Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

THẾ GIỚI TRẺ EM TRONG TẬP THƠ "ÔNG NGẠI" CỦA NGUYỄN SIÊU VIỆT



                Nhà văn Nguyễn Thị Lan

THẾ GIỚI TRẺ EM
TRONG TẬP THƠ "ÔNG NGẠI"
CỦA NGUYỄN SIÊU VIỆT

Nguyễn Thị Lan
       
     1. Nguyễn Siêu Việt (NSV) là cây bút đa năng, ông viết nhiều thể loại: truyện ngắn, truyện thiếu nhi, thơ, thơ thiếu nhi, bình luận văn chương… Khó mà nói trong các nguồn mạch làm nên dòng sông chữ nghĩa nơi văn chương NSV, mạch nào chìm, mạch nào nổi. Có chìm, có nổi nhưng nổi hoặc chìm đều khá dồi dào trữ lượng và đạt được dấu ấn nhất định.
             Tuy nhiên, nói đến NSV là phải nói đến văn học viết cho thiếu nhi. NSV là nhà văn của thiếu nhi, ông có nhiều cống hiến cho văn học thiếu nhi Hải Dương. Cho đến nay NSV đã có năm tập sách viết cho thiếu nhi. Về văn có: “ Truyền thuyết một loài hoa” (Truyện thiếu nhi. NXB Hải Phòng), “Chuồn chuồn cắn rốn” (Truyện thiếu nhi, NXB Kim Đồng, 2003). Về thơ có: “Kẹo cất chỗ nào” (Thơ thiếu nhi, NXB Thanh niên, 2001), “Đom đóm đi học” (Thơ thiếu nhi, NXB Hải Phòng, 2014), “Ông ngại” (Thơ thiếu nhi, NXB Hồng Đức, 2013).
2.“Bởi yêu nắng nỏ trời xanh
               Con ve đang lột xác mình mà non”
            Đấy là lời đề tựa cho tập thơ “Ông ngại” của NSV. Nuôi dưỡng trong mình một cậu bè không bao giờ lớn để viết “văn chương con nít”, văn chương cái đẹp thuần khiết, cái đẹp thánh thiện, ngót năm mươi bài trong tập “Ông ngại”, NSV dành cả hồn thơ của mình tặng cho đứa cháu ngoại yêu quý: Hà An.
            Ngay từ bài thơ đầu – “Thơ ông” (Thay lời nói đầu), NSV đã xác định, đối tượng, mục đích của tập thơ:
“Những bài thơ ông viết
  Cho cháu ông Hà An”
            Và thơ ông viết cho cháu:
“Như bóng cây, con đường
  Như con ong, cái bướm
  Hàng ngày cùng cháu chơi”
            Sau này cháu lớn mỗi khi cầm quyển sách cháu lại nhớ đến ông:
“Như đám mây bên đồng
  Lang thang làm lữ khách …”
3. Tập thơ “Ông ngại” của NSV trước hết đó là những dòng “nhật ký” mà ông ngoại ghi cho cháu bằng thơ.

            Hẳn Hà An sau này đã lớn rất thích thú khi đọc những trang thơ – nhật ký ông viết cho mình. Đó là ngày bé mới sinh, một ngày Hà Nội nắng nóng, ông về quê xa chỉ nghe tiếng cháu khóc qua điện thoại. Đó là ngày bé mọc răng “sốt đầu răng cuối răng”. Rồi ngày Hà An đi ăn cỗ cưới với mẹ nhưng chỉ biết “ti”, Hà An ba tháng tuổi chưa biết lẫy, ngày Hà An đầy tuổi về quê ăn tết, ngày Hà An rụng răng sữa…
            Tất cả đã đi vào thơ “ông” như những dấu mốc quan trọng, như những kỷ niệm không thể nào quên.
            4. Là tập thơ viết cho cháu ở lứa tuổi thiếu nhi, NSV khi thì sắm vai ông ngoại kể say sưa, khi thì nhập vai các cháu quan sát miêu tả (có thể là cháu Hà An, Bảo Nam, Bảo Minh, hoặc một “cháu”, một “”, một “em” nào đấy), khi thì đóng vai người kể chuyện, ngôi thứ ba. Và từ đó một “thế giới trẻ thơ” hiện ra sau mỗi bài thơ.
            Đó là những sự vật gần gũi với trẻ em như :đôi dép, cái kính của ông, cái quạt mo, cái bô, đồ chơi …Rồi thế giới loại vật gần gũi với con người cũng bước vào thơ như :con ve, con gà mái với đàn gà con, con rùa, con thỏ, con mèo, con chim và cả chim bói cá …Xa rộng hơn là thế giới tự nhiên với mưa nắng, với mặt trời, núi rừng, biển cả, sương mù, hồ nước … và có khi gần hơn, nhỏ hơn, thân thiết bình dị hơn là hoa mười giờ “lặng thầm nơi lối nhỏ”.
            Viết cho cháu, điều đáng nói là nhà thơ nhìn thế giới với con mắt bé thơ, dường như đó là lần đầu tiên được nhìn thấy cuộc sống. Vì thế, bao nhiêu tầng lớp sâu xa của cuộc sống không bị che khuất đi bởi trạng thái tâm hồn của một người lớn biết quá nhiều và quá quen với tất cả mọi điều. Chính vì vậy thơ NSV hồn nhiên, trẻ trung và phù hợp với tâm lý trẻ nhỏ.
            Này đây là hình ảnh ngộ nghĩnh đánh yêu của một sinh linh bé bỏng chưa đầy tháng tuổi, chỉ biết:
”Bú no rồi lại  ngủ
  Ướt bỉm thì cựa mình”
            Bé có nụ cười “mụ dạy” đẹp như trong mơ.
            Này đây là tiếng nói non tơ của bé mới tập nói mà ông “ghi âm” lại.
Ngọng líu lo: “ông ngoại” thành “ông ngại
            Này đây tiếng ve ngân trong tâm tưởng bé:
Có khi tiếng ve
Giấu trong túi ngực
Theo chân em về
Cả trong giấc thức
            Trước đứa cháu bé bỏng ông trở thành “ông ngoan”, và bà với chiếc quạt mo trên tay phút chốc trở thành “bà tiên gió” trong ngày hè oi bức.
            Trong những bài viết cho cháu “Hà An về quê” là một bài thơ vui, ngộ nghĩnh. Bé trở thành nhân vật “quan trọng” với cả nhà:
“Hà An về quê ăn cỗ
Như tướng tá có tháp tùng
Hậu cần quân nhu đủ cả
Còn điều thêm chiếc xe con”
(chắc là chiếc xe nhựa bốn bánh của cháu?)
            Trong bữa cỗ mừng cháu đầy tuổi, rất thịnh soạn ấy là cả hai cảnh trái ngược
“Vào cỗ mâm trên mâm dưới
Còn bé xoong bột mâm riêng”
            Còn khi chia tay, ông thì “bái bai” đầy lưu luyến, trong khi cháu vô tư: “bé đã ngủ khì với ti”.
            Ở tập thơ “Ông ngại”, NSV đã có cách cảm nghĩ, cách nhìn, cách nghe của trẻ thơ. Từ câu hỏi của bé” Sao những con thú đồ chơi không biết ăn cỏ, chỉ biết ăn pin? (Từ đống đồ chơi của bé). Từ nỗi lo của bé khi trời mưa, bé sợ nắng ướt đầu (Nắng). Rồi cưỡi Tuần lộc (bằng cao su),bé bị ngã, bà định đánh Tuần lộc để dỗ, bé lắc đầu: “Ứ đánh bạn tuần lộc”. Rồi bầy gà con theo mẹ đi kiếm mồi kêu “chiếp chiếp”, với bé tiếng kêu ấy nghĩa là “Dạ lép! Dạ lép”. Rồi chuyện cái răng rụng của bé gửi chuột chí, chuyện bé có “ý thức văn hóa – bô”, chuyện bé đòi đeo cái kính nhật thực (kính râm), khi đeo vào bé kêu “… tối rồi! Thôi mẹ ơi đi ngủ”…Và người làm thơ – ông ngoại ấy còn vận dụng cách diễn đạt của trẻ thơ “cái nhớ cất vào đâu” khi nói về nỗi nhớ của ông khi xa cháu.
            Tóm lại, cái thế giới tuổi thơ trong “Ông ngại” là một thế giới tuyệt mỹ, nó trong trẻo hồn nhiên đáng yêu. Vì vậy, những bài thơ của NSV không chỉ dành riêng cho trẻ thơ mà còn cho tất cả những ai muốn tìm lại tuổi thơ đã mất, những ai muốn có những giây phút bình yên, trong trắng trong thế giới của cái Đẹp và Thiện.
            5. Thơ trẻ em của NSV thường có hai nhân vật: ông và cháu.
            Tập thơ vì thế cũng có hai “giọng”: một “giọng” cao, trong trẻo và một “giọng” trầm lắng, suy tư. Viết cho cháu thì nhẹ nhàng vui tươi, viết về mình thì chạnh buồn, lắng lại với những phút giây ngẫm nghĩ. Do đó, các câu thơ tạo nên chiều sâu suy tưởng chứ không ồn ã, nông cạn.
            NSV thường làm thơ bằng những cảm xúc bất chợt đến, những giây phút thăng hoa. Nhưng ở tuổi “đầu sáu”, khi biết mình đã bước sang chặng cuối của đời người, thơ viết cho thiếu nhi của NSV từ cái phút xuất thần ấy sự suy tư đã len lỏi trong từng chi tiết, biến hóa trong từng hình ảnh.
            Trong bài “Ông ngại”, khi nghe cháu ngọng líu lô, gọi “ông ngoại” thành “ông ngại” nhà thơ thấy “có cháu bi bô vui cửa vui nhà” nhưng rồi có một thoáng ưu tư của người có tuổi, mệt mỏi, đã chán những danh lợi:
“Ừ ông cũng đang muốn làm “ông ngại”
Học cụ Lãn Ông trước những sự đời
Câu thơ chưa xong thì ông gác lại
Thơ thẩn sao bằng dắt cháu đi chơi”
            Có khi đó là một chút nhớ nhung hoài niệm về một thời đã qua. Nghe cháu hát bài “Bé bé bằng bông” (câu hát đi suốt thời gian của cả một đời người, “đi cùng năm tháng” với lịch sử dân tộc), thế là một nỗi xa xưa trong ông chợt về:
“Bé bé bằng bông
Câu hát cũ nhắc
Một thời đạn bom”
            Bao kỷ niệm, bao ký ức của năm tháng dội về, bao con đường cát bụi mà cả một thế hệ đã đi qua… tất cả sống dậy. Câu hát của cháu làm mới một không gian đã hóa “cổ tích”.
            Có khi đó là một chút nhớ tuổi thơ đã vĩnh viễn lùi vào dĩ vãng khi ông nhìn cháu vui giữa đống đồ chơi:
“Ông bỗng thấy bồi hồi
Về tuổi thơ xa xôi
Có hương đồng cỏ mật” …
            Có khi là một thoáng lo âu. Trong bài thơ “Hai cái nhìn”, trước những con chim bị giam hãm đang muốn xổ lồng thì:
“Mắt cháu in khoảng trời để ngỏ”
còn:                     
“Ông lại bắt gặp làn cây cong”
            Một nỗi sợ mơ hồ, nỗi bất an trước cuộc đời. (Fran Kapka, nhà văn Tiệp từng nói: Bản chất của sự sinh tồn là nỗi bất an). Ở đây, giữa ông và cháu đã có khoảng cách tâm lý của hai thế hệ.
            Có khi một chút nghĩ ngợi, chỉ có một “sự kiện” cháu biết lẫy mà ông ngẫm nghĩ đến “đường đời” đến những “cái dốc” mà cháu và một đời người phải vượt qua
“Ông bảo đời lắm dốc
Cháu mới vượt dốc này …”
Và một lời dặn cháu “nhớ”
“Cháu ơi dẫu ngàn dốc
Ngàn đỉnh say ngất ngây
Cháu đừng quên cái mốc
Con dốc mẹ cầm tay”
            Cháu phải “nhớ”. “Nhớ” đây là nhớ tuổi thơ, nhớ ký ức, nhớ kỷ niệm, nhớ công ơn cha mẹ. Con người sống  với ba chiều thời gian trong đó phong phú nhất là quá khứ. Con người sẽ ra sao khi đánh mất chiều sâu của quá khứ? Câu thơ giàu triết lý. Cái triết lý giản dị nhưng sâu sắc như một chân lý, dễ nhớ như một bài học  đạo đức của con người “uống nước nhớ nguồn”.
            Nhà thơ Vũ Quân Phương từng nói về thơ: “Thơ là tiếng nói của tình cảm, đến 50 tuổi tôi vẫn tin là như thế. Nhưng ngoài 60 tuổi tôi lại thấy rằng nói như vậy đúng nhưng chưa đủ…Gần đây tôi nghĩ thơ là những kinh nghiệm sống và được thu nhận qua kênh của tình cảm” (tôi, NTL nhấn mạnh).
            Ở “tuổi thu”, thơ viết cho trẻ em của NSV tuy hồn nhiên, trong trẻo nhưng cũng đầy nghĩ ngợi. Chính vì vậy thơ thiếu nhi của ông giản dị nhưng không kém phần sâu sắc, đa nghĩa.
            6. Bao trùm lên cả tập thơ “Ông ngại” là tình cảm máu thịt, ruột rà mà người ông dành cho cháu. Viết về các cháu, bao giờ thơ NSV cũng âu yếm dịu dàng và tràn đầy yêu thương.
            Trong bài thơ “Khai bút 2013”, NSV viết:
“Ai đó vịn vào câu thơ
Còn ông lại vịn vào cháu”
            Và ông nhận thấy “cái nhìn trong veo”, “đôi gót son thập thững” của cháu đã
“Dìu ông qua những gieo neo
Dìu ông qua những suối đèo”
            Thế là đứa cháu bé bỏng với NSV trở lên thật lớn lao.
            Trên con đường đời xa thẳm, tuổi già sức yếu trái tim mong manh, người ông dựa vào cháu như dựa vào điểm tựa vững chắc trong cuộc đời thương khó lo âu. Tình thương của ông với cháu và tình yêu của cháu với ông sẽ nâng bước cho NSV.
            Chính vì vậy, khi cháu mới chào đời, ông như có cả trái đất vũ trụ trong tay. Bài thơ “Viết cho ngày sinh của cháu” có những câu thơ cảm động:
“Ông nghe tiếng cháu khóc qua điện thoại
Bỗng thấy đất trời sao bé bỏng yêu thương
Cháu ơi khóc to lên! “thông điệp” cần khuếch đại
Cần, ta sẽ kê lại trời tròn đất vuông”
            Cái cảm giác xúc động thiêng liêng ấy là một cái cần thiết cho đời sống, nó giữ mọi hành động của con người trong trạng thái nhân bản.
            Là người ông nhưng NSV quan tâm, chăm sóc cháu còn với tình cảm của người mẹ, người bà. Ông theo dõi từng đổi thay của cháu từ cái lẫy, cái bò, cái chững, cái răng mọc, từ cái ăn đến cái chơi. Chính vì vậy, gần cháu thì yêu thương, xa cháu thì nhớ. NSV viết nhiều về nỗi nhớ khi xa cháu. Bài thơ “Từ biển Đông Bắc viết cho bé Hà An” là một bài tiêu biểu. Đó là một nỗi nhớ xa xôi, rộng lớn, đè nặng xuống tâm hồn. NSV thấy lòng mình trống trải, cô đơn. Ông “trò chuyện” trong tưởng tượng với cháu và cũng tự hỏi mình:
“Trước bao la biển cả
Cái nhớ cất vào đâu”
            Có ai đã nói: “Người ta có thể đi nhiều nơi nhưng chỉ có một chốn để về đó là gia đình”. Đọc “Ông ngại” của NSV, ta có một cảm giác bình an. Cái hạnh phúc gia đình trong thơ ông nó đơn sơ, bình dị mà rất đỗi lớn lao và đậm đà truyền thống.
            Hạnh phúc từ tiếng khóc của một thiên thần bé bỏng.
Cháu cứ việc ăn ngủ
Cứ khóc váng giữa nhà
Đấy là niềm hạnh phúc
Của bố mẹ ông bà.”
            Hạnh phúc từ trong bận rộn:
“Mẹ Hương lo bú mớm
Bà ngoại chuyên cháo cơm
Ông vành ngoài trống phách
Tựa một giàn vũ công”
            Hạnh phúc từ những giây phút thanh thản:
“Câu thơ chưa xong thì ông gác lại
Thơ thẩn sao bằng dắt cháu đi chơi
            Bên cháu, NSV tận hưởng cuộc sống hạnh phúc. Ông thấy lòng mình thanh thản bình yên:
“Có cháu bi bô vui cửa ấm nhà
Ông quấy bột  bà thì xi đái
Tuần thứ trôi vèo, khép kín ngày qua”.
            Hạnh phúc ở đây là những điều rất giản đơn, hiện diện hàng ngày. Ông cảm nhận được nó từ gia đình công việc. Ông đón nhận nó như món quà cuộc sống dành cho mình. Từ lâu, phương Đông có truyền thống đi tìm an tĩnh cho tâm hồn, NSV đã có những ngày tháng, phút giây an tịnh đó.
            7. “Ông ngại” nhìn chung gây được ấn tượng đẹp trong lòng người đọc nhất là những ai đã được làm ông, làm bà. Tập thơ tha thiết những câu chuyện về trẻ thơ. Nó càng đáng quý hơn khi những cây bút viết cho thiếu nhi ngày càng thưa vắng.
            Giản dị, mộc, chân thành đó là mặt mạnh của thơ NSV. Sở trường đó cũng kèm theo sở đoản của ông. Người ta nói: thơ đôi khi lại đứng chênh vênh giữa cái hư và cái thực. Hình như thơ NSV còn thiếu hụt sự mong manh, ngất ngây. Người đọc mong chờ thêm ở thơ ông một chút bay bổng, một chút thăng hoa. Viết cho tuổi Hoa, thơ cần đẹp, “Ông ngại” còn thiếu những thi ảnh đẹp để lung linh hơn.
            Là người chịu khó đọc, học hỏi và có kiến văn, thơ NSV đã có những ý tưởng sâu sắc. Nhưng đôi khi còn những ý thơ, tứ thơ, cách triển khai ý tứ … mà người đọc thấy quen quen (?).Rồi những từ ngữ đôi khi chưa được dùng đúng chỗ và đắt,những câu thơ còn thất vận lỡ nhịp(do để đảm bảo ý?). Trong thơ viết cho thiếu nhi, vần và nhịp là yếu tố cực kỳ quan trọng. Thiếu hai yếu tố này làm cho câu thơ mất đi sự nhịp nhàng, cân đối, mất đi sự hài hòa về âm điệu, mất đi tính nhạc. Điều đó cũng đồng nghĩa câu thơ, đoạn thơ ít nhiều mất đi chiều sâu của cảm xúc, chiều cao của trí tuệ, chiều rộng bát ngát của tâm hồn.
            Những hạt “sạn” đó trong tập thơ “Ông ngại”, ở mức độ nào đó đã làm giảm đi ít nhiều mỹ cảm của người đọc.
8. Tình yêu con cháu nói riêng và tình yêu gia đình nói chung là tình cảm bản năng có tính phổ quát của con người. Trên đời này, chẳng có ông bà nào không thương cháu, chẳng có ai không yêu người thân. Là người làm thơ, NSV đã thể hiện chân thành và cảm động những tình cảm đó bằng hình tượng nghệ thuật.
            Đọc thơ NSV, ta có những cảm nhận sâu sắc về tính huyết thống trong thơ ông. Viết thơ cho thiếu nhi những những dòng thơ của ông ở tập “Ông ngại” đẩy rất xa đi về phía cội nguồn ruột thịt, những con người thân thiết nhất của đời ông, hồn ông. Phải chăng NSV đã viết như điều ông tâm niệm “không có cái cá thể làm sao có cái toàn thể, có gia đình sẽ có xã hội, đi hết dân tộc sẽ gặp nhân loại…”
                                    Hải Dương, cuối Xuân 2014.
           
           


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét