Thứ Năm, 6 tháng 7, 2017

“BỜ BÊN KIA VẪN LỞ” MỘT TRUYỆN NGẮN GIÀU CHẤT THƠ





“BỜ BÊN KIA VẪN LỞ”

MỘT TRUYỆN NGẮN GIÀU CHẤT THƠ
Nguyễn Thị Lan


Có ai đó đã nói đến sự gần gũi của truyện ngắn và thơ. Do đặc trưng cơ bản của truyện ngắn là ngắn nên giống thơ. Một truyện ngắn là một "tứ thơ" được kể ra. Nó đáp ứng tức thời một cảm hứng quý hiếm của nhà thơ (cái mà nhà thơ Tạ Duy Anh gọi là "sự lóe sáng của ý tưởng") và ngược lại, thể loại gần nhất với thơ trữ tình là truyện ngắn.

"Bờ bên kia vẫn lở" trong tập truyện ngắn "Ma làng" (NXB Thanh Niên 1996) của nhà văn Nguyễn Thanh Cải là một truyện ngắn như vậy. Truyện dài khoảng 6 trang khổ nhỏ (13 x 19cm).

1. Chất thơ trước hết được cất lên từ nhan đề của truyện."Bờ bên kia vẫn lở" một cái tên rất gợi. Nó gợi ra một không gian mênh mông, bát ngát của một vùng sông nước; một thời gian dài của sự ngóng trông, chờ đợi ("vẫn"). Nó còn gợi ra tâm trạng của người ở "bờ bên này" ngóng sang "bờ bên kia", đó là tâm trạng bâng khuâng, nuối tiếc.

2. Chất thơ còn được cất lên từ cái cốt truyện. "Bờ bên kia vẫn lở" có cái "cốt" đơn giản, hầu như chẳng có gì để mà kể.

Một chàng trai mới lớn làm nghề kéo lưới bên sông. Hàng ngày nhìn sang bờ bên kia anh thấy một cô gái thoáng sau ô cửa sổ rồi chiều chiều cô ra sông gánh nước. Thế là anh nhớ nhung dáng hình ấy. Chiến tranh, "tôi" (nhân vật "Hoài" -  cũng có nghĩa là "nhớ") ra trận, chưa kịp gặp mặt cô gái, chưa kịp ngỏ lời. Mười năm ngoài chiến trường, hình ảnh cô gái ấy vẫn không già đi trong anh "vẫn bóng người con gái với hai bím tóc, chiều chiều ra bờ sông gánh nước, cái cặp tóc chớp sáng ở bờ bên kia. Rồi cánh cửa vẫn hé mở". Hình ảnh thân thiết ấy "là vòm trời, là vẫy gọi, là hy vọng và là tất cả cho mỗi chiến công" của anh, anh coi "đó như một gia tài không hao, không mất, càng nghĩ càng giàu thêm". Hết chiến tranh, trở lại bên sông, anh lại chiều chiều ngóng sang bờ bên kia. Đã hơn mười năm, cô gái đã đi lấy chồng. Hôm nay em trở về trong hình ảnh tay xách nách mang với hai con nhỏ. Người thiếu phụ ấy, như ngày xưa lại "ngoái mặt nhìn sang bên này"… Nhưng trong tâm trí anh, cô vẫn trẻ trung, hồn nhiên, trong trắng như ngày nào. Anh "nhắm mắt lại mơ màng thì gặp lại cái chớp sáng bên sông với hai cái bím tóc nhảy nhót trên vai, đung đưa theo thùng nước". Câu cuối cùng "Tôi ngoái lại nhìn, bờ bên em vẫn lở…" Thanh Cải đặt dấu chấm hết cho câu chuyện ở đó. 
                                                             Tác giả Nguyễn Thị Lan


Một câu chuyện hầu như không có truyện. Tác giả không sa đà kể lể dài dòng, chỉ có những dòng cảm xúc lan tỏa nhẹ nhàng và những cảnh yên bình dịu dàng. Đây là tư duy mang đậm chất thơ.

3. Truyện rất ít nhân vật. Ngoài nhân vật người kể chuyện ("tôi") còn có ba nhân vật thoáng qua trong đôi ba dòng là ông bố, cô em gái và cháu của "tôi". Nhân vật cô gái bên kia sông không được giới thiệu cụ thể: không tên (cô chỉ được gọi là "cô", "cô gái ấy", "người con gái" và ở đoạn cuối âu yếm hơn là "em"). Không diện mạo, giọng nói, gia đình, nghề nghiệp… Không một chi tiết cụ thể, hết sức mông lung. Nhân vật bị xóa đi đường viền lịch sử. Tất cả đã tạo nên một không khí lãng mạn, mờ ảo, lãng đãng như sương, như khói, như trong mộng du… làm nên cái khí vị thơ của truyện.

Hơn nữa, những nhân vật trong truyện là những người bình dị, chân chất trong cuộc sống. Sự xuất hiện của họ trên cái nền thiên nhiên êm ả, trữ tình, trong bức tranh lao động, cuộc sống thật thanh bình đã đem đến cho người đọc một cảm giác thư thái, bình yên.

4. Một yếu tố quan trọng làm nên chất thơ của truyện là phương diện tổ chức ngôn ngữ. Tác giả không tập trung vào những tình tiết làm nổi bật tính cách nhân vật mà chú ý vào vẻ đẹp của tư tưởng, tình cảm, vào màu sắc tế nghị của cảm xúc, vào những khám phá mới mẻ của hình ảnh (chủ yếu là hình ảnh cô gái ở bờ bên kia). Để làm được điều đó "Bờ bên kia vẫn lở" có những câu văn mềm mại, những đoạn miêu tả thiên nhiên, nội tâm nhân vật và một hệ thống ngôn ngữ giàu chất thơ: có nhịp điệu, có tiết tấu, giàu hình tượng, có giá trị biểu cảm:

"Hơn mười năm sau,

Tôi trở lại làng,

Cảnh cửa bờ bên đã khép

Bể nước nghiêng nghiêng…

Tôi bỗng giật mình

Định hỏi về em. Nhưng lại không dám hỏi

Vì có chi mà trách hỏi người ta"

Những câu văn ngắn được trình bày dưới hình thức một bài thơ. Ai bảo đây không phải là những câu thơ?

5. Góp phần làm nên chất thơ của truyện là sự đa dạng cấu trúc câu văn. Phần lớn truyện được viết bằng những câu đơn và có xu hướng rút gọi tối đa (rút đi các hư từ, liên từ, mĩ từ, thán từ mà còn rút cả chủ ngữ, vị ngữ khiến câu văn trở nên lệch chuẩn). Câu văn xuôi ở đây cô đọng, súc tích, bất tuân theo ngữ pháp thường thấy trong thơ. Câu có khi chỉ còn là một mệnh đề, một cụm từ: "Hai mươi năm sau", "gấp gáp quá.", "chiến tranh mà lị", "thấp thỏm và ấm ức".

Những câu lược bỏ thành phần ấy tạo ra khoảng trống, sự khuyết thiếu. Đây là ngôn ngữ đặc trưng của thơ. Nó đứt đoạn, rời rạc. Nó tạo ra khoảng lặng giữa các câu chữ, giữa các sự kiện và sự mơ hồ không xác định. Tác phẩm vì thế giống như một bài thơ dài. Có cảm giác tác giả rất kiệm lời.

6. Và trên hết tất cả, làm nên chất thơ của truyện là văn phong (nói cách khác là giọng kể) một văn phong trữ tình khá lôi cuốn.

Truyện viết về một tình yêu dung dị, thầm lặng, một tình yêu không nói, đẹp và buồn. Để kể về câu chuyện ấy Thanh Cải đã chọn một giọng văn thích hợp: trầm buồn. Nó như lời giãi bày, thủ thỉ tâm tình. Với lối viết tiết chế, tác giả thả lỏng hồn nhưng kiểm soát chữ và tiết tấu của chữ. Không dài lời với đầy đủ chi tiết, không quá câu nệ vào cốt truyện nhưng xoáy sâu, hút hồn bằng nhạc cảm… Tất cả những cố gắng đó của tác giả đã mang lại những thành công nhất định cho truyện. Với lối viết nhẹ nhàng nhưng truyện cũng gợi những suy tưởng, những dư vị, dư vang.

Kết truyện tác giả viết: "Tôi ngoái lại nhìn, bờ bên em vẫn lở". Câu văn với nhịp điệu trầm buồn, êm đềm, đem đến cho người đọc nhiều suy tưởng. Phải chăng cuộc sống chỉ còn lại hình ảnh của chính nó trong những niềm cảm xúc xa vời. Phải chăng "con người sinh ra không phải tan biến như một hạt cát. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác"?

"Bờ bên kia vẫn lở", câu chuyện đã nhanh chóng được đúc lại thành một tứ vững chắc và mở ra cả một trời bâng khuâng hoài niệm.

7. "Bờ bên kia vẫn lở" là một truyện ngắn giàu chất thơ. Đây cũng là đặc tính chung của văn xuôi thế kỷ XX và là một trong những khuynh hướng chính của truyện ngắn hậu hiện đại. Nhịp điệu cuộc sống mới đòi hỏi những phong cách diễn đạt mới. Thơ hóa văn xuôi là một nỗ lực của các nhà văn đương đại trên hành trình làm mới và khám phá khả năng biểu đạt vô tận bất ngờ của ngôn ngữ và thể loại.

Truyện cũng cho ta thấy một nét đặc trưng trong thi pháp truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thanh Cải - một cây bút văn xuôi khá tiêu biểu của tỉnh Đông.

                                                Hải Dương, đầu Đông 2011


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét