XUÂN
ĐAM NHÀ THƠ QUÊ LÚA
Đọc
Tuyển
tập thơ văn Xuân Đam, nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2015
Vũ Nho
Một
tuyển tập dày dặn được in kịp cho Xuân Đam nhìn thấy khi nhà thơ bệnh trọng.
Thất đáng nể phục các văn, thi hữu Thái Bình đã làm một công việc nghĩa cử đẹp
đẽ, ấm áp tình của những người cầm bút với nhau.
Công bằng mà nói, ngoài việc thương mến một đồng
nghiệp, những bạn bè còn vô cùng thương mến một nhà thơ tài hoa, một Nguyễn
Bính tái thế của vùng quê lúa. Nhà thơ Xuân Đam là niềm yêu, là niềm tự hào của
các bạn viết Thái Bình. Không phải ngẫu nhiên mà Bùi Hoàng Tám khẳng định : “ Ở Thái Bình, nếu chọn một nhà thơ được đọc
nhiều nhất, được mến mộ nhất và cũng nổi tiếng nhất, đó là nhà thơ Xuân Đam”
( Xuân Đam, thơ – đời và rượu).
Là một giáo viên tài năng, từng cầm súng nơi mặt trận,
rồi lại tiếp tục cuộc đời dạy học, làm thơ, Xuân Đam đã trải nghiệm có thể nói
là tất cả những nỗi buồn niềm vui, những
gian nan, vất vả, hiểm nguy và những ngọt ngào cay đắng của một đời người. Các
bạn viết đã khái quát, tóm tắt ba niềm đam mê của đời anh là thơ, rượu và…những
bóng hồng. Thật hiếm có nhà thơ nào mà tên các tập thơ luôn đi liền với rượu.
Sáu tập thơ in riêng thì có 5 tập có nhan đề liên quan đến rượu : Rượu quê, Rượu lạnh, Rượu lửa, Rượu hát và Rượu đắng.
Rượu thơ xưa nay vốn là một cặp gắn liền với những tên
tuổi của một số nhà thơ lãng tử. Bầu rượu, túi thơ từng là biểu tượng hành
trang của người phong nhã, hào hoa. Rượu
thường kích thích sự hưng phấn, thăng
hoa, sáng tạo. Phải thế chăng mà Xuân Đam mê rượu, thậm chí thấy bạn rượu, bạn
thơ của mình và có thể cả mình là “chai rượu “ biết đi:
Anh là chai rượu biết đi
Lằng
ngoằng, lướt khướt, li bì, lung linh
Rượu hát
Xuân
Đam được bè bạn và người đọc mến yêu không phải vì «tài rượu» mà chính là vì
mượn hơi men, anh đã nhập đồng, ca hát
về quê lúa, về những ngôi làng, những
người bà, người mẹ, người thím, người
chị. .. Những người phụ nữ nông thôn gánh chịu những mất mát, đau khổ của chiến
tranh. Những làng quê tên gọi nôm na : làng Liềm, làng Diều, làng Cát,
làng Mây, làng Diền... hoặc một làng vô danh : làng xưa. Những con người làng là những người bình dị :
Người về sau cuộc chiến tranh
Huân chương bỏ túi lại thành nông dân
Người
về
Nhà thơ Xuân Đam
Đó là một người mẹ cả đời tần tảo, chờ chồng, hi sinh vì con cái :
Cầm lòng một bát cơm nâu
Dưới chân nước cóng , trên đầu mưa bay
Mẹ tôi như nhánh mạ gầy
Hóa thân làm bát cơm đầy nuôi tôi
Miếng trầu không dám mặn vôi
Sợ đôi má đỏ người đời gièm pha
Tình mẹ
Đó còn là một người thím qua chiến tranh, chồng
mất, các con hi sinh:
Một đời trăm trận bão giông
Thím tôi bỏm bẻm trầu không, lặng
nhìn...
Thím tôi
Một người bà như bao bà cụ thôn quê, nơi nào cũng
có :
Bà, bà ơi, cơn lũ năm nào
Bà cõng cháu như con nhện cõng trứng
trèo qua ngọn cỏ
Trèo qua mùa đông trèo qua mùa hạ
Trèo qua nỗi khổ hi hóp bà cười
Bà ơi
Nhà thơ đã cất lên tiếng nói của họ, băn khoăn nỗi
băn khoăn của họ, những con người mộc mạc, hiền lành chỉ biết hi sinh trong
chiến tranh, xong cuộc chiến lại trở về đồng ruộng :
Cắm cây mạ giữa đất cằn làm tin
Nguôi ngoai sức ép bom mìn
Giờ thêm sức ép đồng tiền… càng đau
Chân què thập thễnh theo trâu
Người về
Trong khi đó, một số kẻ giàu sang thì lại chỉ là
những tên gian lận, khai man mà thành ra quan chức, rồi bán mua quyền
chức :
Ai giờ đệm gấm giàu sang
Khai man lí lịch, khai man tình đời
Bán mua quyền chức một thời…
Đồng đội ơi
Là người con của nông thôn, của quê lúa, nhà thơ
bao giờ cũng lo lắng, băn khoăn về quê, về chuyện no đói, về những người làm nông nghiệp « Sống với đất, chết lại hàm cạp đất/ Mụn và
chằng kim không kín mảnh vai gầy » ( Làng xưa và mẹ) :
Cây đa đội nón đứng chờ
Cánh đồng lọ mọ đói no mất còn
Quê cũ
Một nông thôn
với bao nhiêu chuyện đổi thay, phức tạp chứ không bình yên ( Làng
bao đời như thế. Bình yên) như đã từng như thế bao đời. Bây giờ làng có những kẻ
lật mặt như trở bàn tay :
Có thằng hai mặt đến chơi
Rủ làm dịch vụ, nói lời nhân tâm
Việc xong đá bạn xuống hầm
Thạch Sanh
Và biết bao
chuyện đổi thay đã len vào ngõ hẻm, hang cùng của một làng quê bình dị :
Đã nghe nói chuyện sang hèn
Đã nghe đút lót, đỏ đen thương trường
Người thua đề, kẻ vỡ phường
Đêm đêm kín cổng cao tường thèm nhau
Tả thực
Thơ Xuân Đam được yêu thích, nâng niu vì anh
« nói về cái nghèo,
vất vả , lam lũ, lấm lem, cả những đau thương do thiên tai, địch họa, do
những bất công trong đời sống xã hội làng đem lại cho người dân quê nhỏ nhoi,
hiền hòa và cam lòng » ( Đỗ Trọng Khơi – Lời tựa).
Trở lên là những điều chủ yếu trong phần thơ Rượu quê ( thơ lục bát) và Rượu lửa ( thơ tự do). Nhưng thơ Xuân
Đam không chỉ có thế. Một mảng nổi trội của thơ anh là thơ vui, thơ hài hước. Tôi muốn nhắc đến phần
Rượu cười. Con người phải lạc quan
lắm, yêu đời lắm và có khiếu hài hước lắm mới có thể vượt lên hoàn cảnh, đứng
trên hoàn cảnh để mà cười. Thơ Xuân Đam cười bao chuyện dở khóc dở cười trong
cuộc đời. Và trước hết, anh cười chính mình. Cũng giống như Tú Xương, Yên Đổ
xưa tự trào mình trước rồi mới cười người, cười đời. Phần thơ cười cho thấy
ngòi bút tung tẩy và cái duyên hài hước của Xuân Đam. Không biết bao lần anh giễu
mình, giễu con người khác đời của mình ở hình hài, ở tính tình thi sĩ :
Người ta nên giá nên danh
Anh thì phấn đấu thành anh – buồn cười
Ngỏ
Chân dung tự họa theo lối hí họa của anh :
Mò vào thơ
phú loanh quanh
Bất tài trong cuộc chiến tranh ngôn từ
Tôi
Không ít lần nhà thơ tự nhận mình là thi sĩ nhì nhằng, thi nhân tỉnh lẻ, thi sĩ
nhôi nhai, chữ nghĩa lem nhem :
Ta là thi sĩ nhôi nhai
Nhênh nhang thơ phú lai rai khóc cười
Thi sĩ
Ta khoe với bạn tình rằng
Ta là thi sĩ nhì nhằng văn thơ
Rằm
Nhà thơ cười cái việc làm thơ của mình, cười các
thi hữu khi say một tấc lên giời, cười văn hóa phong bì, cười « ma
người », cười chuyện báo hiếu, cười chuyện vợ hai, chuyện mất trộm, chuyện
mua ti vi « vô tuyến tàng hình », chuyện ông giáo nghèo vợ con kì
kèo, ôm giáo án và cái bụng đói lên giảng « Bước đường cùng », rồi
chuyện giải thưởng, chuyện đại hội văn nghệ…
Có bút pháp của Bút Tre, có cái nhẹ nhõm, thâm
thúy của Nguyễn Khuyến, có cái riết róng của Tú Xương, có cả chất trào lộng của
Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan. Nhưng tất cả đều nhuần nhuyễn trong giọng
điệu Xuân Đam, người viết « Di chúc
cho các vợ » và « Dự thảo di chúc cho con ».
Xin dẫn ra vài ví dụ :
-
Thơ anh vô vị nhạt phèo
Hội thơ chưa cấp « hộ nghèo » hội viên
Hộ nghèo
-
Mai về mà tắm ao nhà
Bỏ thêm nắm muối cũng là…Đồng
Châu !
Tắm biển
-
Cô nào dự định lấy chồng
Chọn « nhà thơ giả » thì không việc gì
Tôi tự tử
-
Đang làm một gã bầy hầy
Có gì một cái biến ngay ông gì
Ma người
Chắc chắn là nhờ tiếng cười này mà Xuân Đam thân
với bao người và cũng vì vậy mà giải tỏa những bức bí, vất vả, lắm khi nghèo túng của cuộc sống nhiều gian nan, phức tạp.
Tập
sách còn bao gồm những tạp văn trong phần Lợn đất ơi. Phần này cho thấy sức viết của Xuân Đam. Một số bài có
lẽ tác giả làm thơ trước rồi mới viết thành tạp văn và ngược lại. Những tạp văn
cũng khá giàu chất thơ và gợi nhiều suy ngẫm.
Phần
thứ 5 cuối sách có tên Rượu tri âm. Đây là Xuân Đam với bạn bè
và bè bạn với Xuân Đam.
Ở đầu sách cho biết có 34 người ủng hộ tài chính
để ra tập sách này. Và tôi thống kê, có đến 66 lượt người được Xuân Đam tặng
thơ. Nhà thơ cũng viết một số bài về thơ của bạn. Nhưng nội dung chính của phần này là những bài thơ tặng Xuân Đam,
những bài viết đánh giá, phân tích thơ Xuân Đam. Tất cả đều minh chứng rằng
Xuân Đam được bạn bè văn chương yêu mến, quý trọng. Và trong một chừng mực nhất
định, nó giúp bạn đọc không chỉ miền quê lúa, mà của cả nước hiểu thêm những
giá trị thơ văn của một nhà thơ say thơ, suốt đời sáng tạo đam mê.
Hà Nội, 5/8/2015
5/2017
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét