Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Một bài thơ độc đáo về HÀ NỘI




Text Box: J. Fossenbell. Nhà thơ, nhà ngôn ngữ học (quốc tịch Mỹ). Làm thơ từ năm 7 tuổi. Các tác phẩm, bao gồm thơ và các bài phê bình, đã in trên nhiều tạp chí thơ và tạp chí chuyên ngành, và thơ đã được trình diễn ở nhiều sự kiện và các liên hoan nghệ thuật. Giúp tuyển chọn thơ cho tạp chí Wazee Independent Journal. Thành lập và hiện đang điều hành nhóm những cây bút quốc tế tại Hà Nội mang tên"The Hanoi Writers"Collective"- để tạo diễn đàn và cộng đồng cho những nhà văn nhà thơ đang sống tại Hà Nội.



Một bài thơ độc đáo về Hà Nội

                             Vũ Nho

Lại ở giữa lòng Hà nội

 J. Fossenbell  viết tặng Hà Nội nghìn năm văn hiến

Thành phố, Người mở những ngón tay đón tôi vào lại những đường chỉ tay trên bàn tay Người.

Thành phố, Người giữ đầu mình trước mặt trời, để tôi được ở trong bóng râm mái tóc dày của Người.

Thành phố, Người nhổ và chặt và luộc và nhào trộn,
           đôi tay người thông minh như mèo và nhanh nhẹn như thằn lằn.

Thành phố, Người hát rao từ ngõ sang ngõ, gập người dưới đòn gánh, bước đi nặng nề bằng dép nhựa từ khi trở dậy đến khi buông xuống.

Thành phố, Người ngủ giấc ngủ của xương xẩu mệt mỏi, im lặng như nấm mồ, nhọc nhằn như lịch sử.

Thành phố, Người dang rộng những chiếc lá to trong mưa, nâng niu những tiếng lộp độp, sự bốc hơi, mùi vị sau khi khí carbon đã tiêu tán.

Thành phố, Người hút thuốc lào và để khói lơ lửng bay trên môi, cháy âm ỉ, chầm chậm, ngọt.

Thành phố, Người hối hả trên những sợi dây rối ren, biến vào những vết nứt với chỉ một vỏ cau trên lưng.
 
Thành phố, Người nhấc một vạt quần và đi tiểu vào bùn.

Thành phố, Người đấm nắm đấm vào châu thổ, tẽ sông, tạo hồ từ lòng nắm đấm.

Thành phố, Người tự kiến tạo, thân hình Người lớn lên, tay chân Người sinh sôi, bộ xương Người rền rĩ và ken két để tiến về phía thế giới mới bất cẩn.

Thành phố, Người hay cười; ngửa mặt, miệng rộng như sông, giọng mơ hồ như nước.

Thành phố Hà nội, Người không là mẹ của tôi nhưng Người bế tôi
            vào ngực Người và hát cho tôi nghe những bài hát tôi không thể hiểu
            nhưng mãi mãi không thể không lắng nghe.

                                                                 


 Nguyễn Phan Quế Mai dịch

Lời bình

Chúng ta là người Việt, vì vậy nói đến thủ đô Hà Nội là nói đến thủ đô của nước mình, người mình, nói đến trái tim của dân tộc mình. Nhiều nhà  nghệ sĩ có khi còn coi Hà Nội là sở hữu riêng  « Hà Nội mến yêu của tôi » cũng không ai lấy làm lạ vì tôi, ta,  mình, chúng tôi, chúng ta, chúng mình đều là cách xưng hô về mình. Với Jennifer thì khác. Hà Nội rõ ràng không phải là thân thiết cội nguồn với chị. Hà Nội là một thành phố như bao thành phố mà chị đã qua.  « Thành phố Hà Nội, người không là mẹ của tôi ». Cái  quan hệ khách quan, rõ ràng tuyệt đối đó làm cho tiếng nói của nhà thơ về Hà Nội có một vẻ riêng. Mỗi người yêu mến, biết ơn, ca ngợi mẹ mình là lẽ đương nhiên. Yêu mến và ca ngợi thành phố quê hương, thành phố thủ đô của nước mình cũng đương nhiên Nhưng nếu một thành phố xa lạ, bỗng nhiên trở nên thân thiết, gần gũi, bỗng nhiên mình không muốn rời xa thì ắt hẳn phải có một nguyên do đặc biệt. Đây, căn nguyên của tình yêu Hà Nội được Jennifer lí giải :

           Thành phố Hà nội, Người không là mẹ của tôi nhưng Người bế tôi
            vào ngực Người và hát cho tôi nghe những bài hát tôi không thể hiểu nhưng mãi mãi không thể không lắng nghe.
          Một Hà Nội  không là mẹ nhưng như người mẹ, bế đứa con bé bỏng vào lòng, và hát bài hát ru muôn đời. Có thể đó là bài hát về con cò, con vạc. Đó cũng có thể là bài hát sung chát đào chua. Dĩ nhiên người con nói tiếng Anh kia không thể cảm nhận được ý tứ sâu xa trong lời hát ru của  Người mẹ-Hà Nội. Nhưng cô đã lắng nghe và không thể ngừng nghe, mặc dù không hiểu. Có sao đâu. Tôi tin tưởng rằng mà đoan chắc rằng những đứa bé  Việt nằm nôi, nằm trong lòng mẹ hay được mẹ địu trên lưng và hát ru thì chúng cũng chẳng hiểu hết những lời bài ca của mẹ.
          Trong hình dung của nữ nhà thơ Mĩ, Hà Nội là một người đàn bà vạm vỡ. Hà Nội có tầm vóc của mẹ Âu Cơ, có sức mạnh của các vị thần khai thiên lập địa :
          Thành phố, Người đấm nắm đấm vào châu thổ, tẽ sông, tạo hồ từ lòng nắm đấm.

Thành phố, Người tự kiến tạo, thân hình Người lớn lên, tay chân Người sinh sôi, bộ xương Người rền rĩ và ken két để tiến về phía thế giới mới bất cẩn.

Thành phố, Người hay cười; ngửa mặt, miệng rộng như sông, giọng mơ hồ như nước
          Và tấm lòng của thành phố thật rộng mở, bao dung, chở che, nhân hậu. Người đã đón cô bé người Mĩ vào bàn tay  khổng lồ của mình với những đường phố như đường chỉ tay. Người đã dùng mái tóc dày của mình che  mặt trời nhiệt đới chói chang tạo bóng mát, như cây đa làng tạo bóng mát che rợp tuổi thơ những đứa trẻ làng quê.
          Đằm trong tình thương yêu và che chở của thành phố, người thơ thấy biết bao là kì lạ của thành phố Hà Nội, của con người Hà Nội tượng hình trong hình dáng một người đàn bà không lồ nhanh nhẹn làm lụng miệt mài : Dậy từ bình minh làm cho đến lúc hoàng hôn. Người nhổ, chặt, luộc…, người  chế biến thức ăn, người bán hàng rong rao như hát, người làm ra những mùi vị thơm ngon từ những bếp than tổ ong đầy khí các bon; người hối hả trên những sợi dây rối ren.  Người nâng niu những tiếng lộp độp, những làn hơi nước của cơn mưa rào. Và thật thú vị, người hút thuốc lào theo kiểu riêng Hà Nội mà có lẽ chỉ có Jennifer là người đầu tiên cảm nhận :
          Thành phố, Người hút thuốc lào và để khói lơ lửng bay trên môi, cháy âm ỉ, chầm chậm, ngọt.
          Tuy nhiên, không phải toàn là những lời ngợi ca Hà Nội. Nhà thơ còn cảm thông với những vất vả, cực nhọc của thành phố cần lao :
          Thành phố, Người ngủ giấc ngủ của xương xẩu mệt mỏi, im lặng như nấm mồ, nhọc nhằn như lịch sử.
          Và đây nữa, thành phố quá đông người và nhà vệ sinh không đủ cho nên mới có hình ảnh này:
          Thành phố, Người nhấc một vạt quần và đi tiểu vào bùn.
Hà Nội  còn vất vả, Hà Nội còn nhọc nhằn cả trong giấc ngủ, Hà Nội còn phải đun than tổ ong thải ra nhiều khí các bon, (Hà Nội còn xả rác lên tường với những nham nhở quảng cáo khoan cắt bê tông, cho thuê gia sư, o sin  lẫn với hút bể phốt,… mà nhà thơ chưa kể đến). Hà Nội còn có những việc, những điều chưa đẹp. Nhưng không vì thế mà Hà Nội không lớn lao, kì vĩ. Không vì thế mà tình yêu và sự kính trọng Hà Nội của nhà thơ Mĩ giảm đi. Chính vì lẽ đó chăng mà khi Hilary, bạn của Jennifer thay cô đọc bài thơ này ở Lâu đài trắng Tuần Châu trong dịp Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam, bài thơ đã được cử tọa hoan hô nhiệt liệt.
          Tiếng Anh khi tạm biệt có câu “ See you again” tỏ mong muốn được gặp lại một lần nữa.  Cũng giống như tiếng Hán nói “tái kiến”, tiếng Nga nói “ đến cuộc hẹn sau”. Nhan đề của bài thơ “ In Ha Noi, again” phải chăng  có nghĩa “Lại ở trong lòng Hà Nội” như Nguyễn Phan Quế Mai đã dịch, hoặc là “ Trong lòng Hà Nội, một lần nữa”. Nhưng  tôi rất muốn hiểu đây còn như là mong muốn “Lại được một lần nữa trong lòng Hà Nội”, như là sự biểu thị niềm vui, niềm mong ước gặp gỡ với thành phố đã  xòe tay đón, đã âu yếm bế  nhà thơ vào lòng và hát ru bằng tấm lòng người mẹ.
                                                         
Khai bút năm Canh Dần
                                                          Sáng 1 tháng Giêng 2010

         


         

2 nhận xét:

  1. Cám ơn nhà thơ Mĩ đã cho chúng ta một cái nhìn khác và mới về HÀ NỘI!

    Trả lờiXóa
  2. Thua dich gia Phan Que Mai và nha giao, binh gia Vu Nho. Ca hai thien y cua hai vi toi deu that tran trong va cam dong truoc tinh nguoi sang dep cua motj tac gia tho nguoi My nhu tren. Tuy nhien, neu la nguoi lam tho và cung tung lo mo viec chuyen ngu thi xin man phep nghi: Cau " In Ha Noi, again" MKT toi xin dich la: "Xin O lai trong long Ha Noi". Nhu the, luu luyen va nghia tinh chu dong lăm thay! Boi: Motj nguoi à"­mai mai khong the khong lăng nghe" -loi hat -cua nguoi- Thanh pho Ha Noi- Thi cach dien dat ra tieng Viet nhu Phan Que Mai và thay Vu Nho cung hoi bi cung nhac chang?

    Trả lờiXóa