HAI NỬA CUỘC CHIẾN
KÍ ỨC CHIẾN TRANH SÂU SẮC CỦA MỘT NGƯỜI LÍNH
Đọc “Hai nửa cuộc chiến”, tiểu thuyết của Nguyễn Duy Liễm, Nhà xuất
bản Quân Đội Nhân dân, 2023
Vũ Nho
nhà văn Vũ Nho
Nguyễn Duy Liễm là người lính từng tham gia chiến đấu ở mặt trận phía Nam.
Năm 1968, ông vào chiến trường miền đông Nam bộ, từ lính bộ binh được bổ túc
thêm nghiệp vụ để trở thành chiến sỹ đặc công – đặc công hóa, chiến đấu cho đến
hết cuộc chiến tranh (1975). Người lính ấy đã dành nhiều thời gian cho cuốn tiểu
thuyết tâm huyết của mình. Tác giả khởi viết từ cuối năm 2011 tại cẩm Phả, Quảng
Ninh và Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Hoàn thành tại Nhà sáng tác Đại Lải
năm 2016. Mãi đến quý III năm 2023 mới ra mắt bạn đọc. Trong quá trình ấy, tác
giả đã sửa chữa, thêm bớt để cho tác phẩm hoàn chỉnh với ước mong duy nhất là
“được góp phần dung hòa, hóa giải cho cuộc sống bằng an, hòa hợp, để cho những
linh hồn người đã khuất được thanh thản siêu thoát chốn vĩnh hằng” ( Lời tác giả).
Tiểu thuyết không chia thành chương, nhưng có 17 mục, mỗi mục tương
đương một chương. Bắt đầu từ mục 1. Sài Gòn và kết thúc ở mục thứ 17. Nước mắt
thời gian.
Mở đầu , tác giả giới thiệu nhân vật Cả Chiêu, một người vốn theo Việt Minh,
nhưng do hoàn cảnh éo le, đã buộc lòng phải di cư vào Nam. Ông chịu tiếng phản
bội người thân, nhưng ông quyết không ngả theo bên nào, mà chọn con đường
tránh xa quyền lực, chí thú làm giàu. Ông hướng con cái vào việc học hành, chuyên
chú vào chuyên môn. Nhưng trớ trêu thay, hai người con trai ông là Đồng và Thuận
lại không nghĩ như ông, họ có lối nghĩ khác và cuối cùng đứng về hai nửa cuộc
chiến, chống lại nhau.
Việc ông Cả Chiêu phải ra đi là một bi kịch của sự hiểu lầm. Bố ông là người
theo Cách mạng, là Đảng viên đầu tiên của vùng. Nhưng ông bố bị đội Việt Hùng
của Việt Minh xử nhầm rất khó thanh minh. Đến lượt Cả Chiêu, do có vỏ bọc vững
chắc nên ông nên ông được Chị bộ Đảng địa phương bố trí đi lính cho Pháp để
làm tay trong cho ta. Nhưng cuộc càn bất ngờ của địch đã bắn chết những người
giao nhiệm vụ cho Cả Chiêu. Thành ra không có ai cải chính, thanh minh, nên lí
lịch của gia đình ông rất xấu. Cả Chiêu buộc phải cắn răng di cư vào Nam sau
1954. Cuộc trò chuyện của Cả Chiêu với ông Chiến đã buộc Cả Chiêu phải thốt lên
cay đắng:
“Trời ơi! Thế ra từ trước tới nay chính anh cũng vẫn cho rằng bố con tôi theo
giặc ư? Người trong nhà còn chẳng hiểu được nhau, nên buộc tôi phải ra đi là
phải…”. (tr. 70).
Những trang tả cuộc ra đi của Cả Chiêu rất bi kịch, có thể nói là thảm kịch. Bà
mẹ mù lòa của Cả Chiêu đã tự vẫn để con mình không phải băn khoăn khi ra đi. Cả
Chiêu và vợ con đã đặt xác bà lên giường, và rứt ruột ra đi, giao phó lại tất cả cho
người anh họ là ông Chiến lo liệu ma chay, hậu sự.
Tác giả đã rất thành công khi qua nhân vật Cả Chiêu mà xác tín rằng không
phải ai không đứng vào hàng ngũ phe ta cũng đều là xấu xa, phản động. Với nhân
vật Tư Báu, bác sĩ quân y của quân đội Việt Nam Cộng hòa cũng thế. Anh không
cần biết người lính ấy chiến đấu ra sao, bị thương vì lẽ gì, anh cứu họ vì lương tâm
trách nhiệm. Nên Tư Báu biết Thuận bị thương từ tạc đạn bởi lính Việt Nam Cộng
Hòa, nhưng anh vẫn cứu chữa cho Thuận và không tiết lộ với ai, ngoài Đồng, anh
trai của Thuận.
Tác phẩm được viết khi đã có độ lùi của thời gian, tác giả không đơn thuần
khẳng định người của phe ta là tốt, còn phía kẻ thù toàn là xấu xa. Nhà văn nêu
trường hợp của nhân vật Phi Khanh. Anh ta là một nghệ sĩ có tiếng tăm. Nhưng Phi
Khanh đã chiếm đoạt đời trinh nữ của Hà Chi, con gái yêu của viên trung tá Việt
Nam cộng hòa Tư Khang. Phi Khanh bị Hà Chi khinh bỉ, đe dọa. Lo sợ bị trả thù,
Khanh miễn cưỡng vào rừng theo lực lượng Giải phóng theo lời khuyên của người
anh họ. Theo Cách mạng, nhưng Phi Khanh vẫn sống buông thả, vị kỉ để lại hậu
quả nghiêm trọng. May nhờ có lòng tốt của bạn bè mà anh ta thoát tội. Khi Cách
mạng thắng lợi, Phi Khanh nhờ thủ đoạn mà có chức quyền, có những hành động bỉ
ổi với cấp trên, với bạn cũ. Anh ta là một phần tử cơ hội, xấu xa. Đến nỗi Đài
Trang, dù đã có 2 con với anh ta đã kiên quyết li thân với con người ghê tởm đó.
Nhà văn khắc họa tính cách của Đồng và Thuận ở hai phía đối lập. Đồng tự
nguyện tham gia quân lực Việt Nam Cộng Hòa, thù hận với Cách mạng vì bố mình
bị Cách mạng không tin, phải di cư anh ta tự huyễn hoặc hận thù, tôn thờ chủ
thuyết của phía Việt Nam cộng hòa cuồng tín, cứng nhắc. Thuận thì hồn nhiên,
không đứng về phía nào cuộc chiến. Nhưng biến cố Mậu Thân đã tạo nên tình thế
khiến Thuận bị động theo quân Giải Phóng. Rồi Thuận thành người tự nguyện theo
cách mạng và còn vì tình yêu với Đài Trang.
Đoạn gay cấn của tiểu thuyết là khi Thuận mất tích. Anh gặp bà Tư Hún, mẹ
Đài Trang. Rồi Đài Trang quyết định nhờ Đồng để chạy chữa vết thương cho
Thuận. Đồng cũng thầm yêu Đài Trang. Khi biết Thuận đã là người đến trước,
Đồng đã tự rút lui với yêu cầu Thuận và Đài Trang phải làm đám cưới. Hôn nhân
mê đắm nhau sẽ giữ chân họ lại đô thành. Đồng nghĩ vậy.
Cuộc chiến đã khiến cho anh em họ chống lại nhau. Nhưng tình anh em ruột
thịt đã không cho Đồng đem nộp Thuận và Đài Trang cho cảnh sát, khi biết cả hai
người là của phe Việt cộng.
Nhân vật Đồng là người của phía bên kia, nhưng là người chín chắn, đàng
hoàng, biết kìm nén tình cảm, yêu quý mẹ, đối xử đúng mức với em trai. Nhà văn
xây dựng nhân vật này bằng cái nhìn khách quan, khoáng đạt, chân thực, không hạ
thấp hay bóp méo nhân vật.
Cũng về tình cảm họ hàng, ruột thịt là cuộc đối mặt giữa Đồng và Đại, hai anh
họ. Họ giáp mặt nhau trong hoàn cảnh đặc biệt. Dù ở hai phía cuộc chiến nhưng
“máu chảy ruột mềm” Đồng và Đại không thù hằn nhau. Đại hy sinh, Đồng đã cởi
bộ quân phục Sỹ quan Cộng hòa của mình mặc cho Đại “như món đồ khâm liệm”
tạo nên ngộ nhận. Và sau đó, thi thể Đại được chôn trong nghĩa trang quân đội
Việt Nam Cộng Hòa, nhưng trên bia lại là tên tuổi của Đoàn Duy Đồng. Ông
Chiến đã nói một câu thấu tình, đạt lí vô cùng cảm động: “Người nằm trong mộ là
ai, thằng Đồng hay thằng Đại. Chúng nó đứng về phía nào trong cuộc chiến tranh
vừa qua thì đấy cũng là xương máu của dòng họ…” ( tr. 351). Nhà văn đã gửi đến
độc giả một thông điệp mà từ trước đến nay với Văn học ít người nhắc đến.
Và đây, có lẽ quan hệ giữa Đồng và Thuận, Đồng và Đại là cơ hội để tác giả
tiểu thuyết “dung hòa, hóa giải” những đối nghịch của hai nửa cuộc chiến để những
con dân lạc Việt đoàn tụ cội nguồn.
Chương cuối cùng “Nước mắt của thời gian” có thể nói là một kết thúc
tương đối có hậu cho tiểu thuyết. Những con cháu của dòng họ gặp gỡ nhau, nhận
ra nhau, cảm thông với những thương đau, mất mát,…Nói tương đối có hậu vì Phi
Khanh vẫn còn đó, vẫn là một thế lực, ngang nhiên tồn tại, chỉ bị Đài Trang li thân
anh ta vẫn dương dương những chức với quyền. Nhưng ai biết những gì sẽ diễn ra
với con người cơ hội, quỷ quyệt và xảo trá ấy! Chúng tôi nghĩ đây cũng là một
cách để tác giả cảnh báo chung. Với nhân vật Phi Khanh, tác giả tiểu thuyết “ Hai
nửa cuộc chiến” nhã ý để lại dấu chấm lửng cho người đọc vậy chăng?
Tiểu thuyết“ Hai nửa cuộc chiến” hấp dẫn, lôi cuốn nhờ các sự kiện dồn dập
nối tiếp nhau, sự đan cài mâu thuấn gữa các nhân vật, các biến cố tác động mạnh
mẽ đến số phận, bước ngoặt cuộc đời nhân vật của một giai đoạn Lịch sử biến động
không ngừng. Với một không gian kéo suốt chiều dài đất nước và khoảng thời gian
đi suốt ba, bốn thế hệ đời người. Tác giả tỏ ra cao tay khi miêu tả và xử lí mối tình
tay ba Hà Chi, Đồng, Phi Khanh và một mối tình tay ba khác giữa Đài Trang, Đồng
và Thuận làm tăng thêm tính hấp dẫn thu hút người đọc.
Tôi nhớ nhà văn Nga Iuri Bondarev từng viết đại ý : Vấn đề không phải là trải
nhiều mà là chiêm nghiệm những điều từng trải. Điều đó thật đúng với trường hợp
Nguyễn Duy Liễm. Thời gian tham gia chiến đấu không nhiều bằng các đồng đội
cầm bút. Nhưng tác giả có ý thức suy nghĩ về những điều từng nếm trải, chiêm
nghiệm trên chiến trường. Bởi thế mà tác phẩm hấp dẫn và thuyết phục. Có thể nói,
tác giả Nguyễn Duy Liễm bắt đầu sự nghiệp văn chương muộn, nhưng anh có vốn
sống, vốn trải nghiệm phong phú cùng với lối viết phân tích tâm lí sâu sắc, kiến văn
rộng, thuyết phục. Vì vậy mà tác giả đã thành công.
Chỉ có hai điều nhỏ băn khoăn là có chút nhầm lẫn huân chương “Bắc Đảu bội
tinh” ( Vốn của Pháp) ( tr. 256), thực ra là “Anh dũng bội tinh” của quân đội Việt
Nam Cộng Hòa. Thứ hai là tên họ của chàng Tonivit, với Tom và Toni Doan!
Người Mĩ, cũng như các nước châu Âu gọi Tên và Họ khác nhau. Sẽ không có kiểu
tên họ lẫn lộn như thế! ( Tác giả có thể xem 100 họ phổ biến của người Mỹ trên
mạng để tham khảo).
Dù sao, tiểu thuyết “Hai nửa cuộc chiến” cũng là một tiểu thuyết thành công
của người cựu chiến binh cầm bút, nhà văn Nguyễn Duy Liễm!
Hà Nội, 2/11/2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét