Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

TẾ HANH - NGƯỜI TÌNH CHUNG THỦY LỚN






TẾ HANH  -  NGƯỜI  TÌNH CHUNG THỦY LỚN

                                                       Vũ Nho

Tế Hanh là người đã viết và in hơn mười tập thơ về quê hương, về đấu tranh thống nhất đất nước, về tình  bạn, tình yêu, về các nhà thơ. Nhưng thơ tình là một phần nổi trội của thơ ông, để lại trong lòng bạn đọc ấn tượng Tế Hanh là một người tình chung thủy lớn.
Không chủ trương mạnh mẽ và  có phần cực đoan như Xuân Diệu khi tuyên bố :
          Vì em thơ tạo nên lời
          Lại vì em suốt đêm ngồi chép thơ
Nhưng Tế Hanh rất xem trọng tình yêu, coi tình yêu như động lực sáng tác của đời mình. : “ Tôi đã là một người cha và không còn ở tuổi bắt đầu hay chạy đuổi những mối tình. Nhưng tôi vẫn thấy tình yêu là động lực cho sáng tác. Mỗi lần yêu, tôi cảm thấy cuộc đời như giàu có hơn, đáng sống hơn, nghĩa là đáng ca ngợi hơn […] Tôi đã có những mối tình hạnh phúc và những mối tình đau khổ. Nhưng ngay cả trong trường hợp đau khổ, tôi cũng biến tình yêu thành sức mạnh cho sáng tác” ( Tâm sự một người làm thơ. Tuyển tập Tế Hanh, tập 2, nxbVăn học, Hà Nội, 1997, trang 203).

          Quan niệm ấy, không ít lần được Tế Hanh viết thành thơ :
          Lần yêu là một lần giàu
          Thêm hương vĩnh viễn với màu vô biên
                                      Không đề. Những đoạn thơ về tình yêu
Yêu là để tâm hồn giàu có, để vĩnh viễn với thời gian, vô biên với không gian. Yêu là để cảm xúc thêm nhạy bén, nhìn cuộc đời, nhìn mọi người và nhìn mình thêm sâu sắc:
          Ta đã yêu em
          Như yêu sự sống
          Ngày hiện trong đêm
          Thực hòa với mộng
          Thấy hoa thêm tươi
          Thấy trời thêm xanh
          Thấy hiểu thêm người
          Thấy hiểu thêm mình
                   Ta đã yêu em
Nhu cầu yêu là một nhu cầu tự nhiên, một nhu cầu tất yếu như sự vật, như thiên nhiên:
          Sóng cần phải dâng
          Chim cần phải kêu
          Mùa cần phải xuân
          Ta cần phải yêu
                   Ta đã yêu em
          Dù biết rằng không có gì vĩnh cửu trong thế giới đầy biến động, thăng trầm, nhưng khi yêu, con người vẫn muốn có tình yêu vĩnh viễn, tình yêu bất tử. Thậm chí là tình yêu tồn tại ngay cả khi con người đã về cõi khác ( Thân người về xứ khác/ Tình người còn đâu đây- Vũ Quần Phương). Vì thế mà tâm trạng và khát vọng của Tế Hanh cũng là tâm trạng của hầu hết những người đang yêu:
          Anh dù biết tình yêu không vĩnh viễn
          Vẫn đi tìm vĩnh viễn của tình yêu
                             Tình yêu và vĩnh viễn
Người yêu được  ví như nỗi vô biên : “ Em là nỗi vô biên/ Cho tình anh bất tận” ( Không đề). Rồi người yêu lại được ví như  trận gió bất ngờ làm nụ trên cành nở thành hoa, làm  cho tình trong mình nở thành thơ ( Hoa và thơ). Người yêu được ví như biển. Biển một bên em một bênEm là một biển đầy/ Anh đứng trên bờ rợn ngợp ( Văn xuôi cho em). Người yêu được ví như sóng, dào dạt vào mình như sóng biển:
                   Biển một bên em một bên
                   Ta đi trên bãi cát êm đềm
                   Thân buông theo gió hồn theo mộng
                   Sóng biển vào anh với sóng em
                                                Sóng
Và người yêu cũng có thể trở thành cơn bão trong lòng khiến người tơi bời, xơ xác, ngả nghiêng:
          Cơn bão tạnh lâu rồi
          Hàng cây xanh thắm lại
          Nhưng em đã xa xôi
          Và cơn bão lòng ta thổi mãi
                             Bão
Tế Hanh coi người yêu là “Bài ca sự sống”.  Và nếu mất người yêu thì dù “đau buồn biết mấy” nhưng Tế Hanh tìm thấy một sự an ủi :
          Mất người yêu ta còn lại tình yêu
                             Bài ca sự sống
Tế Hanh là như vậy. Nhà thơ hồn nhiên đem tặng người yêu đóa hoa, quyển sách, tặng mây, tặng trăng và cuối cùng:
          Tặng em tất cả đời thơ
          Bốn mươi năm lẻ đợi chờ tặng em
                                      Tặng
Yêu và ca tụng người yêu của mình như Tế Hanh cũng là hiếm thấy. Người yêu thành ra người quyết định, người thay đổi cuộc đời và sự nghiệp. Đến nỗi nhà thơ không thể hình dung mình sẽ ra sao nếu không gặp em, “không  ngày hôm ấy” :
          Một lời nói của em thôi
          Đem bao thay đổi trong đời của anh
          Không em anh chẳng biết mình
          Không ngày hôm ấy đời thành ra sao?
                             Không ngày hôm ấy
Những lời đẹp đẽ nhất Tế Hanh dung để ca ngợi người mình yêu. Làm thơ chưa đủ, nhà thơ viết “ Văn xuôi cho em”, một loại thơ văn xuôi để giải thích lí do vì sao  yêu :
          Anh yêu nơi em đôi mắt mở to như muốn chứa tất cả cuộc đời rộng lớn
          Anh yêu nơi em cái miệng như trái mọng mùa thu làm ngọt cả cành cây
                                                          Văn xuôi cho em
Yêu em, khi Hà Nội vắng em, nhà thơ ngơ ngẩn đi tìm và tìm thấy bài thơ Hà Nội vắng em trong đó có câu thơ độc đáo:
          Thêm yêu Hà Nội vắng đầy cả em
Đã vắng em mà lại đầy cả em, đây chính là  trạng thái “khả giải bất khả giải chi gian” ( giữa cái có thể và không thể giải thích) chỉ có thể thấy ở trong thơ!
          Tâm trạng ngẩn ngơ, chập chờn khi yêu đã được Tế Hanh ghi lại thật tinh tế và chính xác trong bài thơ tình nổi tiếng “ Em gần gũi em xa xôi” :
          Em gần gũi em xa xôi
          Sao em như thể chân trời trước anh
          Đưa tay tưởng với được tình
          Bước đi tới mãi mà mình vẫn xa
Chính sự chập chờn vừa gần gũi, vừa xa xôi đã làm nên tính hấp dẫn muôn đời của tình yêu, làm cho người ta  đắm đuối, say mê, theo đuổi.
          Chế Lan Viên khi viết về Tế Hanh so sánh : “ Nếu vào trong khu vườn, Xuân Diệu sẽ ngoạm vào các trái hồng lẫn cả trái xanh, Huy Cận lắng nghe chất nhựa lên cành, người nào đó hì hục tìm thơ trong bộ rễ âm thầm, còn với Tế Hanh thì màu xanh của lá cũng đủ cho anh hạnh phúc” ( Tế Hanh hay Thơ và Cách mạng).
 Tế Hanh là như thế. Thơ tình của Tế Hanh cũng là như thế. Nhẹ nhàng, bền bỉ, chung thủy, đắm say, sâu lắng. Trân trọng tình yêu, theo đuổi tình yêu, nâng niu tình yêu, Tế Hanh đã viết nhiều thơ tình và quan trọng nhất là nhà thơ đã trở thành một người tình chung thủy lớn trong thơ.
                                  Tưởng niệm  ngày đưa tang Tế Hanh 19/7/2009
                                             Hà Nội, Sài Gòn tháng 7/2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét