Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

SO SÁNH ĐOẠN “THỀ NGUYỀN” TRONG “KIM VÂN KIỀU” VỚI “TRUYỆN KIỀU”




SO SÁNH ĐOẠN “THỀ NGUYỀN” TRONG “KIM VÂN KIỀU” VỚI “TRUYỆN KIỀU”
                                                   Vũ Nho
Trong “Kim Vân Kiều” (KVK) đoạn này tiếp sau đoạn Kiều lấy cớ ốm không đi mừng thọ. Nàng đã mang rượu sang uống và trò chuyện cùng Kim Trọng theo tinh thần “hội Phác điệp”. Bên nhà có tiếng gọi ngõ, nên Kiều từ biệt Kim Trọng. Cả đoạn được viết như sau:
Khi về tới nơi mới biết không phải song thân, chính là gia nhân bên ông ngoại sang bảo rằng: Đêm nay ông bà còn ở lại chơi, cô nương nên đóng cửa ngõ cẩn thận rồi sẽ đi ngủ.
Tiếp đặng tin trên, nàng thấy mừng nở khúc ruột. Nghĩ thầm chàng Kim thực cũng tốt duyên! Đêm nay có thể thực hành lời ước. Rồi nàng lại xếp các thứ đồ nhắm, xăm xăm ra lối vườn sau, lách qua non bộ, sang thẳng thư phòng.
Về phần Kim Trọng, sau khi quay lại, vẫn lo ngay ngáy cho nàng, rồi khi bước vào thư phòng, gục đầu lên án nghĩ quanh nghĩ quẩn, ngủ đi lúc nào không biết, cho mãi tới lúc nàng xách rượu sang, thấy chàng vẫn còn đương ngủ. Nàng bèn lên tiếng: Ô! Sở Tương Vương, Thần Nữ đã xuống Dương Đài mà sao nhà vua vẫn chưa tỉnh giấc?
Kim Trọng đang lúc mơ màng bỗng nghe tiếng gọi, khiến chàng giật mình tỉnh giấc, mở choàng mắt ra, thấy nàng hiện ngay trước mặt, thì miệng lẩm bẩm: Ô kìa! Phải chăng sự thực hay giấc chiêm bao?
Nàng mỉm cười nói: Hiện giờ nó là sự thực, nhưng biết đâu, rồi nữa chả là chiêm bao? Lang quân hãy nên tế nhận.
Chàng cũng thuận miệng nói luôn: Nếu vậy thì chẳng hóa ra giấc mộng trong lúc mở mắt đó chăng? Nhưng ta hãy hỏi: Làm thế nào mà khanh lại được quay sang một cách mau lẹ như vậy?
Kiều đáp:Chàng ơi, may quá, may quá! Đêm nay song thân cùng hai em của thiếp còn ở bên đám, nên thiếp lại sửa các món: này là rượu hâm, này là cá rán, để ta dạo thú hang vàng.
Chàng Kim tươi cười nói: Nàng ơi, rượu nhắm hãy để lát nữa, bởi vì giờ tốt khi chọn được, huống chi lúc này là lúc giữa trời ba sao vằng vặc, chính là một giờ thiêng để cho đôi ta đính ước, thề thốt xong rồi sẽ uống rượu mua vui, tưởng cũng chưa muộn.
Kiều: Vâng, chàng nói rất phải, nhưng cứ ý thiếp thì cuộc minh thệ chả lẽ lại không có văn? Vậy xin chàng viết ngay cho kẻo trễ.
Kim Trọng nghe Kiều nói hợp lẽ, tức thì đứng dậy đi lấy bút giấy viết bài văn thệ như sau:
THỀ RẰNG:
Chúng tôi hai kẻ đồng tâm là Kim Trọng cùng Vương Thúy Kiều.
Trọng sinh năm tháng ngày giờ
 Kiều sinh năm tháng ngày giờ
Nay xin kính cẩn đốt nén hương lòng, dâng li rượu tịnh, thề trước hoàng thiên hậu thổ linh thiêng.
Chúng tôi trộm nghĩ:
Vợ chồng trọng nghĩa, phải chung thủy không rời.
Nhi nữ đa tình, tình dẫu tử sinh không phụ.
Trước đây: Kiều muốn lấy chồng, Trọng mong có vợ, thương tài mộ sắc, đã nguyện đôi chữ đồng tâm.
Ngày nay: Trọng lo buổi mới, Kiều sợ về sau, tạc dạ ghi lòng, cùng thề đến khi mãn kiếp.
Sau giờ minh thệ, ví thử chẳng may,
Gặp cảnh bất thường, quyết không thay đổi.
Ai mà phản bội lời ước,
Cúi xin thần thánh xét soi.
Chàng Kim viết xong văn tế, hai người quỳ lạy thiên địa, tuyên đọc lời thề, đoạn rồi quay vào, chén thù chén tạc, tới lúc nửa say, chàng Kim ngập ngừng bảo Kiều” (Kim đề nghị Kiều đánh đàn - VN chú). (Phạm Đan Quế - Truyện Kiều đối chiếu, trang 97-99).
Trong "Truyện Kiều” (TK), Nguyễn Du viết thành 22 câu lục bát, từ câu số 431 Cửa ngoài vội rủ rèm the đến câu số 452 Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương. Đoạn thơ ngắn nên chúng tôi trích toàn bộ:
Cửa ngoài vội rủ rèm the
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình
Nhặt thưa gương rọi đầu cành
Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh hắt hiu
Sinh vừa tựa án thiu thiu
Dở chiều như tỉnh, dở chiều như mê

Tiếng sen sẽ động giấc hòe
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần
Bâng khuâng đỉnh Giáp non Thần
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng
Nàng rằng: “khoảng vắng đêm trường
Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa
Bây giờ rõ mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao
Vội mừng làm lễ rước vào
Đài sen nối sáp lò đào thêm hương
Tiên thề cùng thảo một chương
Tóc mây một món, dao vàng chia đôi
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song
Tóc tơ căn vặn tấc lòng
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.
 Về dung lượng thì đoạn trong KVK dài gần 3 trang in, đoạn thơ của TK chỉ non một trang. So sánh nội dung hai đoạn của hai tác phẩm KVK và TK, chúng ta sẽ thấy những khác biệt quan trọng.
- Thứ nhất, Nguyễn Du để cho nàng chủ động đóng cửa, buông rèm, trước khi sang nhà Kim Trọng.
- Thứ hai, Nguyễn Du lược bỏ sự vui mừng của Kiều, ý nghĩ của nàng về “chàng Kim thực cũng tốt duyên!”.
- Thứ ba, Nguyễn Du cũng bỏ chi tiết “xếp các thứ đồ nhắm”.
- Thứ tư, cả đoạn văn không miêu tả mặt trăng và ánh sáng trăng, cũng không tả cảnh gương rọi đầu cành, nhưng Nguyễn Du thêm vào để cho Kiều băng qua vườn khuya dưới ánh trăng:
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình
Nhặt thưa gương rọi đầu cành.
- Thứ năm, Nguyễn Du bỏ sự lo lắng của Kim Trọng và việc gục đầu “nghĩ quanh nghĩ quẩn” rồi thiếp ngủ. Nhà thơ chỉ nói Kim Trọng “tựa án thiu thiu/ Dở chiều như tỉnh, dở chiều như mê”.
- Thứ sáu, Nguyễn Du không để cho Kiều lên tiếng, cũng bỏ luôn câu nói chứa điển tích của nàng, mà thay bằng việc tả tiếng bước chân đẹp của nàng lay động giấc mơ của chàng Kim:
Tiếng sen sẽ động giấc hòe.
- Thứ bảy, Nguyễn Du bỏ đối đáp hai người, không để cho Kim Trọng ngỡ ngàng, nói “lẩm bẩm: Ô kìa! Phải chăng sự thực hay giấc chiêm bao”. Mà thay bằng câu bình luận:
Bâng khuâng đỉnh Giáp non Thần
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.
- Thứ tám, Nguyễn Du để Kiều nói không phải là kể những thứ nàng mang qua “thiếp lại sửa các món: này là rượu hâm, này là cá rán, để ta dạo thú hang vàng”, mà là cố gắng của nàng vì tình yêu: “…khoảng vắng đêm trường/ Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa”.
- Thứ chín, Nguyễn Du bỏ những câu đối đáp qua lại giữa hai người, thêm vào chi tiết “làm lễ rước vào/ Đài sen nối sáp, lò đào thêm hương”.
- Thứ mười, Nguyễn Du bỏ chi tiết Kim Trọng cười nói, đề nghị thề nguyền trước, nhắm rượu sau.
- Thứ mười một, Nguyễn Du bỏ chi tiết Kiều đề nghị Kim Trọng viết văn “minh thệ”.
- Thứ mười hai, Nguyễn Du bỏ chi tiết một mình Kim Trọng viết lời văn minh thệ, mà thay bằng hai người cùng viết:
Tiên thề cùng thảo một chương.
- Thứ mười ba, Nguyễn Du bỏ nội dung lời văn thề do Kim Trọng viết.
- Thứ mười bốn, Nguyễn Du thêm vào chi tiết cắt tóc thề bằng con dao quý:
Tóc mây một món, dao vàng chia đôi.
- Thứ mười lăm, Nguyễn Du đưa hình ảnh vầng trăng sáng vằng vặc vào để chứng kiến lời thề nguyền:
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song.
- Thứ mười sáu, những điều thề nguyền được Nguyễn Du khái quát bằng việc ghi tạc chữ đồng tâm, tạc dạ ghi lòng với thời gian trăm năm (suốt đời):
Tóc tơ căn vặn tấc lòng
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.
Tóm lại, một đoạn ngắn về chuyện thề nguyền, Nguyễn Du đã mười sáu lần làm khác với nguyên văn trong KVK. Điều này là một bằng chứng về việc sáng tạo nhiều của Nguyễn Du để KVK trở thành Truyện Kiều kiệt tác.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét