Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

THƠ VỚI KHÁNH THƠ



                                     


THƠ VỚI KHÁNH THƠ

                         Đọc Thơ và một số gương mặt thơ Việt Nam hiện đại
                                                  Nhà xuất bản KHXH, 2005

                                                                  Vũ Nho

          Không rõ sự đặt tên của các cụ có một dự cảm định hướng nào không, mà cô gái Lưu Khánh Thơ lại chọn Thơ làm đối tượng nghiên cứu phê bình chủ yếu của đời mình. Bảo vệ luận văn Tiến sĩ đề tài thơ tình Xuân Diệu; viết nghiên cứu, tiểu luận, phê bình về thơ Việt Nam hiện đại trong tiến trình lịch sử của nó, phê bình các tác giả  thơ nổi tiếng hoặc đang trên đường tìm tòi khẳng định mình; viết về người thân thì cũng là ba nhà thơ tên tuổi. Nghiên cứu, phê bình thơ là duyên nghiệp của Lưu Khánh Thơ và tập tiểu luận, phê bình "Thơ và một số gương mặt thơ Việt nam hiện đại" có thể coi như thành quả đầy đặn của duyên nghiệp ấy.
          Lướt qua ba phần của cuốn sách, có thể thấy tác giả nghiêng hẳn về nghiên cứu vấn đề, nghiên cứu, phê bình tác giả hơn là nghiên cứu các tập thơ, các bài thơ cụ thể. Không kể  bài viết về  khía cạnh cảm hứng nhân văn và những bài học lớn trong tập Nhật kí trong tù, hai bài viết về hai trường ca của Anh Ngọc và Thi Hoàng, người viết chỉ có ba lần phê bình ba tập thơ của Lê Thành Nghị, Hà Minh Đức và Ý Nhi. Phải chăng việc nghiên cứu của nghiên cứu viên ở Viện Văn học thường xuyên bao quát những vấn đề, những tác giả trong công trình chung của Viện đã chi phối xu hướng nghề nghiệp ấy?
          Mặc dù chia làm ba phần, nhưng cuốn tiểu luận, phê bình gồm các bài viết chính là nghiên cứu và phê bình. Có điều
Lưu Khánh Thơ là người luôn luôn dung hoà cả hai lối nghiên cứu và phê bình trong mỗi baì viết. Khi trình bày những vấn đề khái quát, những thành tựu nghiên cứu, người viết cũng đã làm nhiệm vụ phê bình. Và ngược lại, khi phê bình tác giả về một tập thơ hay một đời thơ, người viết cũng nhìn nhận bằng con mắt nghiên cứu, khái quát. Đây là một ưu điểm cơ bản của ngòi bút Lưu Khánh Thơ. Không hàn lâm khô khan nhưng cũng không trực cảm, tản mạn; vừa có sự chắc chắn, chặt  chẽ chừng mực của nghiên cứu, lại vừa có sự tươi tắn, nhẹ nhõm, khoáng hoạt của phê bình. Tất nhiên, không phải bài viết nào trong tập cũng đạt được điều này.
          Thành tựu của người làm nghiên cứu văn học phụ thuộc rất nhiều vào tầm bao quát tư liệu, nhất là đối với văn học cổ. Việc tập hợp khá đầy đủ tư liệu đã có thể đảm bảo gần một nửa của sự thành công. Đôi khi sự phát hiện các tư liệu mới có thể làm đảo lộn kết luận, làm thay đổi cả kết quả nghiên cứu. Mặt khác, thành tựu ấy còn phụ thuộc vào năng lực của người nghiên cứu. Đó là khả năng phát hiện vấn đề, đề xuất quan niệm mới trên cơ sở những tư liệu cũ. Đó còn là khả năng khái quát, tìm ra những quy luật mới, những kết luận mới trên cơ sở những kết quả của quá trình nghiên cứu trước đó.
          Việc nghiên cứu thơ Việt Nam hiện đại không trông mong nhiều vào những phát hiện tư liệu mới, mà chủ yếu là tính chất hệ thống của tư liệu. Về điều này, Lưu Khánh Thơ là cán bộ của Viện Văn học, lại ở Hà Nội, nên chị có nhiều ưu thế. Những tư liêu chị  căn cứ và dẫn ra khá phong phú, hệ thống. Một số vấn đề tác giả quan tâm là những vấn đề quan yếu đối với lịch sử thơ ca Việt Nam hiện đại : Thơ văn cách mạng trước năm 1945 qua những người mở đường; Vấn đề mới- cũ trong thơ Việt Nam trước năm 1945 nhìn từ phong trào Thơ mới; Thơ trong bước ngoặt lịch sử tháng Tám 1945; Thơ những năm chống Pháp qua phê bình văn học; Thơ và phê bình thơ... Tác giả không phải là người đầu tiên đặt ra và kiến giải những những vấn đề này, nhưng chị đã góp phần quan trọng làm sáng rõ, minh định khá rành mạch những điều còn thiếu rõ ràng hay chưa có kết luận thoả đáng. Chẳng hạn, khi bàn về  thơ mới và thơ cũ, Khánh Thơ đã dứt khoát chỉ ra thơ cổ điển bị bài bác khi ấy không phải là thơ cũ; thơ ca Cách mạng cũng không phải là thơ cũ; thơ cũ là  thơ tuân thủ nghiêm ngặt các luật lệ , bị bó buộc đến mất tự nhiên và sinh thú và khi cuộc đấu tranh đã kết thúc thì chẳng còn phân biệt mới hay cũ nữa. Đồng thời nhà nghiên cứu cũng mạnh dạn chứng minh rằng" Nếu thơ mới vẫn theo lối thất ngôn, và vẫn chưa dứt bỏ mỗi khổ thơ bốn câu theo lối tứ tuyệt thì thứ thơ gọi là tứ tuyệt đó chẳng còn đâu nữa cái trật tự đề, thực, luận,  kết...", " ở đó không chỉ hồn mà cả xác của thơ cũ đã hoá thân thành thơ mới" (tr.40).
          Với độ lùi cần thiết của thời gian, Lưu Khánh Thơ đã thấy được và chỉ ra hạn chế của việc phê bình thơ đối với thơ kháng chiến của hai cây bút phê bình, tổng kết sớm thơ kháng chiến là Xuân Diệu và Hoài Thanh. Việc truy tìm cái buồn, phê phán "gay gắt và phi lí" của Hoài Thanh, việc cả hai ông - Xuân Diệu và Hoài Thanh- hiểu đại chúng hoá một cách giản lược do áp lực của thời đại "nhất trí ở một tiêu chí đánh giá về thơ hay - đó phải là thơ của đại chúng, hoặc được như thơ của đại chúng" (tr. 78) rõ ràng là một hạn chế. Lưu Khánh Thơ đã coi đây là "nhìn nhận và đánh giá nhất thời theo những tiêu chí chủ quan trước sức ép của thời cuộc" sẽ được điều chỉnh và cần điều chỉnh.
          Nhận xét về một số cây bút nữ xuất hiện trong thời kì đổi mới, tác giả tỏ ra điềm tĩnh và có những đánh giá khá đạt lí, thấu tình. Đối với một số những tiểu luận khác, người viết đã chạm vào vấn đề, có chỗ đi sâu, có chỗ mới chỉ gợi ra đôi nét nhận xét ban đầu. Nhưng có một điểm dễ nhận thấy là tác giả viết lí luận, khảo cứu bằng một ngòi bút giàu nữ tính, điềm đạm và chừng mực.
          " Phê bình thơ bây giờ thật khó. Khối lượng hàng trăm tập thơ xuất bản trong một năm quả tình là một sự thách đố đối với công việc của nhà phê bình"(tr. 135). Lưu Khánh Thơ đã thốt lên như vậy trong một bài viết. Thế mà rồi chị vẫn dũng cảm lao vào thách đố đó  để thử phác thảo diện mạo " Thơ năm 1992" và " Diện mạo thơ năm 1998". Bài viết như là một thăm dò, thử nghiệm của người nghiên cứu, phê bình. Nó cho thấy cái khó của việc theo dõi, tổng kết cũng như nhận định, đánh giá, dù chỉ ở mức bước đầu. Lấy một năm bội thu thơ, một năm  "lạm phát" thơ làm đối tượng xem xét, người viết đã cố gắng phác thảo diện mạo, xác định  một số khuynh hướng tìm tòi, phát triển, nêu lên cố gắng đổi mới của một số tên tuổi. Tuy kết quả chưa được như mong đợi nhưng cái công sức bỏ ra để làm công việc đó có chỗ cũng chẳng kém gì tác giả Thi nhân Việt Nam khi tổng kết phong trào thơ mới. Lưu Khánh Thơ đã  thử cắm  mốc của thơ nước nhà năm 1992 và năm 1998 trên chặng đường tìm tòi, đổi mới và phát triển của nó.
          Như trên đã nói, Lưu Khánh Thơ lấy việc phê bình tác giả, phê bình đời thơ làm hướng viết chính của mình. Tinh thần nghiên cứu hệ thống, khái quát của một nghiên cứu viên là một cái thuận lớn cho công việc này. Tác giả được chị nghiên cứu, phê bình, có người nổi tiếng, có người chưa nổi tiếng, song có tên tuổi ở mức độ khác nhau. Nhưng tất cả đều được người viết trân trọng, chắt chiu. Vừa theo phương châm của Hoài Thanh lấy hồn ta để hiểu hồn người, vừa theo phương châm mới (của riêng chị) đọc hồn người để  thêm hiểu hồn ta. Ngòi bút phê bình của Khánh Thơ đem đến cho bạn đọc khá nhiều những điều thú vị. Chẳng hạn, đánh giá về thơ Vi Thuỳ Linh
(tr. 110- 112). Đánh giá tập  "Riêng chung" của Xuân Diệu (tr.183-184). Sau khi đã khẳng định cố gắng kiên định ý thức và tư tưởng mới, để cho cái mới được và sớm đến với thơ, chị  viết :"Tựa đề Riêng chung hình như nghiêng về phía nhà thơ phấn đấu cho cái chung chiến thắng cái riêng, chứ không phải là sự hoà hợp riêng chung". Có thể nêu vài ví dụ nữa. Khi viết về Xuân Quỳnh và sự chân thật trong tình yêu (tr. 230). Khi viết về bài thơ Ý Nhi tặng bạn thơ cùng thế hệ tài hoa bạc mệnh "Chị thương cảm, xót xa với bạn nhưng cũng là để giãi bày, chia sẻ những đa đoan, lận đận của riêng mình" (tr.320)...
          Một điều dễ cảm nhận là bên cạnh cái được của những thi nhân mà chị  nghiên cứu, phê bình thường được đánh giá đúng mức, không thái quá nhưng cũng không bất cập, chúng ta còn thấy Lưu Khánh Thơ là người cởi mở, thẳng thắn. Nói thẳng nhược điểm, yếu kém của đối tượng là một trong những điều khó khăn nhất cuả người phê bình. Chẳng thế mà có nhà phê bình tiền bối đã né tránh bằng cách chỉ tìm cái tốt để khen ngợi, để biểu dương và không chê cái dở, không bao giờ chê cái dở vì cái dở không đại diện cho cái gì hết. Nhưng Lưu Khánh Thơ thì không thế. Chị sẵn sàng khen, nhưng cũng dám chê. Khi thì chê khéo Xuân Diệu, Hoài Thanh bằng hai từ "đáng tiếc". Nhiều khi  chê một cách thẳng thắn, không phải rào đón, hay bóng gió vòng vo. Đó là các trường hợp ở trang 67, trang 279, trang 289, trang 321. Sự thẳng thắn này có thể coi là sự sòng phẳng, chân thành của cây bút có bản lĩnh.
          Ấn tượng mạnh và nhiều cảm tình là những bài viết về người thân của Lưu Khánh Thơ. Có lẽ vì ở đây, sự hiểu biết tỉ mỉ đời thường, tình yêu thương trân trọng, sự gắn bó sâu sắc, thiêng liêng với người thân đã làm cho ngòi bút trở nên thăng hoa, uyển chuyển và lắng đọng. Không có ranh giới giữa nghiên cứu với phê bình, không có khoảng cách giữa người viết và đối tượng mà chỉ có tình. Tình con với cha, tình em gái với anh trai, tình em với chị dâu. Cái tình ấy đã làm cho những trang viết đầy ma lực.
          Dĩ nhiên, một qúa trình hai mươi lăm năm làm việc, chất lượng bài viết không đều là không tránh khỏi. Có những chỗ trùng lặp. Có những chỗ dàn trải. Có những chỗ nhiều lời, ít ý. Thế nhưng Thơ và một số gương mặt thơ Việt Nam hiện đại là một tập sách đáng trân trọng của một cây bút nữ bền bỉ với thơ ca. Để kết lại, xin mượn câu Lưu Khánh Thơ viết về các nhà thơ nữ: " Hi vọng rằng sẽ còn những cơ hội khác để được đọc, được xem xét, tìm hiểu và yêu mến (...) người không chỉ làm đẹp cho đời bằng chính thiên chức, bổn phận của mình mà còn bằng cả tiếng nói thơ ca riêng có" (tr. 106).
                                                                  
                                                                   Hà Nội, 30/9/2005
         
         
         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét