CÂY ĐA BA MỐT
Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thoa
Làng tôi có cây đa rất to, nay đã thành cổ thụ, không biết cây đa này đã bao nhiêu tuổi. Gốc đa nhiều rễ tỏa ra xung quanh, thân cành xù xì, tán lá sum suê. Dân làng tôi gọi là “cây đa ba mươi”. Bởi lẽ, tại cây đa này, thời kỳ thực dân phong kiến, bọn địch bắt được các chiến sĩ du kích và những người dân vô tội mà chúng nghi là hoạt động chống lại chúng. Chúng đều mang về đây treo cổ hành hình. Lần đầu tiên sau cuộc càn quét cầy xới lùng sục khắp các ngõ ngách chúng bắt được mười ba người. Trong đó chỉ có bốn du kích quân, đem xử thị uy treo cổ đồng loạt; Lần thứ hai là sáu người trong đó có hai chủ lực quân và một liên lạc viên; Lần thứ ba là bẩy cán bộ nằm vùng đang họp bí mật dưới hầm bị bắt bởi tên tay sai chỉ điểm Sáu Lé. Lần thứ tư là dân và quân ta bắt được một tên lính Lê dương và tên chỉ điểm Sáu Lé đang rình mò trong vườn nhà cụ Tiến. Lần thứ năm là hai tên lính Pháp say rượu vào làng bắt gái cưỡng hiếp. Tất cả bốn tên này cũng đều bị dân quân làng túm được đem ra treo lên cây đa xử tội. Khi Pháp bị thua trận tại Điện Biên Phủ và hòa bình lập lại ở miền Bắc. Dân làng tôi về yên ổn làm ăn và cây đa được gọi tên theo số tử tù là “cây đa ba mươi”.
Từ đó đến nay đã hơn bốn mươi năm. Hôm nay lại có thêm một nhân mạng treo cổ trên cây đa… Hắn mặc bộ quần áo màu xanh trước ngực có dòng chữ to in đậm màu đỏ: “Tôi muốn! Được làm người”…hắn là Trần Ngọc Minh, một thanh niên đẹp trai, có học lại có công việc làm tử tế. Tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế quốc dân, khoa tài chính kinh tế loại xuất sắc. Ra trường Ngọc Minh được nhận vào làm tại một công ty có tiếng. Phải công nhận Ngọc Minh là người sáng dạ và có năng lực nên chỉ sau một thời gian ngắn, Ngọc Minh đã được trưởng phòng bố trí cho làm kế toán tổng hợp. Trưởng phòng của Ngọc Minh là một người tuổi đã bước vào trung niên tên Lê Thị Ngọc Oanh. Ngọc Oanh đã từng học trung cấp kế toán, rồi đại học hàm thụ, cô là loại cán bộ còn sót lại của thời bao cấp. Khi học đại học Ngọc Oanh cũng được đào tạo môn tin học ứng dụng áp dụng cho nghề kế toán. Thi hết môn tin học Ngọc Oanh cũng đạt điểm khá. Nhưng về đến cơ quan thì Ngọc Oanh lại ù ù cạc cạc ngay cả đến việc xử lý chức năng bình thường của máy tính Ngọc Oanh cũng lóng nga lóng ngóng. Chính vì thế mà Ngọc Oanh chẳng muốn sờ đến máy tính làm gì. Mọi việc về chuyên môn dồn tất vào vai Ngọc Minh. Một lần Ngọc Oanh nhờ Ngọc Minh đem tiền trả khách hàng giúp mình hai bẩy triệu đồng. Gần tháng sau Ngọc Oanh nhận được điện thoại của khách hỏi về số tiền. Ngọc Oanh hỏi Minh, Minh lúng túng vòng vo một hồi rồi thú thật với Oanh đã tiêu hết số tiền đó vào hút hít. Thực ra chỉ vì một phút yếu lòng theo bạn bè ham chơi quá đà, Minh đã bị “dính” vào nàng tiên nâu từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, nhưng vì Minh xuất thân trong một gia đình có giáo dục, có nề nếp nên Minh vẫn còn biết kìm chế, biết giữ gìn để không đi quá xa. Cầm một nắm tiền trong tay sự thèm muốn lại thôi thúc Minh không thể cưỡng lại được. Biết là không phải tiền của mình nhưng “ma đưa lối, quỉ dẫn đường” thế nào mà Minh lại cung cúc đi theo.
Trong vòng hai mươi ngày Minh đã tiêu hết khoản tiền của Oanh chỉ để mua cái thứ cảm giác mơ hồ êm ái ấy, không phải chỉ cho riêng Minh, Minh còn xả láng chiêu đãi bạn bè. Những bạn bè chí cốt với Minh, những bạn bè sống chết có nhau, có cùng vui, thiếu cùng chịu. Lúc có thì nuôi bạn bè, lúc khó bạn bè lại nuôi ta. Ấy là phương châm sống của bạn bè Minh. Kể cũng ga lăng, cũng cao đạo quân tử lắm chứ.
Ngọc Oanh biết Minh đã dính vào ma túy. Nếu bây giờ cô báo cáo tổ chức thì Minh sẽ bị đuổi việc hoặc chuyển sang làm công tác khác. Minh phải ra đi thì Ngọc Oanh biết xoay sở ra làm sao? Trời sinh ra Ngọc Oanh là để làm lãnh đạo, để làm chỉ huy chứ không phải để gò lưng, dán mắt trước màn hình máy tính. Cô quen với việc quan hệ, giao du. Cô hiểu hết tính nết các ông lãnh đạo cấp trên, để làm vừa lòng họ. Họ chỉ cần lừ mắt, phẩy tay một cái là cô biết ngay họ đang cần gì để đáp ứng. Ngọc Oanh được lòng hết thẩy cán bộ của các chuyên ngành quản lý có liên quan bởi cô luôn thuộc lòng câu các cụ dậy “phóng tài hóa, thu nhân tâm”. Chính vì thế Ngọc Oanh phải cần Minh. Minh lo việc nghiệp vụ để Oanh rảnh tay, rảnh óc lo những việc “đối nhân xử thế”. Oanh cần Minh chứ không cần người khác, vả lại sau vụ này chắc Minh sẽ phải biết điều hơn, phải nghe lời hơn, phải cúc cung tận tụy theo sự sai khiến của cô hơn, có đố Minh cũng chẳng dám bỏ đi đâu, dù Minh có giỏi đến mấy. Ai dám nhận kẻ nghiện ngập hút hít vào cơ quan bao giờ.
Minh cũng biết có công ăn việc làm ổn định, hàng tháng mới có lương tuy không nhiều nhưng cũng đủ thỏa mãn những nhu cầu sinh hoạt thường nhật tối thiểu.
Biết mình hiểu người nên Minh luôn tỏ ra ngoan ngoãn phục tùng, đáp ứng mọi yêu cầu công việc do trưởng phòng phân công. Thực ra thì việc của Minh chỉ bận rộn vào những ngày cuối tháng, cuối quý, cuối năm. Với bộ óc thông minh và năng lực làm việc của mình, Minh luôn hoàn thành công việc một cách nhẹ nhàng. Chỉ họa hoằn những lúc cơ thể bị day dứt, dằn vặt, khó chịu vì thiếu thuốc Minh mới lơ là chút đỉnh. Những lúc như vậy Ngọc Oanh thật tâm lý, cô thường sai Minh đi làm việc này việc khác có liên quan đến tiền mặt để Minh có điều kiện bớt xén một ít cho cơn nghiền vì đói thuốc. Ấy là những năm đầu Minh mới về làm việc. Lâu dần Minh biết Minh đang đúng ở vị trí nào trong guồng máy của công ty.
Một lần trên tổng công ty xuống kiểm tra. Bà trưởng ban kiểm soát bảo Ngọc Oanh báo cáo cho biết từng số liệu cụ thể. Ngọc Oanh gọi Minh vào báo cáo, thế là bà trưởng ban được thể nói thẳng vào mặt Ngọc Oanh “Làm kế toán trưởng mà không nắm được số liệu thì gọi gì là kế toán trưởng. Nếu khó khăn vất vả quá thì cô xin nghỉ sớm đi cho nó làm…”.
Biết được điều này Minh như khẳng định được chỗ đứng của mình. Minh bắt đầu giở những chiêu trò mới: Lúc thì đau đầu, lúc thì mỏi mệt, lúc ngồi ngáp vặt, lúc lại bị hội chứng tiền đình…
Công việc trở nên ùn tắc khi Minh không làm việc. Biết là biết vậy nên cực chẳng đã Ngọc Oanh đã phải móc hầu bao đưa cho Minh, mà cho cũng phải cho đủ đô thì Minh mới đủ sức làm việc. Minh cũng rất biết mình, nhiều lúc Minh đã cố gắng gồng mình chịu đựng mong thoát khỏi cái “vòng kim cô” này, nhưng chẳng lần nào Minh thành công. Minh biết đã sa vào tay của nàng tiên nâu thì khác gì sa vào hang quỷ dữ, sinh ra nghiện ngập cũng là một tội ác, ác với bố mẹ, ác với gia đình, ác với cả xã hội và ác với cả chính bản thân mình. Nhiều lần thiếu thuốc Minh đã mơ thấy ác quỷ giống như con bạch tuộc hai mắt mở trừng trừng như hai cục than hồng vươn những cái vòi dài quấn chặt lấy Minh. Nó thắt chặt Minh như bó giò ép không cho Minh thở. Ngột quá Minh bật dậy ú ớ, mồ hôi toát ra ướt hết áo, người đau ê ẩm, trong từng thớ thịt buồn buồn rần rần như có hàng vạn con dòi đang bò trong xương. Minh đã từng nghe nhiều đứa rơi vào trường hợp này, không chịu nổi liền lao vào con đường tội lỗi là đi cướp của, giết người…May cho Minh những lúc như vậy Ngọc Oanh lại xuất hiện, cô như một vị cứu tinh nâng đỡ, che chở cho Minh không vướng vào vòng tội lỗi. Thật sự Ngọc Oanh cũng rất mến Minh, cô coi Minh như em mình bởi những lúc bình thường Minh luôn tỏ ra là người có học, lịch lãm, ăn nói nhẹ nhàng, khi cười lại rất có duyên. Cuộc sống, làm việc của Ngọc Oanh và Ngọc Minh như có một thỏa thuận ngầm nó cứ bình lặng trôi đi. Năm tháng sẽ tiếp tục trôi êm đềm như bao năm tháng đã trôi qua nếu không có chuyện thay đổi lãnh đạo công ty. Chẳng hiểu vì cơn cớ gì, công ty đang ổn định làm ăn phát triển tốt, lại còn được công nhận là doanh nghiệp tiêu biểu trong thời kỳ đổi mới thì đùng một cái ông tổng giám đốc đâm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi vì lý do sức khỏe. Ông phó tổng lên thay. Ông này là người hợp dơ với Ngọc Oanh cả trong công việc lẫn trên giường nhà nghỉ, nên mọi việc lớn nhỏ của công ty một tay Ngọc Oanh che hết. Hễ có việc gì công ty cần đề đạt cấp trên phê duyệt, giao cho Ngọc Oanh là xong ngay! Ngọc Oanh rất biết cách đi, mà đi lại rất đúng luồng lạch và cô bỗng trở thành linh hồn của công ty. Nhiều khi giám đốc muốn giải quyết công việc cũng phải hỏi ý kiến cô. Cô trở nên là người xuất chúng. Người xuất chúng thì làm gì chả được. Thời buổi đổi mới cần nhanh, mạnh, táo bạo mới được việc. Bây giờ trong các doanh nghiệp nhà nước đâu mà chả vậy. Cứ được lòng cấp trên, họ cho thêm vài phẩy là tha hồ mà mát sa mát suýt, thậm chí thêm cả đấm bóp... Tiền nhà nước thiếu gì, mình chi mạnh tay một chút thì kéo lợi bao nhiêu về cho công ty. Ấy vậy mà vẫn còn có kẻ mồm to, đã được ăn nhờn môi mà vẫn dài mồm kêu ca: Rằng nhiễu nhương, rằng tham nhũng, rằng lợi ích nhóm… Rõ thật là không biết điều. Thời buổi ngày nay bắt đầu coi trọng bằng cấp. Người ta yêu cầu bằng này bằng nọ. Mà đi học tại chức thì khác gì đi chơi, cứ đủ thời gian đến lớp điểm mặt là có bằng. Ngọc Oanh thì lại nghĩ khác chẳng bằng gì giá trị hơn “bằng lòng”. Như cô đây đã làm kế toán trưởng bao nhiêu năm chẳng hề biết đến số liệu, ngay cả việc sử dụng máy tính còn lúng túng mà mọi việc vẫn diễn ra xuôi chèo mát mái đấy thôi. Chỉ cần bằng lòng cấp trên, bằng lòng những người của các cơ quan quản lý nhà nước thì làm cái gì mà chả được. Ngọc Oanh tự dưng nổi hứng lầm rầm: “Làm sao cũng chả làm sao, dẫu có thế nào cũng chả làm chi”
Thấy Oanh vui Minh cũng vui lây, bởi dù sao đi nữa Oanh cũng là chỗ dựa tin cậy của Minh. Minh biết xã hội luôn vận động, lòng người luôn thay đổi. Chả có cái gì là bất biến, chả có cái gì là tròn trịa, khuyết chỗ nào bù chỗ đó, trống chỗ nào lấp chỗ đó. Lòng người ai chả giống ai “lòng vả cũng như lòng sung” cứ có phong bao lại thêm lời ngọt lọt tai thì dễ gật lắm. Mọi công việc đều đi theo phong bao: Việc lớn bao dầy, việc nhỏ bao mỏng, việc khủng thì gói cả cục… khó mấy cũng trôi.
Minh thầm thán phục sếp văn hóa “hơi lùn” một chút nhưng đổi lại khả năng ngoại giao của Ngọc Oanh thì không chê vào đâu được. Cứ hô hào chống tiêu cực khắp mọi nơi, thế mà khi công ty bị thanh tra rờ gáy, Ngọc Oanh chỉ loáng một cái đã giải quyết ổn thỏa hết mọi thứ, cô bảo: Thanh tra, thanh mẹ, thanh gì, cứ yên tâm có đủ phong bì là nó thanh kiu. Ngọc Oanh giỏi là vậy nhưng cô đôi khi cũng thấy chờn chợn Ngọc Minh, bởi Minh là người nắm vững toàn bộ số liệu, sổ sách của công ty, Minh luôn nhìn thấu tất cả mọi việc cô làm. Ngọc Oanh càng có quyền lực thì quyền lợi của Ngọc Minh cũng được lớn theo, Ngọc Minh không hề động chạm đến công việc của Ngọc Oanh. Ngọc Oanh muốn hô mưa, gọi gió làm gì thì làm...Đùng một cái cấp trên yêu cầu thanh tra toàn diện, chuẩn bị cho Công ty tiến hành cổ phần hóa. Ngọc Oanh bảo Minh phải xét soát sổ sách đối chiếu công nợ cho đầy đủ. Mà đã là sổ sách kế toán thì không được chênh lệch dù chỉ là một xu giữa các tài khoản với sổ chi tiết trong cùng thời điểm. Ngọc Minh cũng không thể coi như không biết cái sự mập mờ dây dưa giữa tháng trước với tháng sau, giữa quí này với quí khác. Ngọc Minh thực hiện cung cấp số liệu thật trung thực cho Ngọc Oanh. Ngọc Oanh tá hỏa khi nhìn vào những con số Minh đưa. Vậy là xẩy ra rắc rối. Sổ sách rối bem, các khoản thu chi không rõ nguồn gốc, không đủ chứng từ. Đoàn thanh tra yêu cầu trưởng phòng kế toán xuất trình đầy đủ sổ sách, hóa đơn chứng từ… không có. Sau năm ngày làm việc căng thẳng, nghiêm túc đoàn thanh tra đã tìm ra… và kết luận có sự gian lận mập mờ làm thất thoát gần hai mươi tỷ đồng. Số tiền này cả Ngọc Oanh và Ngọc Minh đều biết nó đã đi đâu… nhưng làm sao bây giờ. Ngọc Oanh có tài mấy cũng phải bó tay. Ngọc Oanh đâu biết mọi sự trên đời lại biến chuyển nhanh thế. Không còn cách nào có thể tháo gỡ được tình thế. Ngọc Oanh vội bàn với Minh, cô dỗ dành Minh, khuyên Minh hãy đứng ra nhận hết tội lỗi về mình, còn Oanh cô sẽ cố gắng lo lắng chu cấp đầy đủ cho Minh. Oanh nói với Minh:
- Sự việc đã vỡ lở rồi, nếu không có người đứng ra gánh trách nhiệm thì sẽ chết cả đám. Dù sao chú cũng đã là con nghiện, chú đứng ra nhận tội là hợp lý nhất. Chú ở tù, chị ở ngoài, chị tiếp tục làm ăn, chị mới đủ sức lo cho chú. Còn nếu như chị và chú cùng vào tù thì ai sẽ lo được cho chú bây giờ. Chú thử nghĩ xem, bố mẹ chú thì đã già, lương hưu chỉ đủ sống, anh em thì kiến giải nhất phận. Chỉ có chị, chị mới đủ sức chịu đựng và che chở cho chú thôi, chú nghĩ kỹ đi.
Nghe Ngọc Oanh nói, Minh suy nghĩ trăn trở, nhiều đêm mất ngủ, ban ngày thi phờ phạc. Cộng với chuyện thiếu thuốc nên thân thể Minh cứ dộc đi trông thấy. Ngọc Oanh nói đúng, từ khi về cơ quan biết Mình nghiện Ngọc Oanh vẫn che chở, giúp đỡ mình những lúc khó khăn thiếu thốn. Nếu bây giờ cả mình và Ngọc Oanh đều bị pháp luật sờ gáy thì ai sẽ lo, sẽ cung cấp cho mình khi mình cần, khi thiếu nàng tên nâu…Thế là một thỏa thuận ngầm đã được thực hiện.
Ngày ra tòa Minh nhận hết trách nhiệm về mình không chút đắn đo. Minh bị kết án chín năm mười tháng tù giam vì tội biển thủ công quĩ. Ngọc Oanh bị cách chức chuyển công tác sang giữ kho lưu trữ. Mặc dù công việc mới không có mầu mè, không người xu nịnh tâng bốc nhưng Ngọc Oanh vẫn thực hiện đúng lời hứa của mình với Minh. Oanh thực hiện thăm nom chu cấp cho Minh đều đặn, đầy đủ cho đến ngày Minh mãn hạn ra tù. Ngày Minh ra tù, cũng là ngày Ngọc Oanh nhận giấy quyết định nghỉ hưu. Họ gặp nhau, ăn với nhau bữa cơm chia tay. Ngọc Oanh thành thật nói với Minh:
- Thế là chị đã hoàn thành lời hứa với chú, mặc dù lúc chú ở trong ấy chị vô cùng vất vả khổ sở phải tìm việc làm thêm tối mắt tối mũi. Bây giờ chú đã được tự do, được về với đời thường chị rất mừng cho chú. Chú thông cảm cho chị nhé, chị nghỉ hưu rồi, không biết mai này chị có kiếm được việc gì để làm thêm nữa không?
Họ ăn với nhau bữa cơm cuối cùng rồi chia tay.
Ra tù, chạy xuôi chạy ngược Minh cũng không kiếm được việc làm. Minh lang thang khắp nơi nhập bọn với nhóm người ở chợ lao động, ai thuê việc gì thì làm việc ấy. Công việc thì ít, người làm thì nhiều. Mỗi công việc làm xong chưa ráo mồ hôi đã hết tiền, nhiều lúc đói ăn Minh lại mặt dầy về nhà dựa vào cha mẹ ăn ké.
Đói thuốc thì kiếm đâu ra, Minh càng ngày càng gầy rạc, từ một chàng trai lịch thiệp hào hoa phong nhã có ăn có học đàng hoàng nay trở thành một kẻ người chẳng ra người ma chẳng ra ma. Nhiều lúc cơn nghiền hành hạ dữ quá Minh đã có ý nghĩ liều lĩnh đi cướp ngân hàng hay giả vờ thuê xe ôm chở ra chỗ vắng đâm cho chủ xe một dao rồi cướp xe. Nghĩ là nghĩ vậy nhưng khi nhớ lại cảnh tù tội gần mười năm trời Minh đã trải qua. Minh lại không dám liều…
Cuộc đời đối với Minh thật hà khắc, lúc có tiền thì tiêu sài phung phí chẳng nghĩ đến ai, ngay cả bố mẹ luôn vất vả làm việc quần quật cả ngày lo cho Minh được ăn học đầy đủ hơn người. Thế mà Minh vẫn chưa biếu họ được một đồng quà tấm bánh, chưa báo hiếu được một lần. Minh chỉ làm khổ bố mẹ, làm khổ mình làm khổ mọi người, Minh có tội lớn quá…
Thời buổi này người có quyền thì lo củng cố quyền lực. Người ta chỉ thực hiện được ý đồ riêng khi có quyền lực. Người ta say quyền lực cũng như Minh say ma túy vậy. Nó làm cho con người mù quáng mê muội đến không dứt ra được. Minh nghĩ mình nghiện ma túy cũng là một tội ác, tội đồng lõa tiếp tay cho kẻ có quyền lực phạm tội cũng là một tội ác mặc dù cái giá phải trả của Minh cũng không nhỏ gần mười năm mất tự do. Mình thật nhiều tội. Liệu có sám hối, có rửa tội được không?
Cứ miên man mãi nhưng tất cả mọi suy nghĩ của Minh cũng chỉ luẩn quẩn trong cái vòng tròn bế tắc không lối thoát. Nghĩ chán Minh lại lần tìm về với nàng tiên nâu. Minh thấy mình trở thành thiên sứ đang giang rộng đôi cánh bay lượn trên bầu trời mênh mông của sứ sở thần tiên. Nhưng rồi Minh lại thấy nghèn nghẹn, không thở được. Hình như có ai đó đang bịt mắt, bịt mũi Minh. Minh giẫy giụa, Minh hò hét đạp mạnh một cái rồi rơi tõm xuống đáy sâu vực thẳm bên dưới…
Minh chập chờn mê mê tỉnh tỉnh. Minh giằng co với số phận nghiệt ngã của mình. Minh tìm đến chùa Hồng Ân lễ phật xin sám hối...
Đi quanh chùa Minh thấy một cây đa to cành lá sum suê. Trên cây có treo tấm biển đề: “Cây đa ba mươi”. Tò mò không biết tại sao cây đa lại có tên là “Cây đa ba mươi”. Minh vào quán nước, uống chén nước rồi lân la hỏi cụ già bán nước gần chùa về sự tích tên cây đa. Cụ kể cho Minh nghe. Nghe rồi Minh tự dằn vặt với mình, đấu tranh với mình. Sinh ra trong thời bình, được hưởng phúc, có cha mẹ, có anh em gia đình êm ấm, lại được ăn học tử tế hẳn hoi mà tại sao mình lại không biết quí trọng, không biết hưởng. Mình thật là dại, thật là ngu, biết ai cứu được mình bây giờ? Cha mẹ ơi con có tội lớn với cha mẹ, con bất hiếu quá. Con chưa báo hiếu được gì cho cha mẹ. Con chỉ làm khổ cha mẹ, làm khổ xã hội, làm khổ chính bản thân con. Tha lỗi cho con cha mẹ nhé. Con rất muốn được trở lại làm người lương thiện, mà khó quá. Con biết làm gì bây giờ! Thôi kiếp sau con xin tu sửa, xin tránh xa ma túy, xin tránh xa những tội lỗi con đã gây ra… để lại được trở về làm người, làm con của cha mẹ.
Hôm sau Minh lại ra quán ngồi uống nước. Ông cụ hàng nước quan sát và dõi theo Minh. Cụ thấy Minh thẫn thờ ra gốc đa ngồi, ngồi chán Minh lại đứng lên đi quanh quẩn bên gốc cây đa, không biết Minh đã đi được bao nhiêu vòng…? Và bây giờ, cụ đã nhận ra người đang bị treo trên cây đa chính là người đã ngồi uống nước ở quán của cụ, người đã hỏi chuyện cụ về sự tích cây đa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét