ĐẶC SẮC THƠ CỦA NGƯỜI THƠ THƯỜNG DÂN
Trần Thị Trâm
Đọc “Thuyền Thơ”của Thường Dân ( NXb Hội Nhà Văn, 2023), trong một hệ thống, ta thấy: tác giả là một con người thật độc đáo khác đời. Còn thơ ông mang một nét đặc sắc riêng: vừa lãng mạn bay bổng vừa hàm ngậm những triết lý nhân sinh sâu sắc với một cái tôi cô đơn có phần thoát tục.
1. 1. Thường Dân – một người thơ độc đáo, khác đời
Thường Dân tự nhận mình là thằng khờ cuối cùng của thế kỷ hai mươi(Lời chưa nói) và qua lời tự bạch của thi nhân thì cái sự dại khờ, cái nết dở dở ương ương không giống ai của ông đã có sẵn trong con người sinh học và tiếp tục phát triển do đã từng trải qua một cú sốc văn hóa và biết bao nhiêu buồn vui, ấm lạnh của cuộc đời. Vì thế, đã tạo nên ở tác giả cái tính nết nhiều phần lập dị :
“ mang khối thuốc nổ trong đầu
Và một trái tim luôn luôn bốc lửa…
Tính nết tôi dở dở ương ương
Cây đời thẳng tôi đâm ngang cành bứa
Nên sau khi hoàn thành trách nhiệm với gia đình, xã hội, Thường Dân quyết tìm cách mở nắp chiếc soupape(van )để giải tỏa khối thuốc nổ, để giải stress, giải sự bức bối, tự giải phóng mình. Và người đàn ông ấy đã học theo các nhà Nho tài tử thời trung đại: Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến… lánh đục về trong. Để rồi, có một hành xử rất khác đời: bỏ lại vợ con, bỏ lại phố thị ồn ào, bỏ cả cái tên khai sinh Phạm Thành Ý… lặng lẽ về làng sống một mình, làm một gã Thường Dân ( Trẻ đi đất khách làm quan/ Già về với ruộng với làng làm dân - Về làng) để được tự do hòa nhập vào thiên nhiên, làm một cuộc hành hương đi tìm lại chính mình, tìm lại những cái đẹp đã bị đánh mất:
Làm trai cho đáng nên trai
Đắm mình trong những đền đài thiên nhiên
(Làm trai)
Ngẫm trong trời đất giao hòa
Nhâm nhi từng giọt để mà còn nhau
(Cà phê muộn)
Hình như, sau hai phần ba thế kỷ trải nghiệm, ông đã ngộ ra rằng, đô thị với nhịp độ sống gấp là nơi giao lưu hội nhập và tiếp nhận cái mới của nền văn minh hiện đại. Còn làng quê dấu yêu là nơi lưu giữ bao trầm tích văn hóa truyền thống ngàn đời. Đó chính là những cốt, những mã, những vân văn hóa làm nên tấm thẻ căn cước để nhận dạng từng dân tộc:
Nhà quê đâu chỉ là nhà
Mồ hôi nước mắt ông bà Tổ tiên
(Nhà quê)
Mỗi nấm cỏ một con người
Nối xa xưa với muôn đời mai sau
Lắng nghe từ đất thẳm sâu
Lời ông cha nói trên màu cỏ xanh
(với cỏ)
Nên ông đã lựa chọn về quê nhà để được sống chậm, sống nhàn theo phong thái ung dung tự tại của các bậc tao nhân mặc khách thuở nào :
Thảnh thơi nằm trên mui
Thuốc rít liền mấy hơi
Mắt đong đầy trăng sáng
Ngực uống no gió trời
(Đêm ngược thuyền bên sông Trà Lý).
Vẫn biết, cuộc sống là nghệ thuật lựa chọn, nhưng giữa thời đại 4. 0, một cán bộ hưu trí đang có cuộc sống yên ấm lại giã từ Thủ đô về làng sống ẩn dật thì quả thật khác người. Song xem ra cách nghĩ, cách hành xử của kẻ ẩn sĩ thời nay ấy còn kỳ hơn khi gã dồn hết tâm lực, vật lực đóng một con thuyền gọi là Thuyền thơ rồi thả trên dòng sông Sứ để vừa làm nhà ở, vừa làm trụ sở của “Hội tao đàn”, kết nối bạn yêu thơ trong vùng Sơn Nam Hạ, cùng nhau nuôi dưỡng và nguyện sống chết vì thơ . Có thể coi đây là một ý tưởng độc sáng, một hành vi văn hóa sang trọng, lãng mạn : ngông và thật khác đời, còn Thường Dân phải được coi là người thơ ở thế kỷ XXI.
Thuyền thơ neo bến sông đời
Bốn bề sóng vỗ hát lời nhân gian
Thơ theo gió chở quá giang
Đem lòng mình bắc cầu sang lòng người
(Thuyền thơ)
Con thuyền thơ neo đậu bến quê đã giúp ông chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm(Nguyễn Đình Chiểu) và hình như không ít lần thơ và thuyền thơ đã trở thành điểm tựa tinh thần cho cái cánh chim luôn nơm nớp sợ làn cây cong ấy.
Lặng thầm một chiếc thuyền con
Mà sao chở nặng nguồn cơn cõi người
(Nguyễn Đình Bắc)
Niềm đam mê thơ từ người thơ đã có ảnh hưởng không nhỏ trong vùng quê văn vật, đã lan tỏa từ ông tới nhóm bạn yêu thơ: Xuân Đam, Tô Diệp, Phạm Tâm Dung, Nguyễn Xuân Nhuận… rồi mở rộng và lan xa để có một câu lạc bộ mang tên Miền Cổ Tích bề thế với hơn 500 tác giả, trong đó có không ít tài hoa. Và rồi số khách thơ tìm về bến mộng nơi thuyền thơ Thường Dân neo đậu ngày một đông :
Lãng tử tìm về tận bến mơ
Thăm Miền Cổ Tích thăm Thuyền Thơ…
Chén trà chung rượu say bầu bạn
Đời biết còn vui được mấy lần
(Với người thơ)
Có thể nói, nhờ giao lưu mà thơ của anh chị em hội viên Miền Cổ Tích ngày một hay hơn, còn thơ Thường dân đã phát triển với không ít giá trị đặc sắc.
2. 2. Đặc sắc thơ Thường Dân
a.Thơ Thường Dân là một lối thơ trữ tình, hướng nội và lãng mạn
Thơ ông giàu tính trữ tình, hướng nội, lãng mạn với những hình tượng đầy mĩ cảm: con thuyền thơ mộng mơ, dòng sông chở nặng phù sa, cánh diều no gió hồn nhiên nối đất với trời …
Hồn làng quê cất cánh bay
Khúc thanh bình dạo khi đầy khi vơi
Trên đồng mê mải một người
Hồn nhiên nối đất với trời mà chơi
(Thả diều)
Ở đó, dường như ông chỉ chuyên chú đi tìm cái đẹp. Đó là cái đẹp của sự giao hòa giữa thơ và rượu - chất xúc tác linh diệu, làm sắc nhọn giác quan đã từng giúp nhiều thi nhân biến tiềm năng thành những tài năng:
Nghiêng bình rượu rót thơ ra
Nào cùng cạn chén phù hoa kiếp người
Rượu mang con chữ khóc cười
Thơ chưng tinh túy cho đời men say
Đường mây lối gió rượu bay
Câu thơ đứng lại giữa ngày mồ côi
(Rượu thơ)
Đó là cái đẹp được đắm mình vào thiên nhiên kì thú. Mà theo Hoài Thanh: đi tìm cái đẹp của tự nhiên đó là nghệ thuật.Thiên nhiên trước hết là ánh trăng mang vẻ đẹp kì ảo dịu dàng. Là biểu tượng của cái đẹp nên ánh trăng xuất hiện trong thơ của Thường Dân với tần số lớn : Trăng rắc vàng ra trải thảm đường/ Con đường tình nghĩa ngập yêu thương/ Đan Tay anh dắt em vào mộng/ Đi giữa đường trăng thấm đẫm hương(Đường trăng) Trăng đêm nay sáng quá/Dát vàng bên bến sông(Chuyện Quỳnh và si). Trăng Vằng vặc trời cao…Lững lờ một mảnh trăng treo giữa ngày…
Tiếp đến là vẻ đẹp quyến rũ của hoa, nhất là những loài hoa quý như bà chúa hoa hồng, hoa quỳnh - những loài hoa mang vẻ đẹp trinh khiết được sinh ra do sự trưng cất nguyên khí đất trời hội tụ: Lặng lẽ về đêm/ Lặng lẽ trăng lên/Sáng tối giao hòa/Quỳnh âm thầm nở/ Sự thoát xác làm ta ngạt thở/Nỗi đau hoa nhức nhối nỗi đau người (Với Hoa quỳnh)
Đó là vẻ đẹp của chốn vườn xuân với những hình ảnh: cánh bướm, đường hoa, sương mộng, liễu rủ bên hồ, khác nào cõi tiên mộng ảo khiến bạn đọc cứ có cảm giác thoát tục và như đang hòa nhập vào không khí lãng mạn của phong trào Thơ Mới đầu thế kỷ XX…
Lạc nẻo vườn xuân theo gió đông
Dập dìu cánh bướm dụ đi vòng
Hoe hoe nắng sớm tan sương mộng
Sực nức không gian thấm đẫm hương
Long lanh mắt biếc với môi hường
Tiếng chim tình tự trong vòm biếc
Chân bước ngập ngừng vương vẫn vương
Lạc nẻo vườn xuân lạc cõi tiên
(Vườn xuân)
Không gian trong thơ ông là không gian vũ trụ, tĩnh lặng, cao khiết, trong trẻo là nơi cho kẻ sĩ lặng lẽ ngồi câu, là cõi Tiên và những giấc mơ Tiên:
Nằm mơ ngủ vạ ngoài sân
Đêm nay tôi lại một lần gặp Tiên
(Với hồng nhung)
Theo thuyết tam tài(thiên – địa – nhân ) của cổ nhân xưa, người thơ ấy cũng lấy thiên nhiên để tỏ nỗi lòng:
Tôi đứng vò võ đợi giao/Đằng đẵng mười năm lẻ/Bóng hắt ngược dòng sâu/
Run run nhòe ngấn lệ / Một cây si lặng lẽ/ Đứng bén tự khi nào/ Rễ bám vào năm tháng/ Lá xanh niềm khát khao (Chuyện Quỳnh và si) . Quên mình dầu dãi nắng sương/Nỗi đau người ấy đoạn trường xót xa/Đơn côi đứng giữa phong ba/Cứ xanh đến chẳng biết là mình xanh(Giao)
Dĩ nhiên, ta dễ dàng nhận thấy, thơ ông không đề cập tới cảnh quê nghèo đói mà chỉ thấy ở đó một làng quê văn hóa trong hoài niệm, êm đềm và đáng sống:
Đầu làng cười đỏ hoa quê
Hòa âm ve, cuốc gọi hè thâu đêm…
Chuyển mùa tình khúc lạc vần
Vườn em cong mảnh đầu tuần trăng treo
(Khúc giao mùa)
Đã là giữa mùa thu
Lúa đồng thơm cốm mới
Chim cuốc treo bờ tre
Trứng phơi trên buồng chuối
(Trung thu)
Có lẽ bởi mục đích của ông về quê sống và làm thơ để di dưỡng tâm hồn, để tự chữa lành những vết thương lòng, mong tìm lại những cái đẹp đã bị đánh mất nên ông có phần né tránh ít đề cập tới những nỗi đau:
Kiên tâm luyện chí cho bền
Lặng không rũ hết ưu phiền nghĩ suy
(Câu)
Nhưng theo quy luật: cái nhàn luôn đi đôi với cái buồn. Đó là lý do làm cho thơ Thường Dân luôn toát lên một cái tôi cô đơn, toát lên một nỗi buồn có phần da diết.
b. Thơ Thường Dân luôn toát lên một cái tôi cô đơn, một nỗi buồn da diết
Vẫn biết cô đơn là gia tài của kẻ làm thơ, vì thơ là tiếng nói tình cảm mà thi sĩ thường yêu ghét hơn người. Vẫn biết, cái đẹp luôn là sự gặp gỡ giữa hai đối cực nhưng trong lịch sử thơ ca nhân loại, thơ buồn bao giờ chẳng hay hơn và nhiều hơn thơ vui.
Khảo sát thơ Thường Dân ta thấy, trạng thái cô đơn thường xuyên xuất hiện trong thơ ông. Cụ thể: con số 1 đơn độc và từ một mình là điệp khúc, được ông nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần:
Tôi ở nhà quê có một mình
Vườn cau trăng dãi rót lung linh
Trên con thuyền mộng dòng sông mộng
Lắng gió đêm đêm kể chuyện tình
(Giọt buồn)
Thậm chí tác giả còn có hẳn một bài mang tên Một mình để diễn tả sự cô đơn vò võ của nhân vật trữ tình:
Một thuyền, một bóng, một hình
Tình thân khuya sớm một quỳnh… không giao…
Sương khuya hương khẽ len vào
Đơn côi vò võ biết nào cậy ai?
(Một mình)
Vì khi một mình một bóng, con người ắt phải đối diện với chính lòng mình nên nỗi buồn ắt sẽ được tăng lên theo cấp số nhân.
Có nhà mà chẳng có ai
Buồn hơn trấu cắn gấp hai không nhà
(Nhà tôi)
Cùng với nỗi buồn là nỗi nhớ thương, là những nghĩ suy, là sự mất ngủ. Suốt năm canh vò võ, trằn trọc, thao thức, nỗi buồn càng trở nên tê tái rồi lan tỏa khắp không gian làm người thơ thêm thấm thía cảnh cô đơn :
Lạnh lùng ướt cả chiều quê
Chợt thương, chợt nhớ tái tê lòng người
(Thoáng thu)
Hai đầu thương nhớ lên vời vợi
Bởi đã hòa chung một giọt buồn
(Giọt buồn)
Thức quen chẳng biết đêm dài
Ta ru ta thức…biết ai thức cùng?
(Ru thức)
Đặc biệt khi đứng trước biển bao la, cái tôi thi nhân bỗng cô đơn đến tột độ. Bởi trước sự rợn ngợp, kì vĩ của thiên nhiên, con người mới cảm nhận rõ nhất cái hữu hạn, bé nhỏ, cái mong manh, ngắn ngủi của kiếp người :
Đơn côi đứng trước biển
Chẳng thể vỗ vào nhau
Nên trùng trùng con sóng
Vỗ lên đến bạc đầu
(Trước biển )
c. Thơ Thường Dân giàu triết lý
Thơ Thường Dân không chỉ được bay lên bằng đôi cánh lãng mạn, song qua ánh nhìn lãng mạn, ông có thể bay cao hơn và có thể nhìn sâu hơn vào những khuất khúc, những khoảng lặng của cuộc đời. Vì thế thơ ông rất giàu tính triết lý. Tính triết lý có thể ở ngay cái tên tác phẩm rất cô đọng, hàm súc. Thậm chí có những cái tit chỉ duy nhất một từ : Tâm, Thức, Nợ, Bóng, Lịch, Tham…
Và càng đi sâu vào bản thể, thơ ông ngày càng giàu triết lý. Đây là triết lý của ông về chính con người mình, khi ông đã nhận diện được mình nhờ cái mùi người gốc không hề son phấn :
Giữa sắc hương ngụy tạo
Thật riêng mình anh thôi
Không vương mùi mỹ phẩm
Mùi anh mùi con người
(Mùi anh)
Ông cũng nghiệm ra rằng, trong hạnh phúc có khổ đau, khổ đau chính là một phần không thể thiếu của hạnh phúc. May rủi âu cũng là do cái quay tạo hóa búng sẵn lên trời:
Nở bung ra- vỡ bung ra!
Mới hay hạnh phúc cũng là khổ đau!
(Hoa tim)
Ngẫm xem tạo hóa vần xoay
May người này rủi người này mà nên
(Chợ Viềng)
Suy cho cùng, đời người chỉ là một chuyến đi dài rồi thân cát bụi lại trở về cát bụi:
Cả đời là một chuyến đi
Khác gì bèo dạt khác gì mây trôi
(Bạn tôi)
Đời người đều thế cả thôi
Sang hèn rồi cũng lấp vùi nông sâu
(Thử chết)
Đời như sông khi bồi khi lở
Sông như đời vẫn một dòng trôi
(Tình sông)
Trong khi xã hội có rất nhiều biến động như hiện nay, cái sự chân – giả, giả - chân nhan nhản khắp nơi, nhà thơ không dừng lại ở thái độ phê phán, phủ nhận sự nhốn nháo của cuộc đời mà ông còn an nhiên bởi đã thấu thị được cái sự sắc sắc không không giữa chốn nhân gian:
Chân giả mà lắm ngược xuôi
Dẫm cho nát bét cuộc đời giả chân…
Trăng thề vằng vặc giữa trời
Không chân thật vẫn trọn đời thủy chung
(Giả chân )
Là không mà có thì nên
Lá trầu in một trái tim giữa đời
(Trầu không )
Người ta cho rằng, một tác phẩm thơ hay là tác phẩm vừa làm rung động trái tim bạn đọc vưà hàm ngậm triết lý nhân sinh sâu sắc. Theo tiêu chí ấy, thơ Thường Dân có được không ít câu hay. Thành công của tậpThuyền thơ ngoài khả năng phát hiện những nội dung trữ tình, ngoài tư duy thơ mang tính triết lý, còn phải kể đến khả năng thể hiện khá tinh tế uyển chuyển của tác giả những đề tài, khả năng sử dung các thể loại như: lục bát, song thất lục bát, thơ 5 tiếng, thơ 7 tiếng, thơ tứ tuyệt, thơ tự do. Thậm chí có bài rất gần thơ văn xuôi. .. Đặc biệt về ngôn ngữ thơ Thường Dân có những sáng tạo rất riêng, góp phần làm giàu có, phong phú thêm cho ngôn ngữ dân tộc.
Thứ nhất nhờ sự chuyển đổi cảm giác ông đã có cách kết hợp từ rất mới, tạo thêm nghĩa mới cho từ: giấy góa, ngày mồ côi, rỗng mùa hè, ướt cả chiều quê, xuân khép dải lưng xanh, xuân vươn ngực thở, ngô với từng cặp giò mềm, Ước mơ nay đã úa vàng
Heo may thổi vẹt mùa đông
Để cho cây cải hát rong về trời
(Nhà quê)
Chạy rông khắp mọi xứ đồng
Tuổi thơ đâm cái mênh mông lên trời
(Thả diều)
Giận gì chợt nắng chợt mưa
Mồ côi ngọn gió ,lối xưa lạc về
Lạnh lùng ướt cả chiều quê
Chợt thương, chợt nhớ tái tê hồn người
( Thoáng thu)
Thứ hai, ông đã sử dụng linh hoạt rất nhiều ngôn ngữ dân gian.
Hiểu rằng thơ viết về làng quê thì không gì bằng sử dụng đắc địa thành ngữ, tục ngữ vì đó là thứ ngôn ngữ được cô đi đúc lại nên ông cố gắng vận dụng những thành ngữ, tục ngữ sao cho đắc địa. Hóa thân vào câu thơ ông, những chất liệu dân gian đã tái sinh và tỏa sáng tạo nên những giá trị mới: Nắng tháng tám rám trái bòng, Xanh nhà hơn gìa đồng, duyên phận phải chiều, Lấy chồng từ thuở mười ba, Cái có cái vạc,Nước đổ lá khoai,Lời nói gió bay,Thả hồn bắt bóng,Con hơn cha, Chín hẹn mười chờ, Cau sáu bổ ba, vợ người thì đẹp, thơ mình thì hay, muối mặn gừng cay, trời thương đãi kẻ khù khờ, thân tằm rút ruột nhả tơ, bèo dạt mây trôi…
Thơ Thường Dân có những thành công còn do đã tiếp cận được cách nghĩ, cách cảm, cách tư duy dân gian và đã vận dụng khá linh hoạt vào thơ. Với dân gian, cái đẹp nằm trong cái giản dị. Vì đi đến tận cùng cái đẹp đó là sự giản dị. Nên thơ ông:
Càng giản dị càng hay
Như rượu quê nút lá
Mới nhấp chén đã say
(Giản dị, Phạm Tâm Dung).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét