là Huấn Trúc không? Cử Nhe buông xẻng chắp tay: Thưa ông phải ạ. Chẳng nề hà sạch bẩn, ông cán bộ bảo Cử Nhe bước ra ngoài khoang chuồng lợn, nắm chặt hai bàn tay cháu, cố kìm hai dòng lệ, nói: Ta là anh họ mẹ cháu đây. Nghe nói cháu học hành giỏi giang lắm, chẳng ngờ thế này. Hôm ấy, trước khi lên xe ra về, ông nói nhỏ với ông chủ nhiệm hợp tác xã xếp cho Cử Nhe một công việc phù hợp với sức vóc học trò. Thời bấy giờ, dẫu là cán bộ cao cấp, ông cũng chỉ giúp được cháu mình đến vậy.

Cử Nhe được điều về văn phòng hợp tác xã làm công việc sai vặt nước nôi và chạy giấy thông báo họp hành. Trụ sở hợp tác xã đối mặt cửa chính chợ Xanh. Chợ Xanh gần kề bến sông Xanh luôn tấp nập thuyền bè ra vào xuôi ngược. Dân tứ chiếng qua lại rất nhiều. Đã hơn một tháng nay Cử Nhe để ý ông lão hành khất tối tối thường ghé ngủ nhờ dưới mái hiên văn phòng. Thương ông lão gió mưa rét mướt, Cử Nhe mời cụ về ngủ nhà mình. Lần ấy, Cử Nhe được ông chủ nhiệm cho nửa gói trà Hồng đào, ông lão đổ trà ra lòng bàn tay ngửi ngửi, bảo: Trà ngon lắm đây. Pha ấm lớn làm mất đi hương vị. Nói đoạn ông lôi từ đáy chiếc bị cói luôn kè kè bên mình chiếc ấm trà đất nung màu đỏ thẫm nhỏ bằng quả quýt. Rồi thong thả giảng giải: Trà thượng phẩm phải pha vào ấm này mới đủ vị ăn chơi. Cầm chiếc ấm, Cử Nhe thấy nó giông giống chiếc ấm ngày xưa cha mình vẫn pha trà, anh đến án thư lấy xuống bốn chiếc chén năm nào ông lái lợn xấu bụng đã thó cắp. Ông lão run run cầm chiếc chén, chú mục soi trước ngọn đèn dầu không đủ sáng, vẻ mặt đột nhiên thất thần, miệng lắp bắp: Vậy là cái ấm của ta không bị lẻ loi nữa rồi. Cảm tạ Trời Phật. Thật không uổng phí bấy lâu nay ta tìm kiếm. Lấy đầu móng  ngón tay út cong cong tựa móng chân gà, cọ vào đáy chén, ông hỏi: Cháu nhìn rõ cái dấu chìm nhỏ bằng hạt dưa in hai chữ Vĩnh Lâm này không? Những chiếc ấm, chiếc chén được đóng con dấu ấy đều là sản phẩm tuyệt hảo của Huệ Mạnh Thần, một nghệ nhân sống vào khoảng cuối Minh đầu Thanh chế tác. Cháu nhìn một bên thân chiếc ấm sẽ thấy dòng chữ Kinh Khê Mạnh Thần Chế nguệch ngoạc gạch bằng ngọn bút tre, nó xác nhận chính tay Mạnh thần làm ra đấy. Tuổi đời của nó chí ít cũng bốn trăm năm rồi. Tất cả những bộ ấm trà này đều được làm bằng loại nguyên khoáng Tử sa nằm ở tầng sâu nhất. Nguyên thủy khoáng này có năm màu, sau khi nung hai lần qua nhiệt độ cao biến thành tím lịm màu huyết lợn luộc. Cái quý giá của ấm Mạnh Thần giữ nhiệt được rất lâu, bã trà chứa trong ấy để cả tháng vẫn không thiu mốc. Mỗi năm Huệ Mạnh Thần chỉ chế tác được chừng dăm bảy bộ, nên số lượng không nhiều. Từ bấy đến nay, ấm Manh Thần trong dân gian bị mai một gần hết. Người nào may mắn còn giữ được nó, không kín tiếng, bọn săn đồ cổ đánh hơi, mất mạng như chơi. Xưa, từng làm quan võ tại triều, cụ Tổ nhà lão quí  bộ ấm này lắm. Gặp buổi nhiễu nhương, lão giấu được cái ấm, nhưng vẫn bị khoắng mất bốn chiếc chén. Nghĩ mình mang trọng tội với Tổ Tiên, lão hóa điên hóa dại, ngơ ngẩn đi tìm đã mấy năm nay. Giờ nhìn thấy đầy đủ bộ ấm chén cổ này, lão yên lòng nhắm mắt được rồi.

Từ hôm ấy, Cử Nhe mời ông lão ở hẳn nhà mình. Năm hai vụ được hợp tác chia cho mấy tạ thóc, cộng với thu nhập còm cõi từ mấy cây ăn trái trong vườn, hai ông cháu cũng đủ thảnh thơi ngày hai bữa cơm rau đạm bạc. Chuyện nhà mình, thân phận mình, Cử Nhe dần dần kể hết với ông lão chẳng giấu giếm chút nào. Chuyện ông lão kể, Cử Nhe có cảm tưởng ông bị tâm thần, cứ lộn xộn chẳng ra đầu ra cuối. Nhưng mỗi tối ông dạy anh mấy thế võ gia truyển dể phòng thân thì từng động tác của ông vẫn tinh thông điêu luyện chẳng sai xẩy một ly. Khoảng nửa năm sau, cái miệng méo xếch của Cử Nhe đã cân bằng trở lại nhờ ông lão kiên trì châm cứu hằng đêm. Thêm nửa năm nữa, biết chắc Cử Nhe đã lĩnh hội được đầy đủ mấy đường quyền mình truyền dạy, ông lão đột ngột ngỏ ý ra đi. Cử Nhe kính cẩn nài ông ở lại để anh được trả ơn tri ngộ, ông chỉ cười cười bảo: Ta nhờ con giữ chiếc ấm Mạnh Thần. Còn duyên thì còn hạnh ngộ. Rồi ông khoác bị lặng lẽ lẩn vào bóng tối.

Nghe đồn ngoài vụng Đức Ông, dân chài vớt được xác ông lão thường ngày hành khất ở chợ Xanh, Cử Nhe tất tưởi chạy đến nhận dạng. Anh ôm xác ông lão khóc nức nở. Dốc hết số tiền có được chỉ đủ mua cỗ áo quan mong mỏng, anh nhờ người khâm liệm thày mình, rồi xin phép họ hàng an táng ông trong phần đất chôn cất của gia tộc Phan Kim.

Ngày ấy, tôi còn là thằng nhỏ đang học cấp hai, nhưng vẫn nhớ cái đêm tháng chạp giá rét cắt da cắt thịt, bác Cử Nhe lách mình vào nhà tôi, cha tôi và bác ngồi trong bóng tối thì thào với nhau lâu lắm. Mãi sau nghe cha tôi nghèn nghẹn gần như khóc: Thì anh cứ bình tĩnh lui lại ít bữa nữa, đừng đi vội. Chúng tôi bảo vệ anh đến cùng. Bác Cử Nhe cũng khóc theo: Thôi chú cứ để anh lánh mặt tạm ít bữa. Mình thân phận cóc nhái, kêu chẳng thấu trời cao đâu. Chờ được vạ má sưng chú ạ. Lát sau tôi nghe tiếng bản lề cánh cửa khẽ xoay, bác như con mèo êm ru rời khỏi nhà tôi. Còn lại một mình, cha tôi lặng lẽ ngồi không nhúc nhích. Lúc lúc que đóm trong tay ông lại lóe sáng, nõ điếu cày rít lên sòng sọc nhiều lần cho tới sáng. Đêm ấy vợ chồng bác Cử Nhe cùng đứa con ba tuổi bí mật đi khỏi làng. Ba gian từ đường họ Phan Kim bác giao lại cho cha tôi hương khói. Cứ nghĩ ít ngày sau bác sẽ trở về. Ai dè gia đình bác mất tích luôn tới nay, gần bốn chục năm rồi.

Vụ việc khiến bác Cử Nhe sợ hãi bỏ làng đi biệt, bây giờ thì chẳng đáng gì. Nhưng thời ấy, với thành phần nhà bác bị cho là nhọ nhem như đít nồi, thì bé cũng xé thành to. Suốt một tuần lễ, ngày nào vợ chồng bác Cử cũng bị gọi lên công an xã lấy khẩu cung, trước sau bác gái vẫn khai: Buổi tối tôi ra bến sông tắm, chính thằng con ông trưởng công an dở trò đội bại định cưỡng hiếp tôi, van vỉ không được tôi mới dùng thế võ để thoát thân. Không may vài chiếc răng cửa của nó bị gẫy, tôi có lỗi. Nhưng đấy là phòng vệ chính đáng. Phía công an cự lại: Việc nó cưỡng bức chị chả có bằng cớ gì. Nhưng thương tích nó còn rành rành. Chị sẽ phải đi tù. Sớm thành khẩn nhận tội thì án nhẹ. Suốt mấy ngày ấy, khắp làng rộ lên tin đồn: Phen này nhà Cử Nhe rũ tù. Cái con vợ nó ở đâu trôi dạt đến đây, không chừng là gián điệp cũng nên. Hình như ông nội nó, cái lão ăn mày giả danh ấy là tên tội phạm bị truy nã lẩn trốn đấy. Người ngoài cuộc nghe còn sởn da gà, huống hồ bác Cử Nhe lâu nay luôn nơm nớp thân phận con chim từng phải mũi tên. Ít lâu sau, chính cái thằng gây nên tai vạ cho vợ chồng bác Cử Nhe bị bắt vì tội tụ tập bè đảng kéo sang làng bên ve gái, tự tay nó đâm chết một trai làng. Cha tôi lẩm bẩm mỗi đêm: Giá mà bác Cử nghe tao cứ ở nhà thì bây giờ chẳng kêu cứu cũng được minh oan rồi. Giời có mắt.

Lại nhớ, đúng ngày bác Cử Nhe lên chùa làm lễ thất thất lai tuần cho Ông lão ân nhân của mình, chợ Xanh bỗng xuất hiện một chị dáng vẻ gần giống ăn mày. Chị này nói giọng nẳng nặng như giọng ông lão hành khất mới chết thảm, áo quần lếch thếch, đeo bị cói, đội nón mê và mặt mày nhọ nhem như chui lên từ ống cống. Lân la dò hỏi, chị ta tìm đến nhà bác Cử Nhe. Biết chắc bác Cử chính là người đã chẳng ngại ngần lo cho ông nội mình mồ yên mả đẹp trong khu đất danh giá dòng họ Phan Kim, cô thụp lạy ân nhân rồi xin phép ra bến ao tắm rửa tẩy trần. Khi cô e thẹn bước qua khuôn cửa, Cử Nhe xửng xốt đến suýt méo mồm trở lại. Cái người ăn mày lúc nãy đã bay lên trời. Và một cô tiên vừa chín tầng mây đáp xuống giữa nhà Cử Nhe. Cô tiên ấy khiến cả bàn dân làng Phùng sững sờ, không ngớt bàn tán: Gái làng ta chả cô nào bén gót. Cô tiên ấy và bác Cử được cả họ Phan Kim xúm vào tác thành cho họ nên duyên chồng vợ. Cha tôi được dịp lảm nhảm mãi câu: Giời có mắt. Còn bọn con trai trong vùng, thằng nào thằng nấy tiếc hùi hụi, xuýt xoa: Có mắt như mù. Miếng thịt dê béo trước mũi không biết đớp. Bởi vậy, mấy năm vợ chồng bác Cử sống ở làng cứ liên tục bị bọn chúng quấy rối, không nhờ mấy thế võ gia truyền độc đáo thì khó được an toàn.

Tốt nghiệp đại học, tôi về Bộ Nông nghiệp công tác. Công việc của tôi một năm mười hai tháng lang thang hầu khắp những nơi nào có rừng che phủ. Lần nào về thăm nhà, cha tôi đều dặn một câu: Đến đâu cũng nhớ hỏi han tin tức bác Cử Nhe. Cả một gia đình chứ đâu phải cây kim chìm đáy biển. Gần bốn chục năm rồi, bác Cử vẫn bóng chim tăm cá. Cha tôi tuổi tác đã cao, đi lại dệu dọ, hom hem lắm rồi. Ông than thở chả còn hy vọng anh em gặp được mặt nhau. Nghe nẫu ruột. Thực tình tôi cũng nản lắm. Có sáp mặt, chắc gì bác cháu đã nhận ra nhau? Lần này đoàn công tác chúng tôi có chuyến dài ngày điều tra thực trạng dải rừng phòng hộ biên giới phía nam. Đóng quân mấy ngày ở đồn biên phòng X, tôi được thông tin, có một xã toàn dân miền bắc thuộc diện đi khai hoang mấy chục năm trước ở cách đồn chục cây số. Thật may, tôi đã tìm được gia đình bác Cử Nhe ở đấy. La cà khắp mọi ngõ ngách cái làng kinh tế mới ấy, chỗ nào tôi cũng gặp những cánh cổng tre, những mái nhà tranh đơn sơ gọn ghẽ và những hàng cau trước cửa nhà đậm phong cách làng quê Bắc Bộ. Nhác thấy một ông lão đứng im như pho tượng giữa sân một nhà bên đường, thoáng rùng mình, tôi đứng lại chăm chú nhìn. Đôi mắt này và vầng trán này, bộ râu ba chòm này có vẻ giông giống nét mặt cụ Tổ vẽ trong tấm hình trên bàn thờ họ Phan Kim chúng tôi. Bất giác lòng tôi rưng rưng muốn khóc. Linh tính mách bảo tôi đây là bác Cử Nhe. Nhưng mà ông này miệng meo méo về một bên má. Tôi biết bác Cử hồi ấy đã được ông lão chữa khỏi méo miệng rồi. Trong lòng đầy nghi hoặc. Nhưng sợi dây máu mủ thiêng liêng đã xui tôi buột miệng: Bác Cử… bác Phan Kim Phương phải không? Ông lão đờ đẫn một lát rồi lắp bắp: Anh là…?  Tôi vội lên tiếng: Cháu là con ông Phan Kim XXX đây. Sau đoạn đối thoại ấy, hai bác cháu tôi dàn dụa nước mắt ôm nhau khóc một hồi lâu như trẻ con tủi thân nức nở. Choàng tỉnh, tôi thấy mấy người đứng vây quanh, vẻ mặt vô cùng ngơ ngác. Chỉ vào bà lão đang vịn vào vai đứa cháu trai, bác Cử giới thiệu: Bác gái đấy. Rồi lần lượt: Đây là vợ chồng thằng bé lên ba năm ấy bác ẵm đi biệt xứ, đây là thằng con nó, năm nay đang học lớp mười. Tôi mừng rỡ chào hỏi mọi người. Tôi nhận ra vẻ đẹp của bác gái ngày xưa còn phảng phất trên nét mặt bà già phúc hậu bây giờ. Còn thằng em tôi thì khắc khổ lam lũ quá. Thằng con nó nhút nhát núp sau lưng bà nội, sợ sệt len lét như rắn mồng năm. Và bác tôi sao lại tái phát chứng méo miệng thế kia?

Cho tới tận khuya đêm ấy, bác giai cứ ngồi nắm chặt tay tôi chẳng rời. Dường như bác sợ đây là giấc mơ, buông ra tôi vù đi mất. Chỉ mình bác gái bình thản kể chuyện nhà: Ông ấy bị chứng liệt thần kinh số bẩy tái phát là do bị cú sốc quá ác độc mới đây thôi. Cháu có thấy ngoài bãi đất hoang đầu xã còn mấy đống lá điều mục thối to như trái núi ấy không? Chính cái bọn người lạ ấy gây ra đấy. Chúng nó xục vào từng vườn điều mua hết lá non lá già với giá cao hơn thu hoạch trái điều. Dân cứ thấy lợi là đổ xô bán tuốt. Nó mua rồi đổ đống nằm chình ình đấy, chả thấy chở đi đâu. Giờ bọn chúng dông tuốt luốt rồi, để lại mấy trăm vườn vườn điều chẳng kết được trái nào. Chỉ riêng nhà tôi, chúng nhét cả nắm tiền vào tay, ông ấy cũng không bán. Thằng cầm đầu đích thân mò tới nhà. Nó lí lớ hỏi nọ hỏi kia. Cặp mắt ti hí của nó láo liên xoi mói khắp nhà rồi nhìn xoáy vào bộ ấm trà Mạnh Thần trưng trên bàn thờ. Nhanh như chớp, nó xồng xộc chạy đến chộp vội bằng cả hai bàn tay khỉ. Bác anh ngăn không kịp. Nó hỏi: Bán không? Không! Năm triệu bán không? Không! Mười triệu bán không? Cứ thế leo lên năm mươi triệu, bác anh vẫn ngồi điềm nhiên, lạnh lùng một tiếng: Không. Nó mở giỏ, đổ ra chiếu một đống tiền: Một trăm triệu ưng chưa? Hai trăm triệu là giá cuối cùng. Vẫn lắc đầu. Không giữ được bình tĩnh, nó lòi bột mặt qua giọng nói: Nỉ từ chối thì sau lày gọi bán ngộ cũng chẳng lèm mua đâu lớ. Đừng tiếc lớ! Đến lúc này bác anh mới đứng thẳng lên ném vào mặt nó: Đến năm trăm triệu hay một tỉ tao cũng không thèm đâu. Nghe vậy, mặt nó vàng như nghệ, toát mồ hôi hạ giọng: Tự nhiên có dư tiền mua chiếc máy kéo cho thằng con kiếm triệu bạc mỗi ngày còn không chịu. Ngu bỏ mẹ. Thôi mặc cha con lão cứ việc cùn đời đi nhổ mì thuê nhặt bạc cắc.

Nghe chuyện bác gái, tôi hình dung, đêm ấy bác Cử căng thẳng cao độ tìm cách cất giấu bộ đồ trà. Căng thẳng cảnh giác, căng tai nghe ngóng bất kể đêm ngày. Nhờ vậy bác mới có dịp nửa đêm tặng cho một đứa lẻn vào nhà lần mò một cú đá nhà nghề. Trưa hôm sau, gặp một thằng trong bọn người lạ mặt gian tà ấy lặc lè lấm lét đi qua cổng, bác nhại giọng nói với theo: Lần sau thì không toàn mạng đâu lớ. Liệu việc như thần vậy mà bác Cử vẫn thua bọn chúng. Vài bữa sau, thằng cháu bác đột nhiên mất tích. Từ nhà lên trường cấp ba cháu đang theo học phải đi qua một cánh rừng cao su vắng vẻ, dài hun hút. Chiếc xe đạp cháu bỏ lại giữa đoạn đường ấy. Cả nhà hốt hoảng kêu khóc, định đi báo công an, bác Cả bảo: Đừng. Chờ vài bữa sẽ có tin thôi. Báo công an thì nguy tính mạng cháu. Quả nhiên bác nhận được mảnh giấy: Nộp một tỷ chuộc thằng bé về. Chả còn cách nào khác, bác nhắn tin: Tao sẽ trao cho mày bộ đồ trà Mạnh Thần để đổi lấy cháu tao. Nếu tính mạng nó không chu toàn, tao thề giết bọn mày từng đứa một. Rồi cuộc trao đổi ấy xong xuôi chóng vánh. Nhưng mà bác Cử Nhe lại bị tái phát bệnh méo mồm. Và thằng cháu bác mắc chứng hễ gặp người lạ nào cũng lấm lét sợ sệt đến xanh xám mặt mày, đến nỗi ông nội nó phải ngày ngày đèo cháu đi học trên chiếc xe đạp cà tàng.

Mấy ngày ở nhà bác Cử Nhe, lòng tôi luôn nặng trĩu nỗi buồn. Muốn âu yếm chuyện trò với thằng cháu, nhưng nó to hó đôi mắt thỏ non cảnh giác nhìn tôi chòng chọc qua nách tay bà nội. Em tôi, cái thằng mới ba tuổi đầu bị bác Cả nửa đêm bứng khỏi làng ấy, thì gà chưa gáy sáng đã vác cuốc theo đoàn người chuyên làm công cho các ông chủ ruộng. Nhìn bộ dạng nó quấn khăn rằn che nắng kín mặt, chân tay đen đúa khắc khổ tôi muốn rơi nước mắt. Anh em đôi lúc ngồi tâm sự đôi câu, tôi chỉ nghe nó kể những mía, những mì và những người bạn Miên đa phần đi chân đất, đa phần bị sâu răng ăn mòn đến lợi. Còn bác tôi, sau gần bốn mươi năm gặp lại, vẫn chưa hết vẻ nhẫn nhục rụt rè, vẫn cái miệng méo xếch luôn hở nửa hàm răng tuyệt đẹp như nụ cười đớn đau thường trực nở trên khuôn mặt ngày xưa thanh tú, rạng rỡ đến nỗi nhiều cô gái cùng thời mê như điếu đổ. Buổi sáng lưu luyến chia tay, đắn đo mãi tôi mới hỏi riêng bác: Dòng họ Phan Kim mình danh giá vậy, bác học vấn giỏi giang vậy, mà sao chịu cực cả đời vậy? Bác ghé sát đôi môi meo méo đã héo khô vào tai tôi, nói một câu rất nhỏ, nhẹ hơn làn gió thoảng:

 

 
 - Tại số phận thôi cháu ạ! Nhưng mà tôi xót xa nhận ra bao nông nỗi đắng cay chua chát ẩn chìm trong đấy.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét