NHÀ THƠ VŨ QUẦN PHƯƠNG BÌNH BÀI THƠ “MƯA” CỦA THANH ỨNG
MƯA
Tôi ngồi đây với mưa
Những cơn mưa dầm dề khắc khoải
Những dây nước trên trời giăng mãi
Mấy ngày nay không một phút ngừng
Những trận mưa rừng
Vắt nhảy ngang thân áo
Những em nhỏ ngày ngày lặn lội
Đội mưa đến trường
Những mái lớp gió tung
Phên che sơ sài lạnh buốt
Nước chảy vào chỗ học
Em dầm chân trong mưa
Con suối lũ em qua
Nước ngập tràn ngang mặt
Không về được, lũ trẻ ôm nhau khóc
Cô giáo đứng ngẩn ngơ…
Sao cứ mưa, cứ mưa
Vào những ngày em vừa đến lớp
Trường học gió xiêu không sửa kịp
Tiếng trống đầu năm giục em vào
Đâu phải những cơn mưa ngọt ngào
Trong thơ và trong kỉ niệm
Mưa cứ cắt lòng ai đau điếng
Giọt mưa lạnh thấu xương
Thôi đừng mưa, đừng mưa
Để em về bên bếp
Hong sách vở và rang ngô nếp
Lửa hồng lên ấm một chút lòng tôi…
Đà Bắc(Hà Sơn Bình) những ngày mưa tháng 9/ 1988
(Giải nhất thi Thơ “Toàn dân chăm lo sự nghiệp giao dục” do báo “Người GVND” (báo Giáo dục & Thời đại ngày nay) tổ chức năm 1990)
Lời bình của nhà thơ Vũ Quần Phương:
“ Thơ viết về nhà trường, tác giả (phần lớn) là những nhà giáo. Đọc thơ như được tâm sự cùng những người làm cái nghề cao cả và khó khăn nhất trong mọi nghề: nghề dạy dỗ con người. Nguyên liệu của nghề này không phải là thứ kim mộc thủy hỏa thổ nào, mà là tâm hồn con người. Tôi đọc một trăm bài thơ vào chung khảo cuộc thi sáng tác văn nghệ “Toàn xã hội chăm lo sự nghiệp trồng người” không chỉ với ý thức một người tham gia giám khảo mà với cả tình cảm thuở đi học, với lòng biết ơn những người thầy của mình, lòng yêu kính của một phụ huynh đối với các nhà giáo đang dạy dỗ con mình.
Thơ ở đây, trước hết được chắt ra từ nỗi lòng người trong cuộc. Nó thật lắm và do vậy rất cảm động. Nghệ thuật ngôn ngữ, thủ pháp thi cacó thể còn khiêm tốn, nhưng cái tình đối với cuộc đời thì rất sâu nặng. Các thành viên Ban giám khảo đã thảo luận kĩ và cân nhắc cụ thể từng bài thơ ở hai tiêu chí này: cái tài về nghề thơ và cái tài nhìn ra những nỗi niềm của con người.
Trong chùm thơ được giải nhất, bài “Mưa” của Thanh Ứng – có cái nghệ thuật của sự giản dị, anh đã nói được đầy đủ và có sức lay động những cảm xúc của lòng mình. Đấy là tấm lòng của một thầy giáo vùng cao đợi học trò trong ngôi trường mái giột phên xiêu, trời tầm tã mưa, đường rừng lầy lội và xa ngái. Trong cả bài thơ không có câu nào nói đến phận thầy, không có lời nào oán trách chỉ tràn ngập lòng thương: thương lũ học trò nhỏ lặn lội đường rừng mưa vắt, lại thương cái cảnh chúng ngồi học “Nước chảy vào chỗ học/ Em dầm chân trong mưa”, thương cả lúc tan học, gặp lũ, bọn trẻ không về được, ôm nhau khóc “cô giáo đứng ngẩn ngơ”. Ở đâu, cơn mưa ngọt ngào, gợi thơ mộng, kỉ niệm chứ ở đây mưa thật xót lòng, ở cuối bài, ngọn lửa bếp nhen lên trong tâm trí người làm thầy như một niềm mong ước thiêng liêng cho lũ trẻ được hong sách và rang ngô nếp. Sách nuôi tâm trí và ngô nuôi sức khoẻ. Thật giản dị và thật lớn lao, tình thương của người thầy đã thành lời thỉnh cầu, thành sự đòi hỏi đối với xã hội. Hiện thực tâm trạng và hiện thực đời sống đều hiện lên rất rõ. Bài thơ buộc chúng ta, nhất là những ai có trách nhiệm phải tự vấn lương tâm về hiện tình của ngành giáo dục. Ngoài bài “Mưa”, tác giả Thanh Ứng còn được lưu ý đến một bài nữa: “Chuyện em”. Thơ Thanh Ứng hay quan tâm tới những cảnh ngộ, anh là cây bút giàu lòng trắc ẩn”.
(“Thơ với sự nghiệp trồng người” – Vũ Quần Phương - Thế giới mới. Số 4 tháng 12/1990).
Đây là bài thơ”Chuyện em” mà nhà thơ Vũ Quần Phương đã nhắc ở trên:
CHUYỆN EM
Gặp em, em kể tôi nghe:
“Em mới đón đứa con riêng của chồng về nuôi dạy
Nó vừa lên bảy
Bảy năm trời em có biết đâu…”
Chuyện của em làm tôi lặng giờ lâu
Còn em, vẫn nhìn tôi bình thản
Giọng không lời trách oán
Hàng mi ngưng một chút trầm tư
Trống vang lên, em vào lớp đúng giờ
Ngày bốn tiết vẫn chăm dạy học
Trò cấp một buổi nào cũng hát
Và đọc đồng thanh những câu thơ vui
Tới dự giờ em vẫn thấy em cười
Bảng thì đen, phấn trong tay em rất trắng
Theo đường kẻ, chữ hiện lên ngay thẳng
Tôi run run theo những nét dịu mềm
Ngoài kia nắng lóa bên thềm
Trong lớp như không còn chút gió
Cô bắt nhịp hát bài hát nữa
Trống đánh rồi…và đến giờ chơi
Hà Đông tháng 10/1988
(Giải nhất thi Thơ “Toàn dân chăm lo sự nghiệp giáo dục” do báo Người GVND” (báo Giáo dục & Thời đại ngày nay) tổ chức năm 1990)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét