PHẠM DUY – NGƯỜI ĐẾN CÕI VỀ
Posted on 28.01.2013 by nguyentrongtao
NGUYỄN TRỌNG TẠO
Tôi
không hợp lắm với nhạc sĩ Phạm Duy như đối với Văn Cao và Trịnh Công
Sơn, nhưng khi nghĩ về ca khúc Việt, nếu chọn 3 người thì tôi chọn 3
nhạc sĩ này. Có lần tôi đề nghị bạn bè chọn cho tôi người thứ 4, và
nhiều tên tuổi lớn được đưa ra, nhưng rốt cuộc, các lựa chọn đều nấn ná
không dứt khoát. Tất nhiên là mỗi người đều có những quan niệm riêng,
nhưng chọn Văn Cao, Trịnh Công Sơn và Phạm Duy thì thường ít gây tranh
cãi nhất. Đó là những nhạc sĩ có ấn tượng mạnh mẽ trong lòng công chúng
âm nhạc Việt Nam, và họ đều là những nhạc sĩ lớn của dân tộc.
Nhớ mấy năm trước năm 2000, các tờ báo ở
Việt Nam không hề được nhắc tên Phạm Duy từ sau khi ông Trần Bạch Đằng
dẫn lời ông Tố Hữu nói về người nhạc sĩ này: “Với Phạm Duy thì bỏ khúc giữa, lấy khúc đầu và khúc đuôi”.
Khi làm Thư ký tòa soạn tạp chí Âm Nhạc của Hội Nhạc Sĩ Việt Nam, tôi
hiểu rõ sự húy kị không văn bản đó. Nhưng rồi năm 1998, nhà văn Hoàng
Phủ Ngọc Tường đi Pháp có dịp gặp Phạm Duy và nghe nhạc của ông, tôi đã
đặt anh viết một bài báo về cuộc gặp gỡ đó. Hoàng Phủ Ngọc Tường viết
ngay bài “Đêm nghe Kiều ca cùng Phạm Duy ở Paris” khá hay, tôi
định đưa in ngay, nhưng lại sợ báo mình bị “phạt” nên tạm để bài lại vào
tệp bài chờ. Lúc đó tôi đang viết thêm cho mục “Thư ra hải ngoại” của
báo Đại Đoàn Kết, và tôi quyết định đưa vấn đề Phạm Duy lên mục này của
tờ báo bạn, qua bức thư gửi một người bạn Việt kiều. Trong lá thư đó tôi
có nhắc chuyện Phạm Duy muốn về thăm đất nước bằng một lời mời từ Việt
Nam, và tôi nhắc lại những bài hát cách mạng thời kháng chiến chống Pháp
của ông cùng với kỷ niệm về “Bà mẹ Gio Linh” – một ca khúc nổi
tiếng – Phạm Duy viết trong chuyến đi vào Quảng Trị thời bấy giờ. Cuối
thư là một lời nhắn gửi chân thành: “Nếu nhạc sĩ Phạm Duy thực sự muốn
về thăm quê thì ông hãy về theo lời mời của chính ông, nghĩa là có thể
về theo con đường du lịch”. Bức thư được đăng lên báo, và phản ứng của
A25 (CA bảo vệ văn hóa văn nghệ) lúc ấy là… đồng tình. Vậy là tôi cho
đăng luôn bài viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường lên tạp chí Âm Nhạc.
Tháng sau, nhạc sĩ Hoàng Dương cho biết
là ông đã phô-tô 2 bài báo đó gửi cho Phạm Duy. Rồi Phạm Duy gọi điện
liên lạc với tôi rất vui vẻ và nói là ông sẽ về thăm quê.
Chuyến về thăm quê của Phạm Duy sau 25
năm xa nước thật vui. Nhà thơ Hoàng Cầm “cử” con trai là Hoàng Kỳ ra sân
bay Nội Bài đón và tặng hoa. Khi ông về ở khách sạn Sofitel Plaza Hà
Nội, nhạc sĩ Trần Hoàn lúc ấy là Phó ban Tư tưởng Văn hóa TW đến thăm và
chuyện trò thân mật. Phạm Duy gọi điện hẹn tôi đến chơi. Khi tôi đến
hơi muộn giờ hẹn, đã thấy ông ngồi chờ ở phòng khách, và câu chuyện
không ngoài niềm vui trở về của ông. Tóc ông bạc trắng bồng bềnh như mây
ôm lấy khuôn mặt đầy đặn với nụ cười hiền hậu khiến tôi không nghĩ là
ông đang bước vào tuổi tám mươi.
Mấy ngày sau trong một cuộc vui, tôi và
Nguyễn Thụy Kha nhờ nghệ sĩ Ngọc Bảo tác động để ông Phạm Thế Duyệt (ủy
viên BCT) gặp Phạm Duy, và ông Phạm Thế Duyệt đã tiếp Phạm Duy tại trụ
sở Ban Việt Kiều TW. Nhạc sĩ Trọng Bằng, Tổng thư ký Hội Nhạc Sĩ VN cũng
đã đến dự và tặng hoa cho người nhạc sĩ tài ba, có nhiều bài hát mà ông
đã thuộc từ hồi còn nhỏ.
Từ đó, Phạm Duy trở về nước nhiều lần.
Lần nào về, ông cũng gọi điện cho tôi và Nguyễn Thụy Kha đi ăn sáng cùng
ông, thường thì ăn “phở Lý Quốc Sư” gần nhà Hoàng Cầm. Rồi đầu năm
2005, ông cho biết là ông muốn rời Hoa Kỳ về sống hẳn ở Việt Nam những
năm cuối đời. Ông nói: “Tôi ở hải ngoại chỉ có 2 triệu công chúng, nhưng
tôi về nước là về với 80 triệu đồng bào”. Đó là một tin vui đối với
công chúng yêu nhạc Phạm Duy, nhưng với chúng tôi còn có một niềm vui
khác là nhà nước đã “cởi mở” hơn đối với những tài năng được gọi là “có
vấn đề”.
Ngày 17.5.2005 tin Phạm Duy rời hẳn Hoa
Kỳ về nước chính thức được loan báo trên nhiều phương tiện truyền thông
của Việt Nam với dòng chữ tô đậm: “9 giờ 45 ngày 17-5-2005, nhạc sĩ Phạm Duy đã về đến phi trường Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Ông đã nhiều lần về VN, nhưng đây là lần về rất đặc biệt: về ở hẳn…”.
Ngày đó, tôi đang trên đường đi Nghệ An
thì nhận được điện thoại của VietNamNet đề nghị trả lời phỏng vấn. Tôi
đã trả lời trên chiếc xe đang chạy tốc độ đường dài, và rất vui khi nói
rằng: “Nên để cho cả những bài hát hay, bài hát đẹp về quê hương đất
nước và tình yêu của Phạm Duy được trở về nước cùng ông…”. Cuộc trả lời
của tôi vẫn còn được lưu đâu đó trên mạng:
“1. Theo tôi, dù ở đâu, phương trời
nào trên trái đất này, Phạm Duy cũng không thoát khỏi “con người Việt”,
không thể tách rời khỏi hồn Việt. Đó là định mệnh của một con người mà
gốc gác âm nhạc là từ hồn Việt mà ra. Tôi nói như vậy là vì những lý do
sau đây:
- Ông là người đầu tiên đưa dân ca
vào ca khúc Việt. Những bài hát của ông thấm đẫm tâm hồn Việt. Nói một
cách minh bạch, chúng ta phải ghi công Phạm Duy ở khía cạnh này. Ông
cũng là người đầu tiên lấy cảm hứng âm nhạc từ Truyện Kiều của Nguyễn
Du. Bộ “Kiều ca” của ông được sáng tác khi ở xa nước đủ để đem lại những
cảm xúc mới mẻ về tuyệt tác thi ca Truyện Kiều cho chúng ta – những
người Việt ở trong nước. Cách đây hơn mười năm, khi còn làm TKTS tạp chí
Âm nhạc, tôi đã đăng tải bài viết của anh Hoàng Phủ Ngọc Tường với tiêu
đề: “Đêm nghe Kiều ca cùng Phạm Duy ở Paris” qua đó đã có sự chia sẻ
sâu sắc với Phạm Duy về tình cảm sâu nặng đối với di sản văn học của đất
nước.
- Phạm Duy về nước lần đầu vào năm
1999 – nhưng với tư cách là người về thăm quê hương chứ không phải với
tư cách nhạc sĩ (để giới thiệu tác phẩm của mình). Nhưng trong mấy năm
qua, sau những chuyến đi, ông đã làm trên dưới 10 bài hát, hợp thành đĩa
“Hương ca”. Tôi đã nghe đĩa nhạc này và rất xúc động với hồn quê, hồn
nước trong đó. Dù chỉ là những cuộc trở về ngắn ngủi, nhưng những bài
hát đó thể hiện sự tha thiết với nguồn cội. Kể cả bài “Tắm truồng” – bài
hát bị phê phán – thì tôi cũng thấy thấm đẫm tình cảm của người rất yêu
quê, yêu con sông quê. Điều đó chứng tỏ, dù ở đâu ông cũng không xa rời
được dân tộc Việt.
- Phạm Duy là người có tên tuổi trong
thời kỳ đầu của tân nhạc VN trước 1945. Ông là nhạc sĩ đã tham gia Cách
mạng (CM) không chỉ bằng tác phẩm mà bằng sự dấn thân đối với CM. Ông
đã từng vào miền Trung, đi thẳng đến chiến trường Bình Trị Thiên, ăn
khoai với các bà mẹ, bà chị ở Quảng Trị, nghe những câu chuyện của những
bà mẹ có con đi làm Cách mạng và bị chặt đầu. Và ông đã viết một bài
hát rất Cách mạng, bài hát vừa thể hiện sự căm thù sâu sắc với giặc
Pháp, vừa miêu tả được tấm lòng của những bà mẹ VN anh hùng. Đó là bài
hát “Bà mẹ Gio Linh” nổi tiếng. Nhờ bài hát đó mà sau này có
người đề nghị ở Quảng Trị nên có con đường “Bà mẹ Gio Linh”. Việc này
chưa được thực hiện, nhưng những bài hát như thế của Phạm Duy là tài sản
quý của âm nhạc Cách mạng VN, của nhân dân VN. Đó là sự đóng góp đáng
ghi nhận, không thể từ chối.
Trong cuộc đời của Phạm Duy, có những
đoạn đời, đoạn đường khác nhau, và ông đã xa quê Bắc của ông hơn nửa
thế kỷ, xa Tổ Quốc 30 năm. (Mỗi con người đều có những giai đoạn phức
tạp – đó mới là con người). Nhưng trong ông luôn nhớ về cội nguồn như
bất cứ người VN nào.
2. Nhạc sĩ Phạm Duy đã trở về nước.
Tôi mong muốn những bài hát hay, những bài hát đẹp của ông được trở về
với ông trên đất nước này. Nên có một chương trình mà những ca khúc Cách
mạng của ông được ra mắt. Những bài hát về quê hương, những tình ca
hay, cả bộ “Kiều ca” của ông cũng nên đến được mọi người.
Chúng ta, những người yêu đất nước và thực sự nhân văn nên để điều đó được hiển thị”.
Từ đó, nhiều đêm nhạc, đĩa nhạc, sách
nhạc của Pham Duy đã hiện diện ngay trên trên đất nước của ông. Năm 2006
tôi vào Sài Gòn, gọi điện thăm ông, và thật vui, ông mời tôi đến một
quán bar trên đường Nguyễn Du nghe người ta hát nhạc Phạm Duy. Đó cũng
là dịp sinh nhật lần thứ 85 của ông. Ông giới thiệu tôi với mọi người
rất thân tình, như một đứa em, và tôi đã hát “Khúc hát sông quê” chúc mừng ông.
Tôi gặp ông lần cuối cùng khi ông trở lại
Hà Nội làm cuộc trò chuyện âm nhạc tại sân khấu của Nhà hát ca múa nhạc
79 Hàng Trống mùa thu 2012. Dường như ông muốn tóm tắt cuộc đời âm nhạc
của ông trong mấy trang giấy đã viết sẵn. Giọng nói của ông vẫn khỏe và
trong. Cách nói nhấn nha hơi điệu nghệ của ông khiến tôi khẽ mỉm cười
nghĩ về một tâm hồn “ga-lăng” không bao giờ phai nhạt dù đã qua tuổi 90.
Và khi tôi nói với ông “Anh vẫn khỏe lắm” thì ông nói “Cậu yên tâm nhé,
Phạm Duy vẫn sống cả khi đã chết mà”. Câu nói vui, cũng là niềm tự tin
của ông về sự nghiệp âm nhạc của mình hiến dâng cho cuộc sống.
Không ai chống nổi thời gian. Người nhạc
sĩ tài hoa ấy cuối cùng cũng từ giã cõi đời. Chiều nay, tôi nhận được
tin nhắn của ca sĩ Ánh Tuyết: “Gia đình và bạn bè thương tiếc báo tin…
Nhạc sĩ Phạm Duy đã từ trần lúc 14h 30’ ngày 27.1.2013 hưởng thọ 92
tuổi. Tang lễ được cử hành tại tư gia lúc 9h ngày 28.1…”.
Tôi gọi điện cho Ánh Tuyết và nghe chị
nói thảng thốt: “Em định làm 3 album ca khúc Phạm Duy để tặng tác giả,
nhưng chưa kịp hoàn thành thì ông đã đi rồi. Nghe tin Phạm Duy ra đi,
người em như tan chảy…”.
Đó cũng là cảm giác của nhiều người khi
nghe tin những nhân vật tài ba vĩnh viễn ra đi. Và cuộc ra đi của nhạc
sĩ Phạm Duy lại khiến tôi nhớ những cuộc trở về của ông. Vâng, những
cuộc trở về sau những chuyến đi xa, sau những biền biệt cách chia, để
rồi vĩnh viễn hóa thân vào Cõi Về muôn trùng xa thẳm…
Hà Nội, đêm 27.1.2013
About these ads
Cám ơn bạn ĐGV đã gửi bài này cho chủ trang!
Trả lờiXóaChủ trang Vũ Nho Ninh Bình đăng nhận xét này dưới hồ sơ Ẩn danh vì không biết vì sao, nhà mạng không cho đăng khi chính danh!
VNNB
Cám ơn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo về bài viết!
Trả lờiXóaVN đăng nguyên bản chép từ Blog và các tấm ảnh!
Cám ơn bạn ĐGV!