Lê Văn Truyền
Bài đăng Nội san Haiku
Việt
Xuân Đinh Dậu
Giới
thiệu tác phẩm
TINH
THẦN HAIKU
HAIKU
MIND
Patricia
Donegan
Giới
thiệu Tác phẩm và Tác giả:
Tuyển
tập “Haiku
Mind” của Patricia Donegan do Nhà Xuất Bản SHAMBHALA (Boston – London) ấn
hành năm 2010 là một tuyển tập ghi lại những cảm thụ của tác giả đối với 108
khúc Haiku của các haijin: từ Basho và các bậc thầy haiku Nhật Bản cho đến các
haijin hiện đại, từ các haijin phương Đông đến các haijin phương Tây, các
haijin nam và haijin nữ.... Không phải ngẫu nhiên mà tác giả lại chọn con số
108 khúc Haiku. Theo giáo lý nhà Phật, 108 là số khổ nạn mà Đức Phật phải trải
qua để đạt đến Giác Ngộ. Đó cũng là số 108 hạt trong tràng hạt mà các Phật Tử
hàng ngày sử dụng khi đọc Kinh, niệm Phật..
Cor
Van Den Heuvel, biên tập viên “The Haiku
Anthology”(Hợp Tuyển Haiku) bình luận: “Haiku
Mind gồm các bài tiểu luận sâu sắc nhất về thơ haiku kể từ sau tác phẩm nổi tiếng
của R. H. Blyth. Nếu bạn muốn hiểu haiku là gì, một khúc haiku có thể làm được
điều gì và tại sao thơ haiku lại quan trọng, bạn hãy đọc quyển sách này.
Patricia nhìn thấu vào “trái tim” của haiku thông qua những kinh nghiệm cá nhân
đặc sắc bằng một nhãn quan rộng mở, thấu hiểu và nhạy cảm”.
Tạp
chí “Spirituality & Practice”
bình luận: “Một trong những quyển sách đầy
trí tuệ hay nhất trong năm 2008. Donegan khuyên chúng ta nên sống chậm lại và
hãy quan tâm đến thời khắc hiện sinh, đến những gì đang ở ngay trước mắt chúng
ta, để trải nghiệm sự phù du của cuộc đời, để chuyển sự chú ý đối với bản thân
thành mối quan tâm đến mọi người, coi sự hài hước như một ân huệ cứu rỗi, tôn
trọng cảm xúc cô đơn, lưu tâm đến tính bất khả xâm phạm của Thiên Nhiên, để suy
nghĩ, cân nhắc về những điều trái ngược: những gì cần níu giữ và những gì cần
buông thả, và cuối cùng, để thấu hiểu về chân giá trị và vẻ đẹp của những sự vật
bé bỏng”.
Patricia
Donegan là một nhà thơ, nhà biên dịch đồng thời là người đề xướng việc coi
haiku như là một phương tiện để “thực
hành nhận thức”. Bà là thành viên của
Hội Nhà Thơ Đông – Tây (Đại Học Naropa) của Allen Ginsberg và Chogyam Trungpa;
Bà cũng là môn đệ của bậc thầy haiku Seishi Yamaguchi và là nghiên cứu viên của
quỹ Fulbright ở Nhật Bản. Các tác phẩm haiku của Bà gồm có: “Love Haiku”(Haiku Tình Yêu), “Chiyo-ni: Woman Haiku Master”(Chiyo-ni: Nữ
Sỹ Haiku Bậc Thầy)đồng tác giả với Yoshie Ishibashi và tác phẩm “Haiku: Asian Art for Creative Kids”(Haiku:
Nghệ thuật Á Đông cho Trẻ Em Sáng Tạo). Các tuyển tập Haiku của Patricia
Donegan gồm có: “Without Warning”, “Bone Poems” và “Hot Haiku”.
Mặc
dù vốn tiếng Anh văn học còn rất hạn chế, cũng xin mạnh dạn trích dịch và giới
thiệu với các haijin của Câu Lạc Bộ Haiku Việt Hà Nội nhằm cung cấp sự tiếp cận
với cách cảm thụ haiku của một haijin phương Tây. Mong các thành viên Câu Lạc Bộ
nhiệt tình góp ý, nhận xét.
Tri Ân
remembering those gone
thankful to be here
the pond of purple iris
tưởng
nhớnhững người đã khuất
biết
ơn khi được ở đây
cái
ao đầy hoa diên vĩ tím
Margaret
Chula*
Lòng biết ơn: từ ngữ thể hiện cách nhìn
thiêng liêng của mọi người rằng không chỉ cần sự thay đổi mà còn cần cả lòng
thương để kiến tạo hòa bình. Khúc haiku này, bản thân nó đã bao hàm rất nhiều sự
suy tưởng sùng kính như bất cứ khi nào trong ngày ta tưởng nhớ đến những người
thân đã khuất, đặc biệt mỗi buổi sáng khi ta thức dậy và mỗi buổi tối trước khi
đi ngủ. Ngay trong nỗi thương tiếc những người thân yêu đã mất, ta có thể tưởng
nhớ tới họ với lòng biết ơn: cha mẹ, con cái, vợ chồng, những bậc thần linh,
tiên tổ hoặc những người vừa mới hy sinh trong cuộc chiến tranh. Tưởng nhớ đến
họ là cách để thấy rằng không gì có thể chia lìa được chúng ta với họ, để thấy
rằng ta luôn gắn kết chặt chẽ với họ; và chúng ta biết rằng nếu không có họ thì
chúng ta không thể hiện hữu ở đây, ngay lúc này. Nghĩ đến những người đã khuất
và đồng thời nhận thức sâu sắc rằng ta đang hiện hữu tại đây trong cuộc hồi
sinh – đang sống và hít thở (dù rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng hoàn hảo),
đang đơn giản được ngồi trên một chiếc ghế, cảm thấy lưng mình đang được tựa
vào lưng ghế và nghỉ ngơi, thế là đủ. Từ đây, với lòng biết ơn chân thành chúng
ta có thể ngắm nhìn thế giới rộng lớn chung quanh – cái ao với những bông hoa
diên vĩ tím. Khúc haiku này đẹp như một lời cầu nguyện giản dị: sự biết ơn đối
với mọi người, với bản thân, với Thiên Nhiên và cả với thế giới bên kia.
*MARGARET
CHULA (sinh năm 1947). Một trong những nhà thơ haiku nổi tiếng của Hoa Kỳ, được
nhiều giải thưởng về haiku, haibun và tanka, ngoài các truyện ngắn. Chula sống ở
Tokyo (Nhật Bản) trong 12 năm, điều đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến tính nhạy cảm
trong thơ ca và các hoạt động quốc tế về haiku của bà. Tác phẩm chính của bà:
“Grinding my Ink” (Mài Mực), “Shadow Line” (Hình Bóng), “The Smell of Rust”
(Mùi Han Gỉ) và tác phẩm “What Remains: Japanese Americans in Internment Camps”
(Những Gì Còn Lại: Người Mỹ gốc Nhật trong Trại Giam).
Cửa
Sổ Tâm Hồn
to
see Void vast infinite
look
out the window
into
the blue sky
để thấy khoảng không vô
tận bao la
hãy nhìn vào bầu trời
xanh trong
ngoài cửa sổ
Allen Ginsberg*
Đây là khúc haiku trước lúc từ trần (death haiku) của Allen Ginsberg, viết
khoảng một tuần trước khi chết. Theo truyền thống Nhật Bản, khi đau ốm hoặc trước
khi chết, các haijin và các bậc Thiền sư thường viết “death haiku” như là một cách để bày tỏ nhận thức của mình, bằng
cách viết ra những dòng thơ cuối cùng phản ánh suy nghĩ của mình về cái chết.
Là người thực hành Thiền và là một haijin, Ginsberg nhiều lần cho tôi biết rằng
nhà thơ rất thích truyền thống này của người Nhật và hy vọng một ngày nào đó
ông có thể thực hiện được điều này. Khúc haiku này là một trong những thực nghiệm
của cái mà Ginsberg gọi là “haiku Mỹ”,
chỉ viết trong một dòng.
Khúc haiku này nhắc ta nhớ đến một thực
hành trong Phật Giáo Tây Tạng là “Thiên
Thiền”(sky meditation): nhìn lên bầu trời xanh cao mênh mông, tưởng tượng đến
không gian rộng mở và hãy làm cho trí não ta quên đi những bận tâm hiện hữu. Bầu
trời luôn luôn gợi mở cho ta về sự phóng khoáng trong tâm hồn mà bất cứ lúc nào
chúng ta cũng có thể chạm đến. Bất kỳ ở đâu, chúng ta đều có thể dừng lại, nhìn
lên bầu trời cao trong xanh vời vợi, hay tưởng tượng ra một bầu trời để … hít một
hơi dài rồi … thở ra. Và cứ như thế, trong một khoảnh khắc, chúng ta có thể trở
lại với bản thể của tâm hồn, cũng rộng mở bao la như bầu trời xanh; những suy
tư và cảm xúc sẽ trôi qua như mây bay, như gió cuốn. Bất cứ lúc nào chúng ta
cũng có thể trở lại với tâm hồn rộng mở như bầu trời xanh trong.
*ALLEN
GINSBERG (1926-1997). Một người khai phá xuất sắc, một trong những nhà thơ trường
phái tưởng tượng lớn nhất của Hoa Kỳ trong thế kỷ XX. Allen nổi tiếng về những
bài thơ phản kháng nền chính trị Hoa Kỳ, bắt đầu với tập thơ “Tiếng Gào Thét”
(Howl) năm 1955. Hơn nữa, trong suốt cuộc đời Allen còn là một người sáng tác
haiku theo cách gọi là “thực hành nhận thức” (awareness practice) đúng với thực
hành Thiền của nhà Phật. Các khúc haiku của Allen được xuất bản trong tập
“Haiku Thiền Định”(Mostly Sitting Haiku) hoặc trong “Tuyển Tập Thơ 1947-1980”
(Collected Poems: 1947-1980). Những khúc Haiku thể nghiệm mà Allen gọi là
“American Sentences” được in trong tập thơ cuối cùng của ông trước khi chết
“Death and Fame: Last Poems: 1993-1997” (Cái Chết và Danh Tiếng: Những Bài Thơ
Cuối Cùng: 1993-1997).
Giản Dị
this spring in my hut
there is nothing
there is everything
mùa
Xuân này trong túp lều của tôi
chẳng
có gì
nhưng
là tất cả
Sodo
Yamaguchi*
Tôi luôn luôn ngường mộ Mahatma Gandhi về
cuộc sống đơn giản của Ngài với những vật sở hữu ít ỏi: tấm áo vải thô, chiếc
lược, cây bút máy, quyển sổ tay và một bản trích kinh Ấn Giáo – tất cả chỉ có vậy.
Và Henry Thoreau, cũng với một ít vật dụng sở hữu như vậy cũng sống ở Walden
Pond. Mặc dù vậy, họ không sống cuộc sống khổ hạnh đến mức lý tưởng: các tài liệu
ghi chép lịch sử cho thấy lối sống khổ hạnh của Gandhi cũng dựa trên sự hỗ trợ
tài chính của nhiều người và Thoreau vẫn dự các buổi ăn tối chủ nhật tại nhà mẹ
trong thời gian ông sống ở Walden. Cả hai người đều biết được giá trị của sự
đơn giản. Trong nền văn hóa hậu hiện đại ngày nay, có một khuynh hướng xem xét
lại những giá trị này: từ bỏ chủ nghĩa tiêu dùng man rợ và quay về với sự đơn
giản. Nhiều người trong chúng ta luôn phiền muộn bởi những điều vớ vẩn, bắt nguồn
từ một nền văn hóa tiêu dùng cường điệu vấn đề “chúng ta không có những gì” so với việc “chúng ta cần có cái gì” và từ đó làm ta bất mãn. Đây đúng là một sự
nghèo nàn về trí tuệ; trong khi sự nghèo túng thực sự lại là một vấn đề khác.
Không cần phải thi vị hóa sự nghèo túng nhưng cần thuyết phục mọi người nên sống
một cách đơn giản hơn và qua đó sẽ được hài lòng hơn. Dù nhà thơ có thật là “không có gì cả” hay không, khúc haiku
này đã chỉ ra cách để đi đến sự đơn giản, để cảm thấy “không có gì cả” nghĩa là “có
tất cả”, để có thể nhẹ nhàng hít thở làn không khí của mùa Xuân.
*SODO
YAMAGUCHI (1643-1716). Sinh ra ở Kai và sau đó chuyển về sống ở Edo (Tokyo),
Sodo quen biết Basho khi nghiên cứu cùng với Kigin. Ông rất được Basho kính trọng,
đặc biệt về kiến thức của ông đối với văn học cổ điển Trung Hoa.
Sự Ngăn Cách
across a rose fence
a cat lover
a cat hater
hai
bên bờ giậu hoa hồng
một
con mèo yêu
một
con mèo giận
Kazuo
Sato
Khúc haiku này giúp ta phát hiện ra một
nhà thơ sâu sắc, có viễn kiến và – có cái nhìn xa hơn bên kia bờ giậu hoa hồng.
Là một trong những nhà thơ haiku hiện đại của Nhật bản, Sato là một trong những
người, trong phần tư cuối của thế kỷ XX, có những đóng góp quan trọng nhất để hội
nhập thơ haiku vào nền thi ca thế giới, để các nước cùng Nhật Bản thưởng thức
thể thơ haiku (tôi có may mắn được làm học trò ông trong hơn 10 năm và đã được
mở rộng hiểu biết về haiku). Vấn đề quan trọng đối với chúng ta là làm thế nào
để có thể mở rộng tầm nhìn ra ngoài sự hạn chế của chúng ta, vượt qua khỏi những
gì chúng ta thích và chúng ta không thích – tình cảm ủng hộ “pro” hoặc không ủng hộ “contre”, ở mức độ cá nhân hoặc ở mức độ
quốc gia. Những giới hạn được bảo thủ thái quá này là nguyên nhân của sự không
hòa hợp, tranh chấp và cuối cùng dẫn đến chiến tranh. Phương thuốc giải độc
chính là hãy giống như bức giậu hoa hồng kia: hãy trung tính, mở rộng tầm mắt để
nhìn xa ở cả ở hai phía của bức giậu. Khúc haiku này thể hiện sự thật phi lý đáng
buồn của thế giới hiện nay và thúc dục chúng ta ít nhiều hãy tưởng tượng, như
bài hát của John Lennen “Imagine”(Hãy Tưởng
Tượng) … và hãy vượt qua cái thực tại phi lý này.
*KAZUO
SATO (1927-2005). Là bậc thầy haiku hiện đại Nhật Bản và là người cổ động cho
thơ haiku thế giới. Thụ giáo từ rất sớm với nhà dịch thơ haiku R. H. Blyth đã
làm Sato bừng cháy sự thích thú haiku. Ông đã từng là giáo sư, biên tập thơ
haiku bằng tiếng Anh cho tạp chí “Mainichi News” (Tin Tức Mainichi), và là một
nhà sáng lập “Japan Haiku International Association” (Hiệp Hội Haiku Quốc Tế của
Nhật Bản), là Trưởng Ban Quốc Tế của “Haiku Musem” (Bảo Tàng Haiku” ở Tokyo, Nhật
Bản. Các tác phẩm của ông gồm có: “Can Mustard Flower Be Transplanted?” (Có Cấy
Ghép được Hoa Cải Cay?), “Haiku Crosses the Sea” (Haiku Xuyên Qua Biển Cả) và
“From Haiku to Haiku” (Từ Haiku Đến Haiku) và tuyển tập haiku “And the Cat Too”
(Và Con Mèo). Ông đã được nhận được Phần Thưởng Haiku Trọn Đời của Hiệp Hội
Haiku Hoa Kỳ và Giải Thưởng Quốc Tế Haiku Shiki.
Sự Biến Hóa
after the riot –
such a perfect
moonlight night
sau
những gì hỗn loạn
một
đêm trăng
êm
đềm xiết bao
Heikigodo
Kawahigashi*
Hãy nhìn đời với nhãn quan rộng mở: phải
thấy rằng tất cả mọi vật trong vũ trụ đang trong quá trình chuyển hóa. Hãy dẫn
lời của Thiền Sư Việt Nam Thích Nhất Hạnh: “Mọi
vật đều chuyển hóa. Bông hồng tàn héo sau sáu ngày sẽ trở thành rác. Sau sáu
tháng, từ rác một bông hồng khác sẽ nở ra. Khi chúng ta nói về sự bất trường cửu,
chúng ta hiểu rằng mọi sự vật tồn tại trong sự chuyển hóa”.
Ở Đông Á, vầng trăng là biểu tượng của sự
sáng tỏ, của tầm nhìn rộng mở vì trăng tỏa sáng bầu trời đêm và soi tỏ mọi vật
dù trong hỗn loạn hay trật tự. Chúng ta cần giữ cho tri giác của chúng ta thật
phóng khoáng; nếu chúng ta có thể chuyển hóa được nhận thức của chúng ta, tất cả
sự chuyển hóa của sự vật sẽ trở thành sinh động trong cái nhìn của chúng ta.
Nhân vật “Hoàng Tử Bé” của Saint
Exupery đã nhấn mạnh: “Ta chỉ có thể nhìn
một cách đúng đắn bằng trái tim tất cả những gì mà chúng ta không thể nhìn thấy
bằng mắt”. Nếu ta nhìn sự vật bằng cách nhìn rộng mở này, ta không cần bác
bỏ bất cứ thứ gì - sự hỗn độn hay vầng trăng - bởi vì tất cả là một phần của
quá trình chuyển hóa. Khúc haiku này là một sự chắt lọc cuộc sống nhân văn của
chúng ta, hãy nhìn sự vật một cách sâu sắc bằng đôi mắt của trái tim mình.
*HEIKIGODO
KAWAHIGASHI (1873-1937). Là một nhà thơ hiện đại nổi tiếng của Nhật Bản và một
trong hai môn đệ lớn (cùng với Kyoshi) của Shiki, người thầy của haiku hiện đại.
Kawahigashi là một nhà thơ thực nghiệm, vận động cho việc viết “haiku tự do”
không cần tính đến 5-7-5 âm tiết. Ông cũng là chủ biên tạp chí “Nippon Haiku”
(Haiku Nhật Bản). Tuyển tập haiku chính của ông là “Shinkeiko Kushu”, trong các
môn đệ của ông có Seisensui và Ippekiro. Ngoài sáng tác haiku, ông còn là một
phóng viên báo chí, vũ công kịch Noh, nhà thư pháp, nhà leo núi và nhà phê bình
haiku.
Nhạy Cảm
moonlight –
through thin clothes
to naked skin
ánh
trăng –
xuyên
qua áo mỏng
vuốt
ve làn da trần
Hisajo
Sugita*
Hãy thật nhạy cảm, hãy để cho vạn vật chạm
đến ta – dù đó là con người hay là ánh trăng. Để cho con người hay ánh trăng chạm
vào cơ thể ta một cách thân mật, gần như là nhục cảm, gần như là “hợp nhất” làm một với thân thể và tâm hồn
của chúng ta một cách thần bí. Thực tế, khúc haiku này bắt nguồn từ một câu
chuyện thần thoại Nhật Bản “Nihonshoki”
về Công chúa Soto Ori Hime, nổi tiếng về làn da đẹp đẽ của nàng, được mô tả là
luôn luôn tỏa sáng dưới lớp quần áo. Trong khúc haiku này, ánh trăng cũng đang
làm cho làn da của nữ sĩ rạng rỡ. Không giống như những khúc haiku khác viết về
trăng, khúc haiku này của một nữ sỹ được coi là “lập dị”, không thể hiện một cách nhìn “thông thường” về trăng và cảm giác về trăng trong tâm hồn của tác
giả, mà cảm nhận ánh trăng trên toàn bộ cơ thể của mình bên dưới lớp vải, trên
làn da trần trụi của mình. Người ta hay nói về “tắm nắng” mà ít khi nói về “tắm
trăng” và không bao giờ nói về ánh trăng xuyên qua quần áo. Ở nước Nhật hiện
đại, có một từ tiếng Anh gốc Nhật “skin-ship”
nói về những người thân (trong gia đình, bạn bè, người yêu) cùng tắm chung ở
nhà tắm công cộng hoặc suối nước nóng, ngâm mình trong làn nước ấm, khỏa thân
trong yên lặng hoặc trò chuyện thầm thì, thấu cảm với tự nhiên, trở về với trạng
thái nguyên thủy. Đó là một cảm giác “ở
nhà mình”, không thẹn thùng, xấu hổ, phê phán, chỉ đơn giản là để cảm nhận
sự thư giãn trên làn da trần của bản thân.
*HISAJO
SUGITA (1890-1946). Một nữ bậc thầy haiku hiện đại của Nhật Bản. Sugita là một
nữ haijin rất cuồng nhiệt, là giáo viên trong số các nữ haijin của trường phái
Hototogisu của Kyoshi. Sau đó, bà thành lập tờ tạp chí của riêng mình,
“Hanagoromo” (Flowered Kimono: Chiếc Kimono Hoa). Sau đó, bà đã bị gạt ra khỏi
trường do bị coi là “lập dị”; bà trở thành một người loạn thần và ít lâu sau bà
từ trần. Sau cái chết, tài năng về thơ của bà mới được công nhận.
Xuân Đinh Dậu
Lê Văn Truyền
Câu Lạc Bộ Haiku Việt Hà Nội
chuyển
ngữ
Cám ơn nhà thơ Đinh Nhật Hạnh đã gửi bài này cho chủ trang!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét