TÊN TÁC PHẨM VÀ HƯỚNG TIẾP NHẬN
Trần Trung
1/Tên tác phẩm văn học, dù bất kì ở thể loại nào, cũng mang
tính định hướng; Định hướng về nội dung tư tưởng; và, tất nhiên là sự gửi gắm
Thông-Điệp-Tâm-Tình của người nghệ sĩ...tự cổ chí kim.
Nhận biết điều đó,
cũng là một phần cơ bản nắm bắt được tinh thần chung của tác phẩm. Là một người từng nhiều năm dạy văn ở cấp
THPT, tôi càng ngộ ra, càng thấm thía những điều đã làm, mà cần phải bàn-Từ những
vị soạn sách giáo khoa.
Lấy ví dụ bất chợt,
những tác phẩm mà tác giả đặt tên, nhìn trên tổng thể từ ngữ nghĩa đến sắc
thái; cho đến từng con chữ-có dụng ý, dụng tâm cả:
-
Truyện Kiều; Văn tế thập loại chúng sinh(Văn chiêu hồn)
của Nguyễn Du.
-
Bài ca ngất ngưởng-Nguyễn Công Trứ.
-
Tràng giang (Huy Cận); Ông đồ( Vũ Đình Liên)...
Tác giả Trần Trung
2/Tác phẩm được định danh, đã đành. Đáng bàn thêm, bàn góp
là những tác phẩm mà tác giả không “chịu” đặt tên.
Từ những bài ca dao
cổ đã từng đưa vào chương trình VHDG (lớp mười).
Để tiện cho việc
truyền, để dễ nhớ-cớ gì phải đặt tên cho sự ngẫu hứng sáng tạo! Ấy thế mà, một
thời chưa xa, các nhà soạn SGK của ta lại cứ lười biếng cùng tùy tiện, lấy ngay
câu ca dao đầu hoặc một phần câu mà tự động “đặt tên” bài. Xin đưa ví dụ: “khăn
thương nhớ ai”; “Tát nước đầu đình”; “Người ta đi cấy lấy công” Vân vân...
Vấn đề cần tham góp,
là : cái cách tự động đặt tên (hay gọi tên!) đã “trúng” dụng ý tâm tư của tác
phẩm chưa?!Đã “trúng” tinh thần và cảm hứng chủ đạo của bài ca dao chưa?! Người
viết bài này xin không được bàn kĩ, e rằng còn mang Tính-Chủ-Quan!
Đến những tác phẩm văn học Trung đại (thuộc phần hai của chương
trình văn10 và phần đầu của SGK, tập1 của lớp 11).Rõ, và bức xúc nhất là phần
thơ chữ Nôm của Nguyễn Trãi-Trong bài mục Bảo kính cảnh giới (gồm 60 bài thơ cụ
thể). Từ nhiều năm nay,trong chương trình ngữ văn10 được đưa vào giảng dạy là
bài thơ số 43 trong Bảo kính cảnh giới. Đây là nguyên văn bài thơ Nôm của
Nguyễn Trãi:
“Rồi,
hóng mát thuở ngày trường,
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
(trương).
Thạch
lựu hiên còn phun thức đỏ,
Hồng
liên trì đã tịn mùi hương.
Lao
xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng
dỏi cầm ve lầu tịch dương.
Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương.
Bài thơ trên, những
năm học trước đây, khi đưa vào giảng dạy, những người soạn SGK vẫn giữ nguyên,
giữ đúng tinh thần của Nguyễn Trãi, mà ghi BKCG(bài số43). Thế nhưng, sau đó
một vài năm, người soạn sách lại tự động đổi và đặt cho bài thơ này cái tên
“Cảnh ngày hè”. Thế là, vô hình chung, người soạn đã đem cái cảnh, sự, tình cụ
thể từ bài thơ mà thay thế cho cách nhìn khái quát mang tính triết lý cho tinh
thần chung của cả sáu chục bài thơ được mang tên Bảo kính cảnh giới của tác
giả. Cũng cần nói rõ thêm về cái tên chung BKCG mà Nguyễn Trãi đặt cho sáu chục
bài thơ của mình (sát đúng là 61 bài!). BKCG nghĩa khái quát là “Gương báu răn
mình”.Dụng ý tư tưởng vừa bình dị lại vừa thâm trầm, tinh tế của Nguyễn Trãi là
ở chỗ: từ những thi phẩm Nôm cụ thể, nhà thơ hướng về muôn mặt của thiên nhiên,
của cuộc đời, của lòng người...xem thưc tế đó như hình ảnh của những tấm gương
quí (Bảo kính) để giúp mình soi vào đó. Mà, tự nhủ lòng mình.Mà nhắc nhở. Mà
cảnh báo, nhủ khuyên cho chính mình (Cảnh giới). Mỗi bài thơ trong BKCG (Không
đặt tên mà hệ thống theo thứ tự) đều được qui chiếu theo tinh thần chung ấy.
Xin được trích đưa, rất ngẫu hứng, ngẫu cảm, những nét “Bảo kính” mà thi nhân
đã chớp nhận đầy dụng ý, qua một vài bài, trong sáu chục bài được đội một cái
tên chung “Bảo kính cảnh giới”
- “Ngắm
xem mai, hay tuyết đến
Say
thưởng nguyệt, lệ thu qua...”
(BKCG-bài số
41).
-“Quê cũ tìm về cảnh cũ thanh
Hương các gác vân, thu lạnh lạnh
Thuyền về bãi tuyết nguyệt chênh chênh”
(BKCG-bài số
31).
-“Bánh lành trong lá ghe người thấy,
Tiền tốt ngoài biên họa kẻ hay.
Mực thước thế gian dầu có phải
Cân xưng thiên hạ dễ đâu tầy.”
(BKCG-bài số
45).
Vân vân và vân
vân...
3/Trao đổi về cách đặt tên bài cho các đoạn trích từ tác
phẩm.
Trong chương trình
ngữ văn THPT bao gồm những tác phẩm được
học thuộc văn học Việt Nam (phần chính yếu) và văn học nước ngoài (phần thứ
yếu)-nhất là những tác phẩm văn xuôi, sau khi giới thiệu khái quát về tác giả,
tác phẩm (mục Tiểu dẫn), người soạn sách
thường đặt cho đoạn văn trích học, một cái tên: Ví dụ “Chiến thắng M Tao M Xây”
(Trích trường ca Đam săn); “Uy-lit-xơ trở về” (Trích sử thi Hy lạp-Ô Đi
xê)-thuộc chương trình văn10. Chương trình văn 11 có các trích đoạn “Vào Phủ
Chúa” (Trích “Thượng kinh kí sự” của Lê Hữu Trác); Trích đoạn “Vĩnh biệt Cửu
trùng đài” (Trích từ kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng); trích “Tình yêu và
thù hận”( từ vở bi kịch của Sêch-xpia: “Rô mê ô và Duy Li Et )...
Việc các nhà soạn
sách gọi ra, đặt tên cho những trích đoạn trong tác phẩm văn xuôi cũng có lý
nhất định trong việc định hướng tiếp nhận cho thầy và trò. Song, vấn đề đặt ra
là, trên cơ sở nắm bắt cho trúng nội dung tư tưởng của trích đoạn, còn phải đặt
trích đoạn ấy trong mối tương quan với toàn bộ tác phẩm. Để rồi từ đó, mới
“gọi” ra câu chữ khả dĩ cho đoạn trích “mang tên”.
Theo tôi, đối với những tác phẩm văn xuôi mà
được tìm hiểu chủ yếu ở đoạn văn trích, người soạn sách nên giữ nguyên tên tác
phẩm và ghi là đoạn trích, chứ không cần đặt cho nó một cái tên làm gì. Việc
tìm hiểu, giải mã từ tên tác phẩm cho tới trích đoạn, nên để thầy trò trao đổi
sau khi đã dạy và học từ tác phẩm. Làm như thế, sẽ kích thích được tư duy sáng
tạo và khả năng cảm thụ của cả thầy và trò.
***
Tên tác phẩm dù được
tác giả đặt tên hoặc không, hoặc có cách đặt theo hệ thống nhất định đều mang
dụng ý của người nghệ sĩ và là sự gửi gắm nhất định thông điệp tâm tình của họ
với cuộc đời, với con người. Tiếp nhận tác phẩm, người đọc dù bất kì ở vị trí
nào, cũng phải lấy đó làm trọng.
Từ thực tế từng
nhiều năm giảng dạy bộ môn Văn ở bậc THPT, tôi xin được đưa ra một số vấn đề
được giới hạn trong phạm vi : “Tên tác phẩm và hướng tiếp nhận”.
Gọi là ý kiến trao
đổi và đề xuất, nên ít nhiều còn mang tính chủ quan-dẫu là chủ quan trong mục
đích xây dựng. Việc trao đổi và bàn tiếp, theo thiển nghĩ của chúng tôi cũng là
cần thiết , có ý nghĩa khi chương trình SGK phổ thông đã và đang thay đổi theo
tinh thần “Đổi mới toàn diện, triệt để”!
Hà Nội, tháng 6/2017.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét