Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

VÙNG MỎ TRONG THƠ CỦA MỘT THỢ LÒ





VÙNG MỎ TRONG THƠ  CỦA MỘT THỢ LÒ

          Đọc “Bữa cơm chiều ở nhà thợ mỏ” của Nguyễn Đình Thái, nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2017

                                               Vũ Nho

Anh thợ lò Nguyễn Đình Thái vốn là một chàng trai quê ở làng Gọc, Thái Thụy, Thái Bình  gắn bó với Mỏ hơn ba chục năm. Tập thơ lấy tên một bài thơ được giải của anh làm tên chung. Dù người thợ lò viết về nhiều  đề tài khác nhau nhưng nổi trội hơn cả có hai đề tài. Đó là vùng Mỏ, nơi anh sinh sống, làm việc cho đến khi nghỉ hưu vẫn trụ lại và làng quê Thái Bình, nơi in dấu tuổi thơ, nơi  có  cha mẹ, những người thân của gia đình và cả mối tình đầu thuở “ ngu ngơ”. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là những bài thơ viết về vùng Mỏ và những người thợ Mỏ. Bởi vì đó là cuộc sống thường nhật của tác giả - thợ lò, của vợ  anh - thợ nhà sàng, con trai  anh- thợ lò, con gái anh- thợ nhà sàng,  của bè bạn anh, những người làm Mỏ. Bài viết nhỏ này xin tập trung vào chủ đề thứ nhất.

          Một đời gắn bó với Mỏ bằng một tình yêu nghề như mọi người yêu đất Mỏ, nhưng nhờ có khiếu văn thơ, anh thợ lò Nguyễn Đình Thái đã ghi lại những vần thơ về cuộc sống vùng Mỏ với tất cả nhọc nhằn, vất vả, hiểm nguy nhưng cũng không thiếu  vui tươi, tự tin, tự hào nghề nghiệp.

          Đây không phải thơ của nhà thơ đến tìm hiểu thực tế vùng Mỏ rồi  cảm xúc viết nên. Đây là thơ của người thợ  gắn bó với mỏ, với công việc  thường ngày ở độ sâu âm 50 mét của một thợ lò. Khoan, cuốc, chèn, chống, đánh bích, lên thìu, xếp cũi lợn, đóng đinh đỉa, đi guốc, sang sông,…tay vốn quen làm.  Không những thế, tác giả đã trải nghiệm, đã sống thực sự cuộc sống người thợ: “Tôi đã chắt ở lò chân những hiếm hoi cơn gió mát/ Tôi đã hứng ở gương than những vòm họng khát/ Tôi đã nhặt ở sân ga motoray những giọt mồ hôi đen[…] Tôi đã từng làm với họ dưới lò trừ năm mốt/ Để biết mùi vị than tôi đã nếm/ Để biết dầu than khó tẩy, tôi đã cùng thợ lò tắm/ Để thử đậm đặc bụi than tôi đã xuống tận gương lò” ( Những ý nghĩ từ sân ga motoray).Và người thợ ấy đem vốn từng trải, đem cái khéo léo, lành nghề làm than sang một lĩnh vực mới, lĩnh vực thơ ca. Phải nói là anh đã khá thành công khi dựng lại được chân dung tâm hồn của những người làm Mỏ. 
                                                                        Vũ Nho chủ trang

Đề tài thơ ư? Cảm hứng thơ ư? Nhân vật trữ tình của bài thơ ư? Ngôn ngữ thơ ư? Tác giả không phải tìm ở đâu xa. Từ  một thợ lò (Có một người thợ lò), từ một bữa ăn thường nhật (Bữa cơm chiều ở nhà thợ mỏ), từ bến xe đưa người lên tầng, xuống vỉa ( Bến bình minh), từ một cuộc giao ca (Thay ca, Một cuộc giao ca, Giao ca), từ một buổi sáng (Buổi sáng cuối đông ở Mỏ, Buổi sáng trên tầng mỏ), từ một ca ba ( Tản mạn  ca ba dưới lò âm ba trăm, Đêm ca ba)  từ quán bia  ( Quán bia chiều thợ mỏ),…Những gì ở Mỏ, quen thuộc với thợ đều có thể thành thơ.

          Người làm thơ không giấu niềm tự hào về những chàng trai, cô gái thợ  đồng nghiệp của mình trẻ, khỏe, vui:

                   Những gương mặt sạm nâu

                   Những nét cười rất trẻ

                   Quản đốc “già “ nhất mỏ

                   Chừng đôi tám ba mươi

                   Cưng cứng tuổi chút thôi

                   (Sếp bên sàng hăm sáu)

                   Chỉ huy hơi bị máu

                   Chơi cực ngầu, kém ai

                            ( Thay ca)

Anh cũng không giấu niềm tự hào khi bây giờ thợ lò đã làm khác với thế hệ cha anh, có  văn hóa cao hơn, có máy móc hiện đại và đỡ nhọc nhằn:

                   Những cử nhân thạc sĩ làm than

                   Những nét, khởi động mềm,

                                 khoan cứng lò xuyên vỉa

                   Vì thủy lực, tiến giá trượt

                                           thay cột xà gỗ dẻ

                “ Cũi lợn” sắt vuông

                                 trần lò lưới thép, máy combai

                                         ( Một cuộc giao ca)

Đây nữa chân dung của họ:

                   Mắt thợ lò xuyên thấu than con gái

                   Những thợ lò hình như không có tuổi

                   Những cái cười ánh loang loáng kíp lê

                   Những nghịch ngầm nhoang nhoáng trẻ thơ

                   Những nghiêm nghị trầm tư nhà hiền triết

                                  ( Những ý nghĩ từ lò chợ âm 51)

Chân dung đậm chất thợ mỏ độc đáo, không thể lẫn với bất kì ngành nghề nào khác.  Từ mái tóc “loáng dầu than lò chợ” cho đến mồ hôi, hơi thở, quầng mắt:

                   Mồ hôi đen lã chã giọt tuôn rơi

                   Hơi thở đen xuyên vỉa than triệu tuổi

                   Quầng mắt đen viền giống hội hóa trang

                                      ( Bữa cơm chiều ở nhà thợ mỏ)

 Hình ảnh gương mặt đen, “ khuôn mặt đen đúa nhễ nhại”,  mồ hôi đen, và cả giọng cười cũng đen ( Nhặt được ở gương lò/ Một giọng cười đen nhánh – Khúc biến thể từ than) thường gặp trong khi viết về thợ lò. Táo bạo và độc đáo nhất là tác giả hình dung những thợ lò là những “mặt trời đen” trong lòng đất:

          “Trong tối lò sâu, đen nhánh những mặt trời

 Đó là câu thơ người thợ già “nháp thơ trong đáy mắt” trong bài “Bữa cơm chiều ở nhà thợ mỏ” được tặng giải A năm 2014.

          Là thợ lò, tác giả không kể khổ, không tung hô nghề  làm Mỏ, nhưng anh không thể không tự hào về những đồng nghiệp của mình. Họ là những chàng trai giỏi giang, khéo léo, trong công việc, nhưng cũng rất tài hoa trong sinh hoạt văn hóa văn nghệ:

                   “Ai dám bảo thợ lò không sành điệu

                   Ai thiếu gì nhưng chúng tôi không thiếu

                   Chủ nhật nào cũng vũ điệu chachacha

                                         (Vũ khúc thợ lò)

Cả chuyện uống bia cũng thể hiện rõ chất thợ lò, chất thợ Mỏ phóng khoáng, vô tư:

                   Người bán người mua hể hả chen nhau

                   Hể hả bán mua, hỉ hả cười mua bán

                   Chẳng so đo không cần tính toán

                   Sà xuống bàn bia, ai cũng anh em

                                      ( Quán bia chiều thợ mỏ)

Chỉ có người yêu mến đến si mê các chàng thợ mới có thể vẽ chân dung họ bằng các từ ngữ đậm chất nghề như thế này:

                   Tôi ngắm những chàng trai

                   Sàn sàn chừng đôi tám

                   Cái miệng thì lem lém

                   Cái cười nhem nhẻm giòn

                   Chân đi guốc bên sàng

                   Mắt khoan gương con gái

                   Mặt đánh khuôn tươi rói

                   Ngực nêm cứng tiếng cười

                                (Thay ca)

Cái lém lỉnh của thợ lò như là một đặc điểm được nhấn mạnh bên cạnh vẻ đẹp của gái nhà sàng “Trai thợ lò hiền khô mà lém/ Gái nhà sàng chả kém là bao/ Họ bên nhau. Họ ríu rít trêu nhau” ( Gái Nghệ An lấy chồng thợ mỏ). Lém lỉnh đến mức tán các cô, các chàng khoe “Cánh tớ vào lò, mỏ trang bị cả gương soi” ( Trai làng ở mỏ). Các chàng thợ  mỏ thì như thế. Còn các nàng thì sao? Vâng, con gái mỏ xinh xắn, có duyên, thậm chí không nhìn rõ mặt cũng cảm nhận được:

                   Chưa nhìn rõ mặt người

                   Cũng biết là xinh xắn

                   (Ơ kìa, đâu phải tán)

                   Gái mỏ vốn đã duyên

                          ( Duyên xuân gái mỏ)

Duyên dáng lại còn hát hay nên các cô làm cho bao chàng thợ  lém lỉnh bỗng nhiên “quýnh quáng” bởi tiếng cười, giọng ca, ánh mắt “lem lém dao cau sắc” có sức “khoan sâu hơn hộ chiếu”:

                   Liền chị nhà sàng thả duyên qua gió

                   Lò chợ chiều giòn thơm mùi quan họ

                   Lóng lánh mắt ai lúng liếng gương than

                                  ( Nghe quan họ ở nhà sàng)

Cặp mắt lúng liếng đó với hàng mi xanh rợp đã làm cho bao đôi anh chị nên vợ, nên chồng. Cái gia đình thợ mỏ nhỏ bé với cuộc giao ca rất ngộ, rất vui, rất Mỏ:

                   Anh về ca ba

                   Em vào ca một

                   Dúi tay xoong bột:

                   “Anh cho con ăn

                   Nhấp nháy vành khăn

                   Nét cười tinh nghịch:

                   “ Chàng ơi nhớ giặt

                   Tã lót cho con

                                           ( Giao ca)

Thơ của Nguyễn Đình Thái là thơ của thợ. Không chỉ có tự  hào, ngợi ca, mà thơ còn nói những vất vả, lo toan của người làm than, nghề làm than. Thơ là tâm tư, tình cảm của riêng anh, nhưng cũng là của những người thợ bạn anh, cùng làm Mỏ với anh. Cuộc sống của gia đình thợ  khác cuộc sống bình thường của bao gia đình.  Cùng một mái nhà, nhưng khác công việc nên “ Bữa cơm chiều cha con mới gặp nhau” ( Bữa cơm chiều ở nhà thợ mỏ). Một gia đình  thợ lại phải đợi cả tuần lễ mới có cuộc sum họp đủ đầy “Cả một tuần nhà ta mới gặp nhau” ( Chuyện nhà thợ mỏ). Trong khoảng cách của một người ở dưới âm 300 mét với người trên mặt đất, khi lãng mạn thì tưởng tượng “Dài chừng một hơi thở của em”. Nhưng người vợ  thợ lò luôn phấp phỏng lo lắng, đặc biệt nhưng khi mưa tháng Bảy, “mưa lút trời”,

mưa lún trời”, “mưa nứt trời” thì cả mỏ lo âu, những người phụ nữ càng lo âu, thấp thỏm:

          Đêm chờ chồng

          Kẹt cửa ca ba

          Ngực chị rung

          Theo nhịp búa khoan

                   ( Có một ca ba sau cánh cửa)

Câu thơ gợi nhớ  đoạn văn của nữ nhà văn Vũ Thảo Ngọc trong tiểu thuyết “Ánh đèn lò” : “Vợ thợ lò chờ chồng đi làm về như vợ phi công chờ chồng sau mỗi chuyến bay”.

Rành công việc của người thợ, cảm thông sâu sắc với nỗi vất vả của người thợ, tác giả đã có những phản biện, góp ý chân tình về “cái búa chém” trong cụm tượng đài thợ mỏ ( Cán búa và tượng đài), và nhất là những con số thống kê các chỉ số không công bố với năng suất khấu than:

Người đàn bà

lăng lẽ

ôm bóng đêm ngồi nghĩ

một mình ca ba đo thổn thức

Chị cộng thầm

                     những vết trầy đá sắc

trên trán người thợ trẻ

Chị thống kê đầy đủ

những giọt mồ hôi đen đúa

                            trên vuông vức ngực chồng

Chị nhẫn nại đếm cơn ho

                               cong mình xé phổi

                             ( Phản biện của phép đếm đo)

Và bụi than tuy được diễn tả  hơi “bay bướm” một tí nhưng không khỏi làm cho người ta suy nghĩ về sự vất vả của người thợ ( Dù so với trước, bụi đã giảm nhiều). Và  cũng là một kiến nghị với các nhà quản  lí:

Ngủ ca ba bụi đan chen giấc nồng/ Bụi xuyên hạ ngả sang đông/ Bụi qua tầng vỉa bay vồng phố xa/ Bụi theo chân thợ vào ca/ Tan tầm bay lả bay la xuống tầng” ( Màu than).

Kết cho bài viết về chủ đề  vùng Mỏ  trong thơ Nguyễn Đình Thái, thiết tưởng không gì thích hợp hơn là dẫn lại lời của anh Đoàn Kiển, một  đồng nghiệp  làm than am tường, yêu thích văn chương: “Thợ lò viết văn, làm thơ hay thì có nhiều, rất nhiều nhưng giỏi tưởng tượng, giỏi ví von về cái nghề, cái nghiệp của mình […] giỏi chắp cánh cho những con chữ, cho những từ thô ráp của nghề làm mỏ hầm lò bay lên như Nguyễn Đình Thái thì thật là hiếm!” ( Thơ thợ mỏ viết về thợ mỏ).

                                Hà Nội, 27 tháng Năm, 2017


3 nhận xét: