Thứ Năm, 18 tháng 3, 2021

Về tác phẩm HUYỆT CÁT của nhà văn Bùi Thanh Minh

 


TRẢ LỜI PHỎNG VẤN của TRUYỀN HÌNH VOV

 Lục Hường thực hiện

1.    Thưa ông, rất nhiều tác phẩm lấy chủ đề biển đảo. Nhưng “Huyệt cát” của nhà văn Bùi Thanh Minh có điểm gì khác biệt?

Nhà văn Vũ Nho ( VN) :  - Chúng ta có nhiều tác phẩm thơ, truyện, bút kí về biển đảo. Gần đây Hội nhà văn Việt Nam trao giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc viết về biển đảo của Tổ quốc. “Huyệt cát” của nhà văn Bùi Thanh Minh viết về biển đảo  bằng thể loại tiểu thuyết. Nhân vật chính là một phụ nữ có hai đời chồng đều là lính Hải quân. Một của Việt Nam cộng hòa. Một của Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tiểu thuyết này sử dụng thủ pháp tâm linh phương Đông như  giấc mơ, báo mộng, nhập vong, gọi hồn,… Cuộc chiến chống ngoại xâm bảo vệ biển đảo gồm cả người dương và người âm. Người âm lại gồm cả từ triều Hậu Lê, qua triều Nguyễn, đến các binh sĩ hy sinh ở Hoàng Sa, ở Gạc Ma,… Đây là tiểu thuyết nói về việc chống giặc ngoại xâm của toàn dân tộc Việt Nam, những người đang sống và cả những người đã mất.

Ngoài chủ đề chính là biển đảo, nhà văn còn phản ánh sự ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, việc mua bán, chạy chức quyền, việc các nhóm lợi ích cạnh tranh, giăng bẫy, hạ bệ nhau. Việc chia quyền lợi của các quan chức trong Dự án.

2.    Phân tích từ góc nhìn của nhà ngôn ngữ học, ông nhận xét như thế nào về sự đầu tư ngôn từ trong Huyệt Cát?

VN. - Thật ra “Huyệt cát” không nhiều nhân vật. Bà Hằng, nhân vật chính là người miền Nam, nhưng lại sống nhiều năm ở miền Bắc. Chỉ có người bạn của bà Hằng là bà Hỏng là nói giọng Nam. Bọn trẻ bụi đời nói bằng thứ ngôn ngữ bụi đời, nổi bật là Đào khi lang thang. Các nhân vật người âm thì nói theo chức vụ, vị trí xã hội của họ. Mấy nhân vật phù thủy nói giọng ngoại bang, bị chết đứng vẫn không ngớt “Chòng pheng” (Xung phong). Liễu ga lăng vợ Bộ thì nói bằng ngôn ngữ của người nhiều tiền của. Nhìn chung, tác giả đầu tư khá công phu vào ngôn từ.  Nhân vật của tiểu thuyết vì vậy sinh động.

3.    Thưa ông, nhiều người viết về biển đảo lấy hình tượng người lính, nhưng “Huyệt cát” thông qua số phận của phụ nữ ở biển Khánh Hòa chăm chồng, chăm con, những con người biền biệt tháng ngày ở đảo xa tiền tiêu của Tổ quốc. Ông nhận xét thế nào về cách khai thác vấn đề và cách dẫn câu chuyện của nhà văn Bùi Thanh Minh?

 

                                                                    Nhà văn Bùi Thanh Minh

 

VN. – Viết về biển đảo lấy nhân vật là những người lính trên đảo là chuyện bình thường. Các bài thơ, các trường ca như “Biển” của Hữu Thỉnh, “Biển mặn” của Nguyễn Trọng Tạo, hay truyện kí “Đảo chìm” của Trần Đăng Khoa viết về những người lính đảo. Nhà văn Bùi Thanh Minh viết về người vợ lính có hai đời chồng đều là lính Hải quân của hai phía. Đấy là một cách chọn vấn đề thông minh.  Câu chuyện được dẫn dắt hợp lí, làm cho người đọc hồi hộp theo dõi “cuộc chiến” không tiếng súng của bà Hằng và những vong linh ông Phả (lính Việt Nam Cộng Hòa), ông Hải ( lính tàu không số của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa).

Bởi tiểu thuyết này, nhà văn không chỉ nhằm ca ngượi những người lính nhiều đời bảo vệ  Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa), mà nhà văn muốn nhắm tới cái đích xa hơn là thể hiện sự hòa hợp dân tộc.  Suy cho cùng dân tộc Việt mình là quan trọng hơn cả, lớn hơn hết. Không có gì hơn máu đỏ da vàng”. Nhà văn  Bùi Thanh Minh viết “ Huyệt cát” nhằm “ miêu tả trung thực, khách quan, công bằng một số trận chiến vì Hoàng Sa, Trường Sa của những người lính của các triều đại Việt Nam cho đến ngày nay, mục đích minh chứng phần nào lời của Hồ Chủ Tịch, đồng thời khẳng định khi kẻ thù xâm lược động đến tấc đất biên cương của Tổ quốc, đến chủ quyền biển đảo, đến lòng tự tôn dân tộc thì những người lính máu đỏ da vàng Việt Nam (dù ở chế độ nào, giai tầng nào) đều cầm súng chiến đấu hy sinh đến giọt máu cuối cùng” ( Lời giới thiệu). Tiểu thuyết này , tác giả làm cho người đọc hồi hộp, băn khoăn, lo lắng cho cuộc chiến không tiếng súng chống kẻ thù xâm lược phương Bắc lợi dụng, cấu kết với “giặc nội xâm”!  Tôi đánh giá cao việc chọn nhân vật và dẫn dắt câu chuyện của tác giả.

4.    Nhan đề của tác phẩm là điều nhiều người đã bàn tới. Ông có thể phân tích cho chúng tôi cũng như khán giả chương trình Sách và cuộc sống nhan đề “Huyệt cát”?

VN. -  Thường thi nhà văn bao giờ cũng nghĩ ngợi rất kĩ khi đặt tên tác phẩm. Mỗi tên gọi có một ý nghĩa mà nhà văn ngầm gửi gắm. “Huyệt cát” là  tên gọi có tính chất phong thủy. Theo phong thủy phương Đông, mỗi  vùng đất có một hoặc nhiều huyệt, tức là vị trí trọng yếu, quyết định sự tồn tại của  miền đất đó. Nếu huyệt đó bị phá, bị  trấn yểm thì vùng đất coi như bị  mất. Huyệt cát chính là huyệt quan trọng của Bãi Cát Vàng. Bởi thế mà kẻ thù dùng thủ đoạn  mua đất  xây dựng Dự án, nhưng mục đích chính là “phá” huyệt cát, phá nơi linh thiêng để chúng ta mất vĩnh viễn Bãi Cát Vàng. Bà Hằng đã cùng các vong phá tan âm mưu chiếm và hủy hoại huyệt cát của kẻ thù. “Huyệt cát”  cũng có thể hiểu là cái huyệt, cái mồ chôn vùi  vĩnh viễn âm mưu xâm lược của giặc phương Bắc.

5.    Thưa ông, có ý kiến đánh giá “Huyệt cát” đã vận dụng linh hoạt ngôn từ, điều này tạo nên giá trị của tiểu thuyết siêu thực này như thế nào?

VN. -  Chúng ta đã nói đến việc đầu tư ngôn từ của tác giả tiểu thuyết. Tôi muốn nói thêm, tiểu thuyết này không giống như huyền thoại Mĩ La tinh, cũng không phải là siêu thực hay siêu tưởng. Nó có nhiều yếu tố tâm linh quen thuộc của Việt Nam và phương Đông. Những giấc mơ, việc báo mộng,  việc đi âm; việc linh hồn hóa thân  thành con bướm đen hay con cánh cam, các linh hồn tụ tập, việc vong nhập quát mắng, kể tội,… tác giả xử lí linh hoạt.  Chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhật thì hóa thành chim ưng, Cai đội Phạm Quang Ảnh thành chim én, Trần Ngọc Phả thành con bướm đậu mép bát nhang,… Người âm cùng với bà Hằng và Phạm Hầu làm thất bại việc chiếm Vũng Hầu…

6.     Thưa ông, điều gì gây cho ông ấn tượng nhất với nhân vật chính của “Huyệt cát”?

VN. -  Nhân vật chính của “Huyệt cát”, bà Hằng là một người phụ nữ bình thường, nhưng tinh thần yêu nước rất cao. Bà đã cùng vong linh hai người chồng chống lại âm mưu phá Vũng Hầu, phá huyệt cát. Bà đã không ngại gian khổ để thức tỉnh hai người con lầm đường, lạc lối, quay trở về với chính nghĩa, dẹp bỏ mối lợi khổng lồ từ Dự án mà kẻ thù núp bóng. Một nhân cách vô cùng đáng kính, mặc dù bà Hằng chỉ là một người vợ phải trải qua hai đời chồng,  một người di tản không thành, một người mẹ bình thường  dành hết tình thương cho con cháu. Nhà văn đã tôn vinh nhân vật  phụ nữ, con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu trong việc chống ngoại xâm. Việc tôn vinh khá thành công!

7.     Theo ông , thông điệp bảo vệ biển đảo được thể hiện thành công qua “Huyệt cát” như thế nào? Điều này có ý nghĩa như thế nào với độc giả và thế hệ hôm nay?

VN. -  Thông điệp bảo vệ biển đảo được thể hiện thành công qua tiểu thuyết “Huyệt cát” ở chỗ khi kẻ thù tìm cách chiếm biển đảo của ta thì cả người sống lẫn người đã khuất, không phân biệt triều đại, giai tầng, hay chế độ chính trị, không phân biệt miền Nam hay miền Bắc đều nhất tề đoàn kết, chống lại chúng. Chỉ có đoàn kết mới có thể chiến thắng chúng. Đây là tư  tưởng đoàn kết, hòa hợp dân tộc của Đảng và nhà nước ta.

Mặt khác, tác giả cũng nhắc nhở bạn đọc và những người trẻ tuổi rằng kẻ thù luôn rình rập cướp biển đảo của chúng ta. Chúng là giặc ngoại xâm,  mà chúng luôn tìm cách cấu kết với  những kẻ hám tiền, hám lợi, những kẻ “giặc nội xâm” để tiếp tay cho chúng. Vì vậy đề cao cảnh giác là vấn đề sống còn của dân tộc và đất nước. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dã tâm xâm lược của kẻ thù chưa bao giờ kết thúc. Vì vậy mà cần hết sức cảnh giác với những âm mưu dùng tiền bạc, dùng kinh tế để chống phá chúng ta.  J. Phu xích, nhà văn Tiệp Khắc trong tác phẩm “Viết dưới giá treo cổ” có một câu kinh điển nổi tiếng “Hỡi nhân loại! Hãy cảnh giác!”. Nhà văn Bùi Thanh Minh cũng cảnh báo “Hỡi con dân  nước Việt! Hãy cảnh giác!”. Đó là điều mà đời đời con cháu nước Việt Nam chúng ta cần ghi nhớ!

                                                    Tháng 3 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét