Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

Vũ Nho trên truyền hình - Tạp chí VHNTQĐ



Chiều qua 13  tháng 11 bỗng nhận cú điện thoại di động. Mãi mới nhận ra là ông bạn cấp 3 Nho Quan A Nguyễn Văn Nhiễu, người may mắn duy nhất của cả lớp được du học ở AnBaNi sau khi hết lớp 10. Ông bạn báo tin thấy Vũ Nho trên TV trong chương trình về thơ của tác giả Từ Hồng Sơn. VN bảo  mấy hôm trước các bạn có đến nhà quay.
Đây là nội dung Vũ Nho trao đổi với phóng viên Kim Bình. Chẳng biết ghi hình xong, các bạn ấy cắt cúp ra sao.
 


VŨ NHO TRẢ LỜI PHỎNG VẤN TRUYỀN HÌNH QUÂN ĐỘI


PV: - Xin chào nhà PBVH Vũ Nho, lần đầu tiên đọc những bài thơ Hà Nội của nhà thơ Từ Hồng Sơn, cảm xúc của ông như thế nào ạ?

Vũ Nho : - Lần đầu tiếp xúc với thơ của Từ Hồng Sơn là khi bạn ấy ra mắt tập thơ Hà Nội mùa thổ phách ở Cà phê sách Đông Tây  phố Trần Quý Kiên. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên dẫn chương trình. Tôi được Từ Hồng Sơn tặng một cuốn, đọc nhanh tại chỗ. Anh Phạm Xuân Nguyên có mời tôi phát biểu miệng. Tôi có ấn tượng tốt với tập thơ. Trước hết là nghị lực của tác giả, lên sáu tuổi mất khả năng nghe, và khả năng nói cũng bị ảnh hưởng, rồi đọc, viết, học hành  đều bị ảnh hưởng. Đồng thời là ấn tượng về sự độc đáo của tập thơ. Không phải vì cái tên “mùa thổ phách” chưa có trong từ điển. Mà vì 50 bài thơ chỉ nói về Hà Nội. Hà Nội  xa xưa, Hà Nội thời tác giả cư trú 13 năm, và Hà Nội trong hoài niệm, trong mong muốn, ước mơ. Và cách nói cũng khá ấn tượng, khá mới mẻ.

          Hà Nội cựa mình nói mớ trong mơ

          Nắm cơm nguội, bát canh chua, cà muối dở

          Bếp cạn dầu, chum gạo rỗng, bấc đèn nhom

          Xe lệch líp, dép đứt quai, bút gãy ngòi

                      Trốn tìm quên nhắm mắt

 Không nói là Hà Nội bao giờ.  Nhưng ta biết rõ ràng là Hà Nội của một thời bao cấp khó khăn. Thời bếp dầu ( Giờ là bếp than tổ ong hoặc bếp ga), Hà Nội của thời tem phiếu, thời xe đạp và chủ yếu là dép cao su, dép nhựa ( không phải xăng đan hay bitit, giầy da), bút tay  quản  bằng  gỗ ( chứ không phải bút  máy hay bút bi).

          Đây là một “ Hà Nội thuở xưa”:

          Có hương xôi sáng sớm chín thơm nồi

          Có hoa nhài gánh tào phớ ban trưa

          Có cơm nắm chấm vừng chiều buổi chợ

          Có bánh giò khói bốc ấm đêm khuya

          Với xô chậu lanh canh xếp hàng xách nước

          Với quạt cóc lồm chồm nhảy lóc chóc tứ tung

                             Hà Nội cứ cũ thôi

          Bài thơ cuối tập tác giả viết “ Cả cuộc đời chia mãi một tình yêu” ( Khoảng trầm đơm đoản khúc). Tác giả muốn đem tình yêu Hà Nội chia cho mọi người.

PV: - Ông có  bất ngờ khi tác giả đặt đặt cho các tập thơ của mình những cái tên rất lạ như Hà Nội mùa thổ phách, Hà Nội mùa mộc phách, Hà Nội mùa kim phách?
                                                      Tác giả Từ Hồng Sơn




Vũ Nho : Thật ra khi gặp tập thơ đầu tiên “ Hà Nội mùa thổ phách” thì có hơi ngạc nhiên và tò mò. Vì không có mùa nào tên như vậy. Chỉ có Xuân, Hạ, Thu, Đông. Rồi có thể gọi tên khác : Hà Nội mùa chim làm tổ ( Xuân). Hà Nội mùa lá đổ (Đông) Hà Nội mùa nắng ( Hạ)… Khi giao lưu, Từ Hồng Sơn nói anh nghĩ tới mùa cúng thần đất ( thổ) nên đặt tên như thế. Thổ phách, Mộc phách, Kim phách,…gợi nhớ ngũ hành Kim , Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Không có gì bất ngờ hay ngạc nhiên. Mùa nào thì tác giả cũng nói về Hà Nội, như anh đã từng viết trong tập thơ đầu :

          La bàn trái tim chỉ kim về Hà Nội

          Dù xoay hướng nào cũng không hề thay đổi

          Cột mốc lòng sơn mỗi số 0 ( không) thôi

                             Hà Nội mốc sấu số không

Bây giờ có thể hiểu Thổ phách, Mộc phách, Kim phách,… như là nhịp phách của Hà Nội, là nhịp phách  trong âm nhạc, nhưng cũng là nhịp sống của đời thường. Nhưng phách cũng có thể là hồn phách ( dân gian nói hồn xiêu, phách lạc - chứng tỏ phách gắn với hồn). Đó là hồn vía của Hà Nội, những giá trị tinh thần độc đáo riêng biệt của thành phố hơn ngàn năm tuổi. Từ Hồng Sơn muốn lưu giữ nhịp sống, lưu giữ những giá trị tinh thần của Hà Nội.

PV: - Nhà thơ Nguyễn Trọng Tín có cảm nhận rằng : Nếu không được tiết lộ trước thì sau khi đọc xong thơ của Từ Hồng Sơn, chắc chắn ông không thể biết được đây là tâm tình, kí ức , nỗi niềm của một chàng trai thời nay…Nếu như vậy, có lẽ thơ của Từ Hồng Sơn không dễ dàng để có thể  nắm bắt được hết đối với một số bạn đọc trẻ tuổi?

          Theo tôi nghĩ, mỗi người có một cách cảm nhận riêng. Cảm nhận của nhà thơ Nguyễn Trọng Tín có lẽ chỉ đúng với một số bài, một số câu mà thôi. Ví dụ, Từ Hồng Sơn hay dùng từ Hán Việt, một số từ có vẻ xưa xưa, cũ cũ, rồi hình ảnh cũng là hình ảnh xưa:

          Tiếng rao xao xác hồn thành quách

          Rồng đá cọ sừng vách cấm cung

          Đào nương rời chiếu buông sênh phách

          Rượu nấu sương bay rụng xuống hồ

                             Hà Nội khoe mùa cổ ( Hà Nội mùa thổ phách)

Hoặc đây nữa :

          Ngói ngói âm dương cổ cổ ô

          Mái mái kinh kì đổ đổ

          Ngõ ngõ trầm u mòn mòn lối

          Hương hương cờ cũ sắc sắc

          Độc cột  hiên ngang đỡ cả chùa

          Gánh trọn trầm luân suốt vạn mùa

          Tuyệt mộng liên đài lưu thiên cổ

          Ngạo nghễ hồng trần mấy đời vua

                     Âm bản kinh đô ( Hà Nội mùa mộc phách)

Nhưng thơ của Từ Hồng Sơn là thơ của chàng trai thời hiện đại. Nhiều bài thơ của Sơn đã đăng lên trang cá nhân trước khi in thành sách. Sơn là con người của hiện tại nên Sơn nói bằng ngôn ngữ của thế hệ mình:

           Gieo kỉ niệm giữa đôi bờ cảm xúc

Hạt nào là hạnh phúc giữ cho nhau

Mình đi vội chưa kịp vàng hoa cúc

Thu đánh rơi giọt nước mắt khô gầy

Anh trở lại nhìn lên ban công ấy

Em đã đi giàn hoa giấy gãy rồi

Đứa trẻ ( chính anh) dỗi hờn trỗi dậy

Xé nửa mùa mặc cả phố chia đôi

                   Hà Nội thiều tình ca

Mây qua sông vớt lấy chút bụi cầu

Khuông nhạc phố rải lanh canh phách guốc

Hà Nội đón chuyến tàu vui đơn độc

Mùa dỗ dành màu cũ nán lại chơi

                   Mộc mã và ngõ Gióng

Tôi nghĩ không chỉ với một số người trẻ tuổi, mà ngay với những người lớn tuổi, thơ của Từ Hồng Sơn cũng không dễ nắm bắt. Bởi Từ Hồng Sơn viết về Hà Nội trong hoài niệm, Hà Nội trong văn chương, sách vở, Hà Nội trong thời gian 13 năm Sơn lưu trú, Hà Nội trong tưởng tượng, trong ước mơ. Tất cả hòa quyện trong nhau theo một sự phân bố tỉ lệ bất ngờ, không theo một quy tắc, một dự định nào cả.

PV : -  Thưa nhà phê bình Vũ Nho, qua 3 tập thơ đầu tay gồm 150 bài thơ của Từ Hồng Sơn trong “ Hà Nội mùa thổ phách”, “Hà Nội mùa mộc phách” và “ Hà Nội mùa kim phách” đã đủ định hình định hình một phong cách thơ dành cho nhà thơ Từ Hồng Sơn chưa ạ?

Có những nhà thơ viết nhiều tập, nhưng vẫn chưa  thể định hình một phong cách riêng. Riêng với Từ Hồng Sơn, tôi thấy bạn ấy đã có một lối thơ riêng ngay từ tập đầu tiên. Tập sau vẫn là giọng ấy, lối ấy. Cái đó có phần mừng, nhưng cũng có phần chưa nên vội mừng. Bởi lẽ, sớm  định hình thì tốt, nhưng lại cũng đe dọa sự bứt phá, sự đổi mới, sự vượt mình và khác mình. Trong nghệ thuật,  rất kị việc lặp lại, việc không phát triển. Ghi dấu ấn, có phong cách riêng là chuyện không dễ dàng. Nhưng nếu quá sớm,  cũng không vội mừng vì một nhà thơ trẻ, con đường sáng tạo phía trước còn dằng dặc…

PV: - Có ý kiến cho rằng : Khi đọc thơ Hà Nội của Từ Hồng Sơn, người đọc có cảm tưởng như mình đang đi trên một con đường lạ, mỗi bài thơ như một ngả rẽ dắt ta đến một ngạc nhiên nào đó trước một hình ảnh, một âm thanh, một mùi hương…Ông có đồng ý với ý kiến đó không?

Vũ Nho : - Vâng, đó là nhận xét của nhà thơ Nguyễn Trọng Tín. Đó là một cách nói ví von. Tôi không phản đối sự cảm nhận đó vì suy cho cùng, mỗi người có một cách cảm thụ và ví von riêng, làm nên sự đa dạng. Nhưng tôi cũng muốn có một so sánh khác là  đọc thơ Hà Nội của Từ Hồng Sơn, người đọc như được tác giả đưa đi các con phố, các ngõ ngách Hà Nội. Mỗi phố, mỗi ngõ có cảnh sắc riêng, có loài cây riêng, có mặt hàng riêng và tất nhiên cả âm thanh, ánh sáng, màu sắc cũng riêng. Ấy là chưa kể những kỉ niệm, những liên tưởng riêng của người  viết. Và do đó người đọc sẽ ngạc nhiên và thích thú.

PV: -  Theo nhà phê bình Vũ Nho, điều gì tạo nên sức hấp dẫn ở các bài thơ viết về Hà Nội của nhà thơ Từ Hồng Sơn?

Vũ Nho : - Trước hết, theo tôi đó là một tình yêu trong trẻo và đắm say Hà Nội. Điều này là động lực thôi thúc tác giả cầm bút. Nhưng nếu chỉ có một tình yêu thì chưa đủ. Còn phải có năng khiếu, có phẩm chất của người thơ. Tức là phải biết giãi bày tình yêu dào dạt đó thành lời. Từ Hồng Sơn có con mắt của người làm hội họa, nhưng anh cũng có phẩm chất của nghệ sĩ ngôn từ. Những từ ngữ Sơn dùng vừa có màu sắc cổ kính lại vừa có màu sắc hiện đại. Những con chữ đó liên kết tạo thành những câu thơ lạ, cảnh sắc lạ mà Nguyễn Trọng Tín, Phạm Xuân Nguyên đã liệt kê trong hai bài giới thiệu hai tập “ Hà Nội mùa thổ phách” và “Hà Nội mùa mộc phách”. Chỉ xin dẫn  đôi câu bất chợt:

          Tất cả chuồn chuồn trốn nắng dưới chăn phơi

          Chỉ khẽ chạm vào ùa vù lấp lóa

          Chẳng biết khi nào cơn mưa mía rươi sẽ xuống

          Giếng rủ chậu xô há miệng o tròn

          Ta ngửa đầu tìm bùa ve vũ hạ

          Rơi râm ran nóng lõng bõng mặt hồ

                   Trốn tìm quên nhắm mắt ( Hà Nội mùa thổ phách)

         

          Tóc nhấm nháp hương mưa môi rót cốm

          Những nếp nhăn đánh cắp trán mịn màng

                                     Thu đơn sắc ( Hà Nội mua mộc phách)

Tóm lại, tình yêu nồng nàn Hà Nội, phẩm chất nghệ sĩ ngôn từ làm cho Từ Hồng Sơn lạ hóa Hà Nội, lạ hóa kinh đô, kinh thành, lạ hóa thủ đô, đem lại một Hà Nội mới mẻ. Đó là điều căn bản làm nên sức hấp dẫn của thơ Từ Hồng Sơn.

PV : - Trong các bài thơ  của Từ Hồng Sơn, ông ấn tượng với bài thơ nào, ông có thể chia sẻ với quý khán giả không ạ?

Vũ Nho : Câu hỏi này khó đây. Có thể nói rằng tôi ấn tượng với khá nhiều bài. Vì thế khó mà có thể kể hết được. Còn chia sẻ một bài, thì tôi sẵn lòng mời mọi người nghe một bài không dài lắm, và cũng không phải là bài ấn tượng nhất trong tôi. Đó là bài thơ. Tôi đọc trước nội dung, các quý vị thử đoán tên bài thơ sẽ là gì.

          Anh chẳng mang theo Hà Nội được đâu

          Nhưng cũng yên lòng khi em ở lại

          Em sẽ thay anh yêu Hà Nội thật nhiều

          Hơn cả một thời mình từng như thế…

         

Anh chẳng mang theo hồ Gươm được đâu

          Nhưng cũng bớt đi đôi phần day dứt

          Em sẽ biết khi nào mặt nước òa xanh

          Ngợp đến nỗi tháp già tưởng có màu áo mới…

         

Anh chẳng mang theo hết phố Hàng được đâu

          Nhưng cũng an ủi mình đừng trẻ con mãi vậy

          Em sẽ giữ gìn di sản cổ tích tuổi thơ

          ( nguyên vẹn đấy)

          Mỗi chiếc lá trước khi rơi

đều ngửa mặt biết bầu trời…

         

Anh chẳng mang theo hết ngõ bi được đâu

          Nhưng cũng tin rằng em

                                     vẫn ươm vườn mây cây gió

          Em sẽ thấy ngói mọc lên mầm thị

          Nàng Tấm xòe tay may túi lót phấn vàng…



          Anh chỉ mang theo thơ ấu của mình thôi

          Chút phiếu tem lấp che lỗi lầm trống rỗng

          Quả bóng chơi chắt nảy đều đều không ngừng nghỉ

          Đống que thời gian ngày một chất chồng lên…



          Những kỉ niệm đâu cần phải trùng tên

          Bởi đã thành máu thịt trong anh, trong em, trong Hà Nội nữa

          Như huyết phách hồng cầu thăm thắm đỏ

          Hằn mắt võng xưa dính chặt ở lưng mùa.

Bài thơ đó có tên “ Mùa để lại” trong tập “ Hà Nội mùa mộc phách”. Cám ơn quý vị đã chia sẻ cùng tôi!

PV: - Xin cám ơn nhà phê bình, PGS TS Vũ Nho! Cuộc trao đổi vừa rồi với nhà văn Vũ Nho đã khép lại chương trình Tạp chí văn hóa nghệ thuật Quân đội hôm nay. Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại quý vị và các đồng chí trong các chương trình tiếp theo!



                                      Thực hiện Kim Bình





         

                           

                  

         

         


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét