Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

CHỬ THU HẰNG KHÁT VỌNG “HÃY CHO TÔI LÀ CHÍNH TÔI”





CHỬ THU HẰNG  KHÁT VỌNG “HÃY CHO TÔI LÀ CHÍNH TÔI”
                                                Vũ Nho
Thời kinh tế thị trường với biết bao nhiêu  thang bậc giá trị bị đảo lộn. Có những điều thiêng liêng hóa bình thường, thậm chí tầm thường. Có những điều tầm thường bỗng được đề cao, được tung hô ầm ĩ. Ngay cả thơ ca cũng vậy. Thơ từng được coi là viên ngọc long lanh dưới ánh mặt trời, được coi là ngôi đền thiêng liêng.  Thơ là sản phẩm của con tim chắt lọc, là mật ngọt dâng đời. Nhà thơ từng được coi là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, là kĩ sư tâm hồn. Nhưng  thơ viết nhiều quá, thơ in nhiều quá cũng góp phần làm giảm giá thơ đi. Thậm chí có nhà văn còn lên giọng cao ngạo miệt thị những người làm thơ. Có câu đùa nhưng  cũng cho thấy người ta ngại thơ, ớn thơ, né thơ:
          Gặp nhau tay bắt mặt mừng
          Tặng gì cũng nhận, xin đừng…tặng thơ!
Ấy thế mà, có một người phụ nữ khi đã không còn trẻ mới bắt đầu công bố tập thơ đầu, nhưng thơ ca với người ấy là câu chuyện nghiêm túc, là một điều thiêng liêng. Không lớn tiếng tuyên ngôn, tuyên bố, nhưng rất đàng hoàng, công khai nói những điều chân thành từ đáy lòng mình. Với ai đó, thơ chỉ là trò chơi ngôn từ, là một cách xả stress, một  cách để trút lẩm cẩm, ngẩn ngơ lúc trà dư tửu hậu. Với Chử Thu Hằng, dù khi  bắt đầu tập viết cho đến khi in ba tập riêng,   bao giờ thơ cũng là rất quan trọng. Thơ được nâng niu như là một niềm hạnh phúc của cuộc đời :
          Hạnh phúc biết bao được có mặt trên đời
          Để lãng đãng cùng thơ, để thăng hoa cùng nhạc
                               Thư gửi Elise


Cố nhiên, không phải lúc nào cũng đắm đuối thơ. Là một người hay suy tư, ngẫm ngợi, hay cật vấn, không khỏi có lúc người viết chợt thấy hoang mang và nghi ngờ:
          Thơ?
Ừ thơ.
Lại vẫn thơ?
Câu ru mộng ảo, câu hờ hững bay
Cười hoa khóc gió than mây
Cúi nhìn mặt đất: còn đầy nỗi đau
Thơ mà chi
Ích gì đâu
                       Vô đề
 Ý nghĩ ấy là có thật. Sự chân tình ấy cũng là…rất thật. Nhưng đó chỉ là cảm giác thoáng qua. Thơ là bạn tâm tình gần gũi, tin cậy nhất.  Thơ là phương tiện để gửi gắm, để mộng mơ, để sẻ chia, trước hết là chia với chính mình, sau là với người đồng điệu, đồng tình:
Một thời khát sống khát yêu
Câu thơ giấu bao tiếc nuối
Mơ thành sự thực bao nhiêu?
                    Mùa cúc họa mi trên phố
Mượn thơ mà trút nỗi niềm
                   Có không, tri kỉ tri âm?
Thơ là thế giới trong trẻo của tâm hồn,  nơi bảo tồn, lưu giữ những bâng khuâng, những dại khờ,  những bâng quơ, những chuyện đẩu chuyện đâu,…là nơi cất giữ những thanh cao của các giá trị tinh thần, là chốn linh thiêng  mà mỗi người  thơ chân chính cần phải có:
Thế gian ô trọc cũng nhiều
Vẹn nguyên thơ - biết bao điều thanh cao […]
Ngôi đền thơ mãi lung linh
Thiêng liêng trong trái tim mình
 Thơ ơi!
                    Với thơ
Phố hàng Buồm, trụ sở của Hội nhà văn Hà Nội được nhà thơ nữ coi như nơi “ Tọa lạc lâu đài của Nàng Thơ diễm lệ”. Và ở đó, thơ  bay lên xanh búp bàng xanh và bầu trời  mùa Xuân thật rộng. Đó chính là sự ngợi ca dành cho thơ ca:
Từ bụi lầm, từ cuộc sống cần lao
Thơ căng buồm bay lên , bời bời khát vọng […]
Qua cuộc bon chen, thanh tao còn lại
Ngự giữa trái tim ta Nàng Thơ tươi trẻ mãi
Trong trẻo yêu tin
Thiêng liêng
Và ấm áp tình người…
                          Viết ở phố Hàng Buồm
Người đọc tin những tình cảm mà tác giả dành cho thơ. Ba tập thơ “ Khoảng trời hoa nắng” ( 2011), “Cõi riêng” ( 2012) và “ Lạc mình trong phố” (2016) là kết quả của một tâm hồn “trong trẻo yêu tin” dành cho chính mình và cho mọi người, những ai còn trân trọng, mến yêu thơ.
Làm thơ, ấy là sống thêm một đời sống khác. Làm thơ ấy là tự bộc lộ và cũng là tự khám phá chính mình. Cuộc đời  không hề ưu ái người làm thơ chỉ suốt ngày mộng với mơ. Nhà thơ Xuân Diệu từ lâu đã viết : “ Cơm áo không đùa với khách thơ”. Nhà thơ  nữ của chúng ta biết rất rõ điều đó. Chị đã từng  sống rất tỉnh táo:
Văn chương thơ phú cất kho
“Đói thì đầu gối phải bò”. Tha phương
                    Dấu xưa
Và không khỏi xót xa âm thầm vì tuổi trẻ qua nhanh với những vất vả mưu sinh cơm áo gạo tiền:
Lặng thầm qua một kiếp người
Mưu sinh cơm áo chôn vùi tuổi xuân
                              Nhớ
Tâm hồn thơ ấy đã không chịu lặng thầm qua một kiếp người tẻ nhạt. Bão tố  cảm xúc đã âm thầm tích góp và đã đến khi  bùng lên mạnh mẽ:
Tích bão từ những bâng quơ
Từ sâu thăm thẳm đợi chờ khát khao
                         Bão
Và khi viết thơ là khi nhà thơ không ngừng  nghĩ suy, tìm hiểu,  khám phá chính mình.  Một người yêu đời, sống hết mình, sống trách nhiệm nên mới hay băn khoăn, trăn trở. Sẽ không ngạc nhiên khi có nhiều câu hỏi. Câu hỏi nhan đề của bài thơ : “ Có ai cần gọi đến ta?”;  Có không, tri kỉ tri âm?”;  Còn ai thương hoa tiếc ngọc?”. Và rất nhiều nhưng câu hỏi trong thơ:
-         Tôi tìm chẳng biết tìm chi
Tìm hoài ảo vọng, còn gì cho tôi?
                          Tìm
-         Ngập ngừng cầm bút vẽ mình
Vẽ chi? Vẽ dáng vẽ hình, vẽ tâm
                      Tôi là
-         Sức mọn tài hèn, cuộc đời bao la thế
Ta đứng ở góc nào
Giống ếch đáy giếng không?
                   Nhớ mẹ
-         Lòng rỗng
Lấp gì đầy trống vắng?
                     Rỗng
-         Còn lại những gì sau tất cả?
Ta nhỏ nhoi. Mờ mịt luân hồi […]
Sống sao đây cho trọn vẹn kiếp người?
                       Bên cây dã hương ngàn tuổi
Vâng! “ Sống sao đây cho trọn vẹn kiếp người” là một câu hỏi lớn. Những người tử tế bao giờ cũng không chỉ sống cho riêng mình, mà còn sống cho mọi người. “Trọn vẹn kiếp người” là một đòi hỏi, một yêu cầu cao. Nhưng lẽ nào chúng ta lại không hướng tới?
          Điều nổi trội trong ba tập thơ đã in của Chử Thu Hằng đó là sự chân thành. Chân thành nói những băn khoăn. Chân thành nói những khát khao, mong ước. Chân thành sẻ chia những gì thầm kín trong “cõi riêng” của mình.  Không phải là khóc mướn thương vay. Cũng không phải là cường điệu lên thái quá. Bạn đọc tin vào những giãi bày:
          Thương mình…như chưa kịp sống
          Thương mình …như chẳng được yêu
          Xuân hạ thu đông thấm thoắt
          Thời gian…như chẳng còn nhiều
                              Mùa cúc họa mi trên phố
Và tin vào những  băn khoăn khi nhà thơ làm mới lại mình:
          Còn kịp không? Em tập khóc tập cười
          Tập mềm mại đong đưa, tập dại khờ nông nổi
          Chẳng còn nhiều thời gian, em đang rất vội
          Làm mới lại mình. Em tập nói chữ “yêu”!
                               Yêu
Và thật là trẻ trung, hóm hỉnh, tinh nghịch khi có một anh chàng tự dưng ăn vạ bắt đền, nhà thơ đã trả lời:
          Hay là đền lúm đồng tiền
          Mắt dao cau nguýt ngả nghiêng đất trời
          Đền trong veo tiếng em cười
          Câu thơ đa nghĩa bắt người ngẩn ngơ
          Đền chi cho đủ bây giờ
                   Bắt đền
Một số người đánh giá thơ của Chử Thu Hằng là thơ “hồi xuân”. Tôi thì nghĩ rằng khát vọng sống, khát vọng yêu và sẻ chia, giãi bày của nhà thơ vẹn nguyên trong tâm hồn thanh xuân nên mới mẻ, mạnh mẽ , tươi tắn và giàu nữ tính đến vậy.  Chỉ có những người trẻ mới giàu cảm xúc, mới nhiều bất chợt khát khao:
           Chợt nghe rưng rưng muốn khóc
           Chợt thèm được nhớ, được mơ
          Được đau tan hồn rã xác
           Còn hơn vô cảm hững hờ
                                     Bão II
 Chỉ có những tâm hồn trẻ trung mới thấy :
          Náo nức mùa xuân náo nức em!
          Lộng lẫy mùa xuân, lộng lẫy em!
          Phơi phới mùa xuân, phơi phới em!
          Yêu quá mùa xuân, yêu quá em!
                                 Xuân em
Có thể hiểu đây là nhà thơ nữ nhập vai một anh chàng si tình để viết về em ( tương tự như trong bài “Quà tặng”). Nhưng tôi vẫn muốn hiểu rằng đây là tác giả tự xưng ở ngôi thứ nhất. Có  căn cứ ngôn từ hẳn hoi không phải suy luận vu vơ. Này nhé : Chuốt mi cong, tô môi hồng thắm lại/ Chúm chím soi gương ngỡ mình đang con gái. Rồi nữa Ríu rít a lô rủ nhau đi hội/ Bạn gần bạn xa quên mình thêm tuổi.  Có yêu mình thì mới yêu mọi người được. Đây cũng là bằng chứng của sự chân thành. Khát khao được là chính mình cũng là một khát khao đáng tôn trọng và ủng hộ. Dẫu rằng biết bao nhiêu ràng buộc, níu kéo trong cuộc đời phức tạp khiến cho con người thật khó mà thực hiện.
          Đập ngày bình yên tẻ nhạt
          Bay lên như cánh chim trời
          Chỉ có một lần được sống
          Hãy cho tôi là chính tôi
                          Bão II
Làm thơ cũng là một hoạt động để cho Chử Thu Hằng được sống chính là mình.
Đã có 10 bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhà báo về thơ của Chử Thu Hằng gồm Trần Thị Trâm, Nguyễn Hoàng Đức, Vũ Bình Lục, Bùi Kim Anh, Bùi Hải Đăng, Vân Long, Nguyễn Sỹ Châu, Vũ Thiên Kiều, Lại Quang Phục, Bùi Thanh. ( trong tập “Lạc mình trong phố”). Tôi vẫn muốn thêm một bài viết để khẳng định thành công của  một tác giả nữ  có thành tựu, và ấn tượng, dù chị mới chỉ khiêm tốn công bố ba tập thơ đã viết.
                                       Hà Nội, 1/9/2016

In trên "Quân Đội Nhân Dân cuối tuần", số 1089, ngày 13-11-2016
                          




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét