Thứ Tư, 3 tháng 3, 2021

VĂN HÓA TRANH LUẬN

 


VĂN HÓA TRANH LUẬN

                         Vũ Nho - Vũ Thị Thanh Nhã

Trong đời sống hàng ngày, không phải ai cũng suy nghĩ và đánh giá giống nhau trước một hiện tượng, một sự kiện hoặc một biến cố. Bao giờ cũng xảy ra  việc  thảo luận, bàn bạc, trao đổi để đi đến một cách hiểu, một cách đánh giá chung cơ bản thống nhất.  Bình thường thì là thảo luận, trao đổi. Nhưng nếu quá khác nhau thì phải tranh luận, đưa ra những lập luận, dẫn chứng để thuyết phục người đối thoại với mình.

Việc thuyết phục người tranh luận  trong hội nghị, trong  cuộc tụ họp bạn bè, hay trên diễn đàn đều đòi hỏi người tham gia tranh luận có văn hóa tranh luận. Vậy văn hóa tranh luận thể hiện ở những điểm nào?

-         Thứ nhất là cần phải tôn trọng người tranh luận. Phải luôn coi ý kiến của họ xuất phát từ tinh thần thẳng thắn, xây dựng chứ không nhằm mục đích thắng thua.

-         Thứ hai là cần phải lắng nghe  ý kiến của họ. Cố gắng hiểu đúng, hiểu nội dung chính của họ để trao đổi trúng vấn đề, không lan man, vòng vo làm loãng chủ đề thảo luận.

-         Thứ ba là phải có một thái độ cầu thị, phục thiện. Nếu ý kiến của  người tranh biện với mình đúng thì cần phải thừa nhận,  có thể họ chỉ đúng một phần, đúng một nửa, hay chỉ đúng một khía cạnh nào đó, cũng phải trân trọng. Đại thi hào Nguyễn Du viết “Mà trong lẽ phải có người, có ta”. Đây là một  minh triết cho tranh luận. Chẳng cứ gì người với người, tổ chức với tổ chức, mà ngay cả quốc gia này với quốc gia khác cũng vậy. Biết mình, cũng phải biết người.

-         Thứ tư là khi trình bày quan điểm của mình cần khiêm tốn và minh bạch, nhưng dứt khoát. Không hùng hổ khi  phê phán hoặc bác bỏ quan điểm của người tranh luận với mình, nhưng thể hiện sự sắc bén, khoa học và chặt chẽ trong lập luận để thuyết phục.

-         Thứ năm là trong thảo luận cần chú ý đến lượt lời. Mình nói xong thì cần phải bình tĩnh, chú ý nghe người ta nói lại. Thường là tránh “cắt ngang” khi người ta nói. Tuy nhiên, “cắt ngang” đôi khi là cần thiết để phản bác tức thì điều  mà mình coi là “khó chấp nhận” khi đối phương trình bày. Điều này giống như là trong thể thao bóng chuyền, để ngắt mạch hưng phấn của đội bạn, huấn luyện viên xin hội ý kĩ thuật. Quan sát cuộc tranh luận  của hai ứng viên tổng thống Mĩ giữa bà Hilary Clinton và ông Donal Trump, ta thấy nhiều lần ông Trump cắt ngang  lời trình bày của đối thủ. Đó cũng là một “chiêu thức” khi tranh luận.

-         Thứ sáu là ngôn ngữ tranh luận. Cần có một ngôn ngữ trong sáng, không sử dụng các từ ngữ có tính châm chích, miệt thị, hoặc thô thiển. Cổ nhân đã dạy “Lời nói – đọi máu”. Rồi “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

-         Cuối cùng là giọng nói, nét mặt, cử chỉ  của tay,… cần bình thường, nghiêm túc, mềm mỏng nhưng dứt khoát.  Điều đó cũng góp phần thuyết phục đối phương.

-         Có một điều thuộc về “thủ thuật” khi tranh luận với đối phương là dẫn lại những lập luận của đối phương để bác bỏ họ. Điều này được người ta đặt cho cái tên khá  “võ thuật’ là dùng gậy ông đập lưng ông. Nghĩa là dùng chính “vũ khí” của đối thủ để “đánh” lại đối thủ. Với đòn này thì đối thủ rất dễ bị “đo ván”. Một ví dụ  là trong cuộc tranh biện bằng tiếng Anh của hai đội về chủ để  chăm sóc bố mẹ già. Một bên ủng hộ việc “Đưa bố mẹ vào nhà dưỡng lão”. Bên kia phản đối, ủng hộ việc “Để bố mẹ ở nhà chăm sóc”. Các vị Giám khảo đánh giá cao việc thành viên của đội nào dùng chính lập luận của bên kia để  làm luận điểm phản bác.  Việc  sử dụng thủ thuật này, điển hình nhất là  các luật sư của ông Donald Trump bác bỏ những lời buộc tội của Đảng Dân chủ tại phiên luận tội ông D. Trump ở Thượng viện Mĩ đầu tháng 2 năm 2021.

“Lý lẽ đảng Dân Chủ…

-         Mặc dù kết quả khó đạt được các công tố viên trong vòng 12 tiếng đã trình bày khá chi tiết để lập luận ông Trump gieo rắc mối nghi ngờ có gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống 2020 nhằm “tập hợp” cuộc biểu tình gây bạo loạn.

-         Các công tố viên đã sử dụng những video clip với lời nói của ông Trump để cáo buộc ông đã “châm ngòi và kích động” những kẻ bạo loạn đột nhập vào Điện Capitol, và cáo buộc ông chính là tổng tư lệnh của một cuộc nổi dậy nhằm lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020.

-         Các công tố viên sử dụng các video an ninh Quốc Hội để chứng minh mức độ nghiêm trọng do những người bạo loạn gây ra khiến 5 người chết trong đó có 1 cảnh sát viên và họ quy trách nhiệm do ông Trump gây ra.

-         Đến phần kết luận, Dân biểu Jamie Raskin, trưởng nhóm công tố, cho biết trong hai ngày qua nhóm công tố đã nhiều lần sử dụng những “lý lẽ thường tình” (common sense), để chứng minh rằng cựu Tổng thống Donald Trump phạm tội cao nhất là kích động nổi dậy.

-         Ông kêu gọi các thượng nghị sĩ trong vai trò bồi thẩm viên cần cân nhắc sự phán xét của lịch sử khi biểu quyết vì nếu ông Trump không bị kết tội có thể sẽ gây thêm nguy hại cho nền dân chủ của Hoa Kỳ.

Lý lẽ biện hộ

-         Nhóm luật sư bảo vệ ông Trump đã dành hơn 3 tiếng đồng hồ lập luận rằng những “lý lẽ thường tình” của các công tố viên đảng Dân Chủ là dựa trên “hận thù” (hated) đảng phái.

-         Họ cho chiếu những video nhiều chính trị gia đảng Dân Chủ trong đó có cả Dân biểu Jamie Raskin tuyên bố cuộc bầu cử năm 2016 đã bị “đánh cắp”, nhiều người phủ nhận kết quả bầu cử năm 2016 và nhiều người cũng đã thách thức các cử tri đoàn.

-         Theo họ thách thức kết quả bầu cử của các chính trị gia đảng Dân Chủ không có gì sai trái vì đó là một thủ tục hợp pháp và hợp hiến, tương tự như ông Trump đã làm trong cuộc bầu cử năm 2020.

-         Họ cho chiếu những video nhiều chính trị gia đảng Dân Chủ trong đó có cả Dân biểu Jamie Raskin, tất cả các công tố viên, Chủ tịch phiên tòa Thượng Nghị sĩ Pat Leahy, đương kim Tổng thống Joe Biden và phó Tổng thống Kamala đều đã dùng những từ ngữ như “chiến đấu” (fight hay fighting) hay “chiến đấu đến cùng” (fight like hell) như ông Trump đã dùng trong bài phát biểu ngày 6/1/2021.

-         Theo họ đó là ngôn ngữ thường dùng của các chính trị gia là tự do ngôn luận được Tu chánh án thứ nhất bảo vệ nên không thể lấy đó làm chứng cớ kết tội ông Trump.

-         Nhóm luật sư lập luận rằng các công tố viên cố tình bỏ qua việc một số nhóm cực đoan, cả cánh tả lẫn cánh hữu, đã lên kế hoạch gây bạo loạn từ trước ngày 6/1/2021 và đã cố tình cắt xén lời ông Trump kêu gọi người biểu tình phải ôn hòa, phải tôn trọng luật pháp và an ninh trật tự.

-         Họ kêu gọi các Thượng Nghị Sĩ phủ quyết việc kết tội ông Trump vì kết tội ông Trump là Thượng Viện vi phạm quyền luận tội và kết tội, vi phạm quyền tự do ngôn luận và đồng nghĩa với việc kết tội đa số những người đã biểu tình một cách ôn hòa vào ngày 6/1/2021, cũng như kết tội gần 75 triệu cử tri đã bầu cho ông Trump.

( Trích bài viết “Nhờ đâu cựu tổng thống Trump được xử trắng án” của Nguyễn Quang Duy, Melbourne, Úc Đại Lợi, 18/2/2021. Tác giả gửi cho VN).

 

          Từ lí thuyết đến thực hành có một khoảng cách khá xa. Người có văn hóa tranh luận bao giờ cũng chiếm được cảm tình của đối phương và mọi người. Những lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục, thái độ thân thiện, cởi mở  luôn đem lại thành công, thuyết phục đối phương, thuyết phục mọi người, làm cho họ “tâm phục khẩu phục”!

          Tuy vậy, theo dõi một số cuộc tranh luận trên mặt báo về các hiện tượng như “cải tiến chữ quốc ngữ”, “đạo văn của học trò”, “đạo thơ”, “phê bình chỉ điểm”,… cho thấy một số người tranh luận đã không  chú ý đúng mức đến yếu tố văn hóa trong tranh luận, gây tổn thương cho đối phương bằng những yếu tố  phi học thuật. Cố tình “hủy diệt” đối phương bằng mọi giá. Đó là một điều  rất đáng tiếc./.

 


   


 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét