ĐÊM
HỘI XOÈ MƯỜNG LÒ
Ngọc
Bái
Đêm
xuống ngà ngà như rượu rót
Ngà ngà làng bản nhịp xoè dângTôi không biết múa nhưng tôi đã
Bước theo nhịp lượn bước lâng lâng
Trời đất sinh em, em xinh thế
Trời đất sinh tôi, để tôi nhìn
Thiên nhiên phóng khoáng, em hồn hậu
Tôi khách đường xa những giữ gìn
Đêm thế là đêm say cổ tích
Sóng sánh em tôi chỉ mỉm cười
Thì cứ nhịp xoè cho thoả thích
Không thế rượu gì cũng mất vui.
Lời bình của Vũ Nho
Đã từng lâng lâng trong men rượu, say bốc trong âm nhạc, phơi phới trong bước đi như có cánh của vòng xoè đôi bận, nên gặp " Đêm hội xoè Mường Lò " của Ngọc Bái, tựa hồ tôi gặp lại một cố nhân. Tôi còn nhớ mãi không quên phút giây ấy, khi nhập hội mọi người, nhất là các cô gái, các chàng trai đều như đang nhập đồng mê trong " nhịp xoè dâng ". Ấn tượng "ngà ngà" phải nói là đã diễn tả được cái thần của đem hội. " Ngà ngà " từ trên trời xuống theo màn đêm, " Đêm xuống ngà ngà ….", " Ngà ngà " từ dưới đất lên, " Ngà ngà làng bản nhịp xoè dâng ". " Ngà ngà " toả từ trong lòng những người về đêm hội. Chính trong không khí say sưa thân mật ấy là nguồn khơi gợi, kích thích và mời gọi thiết tha. Men hội xoè ngấm nhanh. Một khi đã ngấm, nó làm cho người ta không cần phải rụt rè, ý tứ quá, nó xua tan mọi mặc cảm mới - cũ, lạ - quen, già - trẻ…
Vì thế nhà thơ kia "chẳng biết múa " nhưng đã bước qua sự ngượng ngùng nhập vào vòng xoè.
Tôi không biết múa nhưng tôi đã
Bước theo nhịp lượn bước lâng lâng
Chỉ cần đọc đúng nhịp, ta sẽ thấy lí thú của chữ "đã" đặt châng lâng ở cuối câu thơ.
Nhập vào vòng xoè rồi, không phải nhìn xuống cái chân chăm chú cho nó không lỡ nhịp, nhà thơ đã có thể đắm đuối:
Trời đất sinh em, em xinh thế
Trời đất sinh tôi, để tôi nhìn
Anh ngắm nhìn, ấy là cái lẽ của trời đất, tưởng như mục đích của đời anh chỉ có mỗi việc nhìn. Nhưng không sao, mọi người đang xoè nên chẳng ai để ý. Anh thì biết vậy nhưng cũng văn hoá lắm. Dù rất ham nhìn, anh cũng đủ tỉnh táo để không "chằm chằm" vào đối tượng, mà còn trông ra "thiên nhiên phóng khoáng" và ý tứ " Tôi khách đường xa những giữ gìn ".
Xoè càng cao trào thì người ta càng say. Cô em mỉm cười khích lệ mà người nhìn đã thấy sóng sánh.
Thì cứ nhịp xoè cho thoả thích
Càng xoè thì họ càng đi xa. Xa đêm thực để đi vào đêm mơ. Xa đêm đời thường bây giờ để đi vào đêm cổ tích. Mà đã lạc vào thế giới cổ tích thì người ta quên hết phiền não, khổ đau chỉ còn là thần tiên, chỉ còn là kì diệu.
Bây giờ chân dẻo, tay dẻo, thành người của Mường Lò rồi, thành người trong cổ tích rồi, cho nên hăng lắm, muốn vui nữa, vui mãi, vui bất tận….
Có lẽ đó là cái lí do cắt nghĩa hội xoè vì sao vẫn sống mãi với những người dân lao động dù qua bao thăng trầm của lịch sử.
VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét