Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

Vũ Nho trả lời Phóng viên Nguyễn Vũ Hà ( VOV) về trang FB của UBND thành phố Hà Nội





Vũ Nho trả lời  Phóng viên  Nguyễn Vũ Hà ( VOV) về trang FB của UBND thành phố Hà Nội

Mời đọc và có thể nghe buổi  Văn nghệ 10 h30 và 20h ngày thứ  Ba, 29 tháng 12 trên sóng FM 96.5 hoặc VOV2


1.     Vừa qua chính quyền HN sử dụng mạng xã hội Facebook với mục đích gần dân hơn, cung cấp thông tin đến người dân. Việc này nó nói lên điều gì?



Vũ Nho ( VN): - Tôi có xem  thông tin về sự kiện trên TV. Những người được phỏng vấn đều hoan nghênh chủ trương của chính quyền thành phố. Rõ ràng là ít nhất, điều đó cũng cho thấy chính quyền thành phố muốn gần gũi với dân hơn, lắng nghe trực tiếp nguyện vọng của người dân để điều hành công việc. Chúng ta đều biết Cụ Hồ gọi những cán bộ trong bộ máy chính quyền là công bộc (đầy tớ) của nhân dân. Không có lí gì mà người phục vụ  muốn phục vụ tốt ông chủ của mình lại không biết, hoặc biết lơ mơ ông chủ muốn gì.

Đây cũng là một biểu hiện của tinh thần dân chủ, tinh thần của một chính quyền từ nhân dân, do dân và vì dân. Bản thân tôi rất hoan nghênh sự kiện này.



2.     Nói là cung cấp thông tin. Nhưng cung cấp như thế nào mới quan trọng: phong phú hay nhỏ giọt? Có chính xác, minh bạch không?



VN : - Tôi nghĩ trang này không chỉ cung cấp thông tin, mà còn phải thu nhận và xử lí thông tin. Phải có quan hệ hai chiều, chứ nếu một chiều thì ích lợi của nó  không mấy cao, ít hiệu quả. Tôi nhớ GS Tạ Quang Bửu trong một bài viết trên báo Toán học và tuổi trẻ khi tôi còn học phổ thông  đã nói về Lí thuyết thông tin, trong đó có ví dụ rất sinh động về kênh thông tin. Câu chuyện anh chàng ăn tham đến nhà bố vợ trong truyện cười ai cũng biết. GS Bửu viết đại ý: vì chỉ có một kênh là sợi dây buộc với quy định là giật/ gắp, cho nên khi con gà chạy qua vướng dây, dẫn đến giật lia lịa, và anh ta cũng gắp lia lịa. GS viết: nếu thiết lập thêm một kênh nữa là gõ nắp vung kèm với giật mới được gắp, như vậy con gà có vướng dây, giật lia lịa, nhưng không có tiếng gõ thì không gắp. Như thế thông tin không bị nhiễu.  Nghĩa là có nhiều kênh thông tin thì thông tin sẽ hạn chế được nhiễu  và hạn chế sai lạc. Trở lại vấn đề thông tin của trang FB Thủ đô Hà Nội. Ví dụ chính quyền thành phố chỉ dựa vào báo cáo của cơ sở, nhưng vì lí do lợi ích nhóm hay gì gì đó, báo cáo đó không trung thực ( Kênh thứ nhất bị nhiễu). Nhưng nhờ có kênh FB, là kênh thứ hai,  có thể giúp thu nhận chính xác thông tin do người dân cung cấp,và do đó không bị “nhiễu”. Kết quả là xử lí công việc tốt hơn.

Tôi hoàn toàn đồng ý là cung cấp thông tin cho dân cần đầy đủ , chính xác, minh bạch ( rõ ràng). Có như thế mới có ích. Nhưng chính qua FB nhân dân phản ảnh ngược lại, cũng làm cho thông tin của chính quyền phong phú, chính xác và minh bạch hơn! Giúp lãnh đạo có căn cứ  đầy đủ để giải quyết công việc.



3.     Không ít người dân tỏ ý lo sợ bị phạt nếu chẳng may có những bình luận không đúng mực, góp ý chê. Theo nhà thơ, họ có phải quá lo lắng về điều này không?




VN : - Theo tôi, những người ít làm việc với mạng sẽ có tâm lí này. Chúng ta đã biết vụ chính quyền một tỉnh phạt hành chính   người dân trong tỉnh vì nói xấu lãnh đạo. Trước áp lực của dư luận xã hội trên cộng đồng mạng, họ đã phải rút lại quyết định đó. Khi người dân phản hồi lại thông tin, hoặc góp ý lại có tính  phê bình, chê bai, thật ra chính quyền cần thấy mặt tích cực của sự thẳng thắn. Người ta còn chê anh, nghĩa là người ta còn quý anh, muốn anh tiến bộ. Và người ta đã dám nói thì người ta không sợ.

Nhưng có vấn đề là  lợi dụng FB để cố ý bôi nhọ, nói xấu thì đó là một việc làm đáng phê phán. Cộng đồng dân cư mạng của thành phố cũng sẽ tẩy chay, không đợi đến chính quyền thành phố xử phạt. Tôi nghĩ là không nên lo sợ, nếu mình góp ý với tinh thần  xây dựng, nói thẳng, nói thật. Tất nhiên, nếu quá bức xúc thì cũng cần bình tĩnh, lựa lời mà nói để không xúc phạm tổ chức, cơ quan  hay  cá nhân được góp ý. Cái đó cần thiết. Đó chính là văn hóa mạng mà mỗi người cần phải có.



4.     Cung cấp thông tin, lắng nghe phản hồi của người dân. Song từ lắng nghe đến việc thực hiện còn là một khoảng cách khá xa. Tựu trung, hoạt động như thế nào cho hiệu quả mới là quan trọng?



VN : - Hoàn toàn đúng! Vấn đề quan trọng nhất cuối cùng là xử lí công việc. Thông tin cung cấp đủ, thu nhận ý kiến phản hồi. Nhưng trên cơ sở đó phải giải quyết kịp thời. Có như thế dân mới tin, mới tiếp tục “hợp tác”. Nếu người dân góp ý, cung cấp thông tin phản hồi mà không được giải đáp, không được trả lời tiếp thu những gì, vấn đề khó ở chỗ nào, vì sao chậm giải quyết… thì người ta sẽ nản, sẽ xói mòn lòng tin. Lúc đó kênh FB chỉ còn là hình thức mà thôi. Nó sẽ không đạt được kết quả mà chính quyền thành phố cũng như  các công dân của thành phố kì vọng.

Tôi hi vọng là lãnh đạo thành phố đã nói là làm, đã có chủ trương đúng thì sẽ thực thi đúng. Chúng ta cùng chờ đợi những kết quả tốt đẹp của một chủ trương đúng đắn!



5.     Nếu ông vào trang đó, ông sẽ phản ánh điều gì?



VN : -  Tôi sẽ vào trang FB đó theo địa chỉ trên Google. Chắc chắn sẽ tìm được dễ dàng. Tôi sẽ xem các thông tin cần thiết. Và điều quan trọng là góp ý và phản ánh. Ví dụ về xe bus  trong thành phố. Tôi nghĩ đó là phương tiện công cộng rất tiện lợi. Nhưng chỗ tôi muốn vào các địa điểm của các quận trong thành phố, phải sang bên kia đường Giải Phóng. Con đường rộng. Lưu lượng xe nhiều. Vượt sang đường để đến bến xe BUS khá phức tạp và nguy hiểm. Chỉ có duy nhất một cầu vượt ở chỗ đầu đường Lê Thanh Nghị. Như thế rất bất tiện. Nên chăng, thành phố cần nghiên cứu và làm một số cầu vượt với khoảng cách thích hợp để tiện việc đi lại an toàn. Khu Phan Đình Giót có công ti may X20, có Học viện quản lí Giáo dục, có Công ti thiết bị, trường học, Viện nghiên cứu khoa học về Mỏ. Rất đông người. Có cầu vượt là cần thiết. Các cầu vượt chỉ cần đơn giản có lan can, bậc lên xuống. Tôi mong sẽ phản ánh điều này trên FB của thành phố! Và tất nhiên còn các vấn đề khác nữa!



Cám ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở!

5 nhận xét:

  1. Rất mừng vì cơ quan nhà nước sử dụng công cụ tương tác gần gũi với dân, lắng nghe phản biện của dân

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đã vào trang và đã góp ý! Hiện giờ, do kĩ thuật nên khi xem thông tin chi tiết, nháy chuột vào địa chỉ chỉ dẫn, nhưng văn bản chi tiết không xuất hiện. Mặt khác, chưa có chỗ để công dân góp ý kiến. Đây là hạn chế, dễ biến FB thành một chiều. Tôi đã gửi thư cho Ban quản trị là Văn phòng theo địa chỉ trên trang. Nhưng chưa nhận hồi âm.

      Xóa
  2. Vũ Nho Ninh Bình chưa nói lên được một điều là: Chính quyền coi những ai tham gia mạng xã hội đều là người xấu. Đến nay Chính quyền Hà Nội đã tham gia mạng xã hội là đã gạt bỏ định kiến sai đó đi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn góp ý. Nhưng tôi chưa hề thấy văn bản nào của chính quyền cấp nào ( Trung ương, Thành phố, tỉnh, huyện) nói như vậy. Bởi thế không thể nói như bạn gợi ý!

      Xóa
  3. Cái mạng XH nó như nồi thắng cố.Người ta vứt nhiều thứ vào đấy,cho nên lĩnh hội nó không phải là dễ.Tôi không nói những người vô danh,vô ảnh,mà ngay cả các bậc trí thức,văn thức,các bậc râu dài tới những người bảnh bao nhẵn nhụi, cũng đều đưa thông tin mang tính chọc ngoáy,chửi cho bõ tức vân..và vân vân.Cũng mong rằng cái phây,cái log nó thật mà hay.

    Trả lờiXóa