Thứ Tư, 24 tháng 3, 2021

ĐỌC NHANH “DẤU CHÂN MÙA THAY LÁ” Thơ Minh Hiền

 


ĐỌC NHANH

“DẤU CHÂN MÙA THAY LÁ” Thơ Minh Hiền, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020

Trần Quang Quý

 0.0.0.0.0.0.10_minh_hin

     Nguyễn Minh Hiền yêu thơ nhưng làm thơ muộn. Chỉ khi nghỉ hưu, với công việc cán bộ vi sinh, bệnh viện Phụ sản Trung ương chị mới khởi làm thơ, vào năm 2020. 10 năm với 4 tập thơ xuất bản, chị đã đi qua “Tháng Ba”, “Chín ngọn gió đồng”, “Bảy tia nắng chiều” và bây giờ là “Dấu chân mùa thay lá”. Vậy ta thấy gì ở tập thơ thứ tư của người thơ này?

      “Dấu chân mùa thay lá” có những mảng thơ chính: Viết về gia đình, quê hương và thân phận người phụ nữ; đời sống phố cổ (nơi chị đang sinh sống) với mùa - tháng - thời

gian luân chuyển: Những nẻo đi và gặp của chị - trong sự đi, ấn tượng hơn cả là viết về miền núi và biên cương Tổ quốc, gửi gắm nhiều tâm sự về vẻ đẹp non sông và chủ quyền bất khả xâm phạm của đất nước.

      Trước hết, trên những mảng đề tài, dù quen thuộc hay mới mẻ của chị, thấy rõ Nguyễn Minh Hiền vẫn trăn trở, có ý thức làm mới mình, tìm cách biểu hiện so với những tập thơ trước. Những biểu cảm sâu lắng, những giằng xé suy tư, những trải nghiệm đời sống mà chị quan tâm. Từ một chiếc gối ôm "chung tình" mà nay "Cơn cớ gì, anh bỏ chiếc gối có vị em / Khuya lắm rồi nhòe ánh đèn đêm/ thấy anh mang kỷ niệm ra phơi khóc?... Trái tim em hoa đá đêm dài" (Chuyện chiếc gối ôm). Hay: "Người đàn bà đong giấc ngủ Đông/ trong hai mảnh chăn trên chiếc giường đầy kỷ niệm/ Đã từ lâu khâm liệm một cuộc tình/... Đêm mòn đêm... tỉnh giấc/ Ký ức ùa về chát mặn tháng năm qua" (Đêm mòn). Đó là thân phận người đàn bà khi đã "cạn duyên". Có tồn tại bên nhau cũng chỉ là mối tình "khâm liệm" khi người ta không còn sẻ chia, cảm thông và cùng gánh vác, xây dựng tổ ấm gia đình. Khá nhiều bài thơ nói về người phụ nữ, cũng như thơ về mẹ: "Cầu ao bóng mẹ năm nao/ Mồ côi lặng lẽ đi vào tháng năm/ Ai ngăn lối nhỏ sang rằm/ Giờ con tóc bạc bóng trầm đơn côi" (Mẹ); về những kỷ niệm với người cha đã khuất, chiếc võng cha hay nằm giờ chỉ còn là "Chiếc võng treo rỗng không mắt võng" trong lòng con...

Riêng mùa, tháng năm khá đậm trong cảm hứng sáng tác của Nguyễn Minh Hiền, ta hiểu vì sao tập thơ lại là "Dấu chân mùa thay lá": Tháng mười hai với tôi; Một thoáng tháng ba với phố bích họa Phùng Hưng; Tháng năm; Giai điệu thu; Khẽ thu; Đi qua mùa thu; Tháng tư Hà Nội; Tháng Ba; Chạy trốn mùa thu... Bởi mùa và thời gian luân chuyển thường gắn với những kỷ niệm, những nhớ nhung và nuối tiếc của thời gian đã đi qua, cũng khơi gợi những mới mẻ của những gì đang diễn ra, đang đến; nhất là mùa thay lá của Hà Nội. Một cảm hứng về tháng Mười Hai đáng yêu: "Tháng Mười Hai cúc họa mi sang sông/ Con đường mảnh mai theo chiều im lặng/ Tháng mười hai nắng dùng dằng hờn dỗi..." (Tháng mười hai với tôi). Một thoáng tháng ba ở phố cổ Phùng Hưng: "Những gánh hoa tươi ngang gió/ Nào cúc, thược dược, lay ơn/ Hồn hoa anh trao ngày ấy/ Em cầm xưa cũ trên tay...". Và ở đấy, đời sống đêm phố cổ bình dị và thật gợi: "Người ta uống lời phố/ Ăn tiếng còi tàu ậm ạch đêm/ Một chậu than hồng và những bắp ngô lọ lem/ Xích lại gần nhau chàng trai cô gái/.. Tôi lang thang độc hành dọc Phùng Hưng/ Sao ủ đêm đã chín đầy trời"...

      Như đã nói, Nguyễn Minh Hiền có nhiều bài thơ viết về các chuyến đi, đặc biệt là đến trung du, miền núi: Trung Du; Một vốc Mộc Châu; Nhập em vào Lục Yên; Ngược ải Bắc; Mây phố núi; Hồn biên ải... Mỗi bài thơ như nét khắc họa về con người và thiên nhiên, đặc thù của mỗi vùng đất. Đó là một Mộc Châu trong con mắt riêng của tá giả: "Vốc một vốc Mộc Châu/ tãi xuống thung vạn ngàn cây mận/... Vốc anh vào em/ Thác dải yếm tuôn trào những mành sữa/ Mình mơ nhau.../ Bắc cầu cho anh qua cánh đồng cỏ voi/ Đàn bò sữa thung thăng gặm cao nguyên" (Một vốc Mộc Châu). Và đây, biên cương trùng điệp và khí phách những người con kiên trung, hy sinh... bảo vệ cương thổ Quốc gia, khí phách non sông Việt: "Hỡi những chàng trai cô gái/ tuổi mười tám đôi mươi nằm đây dựng phên giậu Tổ Quốc/ Xin đừng thêm một lần lấy nước mắt mẹ ta/ Cột mốc 820 đứng giữa bao la trùng điệp/ Sông Kỳ Cùng vẫn vắt ngược biên giới/ Vắt màu áo xanh chiến sĩ biên phòng phơi mờ sương/ lẫn trong cao điểm Khau Mười/ Cắm vào đất vào trời mốc biên cương" (Hồn biên ải).

      Tất nhiên rồi, giống như nhiều người muốn làm mới thơ mình khó tránh khỏi cái đuôi nếp quen cũ còn chưa "đứt đuôi nòng nọc". Thời gian, sự trải nghiệm đã và sẽ để đủ nhuyễn, và chín hơn về ngôn ngữ, hình ảnh, cấu trúc... Mừng cho Nguyễn Minh Hiền, vẫn luôn có ý thức và trách nhiệm mạnh dạn làm khác mình trước đó.

 

                                                                               Hà Nội, 18/8/2020

                                                                                             TQQ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét