BÀI CỦA BẢO SINH
Đường vào đạo lớn vô hình
Chỉ dành cho kẻ vô tình bước qua
Cố tình trồng hoa hoa không nở
Vô tình cắm liễu liễu lên xanh
Đều là những cái người ta nghĩ rồi
Những cái nghĩ mãi trên đời
Khi ta nghĩ lại khác người nghĩ ra
Đêm nằm nghĩ mãi không ra
Tại sao thằng ấy lại là nhà thơ
Gặp kẻ ăn cắp thơ ta
Hóa ra người ấy lại là tri âm
Thơ dở đọc cho triệu người
Là ta chẳng đọc một lời cho ai
Thơ hay đọc cho một người
Là ta đọc cả cho đời cùng nghe
Huyền Nhân
Nhà thơ thiền dân gian. Võ sư. Họa sĩ truyền thần. Nhà điêu khắc, kiến trúc. Nghệ nhân nuôi gà chọi. Nguyên giáo viên trường sĩ quan Lục quân Sơn Tây. Pháo thủ phòng không bảo vệ thủ đô. Thầy thuốc Đông y. Chủ khách sạn dành cho chó mèo. Pháp sư cầu siêu tại chùa Tề Đồng Vật Ngã - Ngụ 167, Trương Định, Hà Nội.
Thiền nhân suốt đời không làm một nghề vì làm nghề nào sẽ chấp vào nghề đó. Bác sĩ thấy đâu cũng vi trùng. Cảnh sát thấy đâu cũng tội phạm. Cave thấy đâu cũng khách làng chơi... Tuy làm nhiều nghề nhưng do tâm tịnh, tuệ sáng nên thiền nhân làm nghề gì cũng đến đỉnh của mình vì vậy không sa vào cảnh giới một nghề thì sống, đống nghề thì chết như những kẻ tâm viên, ý mã. Chỉ có đạt đến đỉnh cao của mình mới đủ tầm chiêm ngưỡng đỉnh cao nhân loại. Thiền nhân không chỉ làm một nghề nên không mắc bệnh thầy bói xem voi và không gọi được danh tính, chỉ có tự tính, thiền nhân không thuộc về hình dạng nghề nghiệp nào, về bất kỳ tên tuổi nào nên không là ai cả.
Huyền Ngôn cũng vậy, Huyền Ngôn không viết theo một kiểu gì. Huyền Ngôn là lời của muôn mặt đời thường.
Huyền Ngôn cũng cười phớ lớ như Bút Tre nhưng triết lý sâu sắc hơn:
Gái tơ cặp với bồ già
Như mai cổ thụ nở hoa bốn mùa
Phi công trẻ lái bà già
Ai ngờ bà cụ lại là phi công
Sông nào cũng chảy xuôi dòng
Trăng lặn cũng chỉ ở trong bầu trời
Chạy ngược trên chiếc thuyền xuôi
Thì ta vẫn cứ phải trôi theo thuyền
Kiểu cười Bút Tre chỉ cười tếu:
Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về
Anh đi công tác Plây
Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra
Huyền ngôn cũng đậm đà bản sắc chân quê như thơ Nguyễn Bính:
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
(Nguyễn Bính)
Hoa cau thơm ngát hương cau
Chúng mình mơ đổi thành nhau làm gì
(Huyền Ngôn)
Hồn thơ Nguyễn Bính nhập vào Huyền Ngôn một cách rất đương đại:
Hôm xưa lên tỉnh về làng
Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi
Bây giờ quần trễ rốn lồi
Khổ tôi khổ cả bố tôi đang thiền
(Huyền Ngôn )
“Ngày xưa đất rẻ như bèo
Vườn chung ong bướm bay vèo là sang
Giậu mồng tơi cạnh nhà nàng
Nay xây tường kín, xin chàng bấm chuông”
(Huyền Ngôn)
Huyền ngôn cũng cảm thông sâu sắc với thân phận gái quê dan díu với kinh thành:
“Lên tỉnh ai cũng bảo quê
Về làng cả xóm lại chê thị thành
Xót xa thân phận thôi đành
Nửa quê, nửa tỉnh chòng chành thân em”
Huyền ngôn đồng cảm với mối tình mộng mơ của học trò trường huyện:
Những buổi học về không có nón
Đội đầu chung một lá sen tơ
Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc
Bay về đến cửa mới tan mơ
Em đi phố huyện tiêu điều lắm
Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi
Cho đến bây giờ anh mới hiểu
Tình ta như chuyện bướm xưa thôi
(Nguyễn Bính)
Yêu như ngọn gió thổi chơi
Bỗng dưng thổi dạt hai người vào nhau
Yêu đừng hẹn trước thề sau
Khi yêu mới biết mình đâu của mình
(Huyền ngôn)
Gái quê trong thơ Nguyễn Bính trách người yêu lỡ hẹn rất chân quê:
Mình em lầm lụi trên đường về,
Có ngắn gì đâu một dải đê!
Áo mỏng che đầu, mưa nặng hạt,
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya.
Anh dặn anh sang anh chẳng sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng
(Nguyễn Bính)
Còn Huyền ngôn trách oán sự lỗi hẹn đến cốt lõi nhân sinh:
Đôi ta trên một con đò
Vạch thuyền đánh dấu ai ngờ sông trôi
Hẹn lời thề giữ lấy lời
Biết đâu lời của mỗi người là sông
(Huyền Ngôn)
Huyền ngôn cười ngặt ngẽo tính cả ghen của thơ Nguyễn Bính:
Tôi muốn cô đừng nghĩ đến ai
Đừng hôn dù một cánh hoa tươi.
Đừng ôm gối chiếc đêm nay ngủ,
Đừng tắm chiều nay biển lắm người
Tôi muốn làn hơi cô thở nhẹ
Đừng làm ẩm áo khách chưa quen
Chân cô in dấu trên đường bụi
Chẳng vết chân nào được dẫm lên
(Nguyễn Bính)
Trong thời đại ngày nay, khi mà: “gái trinh vắng bóng trên đường, may ra chỉ thấy ở trường mầm non” thì:
Nếu thế giới có hai người
Chữ trinh em giữ suốt đời cho anh
(Huyền ngôn)
Thơ Nguyễn Bính là thơ chân quê, còn huyền Ngôn mang tính dân gian vì nội dung thể hiện toàn diện xã hội.
Nhiều Huyền ngôn đã trở thành ca dao:
Biết bao thi sĩ vô danh
Nhưng vần thơ đã trở thành ca dao
Biết bao thi sĩ ngôi sao
Suốt đời chẳng để câu nào cho ai
“Em đen đâu phải em đen
Em đen là bởi cái đèn bật lên”
“Vợ to thì mặc vợ to
Nếu vợ to quá thì ta ôm đùi”
“Đèo cao thì mặc đèo cao
Nếu đèo cao quá thì ta không trèo”
Ca dao huyền ngôn khác ca dao ở chất thiền.
Tâm nhị nguyên của chúng sinh coi sen và bùn là hai:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
Tâm huyền ngôn bất nhị coi sen và bùn chỉ là một:
Khi mê bùn chỉ là bùn
Ngộ ra mới biết trong bùn có sen
Tâm chúng sinh như bùn tanh tưởi gạn đục khơi trong thành tâm Phật.
Hương sen huyền ngôn thơm ngát hương thiền.
“Vợ là cửa cái
Bạn gái là cửa sổ
Càng nhiều cửa sổ càng sang
Cửa cái anh vẫn đàng hoàng vào ra
Vợ là cửa cái nhà ta
Lại là cửa sổ thằng cha láng giềng”
Ai bảo chăn trâu là khổ
Tôi chăn bồ còn khổ hơn trâu
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Mặt tôi như thể con trâu đang cười
Vợ là thánh chỉ vua ban
Có sao dùng vậy miễn bàn đúng sai
Quỷ thần chứng cả hai vai
Vợ là thiên tạo trần ai miễn bàn
Dạy con từ thủa còn thơ
Dạy vợ từ lúc nó chưa dạy mình
Sợ vợ tới chỗ tận cùng
Ta sẽ cảm thấy như không sợ gì
Con ta không phải của ta
Tai họa của nó mới là của ta
Của chìm của nổi trong nhà
Của ta rồi sẽ lại là của con
Chúng ta sẽ lên bàn thờ
Ăn chuối cả nải ngắm gà khỏa thân
Huyền ngôn đã đạt đến túy lúy quyền của chưởng Kim Dung, ông triết lý đời một cách tiếu ngạo giang hồ và dùng vô chiêu để thắng hữu chiêu nên khác hẳn Bút tre:
Bước qua cánh cửa Huyền Môn
Thì ta mới hiểu Huyền Ngôn là gì
Bước qua cánh cửa Huyền Vi
Thì ta mới hiểu Huyền Thi là gì
Bước qua cánh cửa Bút tre
Thì ta chỉ hiểu cái ghe là thuyền
“Khi mê tình chỉ là tình
Ngộ rồi mới biết trong tình có dâm
Khi mê dâm chỉ là dâm
Ngộ rồi mới biết trong dâm có tình”
Tình mà không dâm là hư vô:
Chàng bảo yêu bởi tâm hồn
Em thay giới tính chàng còn yêu không
Bỏ cả giang sơn vì người đẹp
Biết đâu người đẹp thích giang sơn
Suốt đời chỉ yêu một người
Bệnh ấy còn nặng gấp mười ung thư
“Sống tới tuổi cổ lai hi
Đoạn sau khuyến mại còn gì nữa đâu
“Sống mà phải xã giao nhiều
Mệt hơn phò phạch phải chiều lắm anh”
“Ghế thì ít, đít thì nhiều
Cho nên đấu đá là điều tất nhiên”
Tự trói thì gọi là tu
Bị trói thì gọi là tù mọt gông
"Tự do sướng nhất trên đời
Tự lừa lại sướng bằng mười tự do"
Gia Nhập, WTO
Xuất tinh thì ít, xuất thô thì nhiều
Giao lưu văn hóa càng nhiều
Giao mà không hợp, bao nhiêu cũng thừa
Kìa xem Hán Sở tranh hùng
Quân kì ca khúc điệp trùng nơi nơi
Trông gần chính nghĩa sáng ngời
Nhìn xa chỉ thấy lũ người giết nhau
Thiền dân gian của Huyền Ngôn siêu Việt lên vượt tầm bác học thành lý của vũ trụ vì huyền ngôn sáng tạo cái đẹp bằng khoa học tôn giáo một cách dân gian:
Câu thơ khi tỏ khi mờ
Lý trên bác học tình thừa dân gian
Mỗi thời đại, mỗi dân tộc, mỗi cá nhân đều có quan điểm đẹp khác nhau:
Nếu người yêu có một ti
Thì người nào có hai ti là thừa
Ngày nay tiêu chí về hoa hậu:
Hoa hậu Việt to tổ đùng
Kích cỡ kiểu ấy chỉ dùng cho Tây
Còn như dân Việt Nam đây
Hoa hậu mét sáu vòng tay ôm vừa
Tiêu chí này chỉ là chân lý bộ phận là thầy bói xem voi.
Chân lý đẹp, khôn của vũ trụ là chân lý toàn thể nên vĩnh hằng: Sở dĩ có người khôn vì có kẻ ngu, sở dĩ có người đẹp vì có kẻ xấu:
Mình ngu nhiều kẻ ngu hơn
Cho nên được gọi là khôn hơn người
Em xinh đâu bởi nụ cười
Em xinh là bởi nhiều người xấu hơn
Nếu thế giới toàn ngu sẽ hết cả ngu lẫn khôn:
Một ngu làm chẳng nên non
Ba ngu chụm lại thành hòn núi ngu
Toàn ngu cả sẽ hết ngu
Lúc Huyền Thi tếu táo kiểu Tú Xương:
Làm thơ, nuôi chó, chọi gà
Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ
Suốt ngày nửa tỉnh nửa mơ
Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà
(Huyền Ngôn)
Bắt chước ai ta chúc mấy lời
Chúc cho khắp hết cả trên đời
Vua quan, sĩ thứ người trong nước
Sao được cho ra cái giống người
(Tú Xương)
Mời nhau ăn tiệc ăn nằm
Mấy ai khao bạn bữa ăn khí trời
Chúc nhau chúc đủ mọi lời
Mấy ai chúc bạn thành người tốt hơn
(Huyền ngôn)
Triết lý Khổng Tử: “Đã mang tiếng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông” thể hiện trong cây thông quân tử của Nguyễn Công Trứ:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Giữa trời vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thời trèo với thông
Thông của Huyền ngôn mang tính hiện sinh Jean Paul Satre:
Làm thông ngay giữa kiếp người
Làm người lại đứng giữa trời như thông
Lá reo tiếng hạc tầng không
Vi vu nào biết là thông hay người
Thông của Huyền ngôn là thông của Trang Tử: Thông và người là một cũng như Trang Tử mơ thành bướm hay bướm mơ thanh Trang Tử: “Trang Châu gởi mộng tan thành bướm. Bướm tan thành mộng hóa Trang châu”.
Xuân Hương mô tả phồn thực một cách thiên tài:
Vành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
(Xuân Hương )
Quân tử có thương thì đóng cọc
Xin đừng mân mó nhựa ra tay
(Xuân Hương)
Huyền ngôn triết lý về phồn thực một cách chân lý tuyệt đối:
Em dại tụt quần quá nhanh
Nếu mà tụt chậm em thành phu nhân
Mặc quần chẳng để mặc quần
Mặc quần chỉ để khi cần cởi ra
(Huyền ngôn)
Bốn cột khen ai khéo khéo trồng
Người thì lên dánh kẻ ngồi trông
Trai đu gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song
Chơi xuân đã biết xuân chăng tá
Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không
(Xuân Hương)
Ai ai cũng sống khỏa thân
Mặc quần sẽ lại khiêu dâm mọi người
(Huyền ngôn)
Mùa hè hây hẩy gió nồm đông
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng
Lược trúc biếng cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long
Đôi gò Bồng Đào sương còn ngậm
Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
Đi thì cũng dở, ở không xong
(Xuân Hương)
Bàn về sư sãi Xuân Hương và Huyền ngôn đều cười một cách rất sex:
Nào nón tu lờ nào mũ thâm
Đi đâu mà lại để ong châm
Đầu sư há phải gì bà cốt
Bá ngọ con ong bé cái lầm
(Xuân Hương)
Cây muốn lặng gió chẳng đừng
Trách ai đem chiếc lược sừng tặng sư
Khiến lòng sư những ngẩn ngơ
Nửa mong mọc tóc nửa mơ trọc đầu
(Huyền ngôn)
Xuân Hương dân gian hóa thể thơ Đường bác học. Huyền ngôn bác học hóa thể thơ dân gian. Xuân Hương và Huyền ngôn đều dùng thủ pháp:
Sex vào tim là con đường ngắn nhất
Nhưng lạc đường sẽ dẫn tới tử cung
(Huyền ngôn)
Hai nhà thơ này không lạc đường vì:
Phiêu diêu thoát tục càng thêm tục
Tâm thanh càng tục lại càng thanh
(Huyền ngôn)
Huyền thi cũng yêu cuồng nhiệt, hối hả đến tận cùng như Xuân Diệu: “thà một phút huy hoàng rồi vụt tối, còn hơn buồn le lói suôt trăm năm”:
Yêu tha thiết, thế vẫn còn chưa đủ,
Phải nói yêu, trăm bận đến nghìn lần;
Phải mặn nồng cho mãi mãi đêm xuân,
Đem chim bướm thả trong vườn tình ái .
(Xuân Diệu)
“Già rồi đóng bỉm đi chơi
Chứ quyết không chết ở nơi xó giường
Sướng nhất chết ở chiến trường
Sướng nhì chết ở trên giường mỹ nhân”
(Huyền Ngôn)
Huyền Ngôn cũng định nghĩa tình yêu như Xuân Diệu nhưng thiền hơn:
Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà lại được yêu
Cho rất nhiều mà nhận chẳng bao nhiêu
(Xuân Diệu)
Yêu nhau phải có bốn người
Hai người là thực hai người là mơ
Ghét nhau phải có bốn người
Hai người là thực đang mơ ngược chiều
(Huyền Ngôn)
Yêu là nhớ ít tưởng nhiều
Yêu là chẳng hiểu mình yêu cái gì
Yêu nhau đâu bởi hàng mi
Đắm say đâu phải chỉ vì đôi môi
Yêu là yêu
Biết thế thôi!
(Huyền Ngôn)
Huyền ngôn thấm thía tính sắc không “tình chỉ đẹp những khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề’’ của Hồ Zdếnh:
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Em tôi ơi tình nghĩa có gì đâu?
Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu?
Thủa ân ái mong manh hơn nắng lụa.
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ
Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa...
(Hồ Zdếnh)
Yêu sao giây phút hình như
Cho nhau những cái còn chưa của mình
Buồn sao hình chạm vào hình
Đôi bong bóng đụng hồn mình chợt tan
Đôi ta như thể đôi bờ
Gặp nhau sông chẳng bao giờ thành sông
Thôi đành muôn kiếp song song
Đôi ta trả lại dòng sông cho đời
Mới yêu nhìn đã tri âm
Lâu dần tiếng Việt nghe nhầm tiếng Tây
(Huyền Ngôn)
Huyền ngôn cũng tâm lý chiến như thơ Tố Hữu, Phạm Tiến Duật:
Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn tây
(Phạm Tiến Duật)
Năm 1966
Trên nóc cầu Long Biên cao vời vợi
Phấp phới ngọn cờ của trung đội tiểu cao
Pháo thép chếch nòng sáng đầu nhọn mũi lao
In trên mây trời năm 66
Như dáng hình thủ đô năm 46
Tự vệ bom ba càng thiêu cháy xe tăng
Con cháu chúng ta những ai vào vũ trụ
Hãy nhắc đừng quên:
Môt ụ pháo trên đỉnh cầu lộng gió
Chúng sẽ không lạc đường
Giữa thiên thể
Bao la
(Huyền ngôn)
Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa
Vui gì hơn là người lính đi đầu
Trong đêm tối tim ta là ngọn lửa
(Tố Hữu)
Tết xưa theo mẹ sang bà
Tết nay theo Đảng con ra chiến trường
Bàn thờ thêm một bát hương
Mẹ tôi thêm tấm huân chương anh hùng
(Huyền ngôn)
Huyền ngôn cũng giang hồ khí cốt như Bùi Giáng:
Sài Gòn, Chợ lớn ăn chơi
Đi lên đi xuống đã đời du côn
(Bùi Giáng)
Mình không chỗ đứng trên đời
Lại không cả biết nằm ngồi ở đâu
Thì đi về chỗ bắt đầu
Cứ đi không đến về đâu thì về
(Huyền ngôn)
Hỏi tên rằng biển xanh dâu
Hỏi quê rằng mộng ban đầu sinh ra
Hỏi tên rằng một, hai, ba
Đếm là mộng tưởng, đo là nghi tâm
(Bùi Giáng)
“Thiên hạ lấy thước đo người
Ta đo lại thước của đời đo ta”
“Hạnh phúc không thể đếm đong
To không hơn nhỏ, ít không kém nhiều”
(Huyền ngôn)
Huyền ngôn cũng thấu lẽ vô thường, vô tướng như Bùi Giáng:
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau
(Bùi Giáng)
“Khi đã ngộ lẽ vô thường
Nhìn đâu cũng chỉ thấy đường mà thôi”
“Tìm đường để đến nhà em
Đến nơi mới biết nhà em là đường
Thuyền tình cập bến yêu đương
Biết đâu bến cũng là đường mà thôi”
(Huyền ngôn)
Bỏ Người yêu bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Người hai con mắt khóc người một con
(Bùi Giáng)
Mắt em biên giới ta mình
Mắt anh biên giới giữa mình với ta
Yêu là nhắm mắt nhìn ra
Đắm say trong cõi không ta không mình
Huyền ngôn
Trong bài Á kinh siêu sinh tịnh độ Huyền ngôn chan chứa tình yêu thương con người như Nguyễn Du trong văn tế thập loại chúng sinh:
Cô hồn muôn loại mười phương
Về nương pháp lực lên đường siêu sinh
Lời kinh tiếng pháp uy linh
Giải trừ oan nghiệt siêu sinh niết bàn
Cõi dương thế chan hòa ánh nắng
Dưới đất sâu lạnh trắng xương khô
Não nùng thay những đêm mưa
Ai lau giọt lệ ma xưa dưới mồ
Rừng nắng quái chiều hôm nhuốm đỏ
Vượn não nùng hú gió đêm mưa
Hồn ma trinh nữ lạc mồ
Thướt tha bóng trắng, sương mờ nét son
Bãi sa trường thây tan thịt nát
Không bóng người đi nhặt xương khô
Mối đùn xương khoác ba lô
Không người áo trắng khăn xô khóc hồn
Xương vô chủ trắng khô sa mạc
Quỷ không đầu đứng khóc thâu đêm
Hang sâu thăm thẳm u huyền
Cô hồn lạnh toát âm tuyền thâm u
Biển gào thét mịt mù đêm tối
Kiếp phù sinh như khói như sương
Cô hồn phảng phất thê lương
Lạnh lùng không một nén hương, ngọn đèn
Trời hư ảo mờ mờ nhân ảnh
Chợ Phù Vân kẻ bán người mua
Trăm năm cũng chỉ nấm mồ
Rầu rầu ngọn cỏ, mờ mờ hơi sương
Dưới suối vàng não nùng tiếng hú
Cầu Nại Hà(*) đứng rũ tà huy
Cô hồn dắt díu nhau đi
Nương theo nghiệp lực tìm về đầu thai
Khác với văn tế thập loại chúng sinh, Á kinh siêu sinh tịnh độ của Huyền ngôn còn hướng dẫn cách để linh hồn được nhập cõi niết bàn:
Cõi niết bàn bất sinh bất tử
Cực lạc hồn hoan hỉ đồng tu
Trần gian nhân ảnh mịt mù
Bọt trong bể khổ dạt bờ bến mê
Thơ thiền Lý Trần dùng đạo bàn về đạo nên thiếu phần thi ca mà nghiêng về kinh kệ:
Ở đời theo đạo phải tùy duyên
Đói ăn khát uống mệt ngủ liền
Trong nhà có đạo thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền
(Trần Nhân Tông)
Huyền ngôn bàn chuyện đời đến tận cùng thành đạo nên Huyền ngôn như cây đời mãi mãi xanh tươi:
Có bao nhiêu kẻ yêu ta
Kẻ ghét đếm đủ cũng là bây nhiêu
Khi biết ghét cũng là yêu
Ân oán sẽ hết mọi điều sáng trong
Ung dung khắc đến khắc đi
Còi to cho vượt tranh gì trước sau
Bước chân dù chậm hay mau
Đường ta đi giữa hai đầu tử sinh
Lưu Nguyễn không tìm lại gặp tiên
Tìm về trần thế hóa vô duyên
Đi mà không đến là Tây Trúc
Đến mà chẳng gặp ấy Đào Nguyên
Tự nhiên chờ cái đến
Thanh thản tiễn cái đi
Yêu những điều không muốn
Tâm nhàn hơn mây trôi
Không gì cứng được bằng thiền
Không gì mềm được như thiền để so
Cứng mềm để được tự do
Không vì ngoại lực làm cho cứng mềm
Huyền ngôn cũng u mặc như “Thế Tôn niêm hoa, Ca Diếp vi tiếu”:
Nhân duyên đến nhân duyên đi
Chúng mình ngoài cuộc hẹn gì với nhau
Lá trầu chẳng đợi quả cau
Tự nhiên tan hợp thành màu nhân duyên.
Khi mê bùn chỉ là bùn
Ngộ rồi mới biết trong bùn có sen
Khi mê tiền chỉ là tiền
Ngộ rồi mới biết trong tiền có tâm
“Cùng chung một chuyến đò ngang
Kẻ thì sang bến người đang trở về
Lái đò lái mãi thành mê
Sang về chẳng biết mình về hay sang”
Nam Mô Đức Phật Di Đà
Cho ta thấy được cái ta đang là
Phật tâm lễ Phật Di Đà
Hai Phật lễ Phật còn ta là chùa
Huyền ngôn thấm đẫm chất thơ Đường nhưng thiền hơn:
Sông chảy thuyền trôi nước chẳng đi
Trăng đầy trăng khuyết bớt thêm chi
Tỉnh say Lý Bạch sầu nguyên khối
Chém nước mò trăng được mất gì?
Sông chảy cùng thuyền trôi thì coi như nước chẳng đi vì tự tính vạn pháp vốn không. Trăng đầy trăng khuyết chỉ là giả tướng. Chém nước mò trăng chẳng được mất gì vì vạn pháp vô nguyện.
Thiền Huyền ngôn phảng phất mùi hoa anh đào của thơ Haiku Nhật Bản nhưng dễ hiểu hơn:
Phật nghìn mắt nghìn tay
Đời mỗi người mỗi ý
Chân lý chỉ có một
Vào của Phật vẫn chưa chay tịnh
Ra sòng đời không đủ tinh ma
Thôi đành về với cỏ hoa
Anh đã chết,
Không! Anh không được chết
Bởi vì anh chưa sống thật bao giờ
Huyền ngôn mộc mạc như ngụ ngôn La Fontaine nhưng Á Đông hơn:
Bọ ngựa rình bắt ve sầu
Biết đâu chim sẻ đằng sau bắt mình
Mải tìm danh lợi gái xinh
Biết đâu cái họa đang rình bắt ta
Con chuột mắc phải sai lầm
Khi rơi vào bẫy không ăn miếng mồi
Nhiều người cũng vậy mà thôi
Rơi vào sinh tử chỉ đòi thoát ra
Nhởn nhơ bướm lượn bờ ao
Đừng ai bắt bướm ép vào sổ tay
Trong đêm đóm lập lòe bay
Đừng đem đom đóm ra ngày để xem
Osho - huyền ngôn - Thích Nhất Hạnh
Osho và Huyền ngôn cùng cội nguồn từ lão Trang - Phật hòa nhập với cuộc sống đương đại toàn cầu. Pháp môn làng Mai của thiền sư Thích Nhất Hạnh nghiêng về phần nguyên thủy của đạo Phật.
Osho có thể từ một câu viết thành pho sách. Huyền ngôn có thể từ pho sách đúc kết thành một câu thơ - huyền ngôn là nhà khoa học tôn giáo về cái đẹp:
Mê theo cách mê của mình là ngộ
Ngộ theo cách ngộ của người là mê
KẾT LUẬN
Xưa nay người sáng tác thường có bút pháp riêng. Bút pháp của Huyền ngôn là không có bút pháp. Huyền ngôn là lời của muôn mặt đời thường nên không định nghĩa được:
“Chỉ sờ một chỗ mà thôi
Thầy bói định nghĩa được voi là gì
Nếu hiểu đủ lẽ huyền vi
Sẽ không định nghĩa được gì về voi’’
Huyền ngôn cũng như thiền nhân không thuộc hình dạng văn học nào, không thuộc vào bất cứ tên tuổi nào nên Huyền ngôn chỉ có tự tính không có danh tính, vì vậy Huyền ngôn không là ai cả.
Họ tên ngày tháng năm sinh
Địa chỉ cũng đúng còn mình ở đâu
Ngắm nhìn các đại vĩ nhân
Như nhìn hoa hậu bị vần suốt đêm
Thôi đành về chỗ lãng quên
Mới mong gọi được chính tên con người
Ta như mây trắng giữa trời
Ngắm nhìn thiên hạ đang ngồi máy bay
Huyền ngôn minh triết công án thiền. Công án thiền minh triết Huyền ngôn thành song kiếm hợp bích phá tan màn vô minh quanh ta.
Không thể dùng phân tích thông thường để ngộ công án thiền mà phải dùng huyền vi mới khế nhập được huyền cơ của công án thiền huyền bí:
Quý vật đi tìm quý nhân
Huyền ngôn lại gặp Huyền tâm mới huyền
Huyền ngôn và công án thiền thuyết pháp bằng cách không có pháp gì để thuyết. Huyền ngôn chỉ đặt người đọc vào tình thế tự ngộ:
Hợp chân sẽ chẳng thấy giầy
Thầy giỏi là chẳng thấy thầy dậy chi
Thuyết pháp là chẳng thuyết gì
Vạn pháp là chẳng có chi để bàn
HUYỀN NHÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét