Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Những ngôi trường mang tên Tây Tiến

 Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập trung đoàn 52-Tây Tiến 27/2/1947 - 27/2/2017:

Những ngôi trường mang tên Tây Tiến

Dân trí Ở các trường mang tên Tây Tiến, cả thầy cô và các học trò đều cảm nhận như có sự lan tỏa động lực phấn đấu với “tinh thần Tây Tiến”…

Năm nay trung đoàn Tây Tiến được thành lập đã tròn 70 năm, những chiến binh Trung đoàn năm xưa nay đều trên dưới 90 tuổi - họ cảm thấy thật hạnh phúc khi những nơi họ đã hành quân qua, sát cánh với nhân dân các dân tộc trên miền Tây Tổ quốc xây dựng chính quyền cách mạng và cùng “chia lửa” những trận đánh khốc liệt không cân sức với quân đội Pháp - Những nơi này có những ngôi trường mang tên Tây Tiến. Ở các trường mang tên Tây Tiến, cả thầy cô và các học trò đều cảm nhận như có sự lan tỏa động lực phấn đấu với “tinh thần Tây Tiến”.
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi”
Khi ngâm câu thơ này, bác Giang Hồng Phúc còn nhớ như in lần hành quân lên bản Sài Khao (xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa): Một tiểu đội đi trước phạt lau sậy mở đường, anh em chúng tôi hành quân từ sáng đến trưa mới được hai phần ba đường, mây chăng như một tấm màn phủ xung quanh, núi ngút tầm mắt, cứ lên dốc lại xuống dốc, đúng là “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời”. Lên đến Sài Khao tháo ba lô thấy ướt đẫm lưng, mồ hôi bên trong túa ra, sương lạnh bên ngoài “ép” lại tấm áo cứng như mo cau. Lên Sài Khao một lần mà nhớ cả đời.
Thầy Viêm, hiệu trưởng trường tiểu học kể: “Cấp tiểu học xã Mường Lý hồi đó có 17 điểm trường, chủ yếu là con em dân tộc Mông, Thái, Mường, lãnh đạo phòng Giáo dục huyện cho chỉ thị “tách trường”, tôi được giao nhiệm vụ viết đề án. Tôi đã nghĩ ngay sẽ đặt tên là trường “Tiểu học Tây Tiến - Sài Khao” vì khi còn trong ghế nhà trường tôi đã mê bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng rồi. Được phân công lên dạy trên Sài Khao hàng ngày leo dốc vượt đèo, những hôm mùa đông mây giăng đến tầm trưa mới hoe hoe nắng. Mà bây giờ đường xá là đường ô tô đi thoải mái chứ ngày trước nghe các cụ ở bản kể chỉ có con đường mòn chỉ một người đi mới cảm thấy các chiến binh Tây Tiến năm xưa thật nghị lực phi thường. Được lãnh đạo huyện ủng hộ thế là trường Tiểu học Tây Tiến được ra đời gồm 7 điểm trường mà điểm cao nhất trên gần đỉnh Sài Khao. Mỗi điểm trường giáo viên dạy cả lớp 1 đến lớp 5. Ngày nắng còn khá, ngày mưa thì thật vất vả, nhưng các thầy cô đều nhủ nhau “Ngày xưa các cụ chiến binh Tây Tiến vất vả hơn bây giờ nhiều” để động viên nhau cố gắng.”
Sau này trường mầm non xã Mường Lý cũng được tách ra làm hai trường và thêm một “Trường Mầm non Tây Tiến - Sài Khao”.


Trường Tiểu học Tây Tiến (xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình). (Ảnh: Nguyễn Thị Bích Ngọc)
Trường Tiểu học Tây Tiến (xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình). (Ảnh: Nguyễn Thị Bích Ngọc)


Từ 2013 đến nay đã có 3 đoàn Ban liên lạc trung đoàn cử lên mang tình cảm Tây Tiến với các em nhỏ dân tộc. Đặc biệt năm 2014 Ban liên lạc đã kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí tặng 425 cái ba lô để các em đựng sách vở đồ dùng học tập. Nhìn các em khoác ba lô in dòng thơ “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi” tung tăng leo dốc đến trường cũng cảm nhận được tình cảm ấm áp của các chiến binh Tây Tiến dành cho thế hệ trẻ các dân tộc Sài Khao.
Châu Trang ngày ấy
Giữa năm 1947, các thương bệnh binh trung đoàn 52 Tây Tiến được tập kết về Quân y xá Châu Trang thuộc xã Thượng Cốc (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) khó khăn đủ bề: Thuốc men, dụng cụ y tế hết sức ít ỏi. Các chị y tá phải hơ lá chuối non cho mềm buộc vết thương, bệnh binh chủ yếu là sốt rét, một viên ký ninh pha với hàng lít nước để các anh uống vài thìa “làm phép”, đã có gần 200 chiến binh Tây Tiến qua đời tại nơi đây.
Thầy Tuấn hiệu trưởng kể: “Năm 2012 nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập trung đoàn 52-Tây Tiến, khu đài Tây Tiến ngay cạnh trường được công nhận là “Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh”. Sau đó huyện Lạc Sơn đã ra quyết định đổi tên trường Tiểu học Thượng Cốc thành trường Tiểu học Tây Tiến. Được mang tên Tây Tiến, anh em giáo viên nhân viên nhà trường rất phấn khởi nỗ lực công tác, các em học sinh cũng cố gắng học tập chăm chỉ hơn. Khu Tháp Tây Tiến ngay bên cạnh trường, hàng tuần trường phân công các lớp quét lá, cắt cỏ khiến nơi lưu niệm này luôn sạch sẽ, cũng là một lần các em học sinh bày tỏ tình cảm với thế hệ cha ông. Thầy trò chúng tôi tự hào được mang tên Tây Tiến.


Khu Tháp Tây Tiến ngay bên cạnh trường Tiểu học Tây Tiến (xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình). (Ảnh: Nguyễn Thị Bích Ngọc)
Khu Tháp Tây Tiến ngay bên cạnh trường Tiểu học Tây Tiến (xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình). (Ảnh: Nguyễn Thị Bích Ngọc)

"Người đi Châu Mộc chiều sương ấy"
Ngày 20/8/2016 công trình “Tôn tạo mở rộng khu di tích Trung đoàn 52-Tây Tiến” tại thị trấn Mộc Châu (tỉnh Sơn La) được được khánh thành. Ngay trong buổi lễ đó, lãnh đạo huyện Mộc Châu đã trao quyết định đổi tên các trường Mầm Non, Tiểu học, Trung học cơ sở thành trường Tây Tiến.
Cô Sinh - hiệu trưởng Trường Mầm non Tây Tiến Mộc Châu tâm sự: “Trường tôi sau khi được mang tên đơn vị Tây Tiến huyền thoại lại được trao danh hiệu “Đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1”, bất ngờ nhất là 457 em học sinh được Ban Liên lạc Cựu chiến binh Tây Tiến tặng mỗi em một ba lô đựng đồ dùng đi học. Món quà rất được các bé yêu thích đến nỗi đi ngủ cũng đòi ôm ba lô ngủ, ai cũng cảm nhận được trường tôi như mới lại”.

Thầy trò trường Tiểu học Mộc Câu (Sơn La) trong dịp kỷ niệm 70 năm thành lập trung đoàn 52-Tây Tiến 27/2/1947 - 27/2/2017. (Ảnh: Trần Kim Oanh)
Thầy trò trường Tiểu học Mộc Câu (Sơn La) trong dịp kỷ niệm 70 năm thành lập trung đoàn 52-Tây Tiến 27/2/1947 - 27/2/2017. (Ảnh: Trần Kim Oanh)

Sáu ngôi trường được mang tên đoàn quân Tây Tiến ở những nơi ghi dấu chân gần một thế kỷ ông cha ta đã “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” đều tưng bừng treo băng rôn chào mừng các cụ cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến như một lời tri ân nhân dịp kỷ niệm trọng đại này.
Nguyễn Phú Cương

2 nhận xét:

  1. Cảm ơn bạn Vũ Nho người luôn đồng hành với các hoạt động của BLL TT
    Mạnh khỏe và vui nha bạn
    Trân trọng
    NPC

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi có duyên với Tây Tiến và nhất là bài thơ Tây Tiến của bác Quang Dũng! Cám ơn bạn đã thông tin về các hoạt động của Ban liên lạc!

      Xóa