Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2021

NGƯỜI YÊU ĐẾN NÁT CUỘC ĐỜI CHO THƠ

 

NGƯỜI YÊU ĐẾN NÁT CUỘC ĐỜI CHO THƠ

                        Về thơ tình yêu của Đoàn Thị Lam Luyến

 v_nho_tc_bch_kim

                                            Vũ Nho

         

          Hơn một trăm bài thơ tình rút từ bốn tập thơ đã in cũng nói lên phần nào sức yêu và sức viết của cây bút nữ Đoàn Thị Lam Luyến. Nói tách sức yêu và sức viết bởi vì không phải ai và bất kì ở đâu, hai điều này cũng song hành trong trạng thái thống nhất. Có thể có người “Yêu rất nhiều nhưng viết chẳng bao nhiêu” và ngược lại. Với Đoàn Thị Lam Luyến, tình yêu như cội nguồn, lại cũng là động lực nuôi dưỡng, thúc đẩy cảm hứng sáng tạo và cũng là sông lớn, là biển cả, là ốc đảo, là miền đất hứa cho trái tim hạn hán của chị hướng về. Bốn tập thơ đã in thì 3 tập có nhan đề liên quan trực tiếp đến tình ái : Lỡ một thì con gái, Chồng chị chồng em, Dại yêu. Nhan đề tập Châm khói cũng mang ý nghĩa tượng trưng và triết lí về tình yêu. Vì yêu thơ tạo nên lời. Yêu mà viết, viết để thêm yêu. Yêu thành một giá trị, thành lí tưởng để sống chết vì nó.

          Suốt cuộc đời tôi tìm kiếm tình yêu

                             Không có số được vàng

Chàng trai Xuân Diệu ngày xưa hăm hở yêu, giục giã yêu, nhưng thấy “yêu là chết ở trong lòng một ít”. Với Lam Luyến, yêu là để giàu có, để phồn thực, để sinh sôi với sức mạnh kì diệu “ Tình yêu hôm nay là hạt. Sớm mai đã hoá thành rừng” (Tình yêu). Yêu đồng nghĩa với dâng hiến, một sự dâng hiến thiêng liêng không phải chỉ cho bạn tình, mà còn cho đời mình, cho nghệ thuật, cho thơ ca : Yêu đến nát cuộc đời cho thơ ( Yêu để cho thơ ). Với một tình yêu như thế, nhớ thương đâu chỉ là của cá thể, cá nhân:

                             Nhớ- thành cây cho đất

                             Thương- thành hoa cho đời

                                                Mong anh

          Thơ tình yêu của Đoàn Thị Lam Luyến trào dâng từ một tình yêu mãnh liệt của một tái tim cuồng nhiệt hiếm thấy ở những cây bút nữ vốn thiên về ngọt ngào , duyên dáng và dịu dàng, e ấp.

 

Có lẽ xuât phát từ một cá tính mạnh mẽ, quyết liệt, một sự khát khao cuồng nhiệt, tuyệt đối nên Đoàn Thị Lam Luyến không chấp nhận tình cảm ở mức độ lừng chừng. Chị định nghĩa :

Tình yêu không là cuồng nhiệt

E khi sương gió lạnh lùng

                             Tình yêu

Với cách nói có vẻ như  ngập ngừng không quả quyết ấy, cô gái họ Đoàn đã đòi hỏi yêu là cuồng nhiệt, yêu là phải cháy huy hoàng ngọn lửa mê say, yêu là phải hết mình. Ngọn lửa tình  mãnh liệt ấy khi đã bùng lên trong trái tim yêu thì con người bình thường có những ham muốn to lớn rất khác thường:

                   Ta muốn ôm cả đất

                   Ta muốn ôm cả trời

                             Gửi tình yêu

Chúng ta còn nhớ chàng trai đứng thành tro trước ngọn lửa thắp lên từ  áo đỏ cô gái trong bài thơ Áo đỏ của Vũ Quần Phương. Đoàn Thị Lam Luyến cũng thấy mình như cháy hết tựa ngôi sao sáng bất ngờ đổi ngôi ( Sao đổi ngôi). Nếu không cháy, con người nhạy cảm, đa cảm ấy cũng sẽ lên cơn sốt, cơn chóng mặt, hoa mắt trước ánh nhìn có lửa cháy, có bão giông của người mình yêu:

                   Thôi đừng nhìn em lâu

                   Mà làm em chóng mặt

                   Đừng đứng trước em lâu

                   Mà làm em  choáng mắt

                                      Mong anh

          Đoàn Thị Lam Luyến rất hay nói đến trái tim. Nó như là biểu tượng của tình yêu. Có điều với con người yêu mãnh liệt thì hình ảnh trái tim sôi nổi, nhịp đập bất thường, đa cảm ( Trái tim đa cảm ăn vay tứ thời – Trái buồn) là chưa đủ. Ta hay bắt gặp trái tim lửa, tim hạn hán, con tim tan nát ( Trả cho em, Mưa hành khất, Có anh ). Trái tim ấy đang hạn cháy, thế mà lại chỉ nhận được  một chút tình mưa bay ( Con tim em hạn hán. Tình anh là mưa bay- Trả cho em ). Cái tình mong manh, mưa bay, mưa bụi ấy làm sao mà thoả mãn được trái tim hạn hán to lớn của người đàn bà đang rừng rực yêu thương ?

          Em như vạt cháy rừng quanh năm đòi cứu hoả

          Như ngọn lũ sông Hồng chỉ chực vỡ đê

                                      Gọi Thuý Kiều

Không phải là ngọn lửa mà đã là đám cháy lớn. Không phải là dòng nước hiền hoà êm đềm để cho người tình  thả thuyền mơ mộng mà là cơn lũ mạnh đang dâng trào tột đỉnh.  Lam Luyến là như vậy. Chị không cố tỏ ra dịu dàng. Chị thẳng thắn  nói về sự dữ dội của phụ nữ trong tình yêu :

                   Ghen như sôi và giận như điên

                   Người đàn bà với trái chín trên tay vừa bị lăn xuống đất

                   Ghen như sôi và giận như điên

                   Người đàn bà với ước mơ chưa thành sự thật

                                                Chiến tranh

Chị cũng không ngại khi phải nói về cuộc chiến giành giật tình yêu. Tuy nhiên người ta không cảm thấy sự hả hê trong thành công :

          Em đã đoạt anh từ tay người đàn bà kia

          Giống như người đàn bà kia

          Đoạt anh từ tay người đàn bà khác

                             Chiến tranh

mà lại cảm thấy nỗi buồn thăm thẳm của một ngày  con người bị chiếm đoạt ấy lại ra đi. Cũng như  nỗi buồn về sự thất bại trước ám ảnh cái bóng của người phụ nữ “làm nên giông gió một thời đã qua” :

                   Bóng người như thể bóng mây

                   Đã chôn đáy nước lại bay ngang trời

                                      Bóng người phía trước

          Sự nồng nhiệt trong tình cảm của Đoàn Thị Lam Luyến thể hiện trong cách yêu của chị. Người xưa đã yêu thì “ yêu cả đường đi”. Lam Luyến cũng thế. Khi yêu, chị hào phóng, rộng rãi :

          Muốn hôn từ mẩu đất

          Mà bước chân anh qua

          Mỗi miền xa anh đến

          Đều muốn nhận quê nhà

                    Trăng rằm

Không hề tính toán, chị dâng tặng tất cả cho người mình yêu.  Đến nỗi lỡ một thì con gái, đến nỗi lỡ cả mười phương lấy chồng (đa mang), đến nỗi dại yêu. Khi mất mát, chị thấy mình như là tay trắng, thậm chí tệ hơn, như là cái xác:

                   Anh đã đem đi cả cõi hồn

                   Em còn lại xác- xác chưa chôn

                                            Gọi hồn

Khi bị dối lừa, khi bị phụ bạc, người đàn bà thất tình ấy chỉ còn thấy cay đắng trước mình một người tình bạc, những Trần Phương, Thúc Sinh, Sở Khanh và tệ hơn nữa là những tên Yêu Râu Xanh. Chị chán nản, từ chối tất cả, đòi trả lại cho mình dù có là cô đơn, dù có là hoang dã : “Trả ta về cô đơn. Trả ta về hoang dã” ( Trả ta về cô đơn).

          Ấn tượng về tính chất cuồng nhiệt và quyết liệt còn thể hiện qua giọng điệu và những từ ngữ mà Lam Luyến hay dùng. Quả thật một phụ nữ mềm yếu và dịu dàng không thể có lời lẽ như thế này :

  • Ai bảo mẹ sinh em đẹp ?

Ai xui cha muốn con giàu ?

  • Em phải vu oan Thị Kính

Em cứ lẳng lơ Thị Màu

              Hát theo Thị Màu

          Có đến vài ba lần tác giả đã nói đến chữ  “điên” ở trong tình và ở trong thơ ( Cõi mơ cõi thực, Vân dại, Gọi Thuý Kiều, Chiến tranh). Nhưng khi một người tuyên bố xanh rờn “Điên cũng cần cho xứng với đam mê” ( Gọi Thuý Kiều) thì  còn lâu mới điên khùng. Điên ấy chỉ là trạng thái khao khát mãnh liệt tột cùng, chỉ là cách diễn đạt dân dã tính chất cuồng nhiệt của tình cảm ở mức cao trào tột đỉnh mà thôi. Sau đó là sự  lắng xuống đột ngột, mệt mỏi, chán nản trước duyên phận long đong, lỡ dở như có số giời đầy. Một người dại yêu mà loay hoay tìm cách “Chỉ xin có được tấm bùa giải yêu” ( Về bến Đục ). Một người “dấn thân yêu” mà bằng lòng “ Lấy bấy nhiêu cái thất tình làm vui” ( Em gái). Thế nhưng, còn quá sớm để có thể an phận như thế. Vả lại tính cách một con người cứng cỏi, quyết liệt đâu có dễ buông xuôi. Tim dễ dàng thổn thức. Hồn sẵn sàng khơi vơi ( Tuổi bốn mươi). Và thế là lại hồn nhiên “ Cả tin nghe, cả tin nói, cả tin cười” ( Châm khói), người đàn bà ấy lại rời bỏ cõi thực, rời bỏ những do dự, buồn khổ để đi vào cõi mơ “ Tình bằng là con nhện . Lại cuống cuồng vương tơ” ( Cõi mơ cõi thực ).

 

          Trong cuộc tình không mấy may mắn và nhiều sóng gió của mình, Đoàn Thị Lam Luyến đã thể hiện một cá tính mạnh mẽ, quyết liệt. Thấp thoáng như bóng dáng số phận của Hồ Xuân Hương ngày trước. Với tư cách người đàn bà, Đoàn Thị Lam Luyến đấu tranh cho quyền được yêu, được làm cô dâu, được làm vợ và làm mẹ. Đó là quyền chính đáng của hơn một nửa nhân loại. Sự rắn rỏi, ngạo nghễ , đắm say và kiêu hãnh của “kẻ ăn mày sang trọng” ( Khách mời) không hề che khuất “nỗi yếu mềm” trong thiên tính của người phụ nữ. Gồng mình, dứt khoát và quyết liệt ấy là thái độ với  tình địch và với người tình bạc, những gã Sở Khanh, Trần Phương “cải lốt xưa”. Còn thực tế, người đa đoan, đa tình đó chỉ là một người đàn bà bé nhỏ, bình thường với những ước mơ hạnh phúc cũng rất bình thường, giản dị. Chị mơ một người :

                   Hồn như sen mộc lá thơm tươi

                   Dầu đôi vai lấm, đôi tay lấm

                                      Một sáng ban mai

một người “Dễ thương như cây và hiền lành như đất” ( Chiến tranh). Như bất cứ người phụ nữ nào, người đàn bà “khao khát được sinh sôi” mơ một mái ấm gia đình, mơ được sinh con đẻ cái, được làm thiên chức người mẹ :

                   Em sẽ đẻ cho anh

                                                một đứa, rồi một đứa

                   Và hai chúng mình bồng bế chúng đi chơi

                                                          Đàn bà

                   Gái trai cũng thèm một đứa

                   Cho anh bế bế bồng bồng

                                                Thiên tình cuối

Với người yêu dấu, nhà thơ muốn được chăm nom, được chiều chuộng, được làm những công việc chải tóc, vá áo, nấu bát canh rau, pha tách cà phê sữa, được hờn giận, được làm lành. Chị đã từng có được những điều mơ ước đó. Nhưng, tất cả đã đổ vỡ, đã không thể nào níu giữ. Niềm vui hạnh phúc nhỏ nhoi, còn nỗi buồn khổ đau thăm thẳm. Người đàn bà chân thành nhưng đáp lại sự chân thành đó là lừa mị, giả trá.  Chị đem cho “ tình thật như cây” để nhận về “dối gian như lá” ( Vân dại ). Chị dâng hiến “cả con tim dào dạt “ để nhận về “Nỗi buồn đau tan nát” ( Gửi tình yêu). Chị “Ban ra như là đức chúa” rồi “ Nhận về như kẻ ăn xin” ( Phận bé). Yêu ngỡ là giàu có, là hạnh phúc, nhưng phút chốc trắng tay, phút chốc thành nỗi đau. Còn lại trong lòng người sau đó chỉ là “Những tro tàn nham nhở”, “ chỉ toàn là bia mộ” và một nỗi đau sừng sững “ Nỗi đau như đại thụ” ( Vết thương).

          Cái số trời  đày thế gian đã làm lỡ một thì con gái, lại làm tan nát những gì mà người đàn bà gồng mình lên, cặm cụi nhen nhóm, gây dựng lại. Người ấy đã vượt qua định kiến để yêu thương “ Thương anh muôn kẻ ghét. Yêu anh muôn kẻ cười” ( Có anh). Người đàn bà không ngại “ Kể chi mẹ ghẻ, con chung, chồng người”, dám kiêu hãnh và tự tin “ Thản nhiên em nhận bã trầu về têm” ( Chồng chị, chồng em). Người đàn bà đã tưởng tìm được nơi an ủi ở người đàn ông  “như bếp lửa chiều đời em “ ( Lửa chiều ). Nhưng oan nghiệt của định mệnh cứ gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi:

                   Cây gặp nước ngỡ hồi sinh

                   Ngờ đâu tan nát cõi tình người ơi

                                      Giàu nghèo

Nỗi đau của chị là nỗi đau của không ít những người phụ nữ trong trường tình bể ái :

          Em như con thuyền lạc bến

          Có đi mà chẳng tới bờ

          Em như cây cầu bắc trượt

          Một mình bên đá bơ vơ

                             Chuyện về anh

Đúng là nước mắt đang âm thầm chảy ngược vào trong.

Đã lỡ một thì con gái, vào tuổi bốn mươi mà vẫn chưa yên ổn, thăng bằng : Mình ta ôm mái tóc thề. Nửa xanh, nửa bạc bên lề thời gian. ( Chiều hôm thứ bảy). Và tình cảnh người tự do cũng thật trớ trêu:

                   Muốn yên mà chẳng được yên

                   Muốn yêu nhưng chẳng phải duyên vợ chồng

                                                         Không đề

          Tuy vậy, sự sống không bao giờ chán nản ở con người đa tình đa đoan này. Chị vẫn đang khao khát đi tìm, chị vẫn dám thế chấp trái tim, chị vẫn “dấn thân yêu” cho một “thiên tình cuối”.

                   Vô tội mình vô tội

                   Với niềm mong đổi đời

                                      Ngã ba đường

Người đàn bà khao khát đi tìm hạnh phúc đã tự biện minh như thế. Nhưng có ai cho yêu đương và khát vọng hạnh phúc là tội lỗi?

Có lẽ lời tặng tác giả Hương thầm đã thành một lời thiêng. Yêu đến nát cuộc đời cho thơ. Đoàn Thị Lam Luyến đã yêu và đã góp một tiếng nói quan trọng vào khát vọng yêu, khát vọng hạnh phúc muôn đời của người phụ nữ.

                                     

Hà Nội, tháng5/2003

                                                                                            V.N

 

 dao

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét