Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015

Nguyễn Hoàng Sơn viết về tập thơ TÌNH YÊU CỦA TÔI



Tình yêu của tôi
( Tập thơ tuyển của Trần Thị Mỹ Hạnh, Nhà xuất bản Phụ nữ 2013)
                                                                   Nguyễn Hoàng Sơn
Trần Thị Mỹ Hạnh xuất hiện đã lâu, trong cái làng văn vốn…nhiều nam, ít nữ của ta- và hình như không phải chỉ ở ta? Lâu, rất lâu, từ  năm 1975 chị đã là tác giả phần thơ “Áo đồng lầm” in chung 4 tác giả nữ. Hết in “nhóm 4” lại in “nhóm 3”. In như thế có lẽ là hơi “ hẻo” nhưng được cái khỏe, chỉ lo bản thảo được chấp nhận, còn mọi thứ giấy má, in ấn …đều có người “chuyên trách” hết. Tác giả chỉ có việc đến …lấy nhuận bút, tuy không nhiều nhưng cũng đủ sức …đãi biên tập viên và một vài người bạn thân. Từ năm 1989, hết thời “bao cấp” , Trần Thị Mỹ Hạnh mới in đều hơn, dày hơn : “Gặp lại mình” (Nxb Lao động, 1989), “Sợi thời gian” ( Nxb Phụ nữ 1996), “Nơi không có em” ( Nxb Phụ nữ, 1999), “Người giữ lửa” ( Nxb Hội Nhà văn 2002). Và bây giờ (2013) là tuyển tập dày dặn “Tình yêu của tôi”, 211 bài, 338 trang. Chưa thể nói là nhiều, là quá dày, nhưng không thể nói là ít, là thưa, là mỏng với một người thơ, nhất là người thơ nữ.  
Khoan hãy nói đến chất lượng thơ của  các cây bút nữ - đây là câu chuyện dài dài và dễ gây bất đồng, hẵng cứ nói điều mà mọi người dễ thấy và dễ nhất trí; đây là những cây bút tự tin ,  tin ở khả năng, ở thiên chức của mình? Trong tập thơ “Tình yêu của tôi”, chị Mỹ Hạnh có ba lần viết về những người thơ nữ có thể đọc tên: Anh Thơ ( Bên bến sông Thương);  Xuân Quỳnh (Chút kỉ niệm với Xuân Quỳnh ) Ý Nhi (Gửi). Bài viết về Anh Thơ tươi vui, hồn nhiên như một lời khoe khéo; bài gửi Ý Nhi kín đáo, ý nhị; riêng bài nhắc một kỉ niệm bạn gái về Xuân Quỳnh thật bùi ngùi, xúc động: Quỳnh bảo :chúng mình nghèo , Hạnh ạ/ Ngon nhất lúc này hẳn là kê/…/ Kỉ niệm xưa đã mấy chục năm/ Thơ còn đây , người mãi xa xăm/ Thiếu Quỳnh tôi ít ăn kê lắm/ Phố Hàng Bồ mưa bụi mãi giăng …

Nói đến thơ Trần Thị Mỹ Hạnh, tôi nhớ ngay đến “Tổ làm đường dưới núi Ngọc Mỹ Nhân”, nhất là “Mái tóc bạch kim”. Nhờ thơ hay, hoặc thêm nhờ uy tín của người giới thiệu thơ- Xuân Diệu? Nhớ nhất khổ thơ ông đã biểu dương, (hình như là trên tạp chí Tác phẩm mới) : Mái tóc bạch kim, tóc bạch kim/ Bao đêm thao thức dưới chao đèn/ Bản đồ thiết kế trên tay chị/ Ngọn gió rừng thóc mách vào xem . Cái “ngọn gió rừng thóc mách” này đã được Mỹ Hạnh đóng dấu ấn sáng tạo trong thơ. Cả cái phát hiện “tí xíu” này nữa, (hình như cũng đã được Xuân Diệu nhận ra và biểu dương ?): Chị sống như một người Việt Nam/ Cũng áo quần xanh lấm bụi than/ Đôi úng cao su đi vào mỏ / Tóc bạch kim đội mũ rơm vàng. ( NHS nhấn mạnh). Thật ra, trong cả tập thơ dày dặn của mình , chị Mỹ Hạnh đã nhiều lần tự vượt qua những câu thơ đã từng neo vào tâm trí người ham đọc. Có thể nhặt dường như từ bất cứ trang thơ nào những câu như thế. Chẳng hạn bài “Trung du” (tr 116 ), giọng thơ điềm đạm, lặng lẽ, hơi xót xa : Mái lá cọ, đồi sơn xanh thiếu nữ/ Tóc cô tôi trắng xóa mưa chiều/ Giếng thăm thăm thẳm dây gầu ba mươi mét/ Cả cuộc đời gạn chắt bấy nhiêu//  Đất Phú Lộc, Phong Châu cô sống / Xa kinh thành sầm uất đẫm hương sen/ Áo Đồng Lầm ngày cưới xưa cô mặc/ Năm mươi năm màu nâu vẫn tươi nguyên... Người ta ( hình như là nhà thơ, nhà bác học Lê Quý Đôn?) bảo thơ về những người thân yêu nhất của mình thường là khó viết. Tôi thấy chị Mỹ Hạnh vượt qua cái khó này có vẻ thật dễ dàng. Người cha, người mẹ, bà dì, bà cô…vào thơ chị một cách tự nhiên, chân thật. Cả  trong trường hợp thật xót lòng khi chị phải khóc người em xấu số của mình : Thế giới bên kia gần gũi xa xôi/ Đi ở, mất còn, Hiến ơi chớp mắt/ Đột ngột ngỡ ngàng nắng chiều vụt tắt/ Tháng Chạp mùa khô mà đầy bão giông/ Chị nhớ em dáng cao đậm khoan dung/ Tóc quăn giống Ba, hiền lành giống Mẹ/ Buổi sáng nay đi làm Hiến còn cười chào chị/ Thế mà tan tầm lặng lẽ… vội vàng đi ( Hiến ơi).
Chị Mỹ Hạnh là một trong số những cây bút nữ hiếm hoi trung thành với “đề tài công nhân” trong làng thơ . Những bài viết về họ chiếm tỉ lệ đáng kể trong tuyển thơ của chị: Mái tóc bạch kim, Ngọn đèn lò, Sắc than, Con mắt lò chợ, Trưa mỏ, Những mối hàn con gái …và làm nên âm hưởng chính trong 3 tập thơ đầu ( Áo đồng lầm, Sắc than, Gặp lại mình). Về sau, đề tài thơ Mỹ Hạnh mở rộng hơn nhưng hầu như vẫn không lúc nào thiếu vắng hình ảnh về những người thợ.
Tôi tò mò muốn đọc kĩ mảng thơ tình yêu trong  tập thơ Mỹ Hạnh. Không có một tập thơ tình riêng nhưng hầu như tập nào, nhất là những tập in gần đây, cũng có ít ra là một vài bài về mảng “đề tài” dễ viết mà khó hay này. Có khi là nỗi ghen bóng ghen gió (?): Người thiếu phụ anh gặp kia/ Không là em cũng chẳng hề quen anh/ Bời bời vạt cỏ chiều xanh/ Rượu suông sau cuộc lộ trình xa xôi…Sau nỗi ghen ấy laị là sự tha thứ và thông cảm : Lệch xô giường chiếu lẻ loi/ Tắc kè – tiếng một- đơn côi hết mình/ Đường than, mỏ mới – yên bình/ Thương anh nơi ấy một mình không em… ( Nơi không có em). Có khi là sự đắn đo với…chính mình mà thật đau đớn, khó khăn: Thôi em về sống với…em/ Với âm thầm thế giới riêng vui buồn/ Đừng níu kéo, đừng vấn vương/ Bờ cây xõa tóc, con đường cầm tay// Thôi em về, em về đây/ Ồn ào, phù phiếm, mơ say trả người  ( Em về…) Đọc thơ tình của Mỹ Hạnh thấy toát lên vẻ bình dị, kín đáo nhưng trung thực, giữ gìn. Những người phụ nữ như người- thơ của chị làm nên mảng chính trong cuộc đời này…
Tôi gặp chị Mỹ Hạnh tại phòng khám Bệnh viện Hữu Nghị, bùi ngùi vì vẻ yếu mệt của chị. Về, đọc kĩ tập thơ chị tặng, lại thấy bình tâm hơn. Một Mỹ Hạnh tự tin trong đời, trong thơ như hiện lên trong mắt tôi. Chị là một  trong số các cây bút nữ ít ỏi, kiên trì , bền bỉ  và đứng lại được với thơ, nhất là mảng thơ viết về người công nhân, người lao động.
4/10/2014
N.H.S                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét