TỨ THƠ QUYẾT ĐỊNH BẠI THÀNH
NGUYỄN VŨ TIỀM - Túi nhà thơ có ba ngăn: Tứ - Từ - Tư đủ quanh năm tiêu xài
“Làm thế nào để có thơ hay”? Câu hỏi của Tập san Văn Hóa Việt (NXB Văn hóa Dân tộc - 2017) số Xuân Kỷ Dậu cũng là câu hỏi muôn đời; nhưng sẽ muôn đời không có câu trả lời thỏa đáng. Bởi “Thơ hay” là thuộc về Thượng Đế, cũng giống như nhân tài, thiên tài, hoa khôi, hoa hậu… Bí mật này ở sau ổ khóa thiên cơ. Mỗi thời hay mỗi người chỉ có thể tiếp cận phần nào mà thôi.
Nhớ lại những năm khó khăn của thế kỷ trước, cánh làm thơ trẻ chúng tôi chả mấy khi có đồng xu dính túi, hàng ngày toàn ăn phở tưởng nhưng vẫn ung dung:
Túi nhà thơ có ba ngăn
Tứ - Từ - Tư đủ quanh năm tiêu xài.
Bây giờ ngẫm lại thấy chí lý quá, ba yếu tố cần thiết nhất cho thơ được thể hiện đầy đủ: Tứ: tứ thơ. Từ: từ ngữ. Tư: tư tưởng. Xếp thứ tự ưu tiên cũng rất logic: Tứ thơ là quan trọng hàng đầu.
Tôi hoan nghênh tập san Văn Hóa Việt nêu vấn đề này, ngõ hầu khắc phục tình trạng đáng buồn của thi đàn hiện nay: người làm thơ nhiều hơn người đọc thơ; người in thơ nhiều hơn người mua thơ. (Tất nhiên trong số đó không ít ấn phẩm chỉ “giống như thơ” mà thôi - Lời của một ủy viên Hội đồng Thơ HNV VN).
Một bài thơ hay, trước hết ở tứ thơ.
1. Tứ thơ và các yếu tố tạo nên tứ thơ
Tôi từng nghe nhiều nhà thơ nói: Tứ thơ là xương sống của bài thơ, là trụ cột của ngôi nhà thơ. Không sai nhưng không đủ và dễ bị hiểu lầm đồng nhất với “đại ý” của bài, kiểu học sinh phổ thông và tai hại hơn là hiểu xương sống và cột nhà có thể giống nhau, có thể có khuôn mẫu để sản xuất hàng loạt. Đây là tình trạng thơ chạy theo số lượng, viết vội vàng đang rất phổ biến hiện nay.
Theo sách “Đi tìm vẻ đẹp văn chương”, NXB Giáo dục – 2008: “Tứ thơ là một khám phá”. Rất cô đọng và chính xác, yêu cầu trước tiên là phải sáng tạo, mới mẻ và không lặp lại.
Nhiều nhà thơ, nhà phê bình đã từng viết về tầm quan trọng và giải mã về tứ thơ, tôi xin góp thêm.
Quá trình xây dựng, hình thành tứ thơ gọi là cấu tứ. Theo sách “Đi tìm mật mã thơ” (NVT), NXB Hội Nhà văn tái bản 2015: “Cấu tứ là hoạt động tư duy để sáng tạo ra hình tượng nghệ thuật, đó là cây đời xanh tươi duy nhất do nhà thơ “lai tạo” giữa hình ảnh sống động và ý nghĩa thơ” (tr 77).
Xin nêu một số ví dụ để xem những yếu tố gì tạo nên tứ thơ:
BẼN LẼN
HÀN MẠC TỬ
Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi.
Trong khóm vi vu rào rạt mãi
Tiếng lòng ai nói? Sao im đi?
Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.
Vô tình để gió hôn lên má
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm
Em sợ lang quân em biết được
Nghi ngờ đến cái tiết trinh em.
THÁP BAYON
CHẾ LAN VIÊN
Anh là tháp Bayon bốn mặt,
Giấu đi ba, còn lại đấy là anh,
Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc,
Làm đau ba mặt kia trong cõi vô hình.
Thơ Đường cách ta trên nghìn năm, lại xa hàng nghìn cây số vậy mà có bài thơ cho đến nay vẫn không cũ mà còn thời sự nữa.
LẠC ĐỆ
ĐƯỜNG THANH THẦN
Lạc đệ viễn quy lai
Thê tử sắc bất hỉ
Hoàng khuyển diệc hữu tình
Đương môn ngọa dao vĩ.
THI HỎNG
Thi hỏng, từ xa về
Vợ con đều rầu rĩ
Chó vàng lại có tình
Vẫy đuôi mừng từ cửa.
(NVT dịch)
Sĩ tử hỏng thi, vất vả mưa nắng hàng ngàn dặm trở về. Lẽ ra thấy chồng, cha về thì cả nhà mừng vui chứ, sao lại ủ ê để người đi xa về thêm tủi hổ? May mà có con chó vàng có tình, vẫy đuôi đón chào từ cửa. Hai câu sau tạo nên sự bất ngờ thú vị gợi cho người đọc suy nghĩ về lẽ đời, tình người, tình của con vật.
Trở lại thơ ca cổ Việt Nam:
Gặp đây mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
-Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.
Bài ca dao trên chắc chắn không phải nhằm mục đích hỏi về cái vườn hồng nào đó, mà hỏi về chuyện khác cơ. Chuyện gì thì chắc ai cũng biết. Vậy là bài ca dao trên nói đào mận là để hò hẹn chuyện nhân duyên. Thơ, hay nhiều bài ca dao thường không nói trực tiếp mà thông qua các gián cách thẩm mỹ, tức là sử dụng phương pháp ẩn dụ với những tương quan tương đồng, nói thế này để hiểu ra thế khác. Đây là đặc điểm quan trọng của cấu tứ. Một số bài ca dao khác như “Con cò”, “Thằng Bờm”, về thơ thì bài “Bánh trôi”, “Con ốc nhồi” của Hồ Xuân Hương, bài “Thề non nước” của Tản Đà, bài “Nhớ rừng” của Thế Lữ, “Thuyền và biển” của Xuân Quỳnh, bài “Hai nửa vầng trăng” của Hoàng Hữu… là những ví dụ tương tự.
Qua bốn dẫn chứng trên ta thấy: bài Bẽn lẽn nổi bật yếu tố khác thường (1); bài Tháp Bayon nổi bật yếu tố đột biến (2); bài Thi hỏng nổi bật yếu tố bất ngờ (3); bài ca dao nổi bật yếu tố ẩn dụ, nói thế này để hiểu ra thế khác (4). Đó là các yếu tố chính tạo nên tứ thơ.
Ba yếu tố Khác thường – Đột biến – Bất ngờ có thể uyển chuyển đổi thay, nhưng yếu tố thứ tư ẩn dụ nói thế này để hiểu ra thế khác thì thường là quán xuyến tất thẩy. (1+4; 2+4; 3+4; n+4…).
Xin tóm tắt mua vui về nghệ thuật cấu tứ bằng bốn dòng lục bát “giống như thơ” (chứ không phải thơ):
Khác thường – Đột biến – Bất ngờ
Nói đào mận, để hẹn hò trầu cau
Thiếu câu: “Thi tứ hàng đầu”
Nàng thơ cao giá khó câu được về.
2. Bốn hình thức cấu tứ phổ biến:
Tìm hiểu nghệ thuật thơ mới đây, tôi thấy có 4 hình thức cấu tứ phổ biến.
Một. Cấu tứ chủ đề
Các bài thơ và ca dùng làm dẫn chứng ở phần 1, bài nào cũng nhất quán một chủ đề rất chặt chẽ, đó là cấu tứ chủ đề. (Sách “Đi tìm mật mã thơ” gọi là cấu tứ chặt). Có khi bài thơ xuất hiện do một người “ra đề”:
Một lần dự đám cưới, tôi ngồi cạnh nhà thơ Thanh Tùng. Khi cô dâu chú rể đến chào, chụp ảnh, chú rể nói: “Giá được nhà thơ Thanh Tùng tặng bài thơ thì chúng em sướng lắm”. Trước sự “ra đề” đột ngột quá, chắc Thanh Tùng cười cho qua, hẹn khi khác chứ bia rượu ồn ào thế làm sao có thơ được. Nhưng không, sắc mặt Thanh Tùng chuyển đổi một chút, tay vẫn cầm đôi đũa, anh đọc:
Chúc hai em
với đôi đũa ngắn
gắp được miếng hạnh phúc từ xa.
Cả bàn tiệc giật mình vỗ tay, một tứ thơ độc đáo đúng là một khám phá. Mấy ngày sau chúng tôi nhận được quà tặng: tấm ảnh cưới có bài thơ ngắn ấy in ở dưới. Một kỷ niệm thơ rất đáng ghi nhớ.
Các nhà thơ nước ngoài họ vận dụng yếu tố khác thường mạnh và sắc gói gọn trong một chủ đề chặt chẽ. Một bài thơ tình của Nadim Hikmet:
Ta yêu nơi em cái xa vời rộng cao
Ta yêu nơi em cái không thể nào đạt tới
Và khi ta nhễ nhại, đói ăn, điên dại
Ta có nỗi mê mải của kẻ đi săn để cắn vào thịt em.
Thơ Việt truyền thống hầu hết là mang hình thức cấu tứ chủ đề.
Hai. Cấu tứ cảm giác
Thơ đổi mới và cách tân không ít trường hợp có cấu tứ cảm giác. (Sách “Đi tìm mật mã thơ” gọi là cấu tứ lỏng).
Một nhà thơ rất sở trường cấu tứ chủ đề nhưng đôi khi anh cũng thử nghiệm cấu tứ cảm giác:
CUỐI NĂM
HỮU THỈNH
Gió sao là lạ. Mây khang khác
Không hiểu. Hay là nhịp cuối năm
Hôm qua thì tiếc. Mai thì sợ
Tuột cương. Trăng cũ lại sang rằm.
“Hữu Thỉnh không dụng công vào hình ảnh, hình tượng mà để tâm trạng giãi bày tự nhiên. Với chất liệu như vậy, nếu bản lĩnh yếu, tay nghề non, bài thơ rất dễ bị nhạt và rời rạc. Như một nghệ sĩ xiếc, anh đi trên sợi dây thơ buộc hờ chông chênh, mỏng manh, vượt qua sự hồi hộp lo âu của khán giả, anh đã đến đích một cách hoàn hảo” (Sách đã dẫn tr 83). Đồng cảm với tác giả, ta hiểu đó là phút giây tâm thức bừng nở, khai thị thần khởi, hiển lộ thi ảnh trong vô thức. Bài thơ luôn để lại những dư trấn cảm giác bềnh bồng và lắng sâu mỗi khi hiện hữu.
Loại thơ này thường mang nhiều dấu ấn tiềm thức, tâm linh.
NHẬT KÝ
LÃNG THANH
Len theo các đường cong chậm rãi, sự lãng quên trườn lên thang gác trọ,
như những bông hoa tím nhỏ...
(Vai nàng ấm từng giọt mồ hôi, đôi mắt nàng trong như mới khóc)
Nuông chiều tình yêu như đang nâng niu chiếc bình gốm cổ: đẹp và lười biếng.
Lũ lộc vừng nằm khoanh dưới bầu trời no bụng.
Vậy còn hơi thở nào buốt giá, tim óc lạnh như thép?
Em ngắt khỏi cây bông hoa đẹp nhất,
Đó cũng là cách em tin vào tình yêu của anh.
Mỗi dòng thơ như những mảnh vỡ của cuộc đời được đặt một cách tình cờ, có vẻ như chả ăn nhập gì với nhau. Ta tạm hiểu đó là một trạng thái tâm hồn trước ngưỡng cửa cuộc đời và tình yêu đang có nhiều lo âu bất ổn chăng? Hay cuộc sống vận động với tốc độ ngày càng vội vàng, lắm chông chênh, ngổn ngang nghịch lý? Nhiều giá trị bị thay đổi chưa lý giải được chăng? Hay tác giả dành nhiều khoảng trống mỹ cảm để người đọc tự liên tưởng? Kết cấu bài thơ tuy có vẻ rời rạc nhưng vẫn có sự gắn kết bằng một nguồn mạch ẩn kín.
Hai bài thơ của Hữu Thỉnh và Lãng Thanh thuộc loại thơ không liền mạch (khác với thơ truyền thống hầu hết là liền mạch, những bài thơ, ca làm ví dụ ở phần 1 cũng vậy). Loại thơ có cấu tứ cảm giác này nếu phải tìm chủ đề và tứ thơ thì không dễ chút nào và dễ gây tranh cãi bởi không phải chỉ có một cách hiểu mà nhiều cách hiểu, ấy là chưa kể nhiều trường hợp khó hiểu. Kết thúc bài thơ thường là mở ra chứ không đóng vào.
Trong số các nhà thơ lớp trước thì Bùi Giáng hay dùng cấu tứ cảm giác. Có khi cả bài ông toàn nói những chuyện chả đâu vào đâu nhưng xem kỹ vẫn có thể có cái gì đó để ta chiêm nghiệm. Đó là bí ẩn của tài năng. Các nhà thơ trẻ Lãng Thanh hay Hoa Níp gần đây cũng vậy.
Nhiều nhà thơ đoạt giải Nobel danh giá cũng từng sử dụng cấu tứ cảm giác như Rabindranath Tagore, Joseph Brodsky, Octavio Paz, Wislawa Szymborska… Nhưng số lượng những bài thơ cấu tứ chủ đề của họ vẫn chiếm nhiều hơn một cách áp đảo. Nhà thơ Thụy Điển Tomas Transtromer Nobel 2011 thì hầu như không sử dụng cấu tứ cảm giác mà toàn là cấu tứ chủ đề.
Vậy cấu tứ chủ đề và cấu tứ cảm giác, bên nào ưu thế hơn? Xin thưa: 50 – 50. Ca khúc Trịnh Công Sơn thuộc dòng nhạc ballade, thiếu vắng cao trào, hơi đều đều dàn trải nhưng đâu có thua kém gì dòng nhạc khác? Thiếu vắng cao trào nhưng giai điệu phải độc đáo lắng sâu, ca từ phải thấm đẫm minh triết và say đắm lòng người. Tương tự như thế, cấu tứ cảm giác tưởng dễ mà khó, khó bởi mỗi câu, hay cặp câu phải là một chi tiết độc đáo, hay ý tưởng sâu sắc mới lạ, có khả năng đứng riêng biệt đủ để người ta dừng lại nghĩ suy, chiêm nghiệm. Bài thơ của Hữu Thỉnh trên đây chỉ nửa câu cũng đứng độc lập được. Bài dưới của Lãng Thanh cũng vậy: “sự lãng quên trườn lên thang gác trọ”, “đôi mắt nàng trong như mới khóc”…
Ba. Cấu tứ định đề
Nhà thơ Karl Lubomirski hiện là Chủ tịch Hội Văn bút Công quốc Lichtenstein tạo nên tứ thơ độc đáo trong bài thơ ngắn:
TÔI Ở CÁCH XA TÔI
Tôi ở cách xa tôi
Xa đến nỗi, nếu em không đến đó
Không cuộc đời nào đến được với tôi đâu.
(Quang Chiến dịch)
Cái lạ và “phi lý” ở câu thứ nhất tạo nên sự khác thường; câu thứ hai và ba đột biến và bất ngờ gợi điều gì đó khiến người đọc phải dừng lại “tò mò” tìm hiểu. Bài thơ nêu một triết lý nhân sinh nhẹ nhàng, kín đáo “nếu không có em thì chính tôi cũng chẳng đến được với tôi, có khi tôi cũng “vô tích sự” chẳng ra cái đồ gì”. Ấy là tôi diễn nôm một cách đơn giản cũng đã thấy thú vị, chứ thực ra còn có ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều. Không tin, bạn cứ nghĩ thêm sẽ thấy.
NẾU HÒN SỎI NÓI
BERTOLT BRECHT
Khi bạn tung hòn sỏi lên trời
Hòn sỏi nói: Tôi sẽ rơi về đất
Bạn tin hòn sỏi kia nói thật.
Nếu có ai ném bạn xuống nước
chắc chắn bạn sẽ bị ướt.
Nếu có cô gái viết thư và hẹn giờ đến gặp
Thì bạn chớ vội tin
Vì đó không phải là tất yếu của tự nhiên.
(Mai Lược dịch)
Nét đặc sắc ở bài này là sự phi lý khó tưởng tượng: Hòn sỏi tất nhiên không thể nói được, thế mà nhà thơ lại xui ta: “bạn tin hòn sỏi kia nói thật”. Còn cô bạn gái gần gũi viết thư hẹn, việc ấy trên cả mức tuyệt vời thì ông lại bảo: “chớ vội tin”. Cốt lõi bài thơ này ở câu cuối “Vì đó không phải là tất yếu của tự nhiên”.
Nếu bài trên là định đề khép thì bài dưới là định đề mở.
Từ một ý tưởng có sẵn gần với triết học hoặc chính là triết học, nhà thơ tìm chi tiết thích hợp diễn đạt sao cho sinh động, hấp dẫn và thơ.
Có thể nói con đường của cấu tứ định đề là đi từ “lý luận màu xám” đến “cây đời xanh tươi”. Tuy lộ trình ngược chiều với cấu tứ chủ đề nhưng đều đạt tới đích, đó là thơ. Hai lộ trình bổ xung cho nhau làm cho thơ thêm chất trí tuệ bên cạnh thơ giàu cảm xúc.
Sang thế kỷ XXI, trong trào lưu đổi mới và cách tân, một số nhà thơ Việt Nam cũng đang sử dụng hình thức cấu tứ định đề như Mai Quỳnh Nam, Đặng Huy Giang…
Bốn: Cấu tứ phản đề:
Xin nêu vài chi tiết về phản đề trong thơ:
“Nhà em xa cách quá chừng
Em van anh đấy, anh đừng yêu em”
Xa cách - Nguyễn Bính.
Trong trường hợp này ta phải hiểu ngược lại.Hoặc ví dụ khác:
Cúc cù cu gáy từng đôi
Chim chớ làm ta nóng ruột
Cái con tú hú liên hồi
Ta ôm cuộc đời sao xuể
Thôi đừng gọi nữa chim ơi.
Ngoảnh lại mùa đông – CHẾ LAN VIÊN
Trong trường hợp này thì ta hiểu là nhà thơ rất vui mừng tìm thấy sự đồng cảm của những con chim chứ không phải trách chúng.
Hoặc câu thơ (tương truyền) của Cao Bá Quát:
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa (Một đời chỉ biết lạy hoa mai”.
Không ai thấy ông lạy hoa mai bao giờ nhưng hàng ngày gặp vua ông vẫn cúi đầu lạy thì ai có mặt lúc ấy đều thấy cả. Không lạy mà lạy (A), lạy mà không lạy (B). Nêu (A) để phủ định (B).
Sau đây là bài thơ có cấu tứ phản đề:
Nhắc làm chi chuyện hoa niên
Bây giờ mình đã hết duyên về già
Cảm ơn anh lại chơi nhà
Nhưng quên nhau mới thật là tương tri.
HOÀNG NHƯ MAI
Đã là “tương tri” thì nhớ nhau mới đúng chứ, sao lại nhắc khách “quên nhau”? Cái sự nhắc này rất lạ và ấn tượng mang tính triết lý về quá khứ và tương lai, về trách nhiệm của mỗi thế hệ… khiến chủ và khách càng “nhớ nhau” chứ không phải “quên nhau”.
Hoặc bài thơ của Đinh Thị Thu Vân:
XIN CUỘC ĐỜI CAY ĐẮNG CỨ NHIỀU HƠN
tuổi đôi mươi thanh khiết đã không còn
em vẫn lọc hồn em qua đắng chát
em vẫn lọc hồn em qua mất mát
qua rất nhiều rạn vỡ, cô đơn
em vẫn lọc hồn em qua đắng chát
em vẫn lọc hồn em qua mất mát
qua rất nhiều rạn vỡ, cô đơn
em vẫn yêu những khoảnh khắc bình yên
yêu tất cả những niềm vui bé nhỏ
hơn thế nữa, em yêu ngày sóng gió
xác xơ hồn, tàn phế giấc mơ đêm
yêu tất cả những niềm vui bé nhỏ
hơn thế nữa, em yêu ngày sóng gió
xác xơ hồn, tàn phế giấc mơ đêm
xin cuộc đời cay đắng cứ nhiều thêm
để em lọc hồn em dâng cây lá
dâng trời đất, dâng người thân người lạ
thanh khiết này huyết mạch dưỡng nuôi em
để em lọc hồn em dâng cây lá
dâng trời đất, dâng người thân người lạ
thanh khiết này huyết mạch dưỡng nuôi em
thanh khiết này anh có nhận không anh?
Trong trường hợp này thì ta phải hiểu là nhà thơ muốn cuộc đời mỗi ngày bớt đi nhiều cay đắng.Phủ định điều này để khẳng định điều kia; hoặc tưởng như phủ định, nhưng thực ra là để khẳng định mạnh mẽ hơn là thế mạnh của cấu tứ phản đề.
Cấu tứ phản đề thường hiếm gặp, có lẽ loại cấu tứ này dễ gây hiểu lầm là “biểu tượng hai mặt” chăng. Nhưng văn chương thì đa nghĩa mới hay, tức là chấp nhận biểu tượng nhiều mặt. (Lịch sử thi ca thế giới, một số thi tài phô diễn độc chiêu này được vinh dự lên đoạn đầu đài không hiếm). Trên thực tế khá đông độc giả dường như chưa quen với lối cấu tứ cao thủ này.
***
Cái hay của loại thơ cấu tứ định đề và phản đề là sự khám phá phát hiện đột biến bất ngờ từ một quang phổ của trí-tuệ lóe sáng. Thơ ấy tác động vào bộ-não-minh-tuệ trước tiên, rồi từ đó nó mới truyền đến trái-tim-đa-cảm.
Với bốn hình thức cấu tứ, sử dụng hình thức nào là tùy sở trường từng người và từ chính nội dung bài thơ.
3. Tứ thơ với quá trình hình thành bài thơ
“Trong quá trình sáng tác, thường thì cấu tứ được hình thành trước nhưng cũng có khi từ một chi tiết nào đó gợi ra, nhà thơ nắm bắt được, nâng niu vun đắp thành sự sống, nó cựa mầm, tách vỏ, câu thơ gọi nhau xuất hiện cùng lúc với cấu tứ” (Sách đã dẫn Tr 81). Trong lao động thi ca thì cấu tứ là công việc hàng đầu, quan trọng nhất và cũng khó khăn nhất, nó quyết định thành bại của bài thơ.
Tứ thơ là mô hình nghệ thuật sáng tạo cao nhất, các yếu tố: KHÁC THƯỜNG, ĐỘT BIẾN, BẤT NGỜ và ẨN DỤ là cụ thể hóa khái niệm “khám phá”. Trước một đối tượng, một đề tài, tôi thường đặt câu hỏi liệu có khám phá được điều gì khác thường, đột biến hay bất ngờ nào không? Dùng ẩn dụ nào cho đắc địa đây? Nhiều khi bí chưa tìm được đành gác bút, có khi loay hoay cả năm chả xong. Nhưng tìm hiểu, tôi thấy các bậc tài năng hầu như bất cứ đề tài nào, đối tượng nào họ cũng nhanh chóng tích hợp và biến hóa linh diệu những yếu tố trên và bài thơ hình thành như một ngẫu phát của hằng số sáng tạo. Hỏi bí quyết thì họ bảo “Phải khổ công rèn luyện thôi”.
Có lẽ các tài năng thơ luôn nhìn sự vật bằng logic khác thường với sự vận động đột biến, bất ngờ chăng? Hay cái chất con người, bản năng của họ đã vậy rồi? Nhưng điều này thì quá rõ, họ đọc nhiều, trải nghiệm nhiều và tu luyện công năng, kỹ năng ghê gớm, luôn có những khám phá phát hiện hết sức lạ lùng, kỳ diệu. Thơ của họ vì thế ấn tượng và ám ảnh, có sức sống vượt không gian, thời gian.
Về bốn hình thức cấu tứ: CHỦ ĐỀ, CẢM GIÁC, ĐỊNH ĐỀ và PHẢN ĐỀ cũng như các yếu tố của cấu tứ còn cần nghiên cứu kỹ hơn, rất mong các nhà thơ, các bạn khác cùng tham gia, trao đổi để cùng chiêu tuyết cho dung nhan của Nàng Thơ ngày một mỹ ái.
TP. Hồ Chí Minh giáp Tết Đinh Dậu
N.V.T
Chép lại từ trang vanvn.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét