Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

GIAI THOẠI VỀ HUYỆT MỘ CỤ TRẠNG TRÌNH

 


GIAI THOẠI VỀ HUYỆT MỘ CỤ TRẠNG TRÌNH

Dân gian vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện về mộ kết hay tầm long điểm huyệt của các thầy địa lý ngày xưa, trong đó có chuyện “Thánh nhân mắt mù” nói về long mạch hay huyệt quay ngược ở mộ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, người được gọi là Trạng Trình nổi tiếng với những câu sấm dự đoán thế sự tới 500 năm sau, thường gọi là sấm Trạng Trình. Câu chuyện được lưu truyền như sau:

Trước khi chết, Trạng có ghi vào gia phả và dặn con cháu rằng: “Bình sinh ta có tấm bia đá sẵn và đã sơn kia. Khi ta nhắm mắt rồi, chúng bay phải nhớ, hễ hạ quan tài xuống phải để tấm bia đá ấy lên nắp rồi mới lấp đất. Chờ khi nào có khách tới viếng mộ và nói rằng: "Thánh nhân mắt mù", thì phải lập tức mời người ấy vào nhà, nhờ họ đổi hướng lại ngôi mộ cho ta. Nếu trái lời ta, dòng dõi về sau sẽ suy tần, lụn bại đấy”.

Con cháu nghe lời, làm y như đã dặn. Nhưng chờ mãi đến năm mươi năm sau, mới có người khách từ phương xa đến, nhìn mộ cụ một lúc rồi nói: “Cái huyệt ở đằng chân sờ sờ thế kia mà không biết, lại tự đem để mả thế này. Vậy mà thánh nhân gì chớ, họa chăng là thánh nhân mắt mù”.

Người trong họ nghe được, chạy về báo với trưởng tộc. Ông này vội vàng ra đón người khách Tầu kia về nhà, xin chỉ dạy cách đặt lại mộ. Thì ra đó là một thầy địa lý cũng nổi danh ở phương Bắc. Ông ta sang là để đi tìm xem di tích của Trạng mà bấy lâu ông ta đã nghe tiếng đồn.

Khi nghe vị trưởng tộc nói, ông ta sẵn lòng làm ngay, và tự đắc cho rằng mình giỏi hơn Trạng Trình. Vị khách bảo: “Không cần phải đem đi đâu xa cả, chỉ đào mộ lên rồi xoay lại, nhích đi một chút là được”.

Ông trưởng tộc bèn tụ họp con cháu lại, đưa thầy địa lý Tầu ra hướng dẫn cách đặt lại ngôi mộ. Lúc đào lên thấy tấm bia đá nhưng lại chôn trong mộ, ông ta lấy làm lạ bảo xem viết gì trên đó. Khi tấm bia được rửa sạch, lớp sơn bong ra mới lộ lên mấy câu thơ, tạm dịch nghĩa: "Ngày nay mạch lộn xuống chân/ Năm mươi năm trước mạch dâng đằng đầu/ Biết gì những kẻ sinh sau!/ Thánh nhân mắt có mù đâu bao giờ?".

Đọc tới đâu, vị khách Tầu kinh ngạc đến đấy. Bấy giờ, vị trưởng tộc mới kể lại lời dặn dò của Trạng. Nghe đến đó, vị khách cũng là thầy địa lý Tầu kia mới thực sự bái phục tài của Trạng, không chỉ biết năm mươi năm sau huyệt đổi hướng, mà còn biết cả chuyện ông ta sẽ đến viếng mộ và nhìn ra hướng huyệt mới, thậm chí còn biết cả việc mình sẽ nói câu “Thánh nhân mắt mù”. Bấy giờ, thầy địa lý Tầu kia mới đổ mồ hôi hột, thầm kinh hãi mà tự nhận mình cũng chỉ đáng là học trò của Trạng mà thôi.

Kỳ sau, chúng tôi sẽ trao đổi thế nào là long mạch và cách xác định long mạch khi chọn đất làm nhà trong thời đại ngày nay.

Tuệ Linh

BÁO XÂY DỰNG ĐIỆN TỬ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét