Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

CHUYỆN CỦA MỘT CỰU CHIẾN BINH Ở CÔNG TI THAN CAO SƠN





CHUYỆN CỦA MỘT CỰU CHIẾN BINH Ở CÔNG TI THAN CAO SƠN
                                           Ghi chép của  Vũ Nho
Nhóm chúng tôi gồm ba nhà văn Lã Thanh Tùng, Nguyễn Đức Sơn ( Cầm Sơn) và Vũ Nho được về tìm hiểu tình hình sản xuất và kinh doanh của  công ti cổ phần than Cao Sơn. Nói theo cách  nói văn chương thì là đi  ba cùng, khám phá đất và người Cao Sơn. Chúng tôi được Bí thư đảng ủy Phạm Hồng Lương, Chánh văn phòng Nguyễn Khánh Hoàn, Chủ tịch công đoàn Đặng Đình Sông giới thiệu khái quát về  công ty. Được các anh cung cấp kỉ yếu 30 năm, 35 năm và 40 năm Cao Sơn  xây dưng và phát triển. Chúng tôi còn được Phó chánh văn phòng Vũ Ngọc Thắng dẫn đi thăm khai trường, thăm xưởng sửa chữa, bảo dưỡng ô tô và ăn cơm công trường cùng anh chị em công nhân. Phó chánh văn phòng Ngô Thị Thu Hiền dẫn thăm cảng Cửa Ông, thăm khu văn hóa Cao Sơn - Lưu Thủy của công ti. Buổi làm việc có lẽ  ấn tượng nhất và thú vị nhất là gặp gỡ những cán bộ đã về Cao Sơn ngay từ những ngày khai sơn phá thạch xây dựng mỏ, sau này trở thành công ti cổ phần than Cao Sơn. Thật tiếc là không gặp được anh hùng lao động Lê Đình Trưởng, từng là Giám đốc công ti, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ti. Hai cán bộ chúng tôi gặp là anh Nguyễn Văn Chúc, người gốc Cẩm Phả, từng công tác ở Đèo Nai 9 năm, có quyết định về Cao Sơn, được qua Liên xô học một năm, từng làm Bí thư Đoàn và Quản đốc phân xưởng Khoan –Xúc cho đến khi về hưu. Người thứ hai là anh Nguyễn Văn Nghĩ, cựu chiến binh, từng nhiều năm đảm nhiệm chức vụ Phó bí thư Đảng ủy công ti từ tháng 8 năm 1996 cho đến khi nghỉ hưu tháng 12 năm 2013. Điều thú vị là cả hai anh đều nói về mình rất ít. Nói về công nhân và các đồng chí lãnh đạo nhiều. Câu chuyện của  anh Nghĩ chủ yếu là nói về ba người lãnh đạo trong số rất nhiều anh em lãnh đạo đã góp phần quyết định để mỏ than Cao Sơn có được cơ ngơi và vị thế như ngày nay.

Qua câu chuyện của anh Nghĩ, anh Chúc và của những người từng gặp, chúng tôi thực sự cảm phục tinh thần của cán bộ và công nhân Cao Sơn trong những ngày đầu. Liên Xô  giúp thiết kế và xây dựng mỏ. Theo đó Cao Sơn là mỏ có trữ lượng lớn nhất, chất lượng than tốt nhất, ở độ cao nhất và đất đá rắn nhất. Những ngày đầu    ở Cao Sơn, cả cán bộ lẫn công nhân  thêm một cái nhất nữa là… khổ nhất. Không có lán trại, không có văn phòng. Tất cả đều nhờ nhà dân. Anh Chúc đã cùng anh em vào rừng ba ngày, chặt 120 cây gỗ về ngâm rồi dựng lán.  Mỗi  gian lán, diện tích chưa đầy 18 mét vuông là chỗ ở của 11 công nhân. Thợ mỏ bụi bặm, đất cát mà quanh năm thiếu nước. Đi làm về lấy mai sam múc nước biển rửa chân; vào nhà dân xin nước lợ rửa mặt. Thực phẩm khan hiếm. Lợn chở về từ Thái Bình, qua phà nắng quá, về đến nơi, lợn chết, nhưng không  dám bỏ. Dân cư thưa thớt. Đời sống văn hóa nghèo nàn. Anh em tự giễu về sự sang trọng của mình “Sáng ăn cơm tiệm, tối ra vịnh ngồi”. Bấy giờ có câu giải thích địa danh : “Cao Sơn là núi cao, núi cao là cáo nui (lui)”. Ai cũng ngại “bị” điều về Cao Sơn. Có một số ít công nhân, cả cán bộ, đảng viên không “trụ” nổi, đã về quê để làm ruộng hay  tìm nghề khác.
Bây giờ thì Cao Sơn là công ti đất lành và là đơn vị được phong anh hùng lao động. Văn phòng công ti khang trang. Làng mỏ hiện đại như phố. Có hồ nước mặn, có khu công viên văn hóa, có bệnh xá, có sân vận động, có nhà văn hóa. Những nơi này chúng tôi đã được xem tận mắt.
Anh Nghĩ nói rằng, trong nhiều đồng chí lãnh đạo, có ba người để lại dấu ấn lớn nhất.
Đó là anh Phan Thanh Hà. Anh Hà kiên trì giữ đất làm văn phòng công ti ở địa điểm hiện nay, không xây sát cạnh khai trường vào sâu hàng chục cây số, mặc dù cấp trên  nhiều lần ép và thúc giục. Con đường sau khu văn phòng mỏ được anh em công nhân gọi là đại lộ Phan Thanh Hà.
Đó là anh  Nguyễn Duyệt. Chính anh  tiếp tục công việc của anh Hà, xây dựng làng mỏ. Khu phố mỏ chiếm nửa phường Cẩm Sơn được dân gọi là làng ông Duyệt. Đổ đất lấn biển chia cho cán bộ, công nhân. Đầu tiên là xây chợ rồi xây trường học, trạm xá, xây khu nghỉ dưỡng ở đảo Hàm Chai, đảo Nêm để công nhân không có điều kiện đi xa nghỉ dưỡng tại chỗ phục hồi sức khỏe.
Anh Lê Đình Trưởng, người tiếp tục các công việc của các lãnh đạo trước, đưa Cao Sơn bứt phá về mọi mặt. Các thiết bị lớn, hiện đại của Mĩ, Nhật được nhập về. Môi trường sống và điều kiện làm việc được cải thiện. Việc sửa chữa ô tô có xưởng khang trang. Việc trồng cây xanh được chú trọng.  Trạm xá được nâng cấp về trang thiết bị và đội ngũ bác sĩ, y tá.  Công nhân được khám, rửa phổi nhờ các Bệnh viện ở Cẩm Phả, Hòn Gai. Các đường đi trong làng mỏ được trải nhựa. Hồ sinh thái được cải tạo có hàng ngàn người tắm mỗi chiều. Kết nghĩa và giúp đỡ đồn biên phòng số 5 Móng Cái. Xây trường học cho xã Đồng Tâm huyện Bình Liêu. Xây dựng khu công viên văn hóa Cao Sơn- Lưu Thủy đẹp đẽ, khang trang  có chùa Một Cột, chùa Thiên Mụ, Tháp Bút, chùa Từ Tâm, Vọng Cảnh Đài.
Câu chuyện của anh Nghĩ còn dài, nhưng thời gian gặp đã hết. Và  chúng tôi không biết gì nhiều lắm về người cựu chiến binh, từng làm phó bí thư Đảng ủy công ti nhiều năm, từng làm Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh khóa 1 (2004-2006), Chủ tịch Hội cựu chiến binh khóa 2 ( 2007 – 2012) - Những điều này tôi biết từ Kỉ yếu của Công ti. Chỉ biết rằng anh nhập ngũ tháng 12 năm 1970, là trinh sát binh chủng pháo binh. Anh đã cùng đơn vị chiến đấu từ Thanh Hóa, vào đến Quảng Trị, Quảng Nam. Sau khi thống nhất đất nước, 1976 anh chuyển ngành về học ở cơ điện Chí Linh, Hải Dương. Anh được điều về mỏ Cao Sơn tháng 9 năm 1978, tức là 4 năm sau khi mỏ được thành lập. Anh đã góp sức lực, trí tuệ để  19 tháng 5 năm 1980, mỏ cho tấn than đầu tiên. Và anh gắn bó với Cao Sơn cho tới lúc nghỉ hưu.
Trong khi ăn cơm, anh Cầm Sơn có nêu thắc mắc “ Các cô gái mỏ bịt khăn kín hết chỉ để lộ đôi mắt, làm thế nào có thể nhận được người mình yêu?”. Anh Nghĩ cười sảng khoái và bảo: “Thế mới là con trai vùng mỏ chứ”. Cầm Sơn xin uống một chén đầy để anh Nghĩ tiết lộ. Nhưng ảnh chỉ vào Thu Hiền mà bảo: “Đợi khi chia tay nhà văn thì hẵng nói. Cứ để nhà văn phấp phỏng đợi chờ mới hay…”. Ba chúng tôi chia tay anh lưu luyến. Và trong tôi luôn luôn hiện lên dáng người cựu chiến binh mảnh khảnh vui tính, hóm hỉnh, kể chuyện có duyên, cuốn hút. Nhưng chỉ nói về đống chí  và những người Cao Sơn, còn   bản thân thì cũng giống như những người lính, luôn luôn khiêm tốn, không  muốn nói về mình.
                                        Cao Sơn- Quảng Ninh, 25-27 tháng 7
                                                    Hà Nội, 29/7/2016
In báo Văn Nghệ số 33, tháng 8/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét