TẢN VĂN TÂM DUNG – MỘT ĐIỂM SÁNG TRONG NHỮNG TRANG VIẾT
PGS.TS. Nhà văn Vũ Nho
Nhà giáo dạy Văn Phạm Ngọc Tâm Dung sau chuyển nghệ làm nhà báo của báo Phụ Nữ Việt Nam vốn không định lấy văn chương làm sự nghiệp. Bằng lòng với chuyện làm nghề đưa đò, rồi sau làm việc gỡ rối cho những khúc mắc tình cảm của chị em phụ nữ, chị chỉ thi thoảng làm mấy câu thơ ghi vào sổ tay như một kỉ niệm cho riêng mình.
Rồi khi nghỉ hưu, nghỉ cả công việc kinh doanh, chị lập trang Facebook như mọi người, chỉ để giao lưu bè bạn. Lúc đó nhu cầu viết mới xuất hiện. Ban đầu, chỉ là những bài thơ, mẩu chuyện để giao đãi với mọi người. Cho đến khi cùng những người bạn tâm giao tập hợp và in 2 tập tập thơ văn MIỀN CỔ TÍCH, lập trang mạng MIỀN CỔ TÍCH có hơn 300 thành viên, được bạn bè tính nhiệm phong chức “Trưởng miền” thì nhu cầu viết bỗng bùng lên mạnh mẽ. Ngoài việc viết bình luận thường xuyên cho các bài đăng trên trang, chị làm rất nhiều thơ, viết nhiều tản văn, và viết cả truyện ngắn, truyện dài. Đặc biệt, tuy không nhiều, Tâm Dung còn viết phê bình văn học với các bài bình bài thơ, bình tập thơ, chân dung tác giả và phê bình tập truyện,…Ở lĩnh vực nào, Trưởng miền cũng có thành công được bè bạn ngợi khen, cổ vũ.
Riêng về tản văn, ngoài việc công bố trên trang FB cá nhân, trong trang Miền Cổ Tích, trang “Tác Phẩm và Bạn đọc” của Câu lạc bộ văn chương thuộc Hội nhà văn Việt Nam, tản văn của Phạm Ngọc Tâm Dung được in trên báo Quân Đội nhân dân cuối tuần, Diễn Đàn Văn Nghệ Việt Nam, Người Hà Nội. Gần đây nhất, chị đoạt giải nhì trong cuộc thi viết “Người giữ màu dân tộc” của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội với tản văn “ Kí ức lời ru”. Đó là một khẳng định thành công của ngòi bút Tâm Dung trong lĩnh vực tản văn.
Có thể nhận thấy tác giả không viết về những gì lớn lao, to tát. Tản văn của tâm Dung hướng đến những gì gần gũi, thân thương, hết sức bình dị của đời thường. Cây ngô, rau cần, mắm cáy, củ súng, bồng khoai, ốc nhồi, cua ngôm. Rồi sương, rồi mưa đầu đông, rồi mùa thu. Rồi cúc Họa mi Hà Nội, mùa Đông Hà Nội,… Bất cứ đề tài nào, người đọc cũng được thưởng thức những khám phá tinh tế, thú vị, giàu chất thơ của một ngòi bút khá tài hoa, của một tâm hồn giản dị, khiêm nhường, dễ thân gần, dễ mến thương.
Tản văn của Tâm Dung là những bài thơ văn xuôi giàu nhịp điệu. Hãy cùng tác giả khám phá những bắp ngô non của cây ngô quen mà lạ:
“Đâu
đó bên nách lá, là một đôi bầu bắp, xanh nõn nà, nhu nhú, trinh nguyên,
với một dúm râu vàng ươm như những búp tơ của con tằm khổng lồ nào đó
chui vàolàmtổ.
Thoang thoảng đâu đây một mùi thơm như sữa
mẹ đang phả vào làn môi của bé khi ẵm ngửa, cho ta nếm cảm xúc hạnh
phúc, cảm xúc của niềm vui no đủ, ngọt ngào mà bình dị thân thương. Rồi
bất giác, ta đưa tay vuốt nhè nhẹ "búp tơ" non nõn và mềm mướt mát lạnh
kia, ta lại có một liên hệ ngay tới lời thơ như đồng dao của cô bảo mẫu,
liên hệ đến nhúm tóc mềm như tơ và vàng hoe của bé, liên hệ
đến
nhịp đung đưa của võng mẹ dập dìu, đưa em vào giấc ngủ khi em quấy
nũng, giống như thân ngô mẹ khẽ khàng cùng gió mát lành ru con chờ trông
sự mọng mẩy, no tròn, cho mùa này và cho muôn mùa sau...” (Tản mạn về Ngô).
Với cây rau cần, tác giả lí giải vì sao mà trong bài ca dao thách cưới, người bình dân lại chọn rau cần chứ không phải loại rau nào khác:
“Rau cần thường trồng ở ao nhà, trong nước sạch, dễ trồng và dễ chế biến ra nhưng món ăn dân dã thật ngon. Từ những món giản đơn trong gian bếp nhà nghèo đến mâm cao cỗ đầy, giỗ tết, cưới cheo…
Thân cần lại dài óng ả và trắng nõn trắng nà; "trắng như ngó cần". Dù sống trong bùn lầy mà chẳng hề có một chút cáu bẩn nào bám nổi vào thân. Lại nữa, chòm lá xanh tươi lúc nào cũng bóng như thoa mỡ, hồn nhiên giản dị chẳng cần chăm bón nhiều... làm cho ai đó có thể liên tưởng đến sự nết na, dáng mảnh mai, làn da trắng nõn và mái tóc xanh mướt của người con gái trăng tròn thôn quê chăng?” ( Rau cần quê tôi).
Tác giả khi nói về những món ăn bình dân từ những sản vật của đồng ruộng, ao hồ, thật chẳng khác gì một người nội trợ sành chế biến, một chuyên gia ẩm thực. Phải có một tình yêu lớn lao và sự tinh tế của người đầu bếp có đẳng cấp mới có thể viết như vậy. Ví như vị ngon của canh rau cần:
“Canh được đun bằng củi hay lửa rơm, vừa nhanh vừa sôi đều, chỉ cho rau vào đảo qua "cần tái cải nhừ". Bát canh bốc khói, bắt mắt với màu trắng nõn của rau, màu đỏ hồng cà chua, màu xanh ngắt của vài cọng thì là, hành hoa. Mùi hương sực nức đặc trưng của bát canh cần cộng với mùi thơm ngai ngái nồng nàn của cây cỏ củi khô vườn nhà hoặc rạ rơm đồng làng. Và nhất là ngồi ăn cùng cơm mới vụ mùa vừa chín tới trong bếp ấm áp trên manh chiếu trải vội thì …ngon thôi rồi !” (Rau cần quê tôi). Ví như món cá nướng : “Cá quả để nguyên con, gói trong lá cỏ tranh, lá tre, bọc ngoài lớp lá chuối tươi, khoét một mảng đất vườn, chất rơm mới mà đốt. Bóc lớp lá cháy đen là hiện nguyên con cá vàng ươm, thịt trắng nõn, thơm nức mũi, chấm muối ớt chỉ thiên, nhắm cùng rau cần bóp ghém” ( Rau Cần quê tôi).
Tản văn của Tâm Dung thấm đẫm những kỉ niệm, nhất là kỉ niệm, tuổi thơ . Nhà thơ Trần Đăng Khoa viết : “ Ai cũng chỉ có một lần/ Cái thuở thơ ngây” ( Bến đò). Chúng ta gặp lại thuở thơ ngây của mình qua những kỉ niệm của tác giả. Đó là kỉ niệm nằm trong lòng bà nghe tiếng ru của thím ( Kí ức lời ru), kỉ niệm bắt của ngôm ( Lần đầu bắt cua ngôm), câu cáy, nướng ngô ngoài đồng, lấy rau cần cùng người lớn,…Tác giả trần tình “ vòng vo thế quái nào, lại vẫn quay về kỉ niệm xưa không nhiều thì ít” ( Văn chương quả sung). Nhớ về kí ức tuổi thơ, tác giả miêu tả: “Lũ trẻ chúng tôi, ai cũng muốn mắt mình sáng trong và đẹp long lanh. Nhưng cái chính là chúng tôi được nhể từ con ốc đen đúa nhường kia, ra mảnh ruột trắng trẻo, sạch sẽ, nóng hổi; chấm vào bát nước chấm chua ngon mặn ngọt mà cảm nhận được độ giòn ngậy, thơm tho mà con ốc làng tôi chắt lọc từ cây cỏ xanh, làn nước trong, hạt bồ hóng khô đắng, bột hồ gạo tám sang trọng; bàn tay, tấm lòng thảo thơm của mẹ, của bà và khí giời của miền đồng bằng ven biến... mà thành. Món ốc không phải là lạ lẫm với chúng tôi, lũ trẻ nhà quê. Nhưng ăn ốc rằm tháng Tám với chúng tôi thật là một đại tiệc!” (Rằm tháng Tám nói chuyện ốc).
Tản văn của Tâm Dung thường được viết từ những kinh nghiệm sống phong phú, những trải nghiệm thực tế của một người sống chậm, sống kĩ, ưa quan sát, ham mê khám phá. Hãy nghe tác giả luận về mùi thơm ngô nướng:
“Về Hà Nội, mỗi chiều muộn hay đêm đông qua phố, ta lại được ...bổ túc hương vị ngô nướng mà cánh mũi cứ liên tiếp phập phồng khi một chị trung trung tuổi, má hồng rực vì lửa than đang tươi cười gói mấy bắp ngô vàng sậm như mật ong trao cho cặp trai thanh, gái lịch dừng xe, mắt long lanh hạnh phúc. Biết đâu, những bắp ngô thơm nức, thơm nở kia sẽ đánh dấu một kỷ niệm đẹp về tình yêu đầu đời trong sáng của các em! Và biết đâu, "nó" sẽ là "nhân vật trữ tình" trong những vần thơ tình hay nhất!” (Tản mạn về ngô).
Hoặc xem những chi tiết về cái khăn của người phụ nữ Hà Nội nói riêng và và xứ Bắc nói chung:
“Ôi! Những tấm khăn của người đàn bà Hà Nội mùa đông - thường những tấm khăn đã được những người đàn ông si tình trao tặng . Chúng đã nhiều đời đi vào thơ ca, nhạc hoạ, chúng không chỉ có tác dụng làm cho ấm áp, mà nó còn là một "mảng" thời trang tuyệt diệu, tăng thêm sự duyên dáng, đài các, sang trọng cho người phụ nữ Tràng An chốn Kinh Kỳ.
Ở đầu thế kỷ trước, tấm khăn nhung đen để giúp các người đẹp vấn khăn "vành rế" "vành dây". Tấm khăn vuông bằng vải láng đen huyền, tạo nên những vành khăn mỏ quạ duyên dáng độc đáo với hàm răng đen "nhưng nhức hạt na", áo lai vai mớ ba, mớ bảy, với váy " buông chùng cửa võng”... của người phụ nữ Việt Nam đã làm tốn không biết bao giấy mực của các văn nhân, thi sĩ.
Rồi sau, những người phụ nữ "tân thời" mang ảnh hưởng của văn hóa, thời trang Phương Tây, thì chiếc khăn lụa "Bông bay" màu vàng Hoàng Yến, hay màu hồng cánh sen...buông hờ trên mái tóc "phi zê", chiếc nón trắng quai hồng, đôi guốc cao gót... cùng tà áo dài sang trọng ( mùa đông có thể khoác ngoài một tấm áo len đan khéo màu trắng, màu hồng) ...đã làm nên biểu tượng nền nã sang trọng, của người phụ nữ Thủ Đô.
Sang thế kỷ hai mốt và những năm gần đây, mùa đông, vào dịp Tết, trở thành niềm rạo rực mua sắm và trưng diện thời trang của người Hà Nội nói riêng và Miền Bắc nói chung đặc biệt là thế giới chị em.
Giữa tiết hanh hao khô ráo, cái rét ngọt ngào, trừ một vài người có làn da yếu sức đề kháng khô và nứt nẻ, phải thoa kem, còn phần đa, gió rét dường như làm căng mọng và rực hồng má của các cô gái.
Tôi mải mê ngắm những người con gái đi bộ trong phố cổ. Chiếc mũ len thật xinh, đường đan thật khéo đội hững hờ như chiếc vương miện, đặt hơi nghiêng, trên đầu em.
Chiếc khăn dài quấn một vòng lòng lẻo trên cổ bay bay theo nhịp lộp cộp của tiếng đế giầy xinh xinh chạm đất. Chiếc áo khoác cổ lông mềm mại rất hợp với chiếc ví nhỏ xinh xinh.
Mùi hương thoảng thoảng của thì con gái trẻ trung pha chút nước hoa nhẹ nhàng quyến rũ lan ra như thể thôi miên những... khách đa tình” ( Mùa Đông Hà Nội).
Dù trích đã dài, tôi vẫn muốn bạn đọc theo bước cùng tác giả cảm nhận nét đẹp của cánh đồng cúc Họa Mi :
“Khi ta có một vài nhành Hoạ Mi, một bó lớn Hoạ Mi mà ôm trên tay, mà cắm trong bình, tưởng đã là vô cùng hạnh phúc. Nhưng khi ta đứng trước cả một cánh đồng mênh mông Hoạ Mi, bát ngát Họa Mi, đang dập dềnh trước gió, hạnh phúc đó dạt dào trào dâng lên đến nhường nào.
Ta cúi xuống, nhẹ nhàng nâng nâng nhành Hoạ Mi còn đẫm sương mai, và ta nhẩm đếm. Có loài 12 cánh, có loài 24 cánh. Những cánh hoa nhỏ bé, trắng muốt, trắng đến nao lòng, ôm búp nhụy vàng căng tròn. Cánh hoa bung kiêu hãnh, khỏe khoắn nhưng vẫn còn dấu vết của sự e ấp, dịu dàng.
Có thể, nơi mặt đất vùi lấp, cúc Họa Mi đang cố gắng giấu một nỗi buồn kín đáo, chẳng hạn như một con sâu, một chiếc rễ bị đứt, bị thui chột, một chiếc lá không tươi, không được mượt xanh...Nhưng trước cơn gió lạnh mùa đông, nàng vẫn bừng lên, bung nở trong niềm vui tỏa sáng.
Gió Sông Hồng vẫn cứ lồng lộng thổi. Những nhánh hoa theo gió mà đung đưa, nhún nhẩy vũ điệu riêng của loài mình.
Bông hoa nhỏ bé mà không mong manh, rung rinh cả những cành gầy guộc mà không cúi rạp.
Hoạ Mi kiêu hãnh trước gió!
Cứ thế, cứ thế, hàng trăm, hàng ngàn bông trắng nhỏ làm thành thảm hoa trắng trên nền lá xanh như níu bước chân ta” ( Cúc Họa Mi Hà Nội).
Với vốn văn chương được đào tạo bài bản ở trường Đại học sư phạm hàng đầu của đất nước, với niềm đam mê thơ ca, khi viết tản văn, người viết đã liên tưởng, đã vận dụng những câu ca dao dân gian, các câu thơ nổi tiếng của các nhà thơ hiện đại trong nước. Điều đó làm cho bài viết thấm đẫm chất thơ, đồng thời chứa đựng những kiến thức vừa rộng, vừa sâu, làm tăng tính hấp dẫn, quyễn rũ. Chẳng hạn trong bài “Kí ức lời ru”, tác giả đã 13 lần dẫn các câu ca dao, dân ca trong các lời ru. Trong bài “Tản mạn về ngô”, ngoài bài đồng dao của cô giáo, tác giả còn trích thơ Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Trúc Thông. Trong bài “Sương”, có tới 7 lần tác giả trích thơ của mình và các nhà thơ Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Quang Dũng, Trần Hữu Thung, Nguyễn Duy. Những câu thơ thật hay, thật đẹp được trích và đặt vào bài đúng lúc, đúng chỗ làm cho người đọc thích thú và cảm phục. Ngoài ra, các bài khác như “ Canh bồng khoai nước dại”, “Mưa đầu đông”, “Rằm tháng tám nói chuyện ốc”, “Tản mạn Thu”, “Rau cần quê tôi”, “ Mùa hoa gạo”, “Ngày đầu đời của con”,…không ít thì nhiều đều có những câu thơ dân gian hoặc hiện đại điểm xuyết trong bài viết.
Có thể nói rằng bằng một giọng văn dịu dàng, thủ thỉ, thân thiện, Phạm Ngọc Tâm Dung đã tạo nên nhưng trang tản văn đằm thắm tình đời, tình người. Đó là một điểm sáng lung linh trong những trang viết của tác giả. Tôi nghĩ rằng những trang tản văn đó giúp người ta yêu cuộc đời này hơn, biết ơn những sản phẩm nông nghiệp , biết ơn những người làm ra hạt lúa củ khoai nuôi sống xã hội và biết ơn các nhà văn, những người viết đã cho mọi người được sống thêm một cuộc đời khi hưởng thụ những giá trị văn hóa tinh thần trong những áng văn hay./.
Hà Nội,16/12/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét