Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

“TUỔI SINH VIÊN” TRONG TRUYỆN “BẠN BÈ ƠI”




“TUỔI SINH VIÊN” TRONG TRUYỆN “BẠN BÈ ƠI
(Đọc “ Bạn bè ơi!”, Nguyễn Thị Việt Nga -
Tủ sách tuổi mới lớn - Nxb Kim Đồng, 2002)

Nguyễn Thị Lan

            Với cây bút trẻ Nguyễn Thị Việt Nga, “Tuổi sinh viên” là đề tài ám ảnh, là nguồn cảm hứng dồi dào cho những sáng tác của cô. Trước “Bạn bè ơi!”, tiểu thuyết  “Đường đời” (Nxb Trẻ, 2000) và nhiều truyện ngắn của Nguyễn Thị Việt Nga cũng lấy đề tài từ “tuổi sinh viên”. Trong tập thơ “Cõng mình qua những cơn mưa” (Nxb Hội Nhà văn, 2002), “tuổi sinh viên” lại hiện về trong hoài niệm của Việt Nga như những dòng lấp lánh.
            Truyện “Bạn bè ơi!” ra đời tiếp theo như kéo dài nỗi nhớ ấy. Việt Nga lại viết về “tuổi sinh viên” như để “sống  lại” một quãng đời êm đẹp của mình và cũng là để cô trả món nợ tâm hồn với bạn bè.
            Truyện được in tháng 8-2002 sau khi Việt Nga tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội được bốn năm. Bốn năm “nhìn lại”, quãng đời sinh viên vẫn còn tươi ròng như vừa mới hôm qua trong Việt Nga. “Bạn bè ơi!” là một truyện đọc lôi cuốn, hấp dẫn - hấp dẫn từ đầu đến cuối. Làm nên “cái duyên” của tác phẩm trước hết ở “giọng điệu văn chương” của tác giả.Với tác phẩm này, người viết đã chứng tỏ mình có phong cách nghệ thuật. Cô  đã tạo được một giọng thích đáng cho tác phẩm ứng với cái  nhìn khám phá hiện thực - đó là giọng kể của cô sinh viên “áo trắng” về tuổi sinh viên.
            Hồn nhiên, trẻ trung, tinh nghịch là giọng điệu cơ bản của tác phẩm.
            Người đọc sẽ “bắt” được cái “giọng” của tác phẩm ngay từ những dòng mở đầu:
            “Tao mà là con trai, chọn người yêu, tao sẽ chọn cô nào thật xinh...
            Lan Anh bĩu môi, nhòm sát mặt Hoa:
            - Vâng, lão Trung nhà mày cũng “chết” mày chỉ vì cái xinh ấy thôi. Các cụ bảo rồi “cái nết đánh chết cái đẹp”.
            - Nhưng các cụ còn bảo: “Gái tham tài, trai tham sắc” cơ mà! Hoa vẫn gân cổ.

            Chị Lành gõ thước cành cạch xuống mặt hòm:
            - Thôi be bé cái mồm thôi chứ, mười hai rưỡi đêm rồi đấy!
            Đi ngủ đi...
            Được rồi, nhưng mai phải tiếp tục đấy nhá. Em cực kỳ phản đối cái Hoa. Như Lê hói còn có lý, đằng này... - Lan Anh cố vớt vát.
            - Có lý quá đi chứ. Ai mà chẳng thích người chung thuỷ... Lê hói giũ màn, làu bàu.
            Thuỷ lùn ngáp rõ to. Cuộc tranh luận chấm dứt”.
            Một cuộc nói chuyện đã biến thành tranh luận về những chuyện chẳng đâu vào đâu của các cô sinh viên ở một ký túc xá trước giờ đi ngủ. Ồn ào, trẻ trung, hiếu thắng... Nhưng tuổi trẻ là thế.
            Khúc dạo đầu này sẽ tạo nên âm hưởng chính của bản nhạc.
            Truyện  “Bạn bè ơi!” tập trung kể về năm cuối cùng của khoá học - năm thứ tư - cái năm sắp khép lại đời sinh viên và chuẩn bị mở ra chặng đời mới của mỗi nhân vật.
            Không gian nghệ thuật của truyện là khu ký túc xá sinh viên khoa Văn ở một trường Đại học Sư phạm. Dù đôi lúc tác giả có “đưa” nhân vật chính của mình (Linh) về một “thị xã” nào đó thì không gian chính của truyện vẫn là một không gian nhỏ, chật hẹp của căn phòng 418 với năm chiếc giường tầng. Căn phòng đó luôn đầy ắp tiếng nói, tiếng cười đùa và cả những giọt nước mắt. Dưới ánh đèn (hôm nào mất điện là những quầng nến) soi mỗi giường là cả một thế giới nội tâm: người cặm cụi đọc sách sống với thế giới “nhân vật”; người học bài, người viết thư, người đọc thư người yêu...
            Trong căn phòng đó, mười cô sinh viên cùng sống, cùng ăn, ngủ, học hành, sinh hoạt. Bao chuyện vui buồn đã diễn ra ở đây, nhưng có hai chuyện được ngòi bút tác giả tập trung miêu tả nhất là chuyện học hành và chuyện yêu đương.
             Việt Nga tỏ ra am hiểu và miêu tả khá sắc sảo cuộc đời sinh viên. Những buổi lên giảng đường nghe giảng, lên thư viện đọc sách, rồi thi học kỳ, làm luận văn tốt nghiệp, đi thực tập... được tác giả kể thật sinh động.
            Đây là buổi lên giảng đường: “Đánh vật với ba tiết văn học Việt Nam mệt nhoài. Ra chơi tiết ba, thầy giáo vừa ra khỏi lớp thì cô Sen giáo vụ khoa đã ló đầu vào thông báo một câu gọn lỏn: “Lớp nghỉ hai tiết cuối. Thầy giáo bận”. Bốn mươi cái mồm cùng gào lên. Đứa nào cũng thấy sướng. Thoát được hai tiết ngoại ngữ trời đầy thật số đỏ. Tất cả ào ào ôm cặp định về...”
            Học trò là thế, bao giờ cũng thích được nghỉ học. Bất kể vì lí do gì, kể cả vì lý do... thầy ốm.
            Đây là một buổi lên thư viện đọc sách trong mùa thi: “phòng đọc của thư viện đông nghẹt. Sắp thi học kỳ một nên ai cũng có vẻ mải miết. Linh và Lan ăn vội bữa cơm sinh viên để lao lên thư viện, chờ cửa xí chỗ từ lúc mới hơn năm giờ tối. Sáu giờ mười lăm thư viện mới mở cửa. Cứ tưởng hai đứa đi sớm lắm, hoá ra còn sau khoảng gần hai chục người”.
            Những ai đã từng có những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường đại học hẳn sẽ thấy rất thích thú khi gặp lại bóng dáng cuộc đời sinh viên của mình qua những trang viết của Việt Nga.
            Tuổi trẻ gắn liền với tình yêu. Tuổi trẻ là tuổi khao khát yêu và khao khát được yêu “phòng 418 mười đứa thì năm đứa có người yêu, chỉ còn “năm ngôi sao cô đơn”. “Năm cuối ít khách khứa hẳn, chẳng bù cho năm thứ nhất, thứ hai cứ nườm nượp suốt buổi tối. Đứa nào cũng than mình thành “gái già” mặc dù trừ chị Lành ra thì chưa đứa nào bước sang tuổi hai mươi ba".
            Năm cô gái đã yêu nhưng xem ra những vị ngọt (và cả vị đắng) của tình yêu mà các cô đã nếm trải chẳng ai giống ai. Có những mối tình đẹp, thuỷ chung, hạnh phúc như mối tình của Linh và Hải. Có những mối tình tan vỡ đau khổ như mối tình của Lành và Hoàng. Có những mối tình đau đớn, bẽ bàng, để lại vết thương lòng (và cả vết thương trên thân thể người con gái) như mối tình của Lan Anh với gã “Sở Khanh” Hoàng. Năm cô gái đó có người coi yêu đương là chuyện nghiêm túc, hệ trọng; có người coi tình yêu như một trò chơi, một cuộc phiêu lưu... Tương ứng với những mối tình đó là những giọt nước mắt: hạnh phúc, sung sướng, đau khổ, ân hận, xót xa. Nếu như “tuổi già hạt lệ như sương” thì tuổi trẻ lại dễ khóc. Những giọt nước mắt của những người bị thần tình yêu Eros bắn trúng tim tuôn chảy như những cơn mưa dông đầu hạ: mưa thật dữ dội, nhưng hết mưa trời trở lại trong xanh. Mọi nỗi buồn rồi cũng sẽ qua đi, những vết thương rồi cũng sẽ mau lành trên một thân thể cường tráng. Tuổi trẻ là vậy. Tuổi trẻ có thể sửa chữa mọi lỗi lầm, hàn gắn mọi vết thương và cho phép làm lại. Nhân vật của Việt Nga đã vượt qua những vấp ngã trong cuộc đời một cách cứng cỏi.
            Biết bao việc “đại sự”, bao niềm vui, nỗi buồn ở cái năm cuối cùng của đời sinh viên đã được Việt Nga kể thật hấp dẫn trong tác phẩm.
            Con mắt nhìn của tác giả là con mắt của người trong cuộc: trẻ trung, hồn nhiên và đầy yêu thương, trìu mến. Tình cảm đó không chỉ toát ra từ toàn bộ nội dung câu chuyện mà ở ngay nhan đề của tác phẩm. Tên truyện là một nốt trầm xao xuyến, là tiếng gọi của một người đã có một khoảng cách xa về không gian và thời gian với bè bạn, tiếng gọi “Bạn bè ơi!”.
            Như trên đã nói “Bạn bè ơi!” là cuốn truyện đọc hấp dẫn, lôi cuốn. Sức hấp dẫn của truyện ở ngôn ngữ của tác giả - một ngôn ngữ sinh động với vốn từ khá phong phú. Sức hấp dẫn còn ở nghệ thuật kể chuyện của Việt Nga: cô kể chuyện chân thực, có duyên, hơi văn tự nhiên, trẻ trung, mềm mại. Có cảm tưởng là Việt Nga viết rất nhẹ nhàng. Ưu điểm này đã hạn chế nhiều “sở đoản” của tác giả.
            Nặng về “kể”, Việt Nga ít “tả”. Tuy nhiên những đoạn văn “tả” của tác giả cũng khá sinh động.
            Đây là cảnh đêm về ở ký túc xá: “Linh thò tay tắt nốt ngọn đèn cuối cùng. Cả phòng im lặng chỉ nghe tiếng gió lùa hun hút dọc hành lang. Mơ hồ đâu đó tiếng ghi ta bập bùng vẳng tới. Chắc là ở dãy nhà A7 đằng sau, tụi con trai khoa Toán “đóng đô” ở đó”.
            Hoặc: “Tối thứ bảy mất điện, ký túc xá buồn tênh. Dãy hành lang hun hút vắng hoe. Dưới sân, lác đác một vài nhóm tụ tập bên gánh cháo rong của u Hoà”.
            Vài nét chấm phá mà gợi ra được cái “hồn” của cảnh vật. Rất tiếc trong “Bạn bè ơi!” những đoạn văn “tả” như thế chưa thật nhiều.
            “Bạn bè ơi!” là cuốn truyện dài thứ hai của Việt Nga. Ở tiểu thuyết  “Đường đời” (đã được chuyển thể thành kịch bản bộ phim truyền hình “Phượng hồng”),  Việt Nga đã đạt giải nhì cuộc thi sáng tác “Văn học tuổi hai mươi” (Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh - Báo tuổi trẻ - Nxb Trẻ tổ chức). Với “Bạn bè ơi!” năm 2002, Việt Nga lại vinh dự được nhận giải tác giả trẻ của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
            Một số thành công bước đầu đã đến với cây bút trẻ Việt Nga. Trong tương lai người đọc có quyền hy vọng ở cây bút rất sung sức này.
 Hải Dương, Lập Xuân 2003







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét