Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

XUÂN NƠI ĐỈNH TRỜI LŨNG CÚ




XUÂN NƠI ĐỈNH TRỜI LŨNG CÚ
Nguyễn Đình Vinh
Xuân đã về trên đỉnh núi cao
Nơi cực Bắc bên cột cờ Lũng Cú
Chút men lá chóe rượu ngô em ủ
Nỡ vô tình ngây ngất khiến anh say

Đêm trập trùng giá rét tái tê tay
Anh đâu biết tuyết choàng voan trắng núi
Cô gái Hơ Mông gò lưng cõng củi
Nước quý hơn vàng trên ngực núi nào đây

Xe qua Cổng Trời xem mây ấp ôm mây
Xin hãy nhớ về Đồng Văn đặt chân lên cao nguyên đá
Mẩy hạt thóc... ngô gánh bao nhiêu vất vả
Có giọt lệ nào nhỏ từ đá mênh mông

Đám trẻ bên đường vắt vẻo giữa mùa Đông
Nhoẻn miệng cười tươi mặc ngoài trời có là rét cắt
Những con ong vẫn mải mê hút mật
Dâng hiến cho đời tất cả ngọt ngào chăng

Thắng cố nồng nàn quẩy tấu nhớ càng tăng
Cho dòng Nho Quế uốn mình vắt qua sườn thung mơ ấy
Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn... hay Cổng
                                                             Trời cao là vậy
Thoáng một chút ngỡ ngàng mai đào nở mênh mang

Lời bình của Nguyễn Thị Lan
            Lũng Cú, một xã thuộc huyện Đồng Văn, nằm trên đỉnh cao nguyên Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang, cách thị xã Hà Giang khoảng 200km, là điểm cực Bắc, “nóc nhà” của Việt Nam, có độ cao từ 1600m đến 1800m so với mực nước biển.
            Trong một chuyến đi xa lên vùng núi phía Bắc, nhà thơ Nguyễn Đình Vinh đã đặt chân lên mảnh đất này và anh đã viết bài thơ “Xuân nơi đỉnh trời Lũng Cú” ghi lại những cảm nhận của mình về một miền đất thiêng của Tổ quốc. Ngay từ nhan đề và hai câu đầu của bài thơ, người viết đã ngầm “thông báo” với độc giả về thời gian và không gian nghệ thuật của thi phẩm:
“Xuân đã về trên đỉnh núi cao
Nơi cực Bắc bên cột cờ Lũng Cú”

            Thời gian là mùa xuân, không gian là vùng cực Bắc của Tổ quốc. Không gian đó lại được ống kính của nhà thơ “thu gọn” lại: “bên cột cờ Lũng Cú”. Thế là cả một trường liên tưởng, cảm xúc chợt đến với người đọc. Hình ảnh cột cờ sừng sững giữa vùng đất địa đầu sẽ đem đến một cảm giác vỡ òa và linh thiêng trong lồng ngực với những ai đã từng một lần đặt chân đến đây. Cảm xúc yêu thương trân trọng ấy sẽ như một cảm xúc chủ đạo “dẫn” người đọc đi khắp bài thơ.
            Cũng ngay trong khổ thơ đầu, nhà thơ bộc lộ cảm xúc của mình đó là “say” ngất ngây trước đất trời, con người nơi đây:
“Chút men lá chóe rượu ngô em ủ
Nỡ vô tình ngây ngất khiến anh say”
            Lũng Cú – Hà Giang dần được “mở” ra với những cảnh, những người và những nét đẹp văn hóa.
            Trước hết là cảnh.
            Nằm trong vùng khí hậu có màu sắc ôn đới, lại ở trên một vùng núi cao trùng điệp vào bậc nhất của Tổ quốc nên Lũng Cú rất lạnh khi đông về. Ngay cả mùa xuân, khí trời vẫn chưa ấm áp “nửa xuân trước rét cắt thịt, nửa xuân sau thì tuyết rơi.” Nhà thơ đã viết về một trải nghiệm đáng nhớ của mình về cái “giá rét” đến “tái tê”, đến “cắt” da, cắt thịt của một đêm ở đây:
“Đêm trập trùng giá rét tái tê tay
Anh đâu biết tuyết choàng voan trắng núi”
            Hình ảnh tuyết phủ kín dãy núi như một tấm khăn voan trắng là một thi ảnh đẹp, có sức gợi.
            Ai lên Hà Giang, ghé cao nguyên đá, một vùng đất cổ xưa bậc nhất của trái đất sẽ thấy nơi đây chỉ có “đá mênh mông”; leo Mã Pí Lèng “Đệ nhất hùng quan”, dưới chân núi là dòng Nho Quế chảy qua hẻm địa chất Tu Sản cao 700m, cắt đôi cao nguyên đá Đồng Văn. Mùa khô, Nho Quế là cái lược bạc mảnh mai nhưng mùa mưa Nho Quế hung dũng xiết giữa hai bờ đá. Nguyễn Đình Vinh như một họa sĩ, bằng ngôn từ đã “vẽ” lên dòng sông ấy bằng nét mềm mại với một câu thơ dài miên man.“Cho dòng Nho Quế uốn mình vắt qua sườn thung mơ ấy”. Những từ “uốn mình”, “vắt qua”, “thung mơ” đã làm sống động một dòng sông vừa thực, vừa ảo.
            Theo câu thơ của Nguyễn Đình Vinh, ta ngược lên bốn huyện vùng cao của Hà Giang mà trước đây chỉ mang một tên chung là Cao nguyên Đồng Văn, địa danh này còn gắn với cái tên nhức nhối: Cao nguyên đá, vùng thuốc phiện, lãnh địa của Vua Mèo: “Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn... hay Cổng Trời cao là vậy”. Để có thể thỏa sức ngắm nhìn: “Thoáng một chút ngỡ ngàng mai đào nở mênh mang”
            Hà Giang là xứ sở của mai trắng, đào phai. Mùa xuân ở miền biên viễn này đẹp đến kỳ lạ. Có lẽ chẳng nơi đâu xuân lại tinh khôi, dung dị, nguyên nhiên và hùng vĩ đến thế với mây với hoa…
            Hà Giang có năm cái “nhất”: nhiều đá nhất, nghèo đói nhất, khô cằn nhất, nhiều dân tộc H’Mông sinh sống nhất, đói chữ nhất. Trải nghiệm những ngày ở nơi đây, người làm thơ đã cảm thông với bà con chốn này về nỗi “khát” nước:
“Nước quý hơn vàng trên ngực núi nào đây”
            Hình ảnh những giọt nước quý giá như những giọt sữa được chảy ra từ bầu sữa mẹ “ngực núi” là một thi ảnh sinh động, gợi cảm.
            Nhưng Lũng Cú trong bài thơ không chỉ là cảnh mà còn là người.
            Trên cao nguyên đá mênh mông ấy, con người “sống trong đá, chết vùi trong đá”, để làm ra “hạt thóc” “hạt ngô” người dân nơi đây phải chịu “bao nhiêu vất vả”, thậm chí phải nhỏ những “giọt lệ” để có thành quả lao động.
            Giữa bao người dân miền núi vất vả lam lũ nhưng cũng thật đáng mến, tác giả bài thơ gửi gắm cảm xúc của mình vào hai lớp người là phụ nữ và trẻ em – những người yếu đuối nhất và cũng chịu thiệt thòi nhiều nhất trong cộng đồng. Cô gái H’Mông thì hiện ra qua hình ảnh lam lũ, cực nhọc “gò lưng cõng củi”. Những đứa trẻ miền núi giữa trời “rét cắt” (chắc chúng chân đi đất, ăn mặc phong phanh?), hồn nhiên ngồi “vắt vẻo”“nhoẻn miệng cười” thân thiện với khách qua đường. Câu thơ gợi lên bao kỷ niệm với những ai đã từng có những chuyến đi lên vùng cao phía Bắc và gặp những đứa trẻ đáng yêu với những ánh mắt trẻ thơ trong trẻo, những khuôn mặt lấm lem mà thơ ngây, thân ái, những bàn tay vẫy chào đầy hiếu khách với những viễn khách suốt dọc đường đi. Những cô, cậu bé nơi miền đất còn nhiều khó khăn này có lẽ là những đại sứ thương hiệu chân thành nhất làm nên một Việt Nam thân thiện và hiếu khách trong mắt bạn bè quốc tế.
            Hình ảnh những đứa trẻ đáng yêu ấy lại được nhà thơ đăt bên cạnh “những con ong mải mê hút mật” để “dâng hiến cho đời tất cả ngọt ngào”. Phải chăng, các em cũng như những chú ong xinh xắn kia cũng mang đến cho đời những giọt mật “ngọt ngào” của hạnh phúc? Viết về phụ nữ và trẻ em, lời thơ của Nguyễn Đình Vinh thật trìu mến.
            Đến Lũng Cú, Hà Giang là đến một vùng đất cổ hoang sơ đầy chất huyền thoại, một “xứ lạ phương xa”, Nguyễn Đình Vinh đã say lòng trước nền văn hóa bản địa này. Nhà thơ đã tập trung cảm xúc vào văn hóa ẩm thực của người H’Mông, tộc người đông nhất trên cao nguyên đá Đồng Văn. Trong 23 dân tộc nơi đây, người H’Mông sẽ luôn tự hào dân tộc mình có một thứ nước uống đặc biệt: rượu ngô ủ men lá. Người H’Mông có câu: “Không biết uống rượu ngô, không phải là người Mông. Đàn ông dẫu có trèo qua dốc chín khoanh lên tới cổng trời, dẫu có ghé lưng vác bưng quả núi nhưng chưa từng say trong men rượu ngô thì không bắt được vợ”. Rượu ngô để đo phẩm chất “đàn ông” của người H’Mông.
            Nguyễn Đình Vinh đã viết về thứ rượu cháy cổ, thơm lừng ấy:
“Chút men lá chóe rượu ngô em ủ
Nỡ vô tình ngây ngất khiến anh say”
            Rượu ngon khiến “anh say”. Nhưng chắc anh say đâu phải chỉ vì rượu?
            Nói đến đặc sản ẩm thực của người H’Mông còn phải nói đến món thắng cố. Món này không chỉ thu hút người dân tộc mà với nhiều người Kinh cũng là món khoái khẩu. Trời lạnh mà được lai rai ăn bát thắng cố nóng hổi kèm với chén rượu ngô, thực khách ai nấy đều ấm lòng, thỏa mãn. Cho nên, Nguyễn Đình Vinh đã tinh tế khi nói đến rượu ngô, anh dùng từ “say”, còn món thắng cố nhà thơ dùng từ “nhớ” (vì “miếng ngon nhớ lâu” mà).
“Thắng cố nồng nàn quẩy tấu nhớ càng tăng”
            “Nhớ” thắng cố đến “nồng nàn” hay hương vị của thắng cố ngon đến “nồng nàn”? Nhà thơ có quá “yêu” cái món đặc sản này của người H’Mông không nhỉ?
            Nhưng nhớ thắng cố vốn là món ngon còn sao lại nhớ cả quẩy tấu một cái gùi đan bằng tre của người H’Mông?
            Những ai lên vùng cao, đặc biệt Hà Giang thường hay được nhìn cái “quẩy tấu”, vật bất ly thân của đồng bào H’Mông vùng cao Tây Bắc. Nó vừa là đồ đựng, vừa là phương tiện vận chuyển phổ biến của người dân ở đây. Là một vật gần gũi nhất gắn bó với người H’Mông từ lúc sinh ra, lớn lên, đến lúc trưởng thành quẩy tấu để địu trẻ, đi hái cái rau, đi chợ mua bán, đi làm nương, làm rẫy… Cứ thế, đời này qua đời khác. Trong thói quen thường nhật của người phụ nữ H’Mông, chiếc quẩy tấu còn được coi như một thứ trang sức mỗi khi xuống chợ, lên nương hay ngay cả đi chơi hội mùa xuân. Chính chiếc quẩy tấu đã góp một phần không nhỏ làm nên vẻ đẹp khỏe khắn, năng động của đất và người H’Mông ở xứ sở Tây Bắc huyền thoại. Nguyễn Đình Vinh nhớ chiếc quẩy tấu hay nhớ mảnh đất và con người nơi ấy?
            Miền núi, tự nó đã đẹp, là một thế giới còn lắm lời mời gọi. Đến Lũng Cú – Hà Giang vùng đất địa đầu của Tổ quốc, nơi cảnh sắc hoang sơ cùng sự hòa quyện của đá và hoa, với những con người đáng mến, với một nền văn hóa giàu bản sắc, ta như đến một vùng đất khác, lạ lẫm và thú vị, vùng đất đó đến rồi hẳn sẽ yêu và nhớ.
            Bằng những trải nghiệm và tình yêu của mình, Nguyễn Đình Vinh đã viết về vùng đất ấy. Thưởng thức thi phẩm, bài thơ đồng thời “đánh thức” trong ta những trải nghiệm đáng nhớ về những chuyến đi xa lên miền cực Bắc của Tổ quốc. Đó là cái “được” kép khi đọc bài thơ "Xuân nơi đỉnh trời Lũng Cú" của nhà thơ – bác sĩ Nguyễn Đình Vinh.
Hải Dương, Xuân Ất Mùi 2015















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét