Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

ĐỌC SÁCH - tản văn của DƯ HOA



                                                              



 ĐỌC SÁCH
                                         Tảnn                                                                                                Dư Hoa    
 Vũ Công Hoan dịch

           Lớn lên trong những năm tháng không có sách, cho nên tôi không biết việc đọc sách của mình bắt đầu như thế nào. Do đó khi chỉnh lí ký ức của mình, tôi đã phát hiện và kể lại chuyện đọc sách đầu tiên của mình với bốn văn bản khác nhau.
          Văn bản đầu tiên là vào mùa hè năm 1973 tôi tốt nghiệp tiểu học, khi cuộc đại cách mạng văn hoá đã bước sang năm thứ bảy, những cuộc vũ đấu đẫm máu quen thuộc và những cuộc khám nhà dã man đã qua đi được vài năm. Những hành động tàn khốc này tiến hành với danh nghĩa cách mạng, hình như cũng cảm thấy đã mệt mỏi, thị trấn nhỏ tôi sống đã lâm vào trạng thái yên tĩnh kìm nén và nghẹt thở, mọi người trở nên càng nhút nhát và cẩn thận, trên báo chí và phát thanh  vẫn ngày nào cũng ra rả hô hào đấu tranh giai cấp, nhưng tôi cảm thấy đã lâu lắm mình không thấy kẻ thù giai cấp.
          Lúc này thư viện của thị trấn nhỏ chúng tôi mở cửa đối ngoại trở lại. Bố tôi đã kiếm cho anh em tôi một tấm thẻ thư viện để chúng tôi có việc làm trong kỳ nghỉ hè buồn chán. Từ đó trở đi,tôi bắt đầu thích đọc tiểu thuyết. Trung Quốc thời bấy giờ tác phẩm văn học hầu như đều bị gọi là cỏ độc. Những tác phẩm nước ngoài của Sêch pia, Tônstôi, Banzắc là cỏ độc. Các tác phẩm của Trung Quốc như Ba Kim. Lão Xá, Thẩm Tòng Văn là cỏ độc. Do Mao Trach Đông và Khơ rúp sốp coi nhau là kẻ thù, văn học cách mạng thời kỳ Liên Xô cũng trở thành cỏ độc. Hàng loạt sách cất giữ  sau khi bị coi là cỏ độc sau khi đốt, trong thư viện mở cửa trở lại không còn được bao nhiêu. Tiểu thuyết xếp trên giá chỉ có khoảng hai mươi loại, đều là  cái gọi là văn học cách mạng xã hội chủ nghĩa sản xuất trong nước. Tôi đã đọc hết một lượt những tác phẩm ấy. Như “Ngày nắng đẹp”, “Đường lớn bừng sáng”, “Bể Ngưu Điền”, “Lịch sử tác chiến Hồng Nam” , “Tân Kiều” , “Mây gió vùng mỏ” , “Tuyết bay đón xuân” , “Sao đỏ lấp lánh”. Những sách tôi thích nhất lúc đó là “Sao đỏ lấp lánh” và “Mây gió vùng mỏ”, lý do rất đơn giản, vai chính của hai cuốn tiểu thuyết này đều là trẻ con.
          Đọc như thế không để lại vết tích gì trong đời sống sau này của tôi. Tôi không đọc được tình cảm, không đọc được nhân vật, nghĩa là hình như câu chuyện cũng không đọc được. Những cái tôi đọc được chỉ là dùng phương thức khô khan nói về cuộc đấu tranh giai cấp, nhưng tôi lại đọc cẩn thận mỗi cuốn tiểu thuyết, đấy là vì đời sống thời đó của tôi còn khô khan tẻ nhạt hơn những tiểu thuyết ấy. Trung Quốc có  câu thành ngữ “Đói không chọn ăn”, việc đọc của tôi thời đó chính là đói ăn bừa, chỉ cần là một cuốn tiểu thuyết, chỉ cần đằng sau còn một câu là tôi cứ đọc tiếp.
         Mùa thu năm 2002, khi tôi đang ở Béc Lin – thủ đô nước Đức, tôi đã gặp 2 giáo sư Hán học đã nghỉ hưu, nhắc đến nạn đói lớn của Trung Quốc đầu những năm 1960, hai vợ chồng giáo sư này đã kể lại những từng trải đích thân của họ. Hồi đó hai ông bà đều đang lưu học ở đại học Bắc Kinh, vì gia đình có việc gấp ông phải về nước trước, hai tháng sau ông nhận được thư của vợ, trong thư bà bảo ông :“Kinh khủng quá! Sinh viên Trung Quốc đã ăn hết lá cây trong trường đại học Bắc Kinh.”
         Giống như sinh viên đói đã ăn sạch lá cây trường đại học Bắc Kinh, việc đọc của tôi đã ngốn sạch những tiểu thuyết trong thư viện của thị trấn nhỏ chúng tôi còn khó ăn hơn lá cây.

         Tôi còn nhớ nhân viên công tác trong thư viện là một phụ nữ đứng tuổi, chị làm việc hết sức chăm chỉ cẩn thận, lần nào tôi và anh trai đến trả tiêủ thuyết đã đọc xong, chị cũng kiểm tra hết sức cẩn thận xem sách có rách chỗ nào không, sau khi xác định hoàn hảo cả, chị mới nhận và cho mượn tiểu thuyết khác. Hôm ấy chị phát hiện sách chúng tôi đem trả có một giọt mực trên bìa, chị nhận xét chúng tôi đã làm bẩn sách. Tôi cãi vết mực này đã có từ trước nhưng chị kiên quyết cho rằng chúng tôi làm bẩn. Chị nói quyển nào trước khi nhận trả chị đều kiểm tra rất cẩn thận, không thể nói chị không phát hiện ra vết mực nào như thế. Hai bên đã cãi nhau, cãi nhau thời ấy thuộc về văn đấu. Anh trai tôi là một hồng vệ binh, đối với anh, văn đấu không đã, vũ đấu mới tỏ bản sắc hồng vệ binh của anh, anh cầm sách ném vào mặt chị rồi đưa tay tát vào mặt chị, sau đó chúng tôi cùng đến đồn công an của thị trấn, chị ngồi tại chỗ khóc rưng rức rất lâu rất thương tâm, anh tôi cứ đi đi lại lại trong đồn như không có việc gì xảy ra. Viên đồn trưởng vừa an ủi khuyên nhủ chị vừa mắng anh tôi tự do tản mạn. Ông ta bảo anh tôi ngồi xuống, anh tôi đã ngồi xuống và vắt chân chữ ngũ trông rất oách. Viên đồn trưởng này là bạn của bố tôi, tôi đã từng xin ông ta dạy tôi đánh nhau như thế nào. Ông ngắm tôi nhỏ bé lúc đó rồi dạy tôi một chiêu, đó là nhân lúc phía bên kia không đề phòng, nhanh chóng giơ chân đá vào dái của người ta.
          Tôi hỏi ông, nếu người đó là nữ thì sao.
          Ông nghiêm túc trả lời :”Đàn ông không được đánh đàn bà”
          Hành vi vũ đấu hồng vệ binh của anh tôi đã làm chúng tôi mất đi tấm thẻ mượn sách của thư viện. Tôi chẳng tiếc gì vì tôi đã đọc hết sách trong thư viện. Vấn đề là chưa hết kì nghỉ hè, tôi đang hứng thú đọc sách, tôi thèm đọc nhưng không có sách để đọc.
          Thời đó trong nhà tôi, ngoài khoảng mười quyển sách y học bố tôi dùng cho chuyên môn, chỉ có bốn quyển sách “Tuyển tập Mao Trạch Đông” và một quyển “Mao Chủ Tịch Ngữ Lục” gọi là sách bìa đỏ. Sách bìa đỏ là cuốn sách trích dẫn lời trong “tuyển tập Mao Trạch Đông” biên soạn và in ấn ra. Tôi buồn bã giở chúng ra xem. Khi đọc đến những phản ứng hóa học, nhưng đọc lâu lắm vẫn không hề thích thú lên được, tôi đành phải ra khỏi nhà, giống như một người đang đói bụng đi tìm thức ăn, tôi đi khắp nơi tìm sách đọc. Tôi mặc quần đùi và áo may ô, kéo đôi dép lê đi trên đường phố của thị trấn, nắng như đổ lửa trong mùa hè, bắt gặp anh bạn cùng tuổi quen biết, tôi gọi bạn:
         - Này, nhà cậu có sách không?
         Những anh bạn mặc quần đùi áo may ô kéo dép lê như tôi, sau khi nghe tôi hỏi cậu nào cũng ngẩn người, có lẽ các bạn chưa hề gặp câu hỏi đó bao giờ, sau đó cậu nào cũng gật đầu nói nhà mình có sách, nhưng khi tôi hớn hở đến nhà bạn thì nhà nào cũng có bốn quyển sách “Tuyển tập Mao Trạch Đông” giống như nhà tôi mà đều là sách mới chưa từng mở đọc. Do đó tôi có kinh nghiệm, khi một bạn trai được tôi hỏi trả lời, trong nhà cậu ta có sách, tôi liền chìa bốn ngón tay ra tiếp tục hỏi:
-  Có bốn quyển sách phải không?
Cậu ta gật đầu, tôi bỏ tay xuống lại hỏi một câu:
-  Sách mới phải không?
Sau khi cậu ta lại gật đầu lần nữa, tôi hết sức thất vọng nói:
-  Vẫn là “Tuyển tập Mao Trạch Đông”.
Về sau tôi thay đổi cách hỏi:
-  Có sách cũ không?
         Các bạn trai tôi gặp đều lắc đầu, chỉ có một trường hợp ngoại lệ, sau khi chớp mắt, cậu này nói nhà mình hình như có sách cũ. Tôi hỏi cậu có bốn quyển phải không, cậu lắc đầu bảo hình như có một quyển, tôi nghi ngờ cuốn sách đó là cuốn sách bìa đỏ, hỏi cậu bìa sách màu đỏ phải không, cậu ấy nghĩ rồi bảo hình như là màu xám, tôi hớn hở ra mặt. Ba câu trả lời “hình như”của cậu ấy khiến tôi hào hứng. Tôi đưa cánh tay ướt đẫm mồ hôi của mình ôm chặt bả vai ướt đẫm mồ hôi của cậu đi về nhà cậu, dọc đường tỏ ra săn đón kính nể, tôi nói đến nỗi lòng cậu như hoa đua nở. Đến nhà cậu, anh bạn khệ nệ bê một chiếc ghế đến trước tủ quần áo leo lên ghế, rà mò nóc tủ quần áo một lúc, móc ra một quyển sách bám đầy bụi bặm đưa cho tôi. Khi tôi nhận sách, trong lòng thấp thỏm không yên. Cuốn sách nhỏ hơn một tấc này rất giống sách bìa đỏ. Tôi lấy tay lau lớp bụi dày trên bìa sách, hết sức sức thất vọng nhìn ra bìa nhựa màu đỏ, quả nhiên là sách bìa đỏ. Sau khi nỗ lực của tôi ở ngoài không có hiệu quả, tôi đành phải về nhà khai thác tiềm lực. Theo lối nói thời thượng lúc này tức là phát huy nội lực. Tôi duyệt qua một lượt sách y học trong nhà rồi để chúng lại  giá sách, lúc ấy tôi sơ suất không phát hiện ra nội dung kinh khủng tàng chứa trong những sách y học, mãi đến hai năm sau mới phát hiện ra một bí mật. Sau khi tôi vứt bỏ sách y học thì những sách để tôi chọn đọc chỉ còn “Tuyển tập Mao Trạch Đông” mới nguyên và đọc sách bìa đỏ. Thời đó gia đình nào cũng như vậy. Bốn quyển sách “Tuyển tập Mao Trạch Đông” chỉ là sự bày đặt chính trị trong nhà, còn học tập thường ngày là quyển sách bìa đỏ.
          Tôi không chọn sách bìa đỏ mà cầm tập thứ nhất của “Tuyển tập Mao Trạch Đông”. Lần này tôi đọc hết sức tỉ mỉ, sau đó đã phát hiện ra lục địa mới khi đọc, đó là lời chú thích trong “Tuyển tập Mao Trạch Đông” đã hấp dẫn tôi. Từ đó trở đi tôi đâm ra thích thú đọc “Tuyển tập Mao Trạch Đông”.
          Mùa hè năm ấy, chúng tôi quen ăn cơm tối ở ngoài trời. Đầu tiên chúng tôi hất mấy chậu nước lạnh trên sân, vừa để hạ nhiệt độ, vừa để không bốc bụi, sau đó dọn mâm ghế ra ngồi. Sau khi bắt đầu ăn cơm tối, bọn trẻ bưng bát cơm đi đi lại lại, mắt nhìn vào thức ăn trên mâm người khác, mồm nhai cơm. Bao giờ tôi cũng ăn xong cơm rất nhanh , đặt bát đũa xuống, cầm “Tuyển tập Mao Trạch Đông” đọc như đói như khát dưới nắng chiều. Hàng xóm láng giềng nhìn thấy thế cứ khen nức nở, khen tôi nhỏ tuổi mà chịu khó học tập tư tưởng Mao Trạch Đông đến thế. Bố mẹ tôi nghe họ khen hớn hở ra mặt. Bố mẹ tôi thì thầm bàn tán về tương lai của tôi. Bố mẹ tôi than thở Đại Cách Mạng Văn Hoá đã cướp mất của tôi cơ hội học tập, nếu không đứa con út của bố mẹ sẽ trở thành một giáo sư đại học trong tương lai. Thật ra, tôi hoàn toàn không học tập tư tưởng Mao Trạch Đông, tôi chỉ say mê đọc chú thích trong “Tuyển tập Mao Trạch Đông”. Những dòng chú thích các sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử này có ý nghĩa biết chừng nào so với tiểu thuyết trong thư viện của thị trấn. Trong những dòng chú thích này, tuy không có tình cảm nhưng có câu chuyện, có nhân vật.
         Văn bản thứ hai phát sinh ở thời kì trung học, tôi bắt đầu đọc những tiểu thuyết được coi là cỏ độc. Những quyển sách may mắn không bị đốt bắt đầu lặng lẽ lưu truyền trong chúng tôi, cứ nghi có thể là do những người yêu thích văn học thật sự đã cẩn thận cất giấu chúng rồi được mọi người ngấm ngầm truyền tay nhau đọc trong phạm  vi lớn, mỗi quyển sách đều qua tay hàng nghìn người đọc, khi truyền đến chúng tôi, sách đã rất cũ nát, phía trước thiếu đi hơn mười trang, phía sau cũng đã mất đi hơn mười trang. Những cuốn tiểu thuyết cỏ độc tôi đọc hồi đó không có quyển nào nguyên vẹn. Tôi không biết tên sách, không biết tác giả, không biết câu truyện bắt đầu như thế nào, cũng không biết câu truyện kết thúc ra sao. Tuy không biết mở đầu của câu truyện, tôi còn có thể chịu được, nhưng không biết câu truyện kết thúc như thế nào, quả tình rất đau khổ. Mỗi khi đọc một quyển tiểu thuyết không có kết thúc, tôi đều như con kiến bò trên chảo nóng, cứ lồng lộn lên hỏi khắp nơi xem câu chuyện kết thúc ra sao, nhưng không ai biết kết thúc của nó. Những quyển tiểu thuyết họ đọc cũng không có đầu có cuối, thi thoảng có vài người đọc hơn tôi mấy trang, họ đã kể lại cho tôi nghe, nhưng vẫn không có kết thúc của câu truyện. Đây là chuyện đọc sách của tôi thời đó, chúng tôi đọc trong khi sách luôn luôn tơi tả. Mỗi cuốn sách sau khi qua tay mấy người, hoặc mấy chục người đọc, cuốn nào cũng thiếu một hai trang. Tôi buồn vô cùng. Tôi nghĩ bụng :“Mẹ kiếp, những kẻ đọc sách này đúng là mất dạy. Họ đọc xong tiểu thuyết cũng không thèm dán lại những trang bị rơi rách”. Câu truyện  không có kết thúc đã giầy vò tôi, cũng không ai giúp được tôi. Tôi bắt đầu suy nghĩ kết thúc câu chuyện cho mình, cũng như lời hát trong “Quốc  Tế Ca” : “Chưa hề có Chúa Cứu Thế gì cả, cũng không nhờ Hoàng Đế hay thần tiên, muốn sáng tạo hạnh phúc cho nhân loại, hoàn toàn dựa vào bản thân chúng ta.” Mỗi tối sau  khi tắt đèn lên giừơng, mắt tôi cứ chớp chớp trong đêm tối, tôi đi vào thế giới tưởng tượng, tạo ra kết thúc của những câu chuyện ấy và chính tôi bị những sáng tạo ấy làm cho xúc động tràn đầy nước mắt. Tôi không biết lúc đó đã huấn luyện cho mình sức tưởng tuợng, tôi nên cảm ơn những cuốn tiểu thuyết không có đầu không có cuối ấy, chúng đã đốt lên nhiệt tình sáng tác đầu tiên của tôi và khiến tôi nhiều năm sau trở thành một nhà văn. Cuốn tiểu thuyết nước ngoài đầu tiên tôi đọc cũng không có mở đầu và kết thúc. Tôi không biết tên sách là gì, tác giả là ai, không biết mở đầu câu truyện cũng không biết kết thúc câu truyện. Lần đầu tiên tôi đọc truyện về tình dục khiến tôi ngứa ngáy không yên, cũng khiến tôi lo lắng khiếp sợ. Khi đọc đến những đoạn miêu tả tình dục, tôi căng thẳng đến nỗi ngẩng đầu lên nhìn bốn phía, sau khi xác định không có ai đang nhìn mình, tôi mới sợ hãi đọc tiếp. Sau khi Cách Mạng Văn Hoá chấm dứt, văn học đã trở về, trong hiệu sách bày những tác phẩm văn học mới tinh, thời gian đó tôi đã mua rất nhiều tiểu thuyết nước ngoài, trong đó có một quyển tên là “Cuộc đời”, tác giả là Mô bát xăng người Pháp.Một buổi tối tôi nằm trên giường bắt đầu đọc sách “Cuộc đời”, khi đọc được  một phần ba cuốn sách, tôi sửng sốt kêu lên : “Thì ra là nó”. Quyển tiểu thuyết nước ngoài không có đầu không có cuối tôi đọc với tâm trạng sợ hãi nhiều năm trước chính là quyển sách “Cuộc đời” cùa Mô pát xăng. Trong những tiểu thuyết cỏ độc tôi đọc thời đó, có một cuốn hoàn chỉnh duy nhất là cuốn “Trà Hoa Nữ” của nhà văn Pháp Alex xăng Đuyma người Pháp. Lúc đó Cách Mạng Văn Hoá sắp sửa chấm dứt, tôi đang học năm thứ hai phổ thông trung học, cuốn “Trà Hoa Nữ” đến tay tôi với bản chép tay. Sau đó tôi đọc cuốn “Trà Hoa Nữ” xuất bản chính thức mới biết đó là bản viết cô gọn lại. Lúc bấy giờ, lãnh tụ vĩ đại Mao Trạch Đông vừa qua đời, lãnh tụ anh minh Hoa Quốc Phong vừa xuất hiện. Tôi còn nhớ, một bạn học gọi tôi ra một chỗ khe khẽ bảo cậu mượn được một quyển sách hay hiếm có, nhìn bốn chung quanh vắng vẻ không có ai, cậu nói một cách thần bí:
 -  Truyện ái tình.
          Nghe nói đến ái tình, tôi lập tức sôi máu, dọc đường chúng tôi chạy gằn, đến nhà bạn học có quyển sách chép tay “Trà Hoa Nữ”, vừa thở hổn hển, bạn tôi vừa mở cặp sách lấy ra quyển sách chép tay bọc bằng giấy bản đồng màu trắng. Sau khi mở mặt chính giấy bản đồng, tôi đã giật nảy người. Bạn tôi đã dùng tranh chân dung tiêu chuẩn lãnh tụ anh minh để bọc sách “Trà Hoa Nữ”. Tôi gắt lên:
-         Cậu là phần tử phản cách mạng.
          Cậu ấy cũng giật nẩy người, cậu cũng không biết giấy bọc cuốn “Trà Hoa Nữ” là ảnh chân dung tiêu chuẩn của Hoa Quốc Phong. Cậu ấy bảo:
          -  Một tên phản cách mạng khác làm đấy. Đó là tên phản cách mạng đã cho cậu ấy mượn “Trà Hoa Nữ”. Sau đó chúng tôi bàn nhau làm thế nào để xử lý ảnh chân dung Hoa Quốc Phong đã bị nhàu nát. Cậu ấy  định vứt xuống sông ở ngoài nhà, tôi nói không được, chúng mình phải đốt đi. Chúng tôi đã xử lý ảnh chân dung Hoa Quốc Phong không một dấu tích, rồi ngắm nghía cuốn “Trà Hoa Nữ” chép tay, nét chữ thanh tú viết trên quyển nhật kí bìa giấy xi măng. Anh bạn bảo tôi, thời gian chỉ có một ngày, ngày mai phải đem quyển chép tay trả người ta. Hai chúng tôi gục đầu vào nhau cùng đọc. Đây là một quá trình đọc sách hết sức hấp dẫn. Khi đọc đến một phần ba cuốn sách, hai đứa chúng tôi cứ xuýt xoa mãi, không ngờ trên thế giới lại có một quyển tiểu thuyết hay đến vậy. Tôi bắt đầu sợ mất nó, tôi muốn vĩnh viễn chiếm hữu nó. Nhìn cuốn “Trà Hoa Nữ” chép tay không phải là một tác phẩm lớn, chúng tôi quyết định dừng đọc, chép lại, phải chép xong trước khi trả cuốn sách vào ngày mai. Bạn tôi tìm một quyển nhật kí bố tôi chưa dùng cũng đóng bìa giấy xi măng, chúng tôi bắt đầu thay nhau chép lại. Tôi chép trước, chép mỏi tay, bạn tôi thay thế, cậu ấy mỏi tay, tôi lại chép tiếp. Khi bố mẹ cậu ấy sắp sửa về nhà sau giờ làm việc, chúng tôi quyết định rút đi chỗ khác an toàn hơn, chúng tôi quyết định đến lớp học chép tiếp. Lớp trung học phổ thông ở gác hai còn lớp trung học cơ sở ở gác một. Tuy cửa lớp nào cũng khóa nhưng bao giờ cũng có mấy của sổ không cài. Chúng tôi kiểm tra  mấy cửa sổ ở gác một không đóng, mở ra rồi chui vào, bắt đầu thay nhau chép truyện. Khi trời tối chúng tôi bật đèn rồi sao chép dưới ánh điện nê ông.
          Chúng tôi bụng đói sôi ùng ục, lại mệt bã người, chúng tôi đẩy bàn học vào nhau,  trong khi đứa này sao chép, thì đứa kía nằm ra bàn ngủ, cứ thế chúng tôi sao chép cho đến khi trời sáng, anh này chép thì anh kia ngủ, số lần thay nhau chép mỗi lúc một nhiều. Lúc đầu một đứa chép một mạch hơn nửa tiếng đồng hồ, về sau năm phút đã phải thay. Anh bạn vừa đặt lưng lên bàn, cất tiếng ngáy đã bị tôi vỗ đánh thức.
-         Dậy đi, dậy đi, đến lượt cậu.
Khi tôi vừa chợp mắt, cậu ấy đã vỗ người tôi đánh thức: “Dậy đi đến lân cậu”.
          Cứ thế chúng tôi luôn luôn đánh thức nhau. Cuối cùng đã hoàn thành công việc sao chép vĩ đại  nhất  trong cuộc đời mình.
          Chúng tôi leo qua cửa sổ lớp học ra về, dọc đường vừa đi vừa ngáp ngủ trong ánh sáng buổi sớm. Khi chia tay cậu bạn trao cho tôi bản  hai đứa chép tay khảng khái  nhường tôi đọc trước. Cậu cầm nguyên bản cuốn sao chép với nét chữ thanh tú, nhìn vừng hồng xuất hiện trên bầu trời đằng đông, đem trả cuốn truyện rôì về nhà ngủ.
         
          Tôi về đến nhà, bố mẹ tôi còn đang ngủ. Tôi vội vàng ăn suất cơm canh nguội lạnh để phần trên mâm, rồi lăn ra ngủ. Hình như không được bao lâu, bố quát tôi dậy, tra hỏi tối qua đi đâu. Tôi ú a ú ớ, như trả lời mà không phải trả lời,trở mình ngủ tiếp.
          Tôi ngủ đến tận trưa, hôm ấy tôi bỏ học, ở nhà đọc truyện “Trà hoa nữ “chép tay. Truyện chúng tôi sao chép lúc đầu chữ còn ngay ngắn, càng về sau càng viết ngoáy, chữ mình viết ngoáy còn đọc được, nhưng chữ bạn viết ngoáy hoàn toàn không đọc được. Tôi đọc mà tức cả mình, không nhịn nổi tôi đã giấu sách trong ngực, kẹp chặt nách ra khỏi nhà đi tìm bạn.
          Tôi tìm được bạn trên sân bóng rổ của trường trung học.Anh bạn đang ném bóng vào rổ. Tôi gào to tên cậu. Cậu ngẩn người, quay lại nhìn tôi ngạc nhiên. Tôi gọi tiếp:
-         Cậu lại đây! lại đây!
Có lẽ lúc ấy tôi tỏ ra sắp đánh nhau với cậu,cậu cáu tiết vứt mạnh quả bóng xuống đất, nắm chặt quả đấm, mồ hôi nhễ nhại bước đến, hạch tôi:
-         Cậu muốn làm gì?
Tôi lấy quyển truyện dấu trong ngực ra cho cậu ta xem rồi đưa trở về, giận dữ nói:
-         Tao không đọc nổi chữ mày viết.
          Cậu ấy đã hiểu chuyện gì,lau mồ hôi vã đầy mặt, cười hì hì đi theo tôi vào rừng cây nhỏ trường học. Trong rừng nhỏ tôi lấy quyển truyện chép tay ra đọc tiếp. Tôi bảo cậu đứng bên cạnh. Tôi vừa đọc vừa cấu tiết hỏi;
-         Những chữ này là chữ gì?
          Tôi như nói lắp, cứ lắp ba lắp bắp đọc xong quyển “Trà hoa nữ”.Mặc dù vậy, nhân vật trong câu truyện vẫn khiến tôi cay đắng vô cùng, tôi lau nước mắt , trao lại quyển truyện cho cậu, đến lượt cậu đọc.
           Tối hôm âý, khi tôi đã ngủ say trên giường, cậu đến ngoài cửa nhà tôi, hằm hằm réo tên tôi. Cậu cũng không đọc nổi chữ tôi viết tháu. Tôi đành phải bật dậy, cùng cậu ra chỗ có ánh sáng đèn, giữa đêm khuya thanh vắng cậu đọc truyện trong tình cảm lay động, tôi tựa vào cột điên cứ ngáp dài, làm một kẻ đọc theo bạn một cách tận chức, sẵn sàng trả lời  các chữ viết tháu cậu hỏi.

          Văn bản thứ ba kể từ việc đọc trên hè phố. Đó là đọc báo chữ to. Đây là phong cảnh đặc biệt đại cách mạng văn hoá tặng cho thị trấn nhỏ chúng tôi. Thời đó xé bỏ báo chữ to dán trên tường thuộc hành vi phản cách mạng. Báo chữ to mới viết chỉ có thể dán chồng lên báo chữ to cũ. Tường càng ngày càng dày khiến thị trấn nhỏ của chúng tôi nhìn vào như  mặc chiếc áo bông lụng thụng.
          Tôi không được đọc báo chữ to thời kỳ đầu cách mạng văn hoá. Lúc đó lên bảy chúng tôi vừa bước vào tiểu học, chữ đọc hiểu chỉ có thể cố sức đọc hết tiêu đề của báo chữ to. Vui thú thời ấy của tôi là những cuộc đấu võ kịch liệt trên đường phố. Tôi chăm chắm theo dõi người lớn đánh nhau trên được phố. Tay họ vung cây gậy, mồm hô khẩu hiệu: “Thà chết bảo vệ lãnh đạo vĩ đại Mao Trạch Đông”, đánh nhau sất dầu mẻ trán. Việc này khiến bọn nhóc chúng tôi rất khó hiểu: Đã đều để bảo vệ Mao chủ tịch, tại sao còn đánh nhau  tới mức mày chết tao sống?
          Thời ấy tôi nhát lắm, lần nào cũng đứng mãi xa xem đánh nhau. Khi đám đông ẩu đả xông ùa đến chém giết, tôi liền co cẳng chạy, giữ khoảng cách ngoài tầm đạn. Anh trai lớn hơn tôi hai tuổi bạo phổi vô cùng. lần nào anh cũng đứng gần quan sát, hai tay còn chống nạnh, trông có vẻ thản nhiên.
          Thời đó ngày nào chúng tôi cũng sống trên hè phố xem cảnh tượng vũ đấu thường diễn ra trên đường phố, giống như phim đen trắng chiếu trong rạp. Giữa bọn nhóc chúng tôi từng có lời cửa miệng gọi nô nghịch trên phố thành “ xem phim”. Mấy năm sau, trong rạp xuất hiện phim mầu màn ảnh rộng, câu cửa miệng trên hè phố của chúng tôi cũng thay đổi theo. Nếu có em bé hỏi “đi đâu?”, cậu bé sắp sửa ra phố sẽ trả lời: “Đi xem phim màn ảnh rộng”.
          Khi là một học sinh trung học phổ thông, tôi đã mê đọc báo chữ to trên đường phố. Khoảng năm 1975, cách mạng văn hoá đi vào thời kỳ cuối, xã hội trầm buồn ngột ngạt thay thế xã hội vũ đấu đẫm máu. Tuy đường phố thị trấn nhỏ không thay đổi, nhưng nội dung trên đường phố đã thay đổi. Chúng tôi cũng  từ xem “ phim đen trắng” biến thành xem “ phim màn ảnh rộng”. Đối với lũ nhóc đường phố chúng tôi, “phim màn ảnh rộng” còn lâu mới hay bằng “phim đen trắng” thời kỳ đầu. Thời kỳ đầu cách mạng văn hoá, trên hè phố thị trấn chúng tôi ầm ĩ náo nhiệt, giống như phim động tác hô li út, đến thời kỳ sau cách mạng văn hoá, đừơng phố yên tĩnh trầm mặc, như phim nghệ thuật của chủ nghĩa hiện đại Châu Âu. Chúng tôi từ trẻ con hè phố  biến thành thiếu niên đường phố. Đời sống của chúng tôi cũng từ phim động tác biến thành phim nghệ thuật. Phim nghệ thuật với những pha tĩnh thời gian dài và những cảnh  dài quay chậm, y như tiết tấu đời sống của chúng tôi trong thời kỳ sau của cách mạng văn hoá.
          Bây giờ nhắm mắt lại, tôi có thể hình dung ra những cảnh như thế này: Tôi hơn ba mươi năm về trước, một học sinh sơ trung tan học về nhà, mặc bộ quần áo vá, đi đôi giầy bóng đá màu vàng đã mòn vẹt, đeo chiếc cặp sách cũ rách vắt chéo ngực, đi thơ thẩn trên đường phố dán đầy báo chữ to.
          Trong những pha rích phai mầu ấy, tôi có được niềm vui đọc báo chữ to, giống như phải có lòng chịu khó cần thẩm mỹ khi xem phim nghệ thuật.Đời sống  thời kỳ sau cách mạng văn hoá phải thưởng thức kỹ lưỡng mới phát hiện đằng sau một sự vật bình thường nào đó thật ra đang ẩn dấu  chuyện thần kỳ.
         
          Năm 1975, khi mọi người tỏ ra trơ lìđối với báo chữ to, mặc dù vẫn có báo chữ to mới luôn dán trên tường, song rất hiếm có ai dừng lại đọc. Lúc này báo chữ lớn đang mất đi ý nghĩa tự thân của nó, đang trở thành nội dung của baó tường. Người ta đi cạnh nó đã quen nhìn mà không thấy. Tôi cũng là một thành viên trong đám đông quen nhìn mà không thấy. Cho đến một hôm, tôi chú ý đến bức tranh đả kích trên một bài báo chữ to, sau đó sau khi đọc tiếp chú thích trong tuyển tập “Mao Trạch Đông”,lại một lục địa mới về đọc được tôi phát hiện ra.
         
          Tôi còn nhớ là một thứ bút pháp thô vụng, vẽ một chiếc giường, trên giường ngồi một nam một nữ và còn vẽ màu xanh xanh đỏ đỏ. Bức tranh biếm hoạ kỳ lạ này khiến tim tôi hồi hộp. Thời đó tôi đã xem quen trên tranh tuyên truyền quần chúng cách mạng nam nữ ngẩng đầu ưỡn ngực lên như thế nào. Nhưng trên tranh biếm hoạ vẽ một cái giường xuất hiện giữa nam và nữ tôi chưa hề thấy bao giờ. Cái giường vẽ xẹo xà xẹo xọ lại xuất hiện trên báo chữ to tràn đầy ý nghĩa cách mạng, còn có một trai một gái được vẽ xiêu xiêu vẹo vẹo.Hàm nghĩa sắc tình trên giường như được mở ra rõ ràng, khiến tôi cứ suy nghĩ vớ vẩn lung tung về bài báo chữ to đó.
          Lần đầu tiên tôi đọc cẩn thận báo chữ to. Giữa những lời nói cách mạng dầy đặc như khẩu hiệu và lời nói của Mao chủ tịch xuất hiện kín mít, tôi đọc một đôi lời hấp dẫn này, những lời lẽ ấy đã kể lại tóm tắt câu truyện của đôi trai gái làm tình vụng trộm trên thị trấn nhỏ của chúng tôi. Tuy không đọc được những câu miêu tả tình dục trực tiếp, nhưng sự liên tưởnglàm tình đã bắt đầu cưỡi sóng đạp gió trên con thuyền của chúng tôi trên biển.
          Tên thật của đôi trai gái vụng trộm này được viết trên bức tranh biếm hoạ xanh xanh đỏ đỏ. Tôi đã thêm mắm thêm ớt kể lại nội dung chính này cho một số bạn học  có quan hệ thân mật nghe. Các bạn ấy cứ há mồm trợn mắt lên nghe, sau đó  chúng tôi  hớn ha hớn hở đi dò hỏi nơi ở và đơn vị công tác của đôi trai gái làm tình vụng trộm kia.
          Vài hôm sau, chúng tôi đã mò ra  chỗ ở và tên họ một cách thành công Người đàn ông ở trong một ngõ nhỏ phía tây thị trấn nhỏ chúng tôi. Khi mấy chúng tôi đứng chờ mấy tiếng đồng hồ trước cửa nhà anh ta, mới trông thấy anh ta  hết giờ đi làm về nhà.Người đàn ông gian dâm bị bắt quả tang trên giường này hằm hằm nhìn chúng tôi rồi quay người đi vào trong nhà. Còn người đàn bà công tác ở cửa hàng bách hoá thị trấn nhỏ ngoài sáu bảy ki lô mét. Vẫn là mấy học sinh chúng tôi hẹn nhau vào một ngày chủ nhật nào đó  không ngại gian khổ lặn lội đường dài đến thị trấn nhỏ tìm cửa hàng bách hoá khoảng năm mươi mét vuông, trông thấy bên trong có ba cô bán hàng. Chúng tôi không biết người nào. Chúng tôi đứng ở cửa lớn ra vào khe khẽ bàn nhau  xem cô nào có khuôn mặt nổi bật, cuối cùng ai cũng thống nhất không cô nào xinh đẹp, sau đó chúng tôi gọi to tên của cô viết trên bài báo chữ to  ấy, một trong ba cô đã cất tiếng trả lời, quay lại nhìn chúng tôi một cách ngạc nhiên. Chúng tôi cười ha ha co cẳng chạy.
          Đây là mô tả chân thực đời sống khô khan buồn tẻ của chúng tôi thời đó. Bởi vì nhận biết nguyên hình nhân vật của câu truyện làm tình vụng trộm trên báo chữ to đã khiến chúng tôi sống hớn hở vui vẻ được rất nhiều ngày.
         
          Báo chữ to thời kỳ sau cách mạng văn hoá mặc dù vẫn tràn ngập những lời nói của Mao chủ tịch, lời của ngài Lỗ Tấn và ngôn ngữ cách mạng sao chép từ trên báo, nhưng trong đó có lúc  cũng xuất hiện những câu có liên quan đến tình dục. Quan hệ trai gái không chính đáng đã trở thành trò cười sôi nổi và chửi mắng hạ nhục, công kích lẫn nhau của người ta thời ấy, thành thử tôi đâm ra mê đọc báo chữ to. Ngày nào trên đường tan học về nhà, tôi đều xem kỹ các bài báo chữ to mới xuất hiện, xem có câu nào mới liên tưởng đến tình dục không.
          Đây là việc đọc như đãi vàng trong cát. Thừơng là mấy hôm liền không đọc được câu nào có liên quan đến tình dục. Mấy bạn học của tôi lúc đầu hết sức hào hứng  cùng tôi đi xem báo chữ to, được mươi hôm bọn chúng đã vứt bỏ, chúng cảm thấy đây là chuyện buôn bán lỗ vốn, trợn mắt lên đọc hai hôm cũng chỉ là đọc được những câu như phải mà không phải. Bọn chúng bảo vẫn chẳng hay bằng kể của tôi sau khi đã thêm mắm thêm dấm.Vì thế bọn chúng khuyến khích tôi tiếp tục đọc không mệt mỏi, bởi vì mỗi buổi sáng khi lên lớp, với niềm say mê chờ đợi, bọn chúng xúm lại khe khẽ hỏi tôi:
-         Có gì mới không?
Tóm tắt chuyện tình vụng trộm của một nữ thanh niên chưa chồng với một đàn ông có vợ là thời điểm kinh khủng nhất trong quá trình đọc báo chữ to của tôi, cũng là nội dung chi tiết nhất tôi đọc được. Một vài đoạn đã được tôi dẫn dụng tài liệu kiểm điểm của đôi trai gái ngoại tình vụng trộm để viết sau này.
Khúc nhạc dạo đầu cuộc tình vụng trộm của họ là người đàn ông giặt quần áo bên giếng nước, vợ anh ta công tác xa mỗi năm chỉ đi phép một tháng về thăm gia đùnh, cho nên cô con gái chưa chồng hàng xóm thường giúp anh giặt quần áo. Đầu tiên cô lấy quần lót của anh để một bên để anh tự giặt, qua một thời gian, cô không lấy quần lót của anh ra tự mình giặt. Sau đó bước dần vào khúc vụng trộm, ngoài giặt quần áo, cô bắt đầu mượn anh sách và bắt đầu cùng anh thảo luận cảm nhận đọc sách. Cô thường hay vào buồng ngủ của anh ta. Thế là rốt cuộc đã nổi lên điệu cuồng hoan của cuộc tình vụng trộm, quan hệ tình dục đã xảy ra giữa hai người, một lần, hai lần, ba lần, đến lần thứ ba bị người bắt quả tang trên giường.
Đến cuối thời kỳ cách mạng văn hoá, nhiệt tình tóm bắt gian dâm dâng cao chưa từng thấy, gần như thay cho nhiệt tình cách mạng của thời kỳ đầu cách mạng văn hoá.Một số người không được ăn nho chê nho chua, chuyển hoá dục vọng ngoại tình vụng trộm của mình thành nhiệt tình bắt gian dâm, chỉ cần nghi ngờ ai và ai có thể tồn tại quan hệ trai gái bất chính liền lén lút theo dõi họ, khi thời cơ chín mùi lập tức phá cửa buồng xông vào, bắt quả tang đôi trai gái trần truồng. Lúc này đôi trai gái đáng thương chính là “bản giao hưởng bi thương”của Traicốpski đã diễn dịch lại  bản làm tình vụng trộm.
Trên báo chữ to tôi đọc được một câu cô gái trẻ viết trong bản kiểm điểm, lần đàu tiên sau khi làm tình với người đàn ông cô cảm thấy mình “không ngồi dạy nổi” Câu này khiến tôi rạo rực cả người, sau đó cứ suy nghĩ vớ vẩn miên man. Tối hôm đó tôi triệu tập mấy bạn học lại, ngồi dưới ánh trăng bên bờ sông, dưới sự che chở của đám cành liễu bay bay, tôi khe khẽ nói với các bạn:
          - Các cậu biết không? Con trai con gái làm xong chuyện đó như thế nào không?
Mấy bạn học run run hỏi: “Như thế nào hả?”
Tôi nói một cách thần bí: “người con gái không ngồi dậy nổi”.
Mấy bạn học của tôi kêu lên thất thanh: “Tại sao?”
Tại sao ư? Thật ra tôi cũng không biết, nhưng tôi vẫn trả lời một cách sành sỏi.
-         Sau này lấy vợ các cậu sẽ biết tại sao.
           Nhiều năm sau khi tôi ôn laị chuyện này, đem việc đọc báo chữ to tỉ dụ thành đọc chuyện tình dục.Điều có ý nghĩa là cao trào đọc tính dục của tôi không xảy ra trên đường phố mà xảy ra trong nhà mình.
          Bởi vì bố mẹ tôi đều là bác sĩ, cho nên nhà tôi ở trong khu tập thể của bệnh viện. Đây là một nhà gác hai tầng, gác trên gác dưới đều có sáu phòng, giống như lớp học hai tầng ở nhà trường, phải qua cầu thang chung mới lên được gác. Ngôi nhà gác này có mười một hộ gia đình công tác ở bệnh viện. Gia đình tôi chiếm hai phòng. Tôi và anh trai ở gác dưới, bố mẹ tôi ở gác trên.Phòng trên của bố mẹ có một giá sách nhỏ, trên giá xếp mười cuốn sách về y học.
          Tôi và anh trai thay nhau quét dọn phòng bố mẹ. Khi bố mẹ yêu cầu chúng tôi quét dọn phòng nhất thiết phải lau sạch bụi trên giá sách. Tôi thường hay lười lau giá sách. lại không ngờ trong những quyển sách y học có vẻ khô khan này lại ẩn chứa   chuyện thần kỳ kinh khủng. Trong kỳ nghỉ hè năm tôi tốt nghiệp tiểu học, tôi đã từng dở đọc những sách ấy, cũng không phát hiện chuyện thần kỳ ở bên trong.
          Anh trai tôi đã phát hiện. Lúc bấy giờ tôi học năm thứ hai phổ thông cơ sở, anh trai học năm thứ hai phổ thông trung học. Có một thời gian, nhân lúc bố mẹ tôi đi làm việc, anh trai tôi thừơng dẫn mấy bạn học nam về nhà rình rình mò mò trên gác, sau đó vọng xuống những tiếng kêu li kỳ cổ quái.
          Ở dưới gác tôi thường hay nghe thấy những tiếng kêu cổ quái ấy trên gác. Ban đầu tôi nghi ngờ trên gác có âm mưu bí mật gì. Nhưng khi tôi chạy lên gác, anh tôi và mấy bạn trai lại vui cười, cứ tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra, tôi xem xét kĩ lưỡng cũng không thấy được gì. Sau khi tôi xuống gác, tiếng kêu ly kỳ cổ quái lại nổi lên trên gác. Những tiếng kêu lạ này kéo dài gần hai tháng trong phòng bố mẹ tôi. Các bạn học của anh trai tôi lũ lựơt đến phòng bố mẹ tôi trên gác. Tôi cảm thấy tất cả các bạn trai của lớp đó đều đến phòng bố mẹ tôi trên gác.
          Tôi tin chắc trong phòng trên gác nhà tôi đang có chuyện bí mật mờ ám. Một hôm khi đến lượt tôi quét dọn vệ sinh. Như một trinh thám, tôi cẩn thận quan sát mọi ngóc ngách, không phát hiện ra gì.Sau đó tôi để ý đến  giá sách. Tôi nghi ngờ trong những sách y học ấy có thể kẹp cái gì đó. Tôi lấy từng quyển lục từng tờ rất cản thận Khi tay tôi dở quyển “Phẫu thuật học thân người”, thần kỳ đã xuất hiện Một hình vẽ âm hộ đàn bà màu sắc hiện tra trước mắt. Giống như tiếng sét đánh giữa ban ngày khiến tôi ngạc nhiên há mồm trợn tròn mắt, sau đó tôi như đói như khát xem kỹ từng chi tiết trong hình vẽ và toàn bộ lời thuyết minh về âm hộ đàn bà.
          Tôi không biết lần đầu tiên nhìn thấy bức tranh màu âm hộ đàn bà có phải mình đã kêu thất thanh? Lúc ấy tôi hoàn toàn sửng sốt, không hề biết mình phản ứng như thế nào. Điều tôi biết là sau đó các bạn học sơ trung của tôi bắt đầu lũ lượt kếo đến phòng ở gác hai nhà tôi phát ra những lời kinh hãi. Tiếp theo các bạn trai lớp cao trung của anh tôi rầm rập kéo đến gác nhà tôi, thì các bạn trai lớp sơ trung của tôi cũng đều để lại trên gác hai nhà tôi những tiếng cười phát ra từ tim phổi.
          Đọc sách bằng văn bản thứ tư của tôi nên bắt đầu từ năm 1977. Sau khi chấm dứt đại cách mạng văn hoá, những sách cấm bị xem là cỏ độc đã xuất bản trở lại. Các tác phẩm văn học của Tônstôi, Banzăc, ĐíchKen đầu tiên khi đến với hiệu sách thị trấn nhỏ chúng tôi, hiệu ứng ầm ĩ của nó y như những ngôi sao hiện nay xuất hiện ở nơi hang cùng ngõ hẻm. Người ta chạy đi bảo nhau,ngẩng đầu chờ đợi. Do loạt sách đầu tiên đến thị trấn nhỏ chúng tôi số lượng có hạn. Cửa hiệu sách cho biết, yêu cầu dân chúng phải xếp hàng lĩnh phiếu mua, mỗi người chỉ được một chiếc phiếu. Mỗi phiếu chỉ được mua hai quyển sách.
          Tôi còn nhớ như in cảnh tượng hoành tráng mua sách thời đó. Trước kki trời sáng, ngoài cửa hiệu sách đã có hơn hai trăm người xếp hàng thành dẫy dài , Để được phiếu mua sách, ngay từ tối hôm trước đã có người xách ghế đến ngồi bên ngoài cửa hiệu sách  xếp hàng trật tự  ngay ngắn thành một dãy. Họ ngồi thâu đêm nói chuyện vơí nhau. Những người mãi sáng sớm đến xếp hàng trước cửa hiệu sách nhanh chóng nhận ra mình đến muộn. Cho dù vậy, họ vẫn nuôi hy vọng may mắn đứng vào hàng ngũ rồng rồng rắn, họ cho rằng mình vẫn có cơ hội nhận được phiếu mua sách.
          Tôi là một trong những người đến muộn. Tôi cầm năm đồng nhân dân tệ trong túi quần. Đối với tôi thời ấy đây là số tiền lớn. Lúc tinh sương tôi chạy đến hiệu sách, tay phải luôn luôn cầm năm đồng bạc trong túi quần. Do chỉ vung tay trái cho nên người tôi cứ nghiêng sang một bên khi chạy đến hiệu sách. Tôi vốn cứ tưởng được xếp hàng đầu nhưng vừa đến trước hiệu sách tim đã lạnh đi một nửa, cảm thấy mình gần như đứng sau ba trăm người.Phía sau tôi vẫn có người đến tiếp. Tôi nghe thấy họ luôn mồm trách bản thân:
-         Dậy ngay từ lúc sáng sớm mà lại đến chợ muộn.
          Khi mặt trời mọc ở đằng đông, đội ngũ hơn ba trăm người này, chia thành hai phe, phe không ngủ và phe ngủ. Những người ở phe ngủ phía trước đều ngồi trên ghế cả đêm, họ cảm thấy cầm chắc trong tay phiếu mua sách, họ bàn nhau nên mua hai quyển sách gì. Phe đứng phía sau đều là những người sáng ra mới đến. Điều họ quan tâm là hôm nay phát bao nhiêu phiếu? Sau đó tin truyền bốn phía. Đầu tiên là những người ngồi ghế phía trước lên tiếng, sẽ không vượt quá một trăm phiếu, lập tức bị những người đứng phía sau phản bác. Giữa những người đứng có ai đó nói sẽ phát hai trăm phiếu, những người đứng ngoài hai trăm không đồng ý, họ bảo phải hơn hai trăm. Cứ thế số phiếu lên cao dần. Cuối cùng có người nói sẽ phát năm trăm phiếu. Toàn thể chúng tôi không đồng ý, cho rằng không thể có nhiều như thế.Tất cả có hơn ba  trăm người xếp hàng, nếu phát năm trăm phiếu thì toàn thể những người vất vả xếp hàng  sẽ tỏ ra ấu trĩ đáng cười.
          Đúng bảy giờ sáng, cánh cửa lớn của hiệu sách Tân Hoa của thị trấn nhỏ chúng tôi từ từ mở. Lúc ấy có một cảm giác thiêng liêng trỗi dậy trong lòng tôi. Cánh cửa lớn cũ kĩ  mở ra kêu ken két nghe chối tai, nhưng lại cảm thấy như tấm màn xinh đẹp sân khấu đang từ từ kéo ra. Một nhân viên công tác của hiệu sách đi ra ngoài cửa, trong con mắt chúng tôi , giống như người giới thiệu tươi tỉnh, tiếp theo cảm giác thiêng liêng trong lòng tôi tan biến. Nhân viên công tác ấy nói:
-         Chỉ có năm mươi tờ phiếu, bà con xếp phía sau hãy ra về.
          Y như một chậu nước lã dội trên đầu chúng tôi trong mùa đông, khiến  chúng tôi, những người đứng xếp hàng đằng sau lạnh từ đầu đến chân. Một số người hậm hực ra về, một số người ca cẩm trong bụng, một số người nói kháy chửi mát. Tôi đứng tại chỗ, tay phải vẫn nắm chặt năm đồng bạc trong túi, trong lòng thất vọng nhìn những người xếp hàng phía trước tươi cười lần lượt bước lên nhận phiếu mua sách. Đối với họ, phiếu sách càng ít, thì họ thức thâu đêm mất ngủ càng có giá trị.
          Rất đông người không có phiếu mua sách vẫn đứng ngoài cừa hiệu sách. Khi người mua sách đi ra, tươi cười phơi bày thành quả trong tay mình. Những người đứng ngoài hiệu sách chúng tôi chọn những ai quen biết xúm lại rất hâm mộ dơ tay sờ những quyển sách mới nguyên: “An na Katê li na”, “Cao lão đầu”, “Đa vít . Ko-pơ-fin ” Chúng tôi  đã sống quá lâu trong đói khát đọc, cho dù nhìn một cái trang bìa của những tác phẩm  văn học nổi tiếng đó, cũng lạ sự hưởng thụ to lớn. Có một vài người khảng khái, mở quyển sách cầm trong tay để những người không có sách xúm lại ngửi mùi mực dầu thoang thoảng. Tôi cũng có cơ hôi được ngửi mùi thơm sách.Lần đầu tiên tôi được ngửi mùi sách mới. Tôi cảm thấy mùi mực dầu thoang thoảng có sự thơm mát cuốn hút lòng người.
          Tôi nhớ kỹ nhất là chuyện mấy người xếp sau số năm mươi, có thể dùng  mấy chữ đau lòng nhức óc hình dung nét mặt mấy người này. Họ luôn mồm chửi bậy, có lúc như mắng chính mình, có lúc như  mắng người không biết tên. Chúng tôi những người đứng sau số hai trăm, chỉ thấy mất mát trong lòng một chút mà thôi. Những người xếp sau số năm mươi, mắt trân trân nhìn những con vịt luộc chín tuột khỏi tay đau khổ biết chừng nào.Đặc biệt là người thứ năm mươi mốt, khi ông nhấc chân đi vào hiệu sách bị chặn ở ngoài cửa, được cho biết đã phát hết phiếu. Ông cứ sững người không nhúc nhich,đứng một lúc, sau đó cúi đầu sang một bên, tay xách chiếc ghế, ông thẫn thờ nhìn người mua sách bên trong hớn hở đi ra, lại nhìn bọn chúng tôi  ở bên ngoài xúm lại dơ tay sờ mó sách mới như thế nào và lấy mũi ngửi sách mới như thế nào.Ông im lặng có vẻ kỳ lạ. Tôi mấy lần ngoái đầu nhìn ông, cảm thấy ông  hình như nhìn chúng tôi bằng ánh mắt khó hiểu.
          Sau đó, một số người trên thị trấn nhỏ chúng tôi đã bàn vài lời về người xếp thứ năm mươi mốt này, ông và ba người bạn chơi bài maĩ đến khuya, mới bê ghế ra trước hiệu sách, sau đó ngồi đến sáng. Nghe nói trong mấy  ngày sau đó, gặp người quen ông liền nói:
          -Nếu mình ít đánh đi một ván thì tốt, mình sẽ xếp thứ năm mươi mốt.
          Thế là năm mươi mốt cũng trở thành một lời nói thịnh hành một thời gian ngắn. Nếu có ai đó nói: “Tôi hôm nay năm mốt”, có ý là “hôm nay tôi xúi quẩy”.

          Ba mươi năm đã trôi qua, từ những năm tháng chúng tôi không có sách, chúng tôi đến một niên đại sách tràn lan quá thừa. Trung Quốc ngày nay  năm nào cũng xuất bản trên hai mươi vạn loại sách. Trước kia, trong hiệu sách không có sách để  bán. Hiện nay  sau khi trong hiệu sách quá nhiều, chúng tôi không biết nên mua sách gì. Đi đôi với bán sách chiết khấu trên hiệu sách trên mạng, hiệu sách trên mặt đất truyền thống,cũng lần lượt bán sách chiết khấu. Trong siêu thị đang bán sách,những cửa hiệu bán báo tập san  bên đường phố cũng bán sách. Còn có quán lưu động bên vỉa hè, họ cũng rao bán sách lậu với giá càng thấp hơn. Trước kia chỉ có sách bán lậu Trung văn. Hiện nay sách lậu tiếng Anh số lượng khá nhiều cũng bắt đầu có mặt trên đường lớn ngõ nhỏ của chúng tôi.
          Chợ sách Công viên địa đàn tổ chức hàng năm ở Bắc Kinh náo nhiệt như đi trẩy hội. Trên một chợ sách, hỗn tạp các loại, như giám thưởng sách cổ, bày bán tục ngữ dân gian, triển lãm nhiếp ảnh, chiếu phim miễn phí, biểu diễn văn nghệ, có cả biểu diễn thời trang, biểu diễn vũ đạo, biểu diễn ảo thuật. Ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, công ty qũy vốn  nhân cơ hội tung ra những sản phẩm quản lý tài sản tiền bạc của họ.
          Loa tần số cao phát ra những âm thanh oang oang lộng óc rát tai, hơn nữa âm nhạc thường hay bị ngắt bắt đầu chen vào thông báo tìm người. Trong một không gian người qua kẻ lại chen chúc, một vài nhà văn học giả  đứng bên trong ký tên bán sách, có cả những lang băm giang hồ bắt mạch trị bệnh, viết ra những tờ đơn thuốc giống như ký tên bán sách.
          Mấy năm trước, tôi đã từng làm việc ký tên bán sách tại đây,những tiếng nói ầm ĩ lanh lảnh luôn đập vào tai, giống như đứng trong phân xưởng của nhà máy tiếng máy rầm rầm. Trong những dẫy lều đơn sơ dựng nên tạm bợ, xếp đầy rất nhiều các loại sách, người bán sách  tay dơ loa rao bán sách, giống như con buôn trên thị trường thức ăn rao bán rau xanh, hoa quả, trứng gà cá thịt. Đây là những cảnh tôi có ấn tượng sâu sắc nhất, sách giá trị mấy trăm đồng được bó lại thành bó bán với giá rẻ như bèo, mười đồng hoặc hai mươi đồng. Người rao bán bên nầy “hai mười đồng một bó sách”vừa dứt,thì bên kia với giá ưu thế hơn “mười đồng một bó sách” lại nổi lên.
-         Giá nhẩy lầu! Sách kinh điển nổi tiếng mười đồng một bó đây!
Người rao bán lại còn than vãn;
-         Đâu có phải bán sách?Mẹ kiếp, quả thật là bán giấy lộn không bằng.
Sau đó tiếng rao bán đã biến tấu:
          - Hãy nhanh nhanh lên nào!Tiền mua giấy lộn có thể mua một bó sách kinh điển nổi tiếng!
         
          Nhìn nay nhớ xưa, khiến tôi cảm khái muôn phần. Từ chỗ hơn ba trăm người xếp hàng lĩnh phiếu mua sách trước cửa hiệu sách thị trấn nhỏ, đến rao bán mười đồng một bó sách kinh điển nổi tiếng ở siêu thị Công viên Địa đàn, ba mươi năm hình như chỉ cách nhau một đêm. Lúc này tôi quay lại nhìn quá khứ, truy tìm con đường đọc sách văn học trên ý nghĩa chân chính của mình, Sự lựa chọn của tôi bắt đầu từ buổi sáng sớm trước cửa hiệu sách năm 1977, đương nhiên sẽ không kết thúc trong tiếng rao bán trong chợ sách Công viên Địa đàn hôm nay.
         Tuy buổi sáng sớm hơn ba mươi năm trước hai tay tôi rỗng không, nhưng mấy tháng sau, sách văn học mới cứng đã xếp từng quyển từng quyển ngay ngắn trên giá sách của minh. Việc đọc của tôi sẽ không bao giờ còn như thời kỳ cách mạng văn hoá,ăn bữa nay không có bữa mai. Đọc sách của tôi đã bắt đầu ăn no mặc ấm, hơn nữa còn cuồn cuộn chảy tiếp dài mãi như sông Trường giang.
          Đã từng có người hỏi tôi:
-         Ba mươi năm đọc sách đã đem lại cho anh cái gì?
          Đứng trước câu hỏi này chẳng khác nào đứng trước biển cả mênh mông, tôi cảm thấy mình không thể trả lời.
          Trong lời kết một bài viết tôi đã từng miêu tả qua trình đọc của mình như sau:
          “Mỗi lần đọc những tác phẩm đại, tôi đều bị chúng dẫn dắt. Tôi như một em bé nhút nhát, cẩn thận túm chặt vạt áo chúng, hình như bước của chúng đi chầm chậm trong dòng sông dài thời gian. Đó là hành trình đan xen giữa ấm áp và bách cảm. Chúng dẫn dắt tôi đi, sau đó lại để tôi trở về một mình. Sau khi tôi trở về mới biết chúng đã vĩnh viễn chung sống với tôi”.
          Tôi nhớ lại một sáng sớm tháng 9 năm 2006, khi tôi cùng vợ đi trong khu phố cũ Dusaierduafu nước Đức, đột nhiên phát hiện nơi ở cũ của HeinrichHeine. Trước đó tôi không biết nơi ở cũ của Heine ở đâu. Trong dẫy nhà lầu liền nhau trước mặt phố, nơi ở cũ của Heine là màu đen, còn nhà bên trái bên phải nó đều là màu đỏ. Nơi ở cũ của Heine càng cổ kính hơn nhà cửa đã cổ kính bên cạnh nó. Giống như một tấm ảnh cũ, đứng ở giữa là ông bà đã qua đời, đứng hai bên là những người thuộc đời bố mẹ  ngày trước.
          Sở dĩ tôi nhắc đến chuyện cũ ba nươi năm trước là bởi vì buổi sớm ở Dusaierduafu khiến tôi trở về tuổi nhi đồng của mình, trở lại quãng thời gian khó quên tôi sống trong bênh viện.
          Trên đây tôi đã từng nói, trước kia tôi sống trong nhà gác tập thể của bệnh viện. Đây là một hiện tượng khá phổ biến ở Trung  Quốc thời đó. Công nhân viên chức ở thành phố thị trấn đa số ở trong đơn vị. Tôi lớn lên trong môi trường bệnh viện. Tuổi thơ của tôi lêu lổng rong chơi một mình trong khu bệnh của bệnh viện. Tôi thường hay đi vào buồng y tá, lấy mấy viên bông cồn lau hai bàn tay, đi lang thang trong hành lang khu bệnh, thăm mấy vị  bệnh nhân cũ quen mặt, sau đó đi nghe ngóng tình hình của bệnh nhân mới.Thời ấy tôi không thường hay tắm, nhưng hai tay tôi ngày nào cũng dùng viên bông cồn lau hơn mười lần. Tôi đã từng có đôi bàn tay sạch nhất thế giới, đồng thời ngày nào tôi cũng hít thở mùi lai-xôn trong bênh viện. Rất đông bạn học thời tiểu học của tôi đều ghét mùi này, nhưng tôi lại rất thích. Thời ấy tôi có một lý luận, đã dùng lai-xôn để khử trùng, vậy thì mùi của nó sẽ khử độc cho hai lá phổi của tôi. Bây giờ hồi tưởng lại, tôi vẫn cảm thấy mùi này tốt, bởi vì là mùi tôi khôn lớn.
          Bố tôi là một bác sĩ ngoại khoa. Phòng mổ của bệnh viện thời đó chỉ là một gian nhà mái bằng. Tôi và anh trai thường hay nô nghịch ngoài phòng mổ, ở đó có một bãi trống rất lớn. Khi nắng to bao giờ cũng phơi đầy ga trải giường. Chúng tôi thích chạy nhẩy giữa các tấm ga trải giường.Những tấm ga trải gường ướt rượt toả mùi thơm xà phòng va đập lên mặt chúng tôi.
          Đây là ký ức tốt đẹp của tôi thời trẻ con. Nhưng trong ký ức ấy còn có những vết maú lốm đốm.Tôi thường xuyên nhìn thấy bố mình sau khi từ phòng mổ đi ra, trên khẩu trang, trên quần áo mổ bám đầy vết máu. Gần phòng mổ có một ao nước. Y tá phòng mổ thường hay xách cái xô chứa những thứ lùng nhùng máu thịt cắt ra trên người bệnh đem đổ xuống ao.Sang mùa hè ao bốc lên mùi khăm khẳm, Ruồi nhặng bu kín đặc như phủ lên mặt ao một tấm thảm lông cừu thuần khiết.
          Thời ấy trong nhà gác khu tập thể bệnh viện không có thiết bị vệ sinh, chỉ có một nhà xí công cộng ở đối diện nhà gác tập thể.Nhà xác của bệnh viện cũng ở đối diện. Tường nhà xác và nhà xí xây sát nhau, mà lại đều trống huơ trống hoác. Mỗi lần tôi đi đại tiểu tiện đều phải đi qua nhà xác, đều nhìn vào trong theo thói quen. Trong nhà xác không có bụi bậm. Bên dưới cửa sổ nhỏ có chiếc giường xi măng. Ngoài cửa sổ  có mấy chiếc là cây rung khe khẽ. Trong ký ức của tôi  trong nhà xác có một cảm giác yên tĩnh khó miêu tả. Tôi còn nhớ, cây cối ở chỗ đó tươi tốt rậm rạp hơn hẳn cây cối ở chỗ khác.Tôi không biết do nguyên nhân nhà xác, hay do nguyên nhân nhà vệ sinh.
          Tôi ở hơn mười năm đối diện nhà xác, có thể nói tôi lớn lên trong tiếng khóc. Những người chết vì bệnh trước khi bị thiêu xác, họ đều nằm một đêm ở trong nhà xác, đối diện nhà tôi. Giống như các khách sạn trên con đường du lịch dài đằng đẵng, gian nhà xác đã thầm lặng tiếp đón những vị khách vội vàng đi từ sự sống đến cái chết.
           Trong rất nhiều đêm tôi đột nhiên thức giấc, lắng nghe tiếng khóc đau khổ sau khi những người ruột thịt qua đời. Trong mười năm tôi đã nghe hết lượt những tiếng khóc trên đời, về sau tôi cảm thấy đã không phải tiếng khóc, nhất là khi trời sắp sáng, tiếng khóc càng trở nên dai dẳng lâu dài, mà xúc động lòng người. Tôi cảm thấy  trong tiếng khóc tràn đầy tình thân thiết khó nói. Sự thân thiết đau đớn vô cùng ấy, có một thời gian tôi đã từng nhận thấy đây là những ca dao hay nhất trên đời, chính là lúc ấy tôi phát hiện đại đa số người đều qua đời trong đêm tối.
          Lúc ấy cái oi nóng của mùa hè rất khó chịu. Tôi thường xuyên khi ngủ trưa thức dậy nhìn thấy mồ hôi thấm ra in hoàn chỉnh thân thể  mình trên chiếu cói, có khi mồ hôi có thể ngâm trắng nước da mình.
          Một hôm, như ma xui quỉ khiến tôi đi vào gian nhà xác đối diện, hình như là đang từ dưới trời oi bức bước vào dưới ánh trăng thanh lạnh. Tuy tôi đã nhiều lần đi qua cửa nhà xác, nhưng lần đầu tiên bước vào đây, tôi cảm thấy trong nhà xác mát vô cùng. Sau đó tôi nằm xuống chiếc giường xi măng sạch sẽ. Tôi đã tìm được chố ngủ trưa lý tưởng. Về sau hết buổi trưa oi bức này đến buổi trưa oi bức khác tôi nằm trên giường xi măng trong nhà xác, cảm nhận sự mát mẻ thoải mái, có khi đi vào cõi mộng với cảnh tượng hoa tươi rực rỡ.
          Tôi lớn lên trong cách mạng văn hoá của Trung Quốc. Nền giáo dục thời đó khiến tôi trở thành một kẻ vô thần triệt để. Tôi không tin ma quỉ. Tôi cũng không sợ ma, cho nên khi tôi ngả lưng nằm xuống chiếc giường xi măng sạch sẽ trong nhà xác, đối với tôi nó không có nghĩa là tử vong, mà có nghĩa là đời sống mát mẻ trong muà hè oi bức.
          Tôi đã từng có mấy lần lúng túng khó xử. Nằm trên giường xi măng trong nhà xác, tôi vừa chợp mắt, đột nhiên có tiếng gào khóc dội đến đánh thức tôi dậy. Tôi lập tức nhận ra có người chết đến. Trong tiếng khóc mỗi lúc một gần, là vị khách tạm thời trên giừơng xi măng, tôi vội vàng bỏ đi, trả lại giường cho chủ nhân của nó.
         Đây là chuyện ngày xưa khi tôi còn bé. Quá trình lớn khôn có lúc là quá trình  quên lãng. Trong cuộc sống về sau của mình, tôi hoàn toàn quên quá khứ tuổi thơ tốt đẹp khiến ta run rẩy: Buổi trưa hè oi bức, nằm trên giường xi măng tượng trưng cho chết chóc, cảm nhận hơi thở nhân gian tươi mát.
          Mãi cho đến một ngày nào đó nhiều năm sau, tôi thi thoảng đọc lên câu thơ của Hai nơ “ Cái chết là đêm tối mát mẻ”.
          Ký ức tuổi thơ mất đã lâu, bỗng trở về trong trái tim run run, giống như vừa được tắm rửa, nó trở về rõ nét vô cùng,mà còn không bao giờ xa tôi nữa.
         
          Gỉa thử trong văn học thật sự tồn tại những sức mạnh thần bí, tôi nghĩ có thể là cái này. Tức là để một độc giả trong tác phẩm của nhà văn ở thời đại khác nhau, nhà nước khác nhau,dân tộc khác nhau, ngôn ngữ khác nhau và văn hoá khác nhau đọc được những cảm thụ thuộc về mình.Câu thơ Heinrich Heine đã viết ra chính là cảm thụ khi tôi ngủ trưa trong nhà xác hồi còn bé.
          Tôi nói với mình: “Đây chính là văn học”.
                                          Dư Hoa ngày27 tháng 6 năm 2009
                                                      Vũ Công Hoạn dịch xong ngày mồng 3/ 8 năm 2012
                              Theo cuốn Tản văn Dư Hoa: “Trung Quốc trong mười hai từ vựng”

1 nhận xét:

  1. Sẽ lần lượt đăng đủ 10 tản văn của Dư Hoa do nhà văn Vũ Công Hoan dịch và gửi Vũ Nho.

    Trả lờiXóa