Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2024

CÓ MỘT HAINƠ

 


CÓ MỘT HAINƠ  (Heinrich Heine) TUYỆT VỜI TRONG BẢN DỊCH CỦA CHU THU PHƯƠNG

            Qua tập “Khúc đệm trữ tình”, Nhà xuất bản Văn Học, 2015

                                                     Vũ Nho

Tháng 9 năm 2024 tôi mới có dịp may mắn tiếp xúc trọn vẹn với nhà thơ Đức lừng danh Hainơ. Trước đó, chỉ đọc một số bản dịch thơ lẻ của ông trên các báo và tạp chí. Nhà thơ có ảnh hưởng khá sâu rộng trong giới ham thích thơ ca Việt. Chả thế mà đã có một sự nhầm lẫn bài thơ “Bông huệ trắng” của nhà thơ Bế Kiến Quốc với thơ Hainơ, một chuyện hi hữu trên thi đàn.

65 bài thơ, chủ yếu là thơ ngắn, chủ yếu là thơ tình cho người đọc hình dung một Hainơ yêu đắm say,  cuồng nhiệt, một  người sáng lập ra thơ tình yêu hiện đại” như đánh giá của nữ văn sĩ Elke Schmitter.

Trong bài viết của Thạc sĩ Christian  Liedtke “ Heinrich Heine và cuốn Khúc đệm trữ tình”, người viết đã khái quát:

“Dù thế nào đi nữa thì , Khúc đệm trữ tình của ông  cũng là  kho tàng của tình yêu và  của những lời nói về tình yêu, bởi, đó có là khát vọng, hi vọng, hạnh phúc hay vỡ mộng, ghen tuông, chán chường, đau khổ, niềm vui, thẹn thùng, buồn chán,v.v… gần như tất cả các cảm xúc  của  tình yêu đều có trong tập thơ, và Heine tìm ra được những từ ngữ vừa xác thực vừa thi ca cho hầu hết những cảm xúc này. Những nhà thơ ngày nay cũng trở đi trở lại hướng tới những cảm xúc ấy, những cảm xúc mà Heine đã sử dụng những kết hợp đặc biệt, từ cách bày tỏ cảm xúc một cách trực tiếp, đồng thời giữ khoảng cách với những cảm xúc ấy gần như không lặp lại” ( tr.193) 

Khúc dạo đầu là câu chuyện đượm màu cổ tích về mối tình đắm say giữa Hiệp sĩ “buồn bã và lặng câm”, “trơ như gỗ, vụng về, lích kích”. Chàng được người yêu từ trời “rực rỡ thắm hồng như một bông hồng nhỏ” đánh thức khát vọng yêu đương. Chàng như thấy mình bị “phù phép”, trở nên cuồng dại, dạn dĩ, mạnh bạo. Và thế là :

            Hiệp sĩ là chàng rể, Ngư nữ là nàng dâu

            Dàn trinh nữ chơi đàn dây khắp chốn

Say mê, đắm đuối “ mọi tri giác dường như đã bỏ chàng đi đâu mất/ Chàng ôm ghì nàng áp sát tận lòng mình”. Rồi như một giấc mơ:

Ánh sáng chan hòa vụt tắt

Hiệp sĩ đơn độc trong căn nhà lặng ngắt

Góc thư phòng ảm đạm

Để lại bao tiếc nuối một giấc mơ huy hoàng!

 Bài thứ nhất  là sự ca ngợi “Trong tuyệt vời tháng năm xinh đẹp”, khi nơi nơi cây cối đâm chồi, khi muôn vàn chim chóc ríu ran thì cũng chính là lúc trong chính giữa trái tim, Tình yêu bừng tỉnh giấc sinh sôi! Tình yêu sinh sôi, phát triển mạnh  như chồi biêc, lộc non khi nhà thơ thú nhận “Những ước ao, khao khát với nàng”. Không phải là ngẫu nhiên mà bài thơ này được phổ thành 83 bản nhạc truyền tụng “ trở thành “Hit” ( “ Đỉnh” ) của thời đại đó”. ( tr.197)

Vẫn với tinh thần ca ngợi sức mạnh kì diệu, tuyệt vời  của tình yêu, ngay cả khi buồn đau, mất mát.

Từ giọt nước mắt tôi nhỏ xuống

Bật nở muôn cánh hoa tưng bừng

Từ tiếng thở dài tôi não nuột

Hợp xướng họa mi vang lừng

              ( Bài 2)

Đó là khi tình yêu không thuận, tình yêu gây buồn đau, thất vọng.  Còn khi tình yêu được đáp đền, được chấp thuận, được khẳng định “nếu em yêu tôi” thì  “ bao hoa muôn màu tôi hái trao” và

Trước cửa sổ em ngân vọng mãi

Khúc ca họa mi ngọt ngào

Tình yêu của Em. Chính Em là niềm say mê, thay cho mọi niềm say mê cũ của  nhà thơ . Hốt nhiên liên tưởng tới bài thơ tình độc đáo của R.Gamzatov, nhà thơ cửa xứ Đa ghétstan khi ông viết đại ý:

            Tôi  yêu  Em

Trong em có một trăm người thiếu nữ đã yêu

Ở đây Heine  viết về sự “giảm số lượng”, nhưng thực chất chỉ là “quy gọn” :

            Giờ tôi không còn yêu, lòng chỉ còn có một

            Một nhỏ nhắn, một nhã nhặn, một trong trắng, một duy nhất

            Nàng là ngọn nguồn bao say đắm tuyệt vời

            Cả hoa hồng, cả hoa huệ, cả bồ câu, cả mặt trời

                                                ( Bài 3)

  Người yêu – EM là  người có sức mạnh thần kì, siêu nhiên. Có thể xua tan bao đau khổ, làm tăng sức  mạnh, tăng lòng khát khao. Vậy mà sao lại có chuyện có vẻ ngược đời:

            Mà khi em nói : “Yêu anh”

            Sao nước mắt rơi cay đắng

                                       ( Bài 4)

Phải chăng ở đây có sự gặp gỡ với Xuân Diệu, ông hoàng thơ tình của Việt Nam: “ Em là yêu mến của ta/ Mến yêu vô hạn em là nỗi đau” ?

Cả bài thơ này nữa cũng sao mà gần gũi với Xuân Diệu của chúng ta! Phải chăng những tư tưởng lớn, trái tim lớn thường gặp gỡ nhau:

            Hãy áp má em vào má anh

            Cùng cho đôi dòng lệ quyện hòa

            Ghì tim em vào tim anh chặt

            Cùng bừng chung ngọn lửa đôi ta […]

            Khi tay anh ghì em vào mãnh liệt

            Anh chết vì khát khao

                        ( Bài 6)

Còn đây là Xuân Diệu của Việt Nam:

            Hãy sát đôi đầu, hãy kề đôi ngực

            Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài

            Những cánh tay! Hãy quấn riết đôi vai

            Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt

            Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt…

                        (Xa cách)

Như một lẽ tự nhiên, khi nói về tình yêu, về người mình yêu, nhà thơ hay nói đến những bộ phận cơ thể : mắt, môi, má, vòm ngực, buồng tim. Bài 14,  Heine viết cho đôi mắt bài thơ ba đoạn, viết cho đôi môi “ tuyệt khúc đoản ca nho nhỏ”, viết cho đôi gò má “ tuyệt diệu thơ tám câu vần”. Còn trái tim hồng thì cả “ một bài thơ Sonett” ( 1 4 câu). Bài 19 tác giả cũng nói về trái tim, đôi môi, đôi mắt, khuôn ngực  người tình,…

            Bênh vực, ngợi ca người yêu, nhà thơ cực đoan  cho rằng “Thiên hạ thật ngu, thiên hạ thật mù” khi “xầm xì về em”, không hiểu được em ( Bài 15). Và khẳng định:

            Em dễ thương ngọt ngào đến vậy

            Nhà thơ nào tạo nổi em đây

                                    ( Bài 16)

Và nhà thơ tự dặn lòng, dù cho nàng làm gì đi nữa:  Em không yêu tôi, em không yêu tôi […] Em ghét, ghét tôi vô cùng ( Bài 12);  Em đã quên rồi, quên trọn vẹn/ Thời gian ta chiếm giữ trái tim em” ( Bài 21); “Nàng đã tự tay xé nát rồi/ Xé nát đi trái tim tôi” ( Bài 22);  Nàng đã bỏ ta đi ( Sao em bỏ ta đi?) ( Bài 23),… tình cảm của tác giả vẫn không thay đổi:

            Kiên nhẫn, kiên nhẫn và thứ tha

            Cho người đàn bà điên rồ, quyến rũ

                        ( Bài 17)

Phải chăng, đó là sự cao thượng? Phải chăng đó là minh triết của tình yêu?

            Hầu như tất cả trạng thái tình cảm khi yêu : hưng phấn, hụt hẫng, vui sướng, đau khổ, ngờ vực, ghen tuông,  chán chường, tuyệt vọng, hi vọng,… đều được thể hiện  phần lớn bởi người xưng “Tôi”. Nhưng, khi nhà thơ xưng “Tôi” trong các bài thơ, rất nhanh chóng và tự nhiên, TÔI ấy trở thành tôi riêng của người đọc, và rồi thành chúng tôi đông đảo và cuối cùng thành ra CHÚNG TA của mọi người! Vì vậy mà sức phổ biến và phổ quát của nó rất rộng rãi, to lớn.

Điều đó cắt nghĩa vì sao Heine được đánh giá rất cao không chỉ thời đó mà sau này và mãi mãi…

            Bây giờ xin dành đôi lời cho  người dịch.

Dịch giả Chu Thu Phương dịch thơ là một công việc “thiên nan vạn nan”, nhất là lại dịch thơ của một nhà thơ nổi tiếng không chỉ của nước Đức mà của  toàn thế giới. May mắn là người dịch không chỉ giỏi tiếng Đức, mà còn đến tận quê hương nhà thơ, gặp gỡ với những người bạn Đức, nhận sự động viên, khuyến khích của những người Việt am hiểu văn hóa Đức.   Dịch giả “ mong muốn không chỉ là đưa bạn đọc đến gần nội dung của những bài thơ, mà còn muốn trả lại đúng thi pháp, cấu trúc, thể thơ, nhịp điệu, cách gieo vần, chơi chữ của từng bài thơ, giúp bạn đọc Việt Nam tiếp cận được với vẻ đẹp nguyên gốc của thơ Heine” (Câu chuyện dịch Khúc đệm trữ tình, tr 13). Tất nhiên ngoài sự thông tuệ, ngoài tình yêu thơ Heine vô bờ,  người dịch  phải dồn rất nhiều tâm sức cho mong muốn đó.

            Để đánh giả bản dịch này, thiết tưởng không gì thuyết phục hơn là đoạn nhận xét của Thạc sĩ  Christian Liedtke có ở cuối sách này:

            Độ ngắn của các bài thơ và vẻ giản dị nổi bật của ngôn ngữ trong các bài thơ đã khơi gợi cảm hứng cho các dịch giả. Tuy nhiên, giữ được  cả vẻ đẹp ẩn mình trong cái giản dị này trong bản dịch là một điều không hề đơn giản. Bởi vẻ đẹp ấy lại nằm trong nhịp điệu, trong âm thanh và âm vang nội tại của những lời thơ ông viết. Nhiều bản dịch các bài thơ của ông đã xuất hiện ngay khi Heine còn sống, đặc biệt là các bản dịch tiếng Pháp – lại là những bản dịch thành văn xuôi, mà vẻ đẹp này bị mất một cách tự nhiên. Dịch giả Chu Thu Phương ngược lại đã có những nỗ lực trung thành với bản gốc theo cách riêng của chị. Chị đã hoàn thành bản dịch đầy đủ đầu tiên của toàn bộ tập Khúc đệm trữ tình bằng tiếng Việt và tập trung đặc biệt vào việc tái hiện vẻ đẹp ngôn ngữ Heine, trung thành đến mức có thể  với những cách gieo vần và cả cấu trúc của thơ trong tập Khúc đệm trữ tình của ông. Chị để  tâm kĩ càng đến những nét tinh tế như việc Heine sử dụng những từ vay mượn từ tiếng nước ngoài ( thường là từ tiếng Pháp) cũng như những điểm nhấn tượng thanh của nhiều bài thơ. Một ví dụ đặc biệt ấn tượng minh chứng cho điều này có thể thấy ở bài số 6 của Khúc đệm trữ tình. Hiệu ứng âm thanh đầy hình ảnh mà cách dùng vần trùng điệp nhiều lần trong câu thơ “ Cùng bừng chung ngọn lửa đôi ta” tạo nên trong tiếng Đức đã được chị tái tạo một cách tài tình đến mức cả trong bản tiếng Việt người ta cũng thực sự nghe thấy được cái hừng hực đam mê “cùng bừng chung” của ngọn lửa. Chu Thu Phương không chỉ đưa ra một bản dịch chính xác về ngôn ngữ và độ dài – chị đã đạt tới nghệ thuật khiến cho Heine trong tiếng Việt  cũng thực sự vang lên như Heine vốn có”.

            Một đánh giá cao, rất cao về người dịch!

            Sau này Chu Thu Phương còn công bố bản dịch  tập thơ “Tóc rối” của nhà thơ nữ Akiko Nhật Bản. Tập thơ dịch cũng giành được sự yêu mến của đông đảo người đọc Việt Nam.

            Dịch không nhiều, nhưng Chu Thu Phương xứng đáng nhận danh hiệu dịch giả sáng giá, nhất là dịch thơ, một lĩnh vực  khó khăn mà không nhiều dịch giả thành công!

                                             Hà Nội, 21 tháng 9 năm 2024

           

                                    

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét