TẢN MẠN
PHƯƠNG NGỮ LÀNG TRÈM
ĐÔNG CHI
Nội
trong huyện Từ Liêm này, từ xa xưa, đã thấy có sự khác biệt khá rõ
về phương ngữ (ngôn ngữ địa phương),
phương âm (phát âm địa phương) giữa các kẻ (làng) Noi (Cổ
Nhuế), Giàn, Cáo (Xuân Đỉnh), Đăm (Tây Tựu), Đông Ba, Thượng Cát, Nội,
Mạc, Hoàng (Liên Mạc), Vẽ (Đông Ngạc) Sù, Gạ (Phú Thượng)… với kẻ Trèm
(Chèm - Thụy Phương) ta. Mỗi phương ngữ, phương âm mang màu sắc độc
đáo, thú vị riêng, tạo nên một trong những đặc điểm bản sắc văn hóa
phi vật thể của một làng quê, một vùng điạ linh nhân kiệt. Trong bài
viết nhỏ này, chúng tôi chỉ tự giới hạn bước đầu tìm hiểu một
cách tản mạn, ngẫu hứng và sơ lược về một vài phương ngữ, phương âm
hiện tồn nhưng ít phổ biến ở làng Trèm - xã Thụy Phương ta.
Trước
tiên là cái tên Nôm cổ của làng,
bao lâu nay đã song hành 2 cách
nói - viết đối lập: Trèm và Chèm. Sự khác biệt được tạo bởi 2
phụ âm: ch – tr. Thực ra, một số nhà ngôn ngữ học và dân tộc
học đã khảo sát từ nguyên, chính tả, và lý giải rằng: Tên cổ
của làng ta (Trèm) xuất phát từ chữ p’lem à t’lem; đến thời Bắc thuộc,
tiếng Việt bị Hán hóa cách viết, cách đọc thành Từ Liêm; đến thời nhà Nguyễn (thế kỷ 19), trở thành tên 1
huyện phiá tây bắc tỉnh Hà Nội. Một trong những xu hướng phát âm của
người Hà Nội nói chung, người làng Trèm nói riêng, là nhẹ hóa phụ âm tr, giống như và lẫn với phát âm phụ âm ch. Bởi vậy: Trèm nói thành Chèm. Không chỉ trong ngôn ngữ nói mà dẫn chuyển cả sang ngôn ngữ viết (viết
như nói). Mặc nhiên, không biết tự bao giờ, cách nói - viết Chèm cứ dần chiếm ưu thế và thay thế cách nói – viết Trèm, kể cả các văn bản hành
chính, luật pháp chính thức. Nhưng riêng người viết bài này (dù có
ý kiến cho rằng tôi hay tự gây nhiễu
sự ngôn từ!) vẫn thường hay nói – viết theo cổ nhân (Trèm), ngõ hầu góp phần nhỏ mong
bảo tồn một trong những phương ngữ, phương âm cổ truyền độc đáo của
làng quê yêu dấu.
Trong
tiếng Việt ta, có tới trên dưới vài chục từ, ngữ biểu thị khái
nhiệm chết: từ trần, qua đời, tắt
nghỉ, yên giấc ngàn thu, thiên thu vĩnh quyết, khuất núi, về cõi, hai
năm mươi, trăm tuổi, nhắm mắt tắt hơi, lên tiên, xuống âm phủ, tuyền
đài, cửu tuyền (nguyên), chơi suối vàng, ngủ với giun, viên tịch, lên
Thiên đường, về với Chúa, sang Tây Trúc (Thiên), hạc giá tiên du, hết
tuổi trời, xuôi cẳng sáo, sang thế giới bên kia, đi Văn Điển, lên đài
hóa thân hoàn vũ, về với ông bà… Phương ngữ quê Trèm có 2 từ ngữ
đáng chú ý: 1. Ra Ba Gò (hoặc Gò Cao) là nơi tọa lạc nghĩa trang xã Thụy Phương. 2. Héo sữa. Sinh thời, cụ
Nguyễn V. và một vài cụ họ tôi rất thích sử dụng từ này. Ví dụ:
Chẳng may cụ X đã héo sữa, về
với tổ tiên rồi! Có lần tò mò, tôi thắc mắc với cụ V về ý nghĩa cụm động
(tính) từ kỳ lạ này. Cụ tặc lưỡi: - Thì các cụ xưa nói thế
thì mình cũng bắt chước mà nói vậy mà thôi! Riêng tôi cho rằng có
lẽ đây là 1 trong những từ ngữ độc đáo nhất của phương ngữ Trèm nói
riêng, phương ngữ Hà Nội nói chung.
Trong một
số công đoạn làm bánh chưng,
làng tôi có 2 phương ngữ: thẹp
và rộp. (Ví dụ: Bánh chưng ai thẹp, rộp nào cũng
ngon! (thơ NĐP, thôn Hồng Ngự). Thẹp
là luộc lại. Bánh chưng để dành
đã vài ngày, hơn tuần trở ra, lạnh, cứng, lá dong dính chặt vào vỏ
bánh, cực khó bóc. Muốn dễ bóc và ăn được nóng, ngon, cần cho vào
nồi (xoong) luộc lại. Rộp (danh từ
dùng như số từ) chỉ 2 (đôi, cặp) bánh chưng xếp úp bụng vào nhau. Người Trèm dùng
4 chiếc lạt giang mỏng, dẻo buộc chặt lại. Lại lồng 1 chiếc lạt nữa
làm quai xách, bỏ vào nồi luộc. Bánh chín, vớt ra, đặt, xếp hàng
từng dãy, từng rộp giữa hai tấm
cánh cửa gỗ phẳng. Dùng hai chiếc cối đá (để giã giò) hoặc 2 thùng
nước đầy đè lên, ép chặt cho ráo nước khoảng 10 – 12 h. Xong, treo
từng rộp bánh lên dọc bức thuận hay tường nhà, để dùng dần…
Một vài
phương ngữ, phương âm khác: Hón =
xinh xắn, nhỏ nhắn, vừa vặn, ưa nhìn (chỉ con gái hoặc đồ vật). Ví
dụ: Con bé nhà Y, thôn Đình hón
nhỉ! Cậu N mới mua được con xe rất hón!).
Bi (giờ) = bây giờ. Ví dụ: Bi giờ cô mới kể cho cháu nghe
chuyện này… (Lời nói cửa miệng của bà B, thôn Đồng). Khươm mươi niên, cửu mươi đại (có sự kết hợp giữa từ HánViệt và từ
thuần Việt rất bất ngờ, tự nhiên, hóm hỉnh, ngộ nghĩnh!) = rất lâu,
không biết bao nhiêu năm, bao nhiêu đời. Xu hướng phát âm: sáu à sấu, máu à mấu, gánh à ghính, chânà chưn… Những xu hướng phương âm
này chỉ tồn tại trong giao tiếp – nói; còn trong ngôn ngữ viết – văn
bản, hầu như không xảy ra với người làng Trèm. So sánh của dân Trèm:
nhà to như cái tàu tượng (ngôi nhà
đặt tượng Ông Voi, ông Ngựa, trông ra
Gảnh đình (đoạn bờ sông
trước cửa Đình Trèm).
Tên riêng các xứ (cánh) đồng làng.
Một số có thể suy đoán, giải thích được ý nghĩa; còn đa phần không
hiểu nghĩa ra sao, bắt nguồn từ đâu?! Chẳng hạn: Cầu Mới (xứ đồng chung quanh một cái cầu – nhà ngói nhỏ để thợ cày, cấy nghỉ chân, tránh
mưa…mới dựng), Cầu Gạo (bên cạnh
có cây gạo cổ thụ), Cầu Đìa
(bên cạnh có cái đầm nhỏ), Cầu Đồ
(?)… Cầu Ba cây (bên cạnh có cây
đa ba nhánh)… Ao Cá, Ao Dài (có lẽ vì ở đó xưa có một
cái ao dài thả cá)… Nhưng những địa danh sau thì không hiểu ý nghĩa
như thế nào: Lịp, Kiếu, Đống, Tranh,
Khóm, Đỗi, Đồng Thúy, Đồng Gia,
Đồng Vườn, Ba Đừng, Phiên Nha, Mả Tế…??? Thật phong phú và cũng
thật khó hiểu!
* Một vài phương
ngôn, ca dao, câu đối:
-
Tông (trông) hổng như cổng
làng Trèm!
Nghĩa đen: cổng làng Trèm bị tháo cánh, mất cánh cổng, suốt ngày
đêm toang hoang, hếch hoác (thời CCRĐ và sau đó,… cho đến nay, làng
Trèm quê tôi vẫn chưa phục dựng được 1 chiếc cổng làng nào!?). Nghĩa
bóng: có ý chê trách tính hớ hênh, thiếu kín đáo của một số người
làng Trèm.
-
Người làng Trèm không
thèm nói dối!: tự hào về tính thật thà, trung thực của người làng Trèm.
-
Giò Trèm, nem Vẽ. Ca ngợi đặc sản ẩm
thực của làng Trèm: giỏi chế biến các
món giò: giò lụa, giò pha, giò
mỡ, giò thủ, giò xào…cũng như làng Vẽ (Đông Ngạc) nổi tiếng về món
nem (chạo, thính).
-
Khỏa chèo, mình ngược
bến Trèm/Viếng Lý Ông Trọng, hoa chen mái Đình/Giò Trèm, ai gói xinh
xinh/Nắm nem làng Vẽ đậm tình quê hương (Ca dao Hà Nội).
-
Chùa Trèm - hộ pháp vẽ
(Vẽ)/Đình Kẻ – lợp ngói dày (Giầy). Sâu sắc, thú vị ở biện pháp tu từ đồng âm - chơi chữ: vẽ (động từ) và Vẽ
(danh từ riêng) – tên làng Vẽ (Đông
Ngạc); dày (tính từ ) và Giầy (danh từ riêng) – tên làng Giầy (xã Liên Trung, Liên Hà, phía trên
xã Thượng Cát ngày nay).
***
Rất tiếc, kẻ hậu sinh, hậu học này mới hiểu biết
được bấy nhiêu về phương ngữ quê hương. Kính mong được bạn đọc đồng
hương, nhất là các bậc cao niên, tiền bối, các nhà Trèm học thời nay đính chính và chỉ giáo. Xin cảm ơn
trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét