Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

THƠ NGUYỄN VIỆT ANH

 

THƠ NGUYỄN VIỆT ANH

Phạm Đức
Thứ tư ngày 9 tháng 11 năm 2016 8:26 AM


TNc: Nguyễn Việt Anh là người khiếm thị nhưng thơ anh lại sáng trưng cho ta ngẫm nghĩ nhiều điều. Xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Phạm Đức về tập thơ mới của Việt Anh

Cuối tuần trước đó, tôi có hẹn với một bạn đọc nam, nói ở Hàng Bồ, xưng tên là Nguyễn Việt Anh, giọng khỏe nhưng có vẻ e dè: “Cháu xin gặp bác một lát vào lúc nào đó, được không ạ?” Tôi vui vẻ hẹn 9 giờ sáng ngày đầu tuần. Đó là vào thứ Ba, ngày 2 tháng 10, 2012. Khách chờ tôi ở phòng bảo vệ cơ quan. Bạn trẻ đã đến trước giờ hẹn. sau này tôi nhận xét là một thói quen giờ giấc rất đáng học, nhất là với tôi. Lúc ấy, tôi đang ngồi ghé ở phòng làm việc của Chánh Văn phòng Hội - nhà văn Đỗ Hàn. Phòng rộng, khá thoải mái cho han bàn làm việc và bộ sa-lông da đường bệ, cùng mất chiếc tủ. Nhưng phòng riêng của Chánh Văn phòng như thế lại hẹp, vì Đỗ Hàn nhiều việc nên nhiều khách, nhiều loại việc từ chuyên môn đến hành chính, nhân sự…
Trừ lúc tiếp chuyện vui vẻ với các nhà văn quen chung, thường thì tôi phải có cách ít ảnh hưởng nhất đến công việc bề bộn của Đỗ Hàn. Mặc dù mới quen biết anh rất nể trọng và ưu ái tôi.
Thế là tôi mời Nguyễn Việt Anh vào phòng Đào Thắng ngồi nhờ ở bàn nước. Phòng này tôi hay đến. Hôm nay lại chưa có đông khách. Hai chúng tôi vào, Đào Thắng tươi cười bảo: “Vào đây! Vào đây! Trà ngon vừa pha đấy!”
Bàn chữ nhật, chiều dài mỗi bên hai ghế, một chiều rộng sát tường, chiều kia có thể đặt thêm một hai ghế, nhưng sẽ vướng lối đi lại.
Trà ba người. Tôi giới thiệu bạn đọc mới biết mặt và sơ qua công việc sáng nay của chúng tôi. Đào Thắng hồ hởi: “Thế à? Cháu ở Hàng Bồ? Hay quá, cháu làm nhiều thơ chưa? Gặp bác Phạm Đức là đúng chỗ rồi đấy! Các bác đều là lính chống Mỹ, biết nhau từ đấy… Bác cháu cứ làm việc đi…”
Bất ngờ, Việt Anh đang chăm chú lắng nghe, cất tiếng hỏi khẽ tôi: “Có phải nhà văn Đào Thắng, tác giả Dòng sông mía? Cháu đã nghe nhà văn quân đội Đào Thắng trả lời trên Đài về tiểu thuyết này…”
Tôi gọi anh Đào Thắng khi anh đang về bàn làm việc của mình. Cái bàn chất đầy ba bốn bên là sách và báo chí. Có lẽ mỗi lần làm việc anh lại phải dọn cho mình một mặt bàn đủ để trang viết?
- Anh Thắng này. Việt Anh đã nghe anh trả lời phỏng vấn về Dòng song mía trên Đài tiếng nói Việt Nam đấy.
Đào Thắng quay lại, giọng vui
- Đúng! Đài có nhắc đến mấy lần khi cuốn sách được Giải thưởng hàng năm của Hội.
- Vâng ạ. Cháu nghe tuy một lần, nhưng hơi hơi nhớ giọng bác.
2
Đôi tai thính hơn, đấy là ông trời bù đắp cho người khiếm thị. Nhưng dùng sự ưu đãi đó để nghe gì là lựa chọn riêng.
Việt Anh dùng nó để tìm và lắng nghe những gì liên quan tới thơ, người làm thơ, chuyện quanh thơ. Và nhớ. Nhớ thật kỹ. Đến kinh ngạc. Đến nỗi, tôi chợt nghĩ, ngoài thời gian cần để sống, lúc nào anh cũng nhớ tới thơ.
Có lần hẹn, tôi đến muộn chút ít. Trước cửa căn phòng hẹp đợi tôi, Việt Anh nghe giọng một người hỏi:
- Phạm Đức chưa đến à?
Việt Anh nhanh nhảu tiếp lời:
- Cháu đang đợi bác Đức. Chắc bác đang xếp xe. Bác ơi bác có phải là nhà thơ Phạm Đình Ân không?
- Ồ, sao cháu biết?
- Cháu nghe giọng bác trên Đài, nhiều lần bác đọc thơ, nói về thơ…
Lại lần khác, bạn thơ cùng Trung ương Đoàn với tôi một thời, cùng tuổi Ất Dậu với tôi, là Phan Cung Việt đến thăm. Đã có Việt Anh ngồi. Thăm hỏi và trò chuyện một lúc, Việt Anh xin phép đọc một bài thơ lục bát của Phan Cung Việt. Cả hai chúng tôi đề ngỡ ngàng. Riêng Việt, thấy anh rưng rưng nước mắt. Anh lầm bầm: “Kỳ lạ thật! Bài thơ của mình, nghe đọc mình nhớ ngay, nhưng thuộc lòng thì kém rồi!” Tôi cũng chỉ nhớ năm, sáu bài thơ của mình. Những bài thơ thường được đọc và nhắc tới. Còn thì chỉ nhớ cái ý, cái tứ, cá tên bài…
Tôi không chỉ muốn nói sức đọc - đã là quý rồi - mà đáng lưu ý hơn là cái chí đọc thơ người khác. Tệ hại là sự lười đọc nhau. Cả khi phải đọc, nhiều người cũng lướt qua, rồi phê, rồi phán ngon lành… theo ý số đông, nhất là ở các tác giả mới viết. có lý lẽ, ít đọc để tránh ảnh hưởng, để mình tự do sáng tạo?! Và một số “siêu tác giả”, họ chỉ biết “văn mình”.
Hay nhơ nhà thơ Lâm Xuân Vĩ ở Ninh Bình ngạc nhiên vì nhận được tập thơ tặng của Nguyễn Việt Anh theo địa chỉ cũ từ 20 năm trước. Thì ra, từ việc đọc 11 câu thơ của tác giả trong cuốn Nghìn câu thơ tài hoa (tác giả Nguyễn Vũ Tiềm, NXB Văn học, 2000) rồi nhờ bạn tìm giúp cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại của Hội Nhà văn và lấy địa chỉ từ đó.
Cái cách lục lọi, tìm tòi (của một người khiếm thị hoàn toàn) để tới với thơ, với tác giả thơ như thế có phải là quý hiếm hay không? Có đáng trân trọng, yêu mến không?
Tôi hay cộng tác với VOV2 - Văn nghệ thiếu nhi hoặc một vài chương trình phát thanh khác có liên quan đến văn thơ, chữ nghĩa, nên có dịp lọt vào “tai xanh” (dựa theo kiểu mắt xanh thường nói) của Việt Anh. Anh dò theo địa chỉ Nhà xuất bản Thanh Niên, rồi có được điện thoại của tôi qua một người bạn - thạc sĩ văn học Hằng Thanh - lúc đó là Trưởng phòng Phát hành của Nhà xuất bản.
Sự tìm tòi kiểu đó phải có rất nhiều mê đắm và tỉnh táo, rất nhiều yêu quý và kiên định, rất nhiều mơ tưởng và lao động kỳ khu…
Cầu mong có nhiều người làm thơ, yêu thơ đến thế, để các nhà thơ chân chính và lặng lẽ (mà lặng lẽ là điển hình riêng có của các nhà thơ chân chính) được an ủi thêm, được động viên và nâng đỡ hơn, trên con đường dài khổ hạnh và vinh hạnh của mình!
3
Tại phòng làm việc nhỏ bé của tôi ở số 9 Nguyễn Đình Chiểu, một hôm, nhân nói về Việt Anh, nhà thơ nổi tiếng và còn nổi tiếng hơn là nhà phê bình Vũ Quần Phương nhận xét:
- Thơ cậu này đáng chú ý. Nhưng tớ nghĩ, đằng sau liệu có ai không? Vì những điều cậu ấy viết vượt qua tầm tuổi, tầm vốn sống của cậu ấy.
Mấy người đều lắng nghe và nghĩ. Một lát sau, tôi mạnh dạn bày tỏ:
- Anh Phương ơi, Đức xin nói hai ý này. Một là Nguyễn Việt Anh trước nay vốn xa lạ, ít có mối quan hệ trong giới viết. Chỉ khi in sách ra, đem biếu, mới thiết lập những quan hệ. Thứ hai, tuy tuổi chưa nhiều, nhưng những gì Việt Anh trải qua đủ cho một cuộc đời sóng gió. Đang 14, 15 tuổi, non tơ, vạm vỡ, đột nhiên mù hẳn, không chạy chữa nổi. Biến cố ấy có thể giết xong mạng sống tinh thần một người rồi! Lại có vợ và hai con xinh xắn khỏe mạnh, rồi cuộc tan đàn sẻ nghé nặng nề của cha mẹ và của gia đình nhỏ bốn người ấy… Đức thấy thế đã là gánh nặng để người ta già trước tổi.
Anh Phương không tỏ vẻ tán thành, cũng không nói gì thêm. Và cũng chưa có dịp nào để hỏi ý kiến anh về câu chuyện hôm ấy nữa.
Nhân lần này, Đức thêm một ý, ấy là ai đó muốn ẩn náu sau ngòi bút Việt Anh thì chẳng thấy mục đích gì sai khác cả. Thơ Việt Anh, dù hay dở, dù đánh giá cao thấp ra sao, cũng khó có thể phủ nhận chất tiên tiến, mạnh mẽ của một tâm hồn khiếm thị, một tâm hồn thơ phong phú, nhạy bén và đậm đặc chất dân tộc với sức lao động bền bỉ. Không chỉ viết mà còn là đọc, là giao lưu, học hỏi. Bắt đầu đi từng bước vững chắc, luôn tìm thấy điều cần học, cần hiểu, cần trao đổi, cần tranh đấu…
Cũng cần nói rõ, Việt Anh đã là một người chồng, người bố tuyệt vời. Người thợ bậc cao về bấm huyệt, mát-xa, có nhiều công việc và thu nhập đủ cho tiêu dùng. Anh còn lo lắng tới từng việc nhà. Tôi nhớ cảnh anh kể leo lên tầng cao, mang theo quần áo vừa giặt của lũ trẻ, phơi phóng và chỉn chu tới cả hình nét những thứ đó sao cho phẳng và chạm góc, rồi lấy cặp ghim lại…
Công việc một người viết như Việt Anh chắc không thể hoàn thành nếu thiếu sự giúp đỡ tận tâm của gia đình, ông bà, bố mẹ, bác gái và bạn bè (bạn yêu văn chương cũng nhiều mà bạn xe ôm cũng có).
Mỗi bước đi của anh đều tràn đầy sự giúp đỡ đó. Đọc một trang sách, viết một bài thơ, đến chỗ hẹn, vào hiệu sách cũ, tới Hội sách…
Thấy Việt Anh cố gắng, ai cũng muốn giúp, ai cũng muốn góp phần. Đấy là trời cho mà cũng là tự anh vun đắp.
Tôi không thể nào quên hình ảnh Việt Anh đến với những cuộc gặp gỡ đông người (Tất nhiên chưa kể được những cuộc gặp mặt bạn viết, bạn yêu thơ mà tôi không đủ điều kiện tham gia. Số lượng những cuộc này không ít).
Bao giờ anh cũng đến trước giờ, và được bạn bè giúp đỡ một chỗ ngồi lặng lẽ. Rồi anh đọc thơ ở sân Văn Miếu, ở câu lạc bộ anh đang sinh hoạt, trong cuộc giao lưu xa gần. Ở đâu cũng với thái độ trân trọng, trang nghiêm và những vần thơ tâm huyết, mang ước mơ đẹp tươi, sâu sắc, độc đáo.
- Tôi mang tôi ghép lên cành
Để xem cây cối vươn xanh thế nào
- Muốn làm ngày một lần thôi
Được mang sắc áo non tươi nắng hồng
Tôi cũng không quên và còn mang ơn anh đã tự nguyện đến và đem cho sinh hoạt Câu lạc bộ Sáng tác văn học Hồ Gươm một khung cảnh thêm vẻ mỹ lệ, đằm thắm, nhân ái. Anh đến với sinh hoạt Câu lạc bộ, bước đi tự tin và tự hào, cũng là bước đi thận trọng và hiểu biết về sự rèn giũa và trưởng thành của ngòi bút qua cuộc sống thường ngày.
4
Nhà thơ Quang Hoài trong một lần nói trên Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam đã có nhận xét rất đúng: “Đôi khi Việt Anh đến với nhà thơ Phạm Đức chỉ để cùng ngồi im trong căn phòng nhỏ, hơi bề bộn và có thể cùng suy nghĩ về vấn đề gì đó.” Đúng vậy. Tuần, ít nhất có một lần, Việt Anh gặp tôi để tôi đọc thơ mới của anh, thơ anh vừa sửa sau gợi ý của tôi. Rồi anh khoa về chuyện tới các hiệu sách cũ tìm chọn thơ, đến hội sách ở khắp Hà Nội để chọn sách, mua sách và nghe thiên hạ bàn về sách, về mua bán sách… Và rất nhiều khi chúng tôi im lặng. Im lặng hình như cũng là một phần công việc. Và cứ thế, cứ thế Việt Anh đã có một tập thơ mới đang in và hai tập khác đang hoàn chỉnh.
Tôi đã đọc một loạt bài viết về thơ của Nguyễn Việt Anh qua hai tập Thức cùng bóng tối và Bầu trời nhỏ, nhiều khen và khen đúng của các bậc thầy trong giới sáng tác. Rất nhiều lời khuyên xác đáng. Hơn tất cả là niềm tin và bước tiến của Nguyễn Việt Anh.
Tôi cũng tin những điều tương tự nhưng tôi còn có một niềm tin vào bản lĩnh sống của tác giả. Đó cũng là bản lĩnh yêu và viết của tác giả.
Tại sao người viết trẻ tuổi này lại chọn lục bát ngắn gọn làm phương tiện bày tỏ tâm hồn mình? Rõ rang anh có định hướng và theo đuổi nó.
Tôi có thể khuyên gợi cho anh về sự phong phú chăng? Cũng có thể, nhưng đã chắc đúng, chắc hay?
Tại sao Nguyễn Việt Anh lại tìm hiểu đến kỹ lưỡng và ưu ái với thơ Phạm Đức đầu tiên. Và trong hàng trăm bài thơ của tác giả này, có nhiều bài được đánh giá cao khi xem xét nhiều mặt, Việt Anh lại ưng nhất bài Nỗi đau đang ở dạng chìm lấp?
Và trong 90 bài Việt Anh chọn cho nhà thơ Phạm Đức ó hai bài mà tác giả thật ưng ý Nói với em về tấm thẻ Đảng và Nghĩ về hũ gạo tiết kiệm của Bác Hồ. Hai bài thơ riêng chất tư tưởng của Phạm Đức và khá hay trong đề tài ấy - đề tài mà có thể đang có ai đó muốn “giải thiêng”. Sao lại có sự đồng tâm, đồng chí như vậy ở hai người làm thơ cách nhau gần 40 tuổi?
Có thể coi đấy là thiên hướng lựa chọn thơ của tâm hồn tác giả trẻ này? Đó là những ưu thế của anh chăng?
Chỉ có Nguyễn Việt Anh, sau khi đọc rất nhiều người và sống thực với chính mình, mới tìm ra đường đi nước bước bản sắc mình?
Việt Anh đã làm được không ít cho thơ, những đường thơ muôn dặm rối bời, mờ mịt, khói sương, nắng gió. Phải làm thơ hay và sống thật hay để xứng đáng hơn khi một nhà thơ - ông giáo già Đặng Hiển đã thốt lên: “Chính bàn tay của người khiếm thị đó đang đỡ người sáng mắt như tôi!”
Xóm Đồng Đâu, xã Tất Đông
Tân Thu 2016
Phạm Đức
Chép từ trang trannhuong.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét